“Song kiếm hợp bích” giữa chiến cơ F-35 Mỹ và “rồng lửa” S-400 Nga?
Trang tin Defence New cho biết, Mỹ có thể sẽ xem xét về việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận một số phương án triển khai “rồng lửa” S-400 của Nga mà Mỹ đưa ra.
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và tổ hợp phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Topwar
Việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận bị loại khỏi chương trình F-35 để mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 “Triumph” của Nga đã gây ra những căng thẳng trong mối quan hệ giữa Ankara và Washington, thậm chí sự việc này có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO.
Defence New cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể mang đến một chiến thắng chính trị hoàn toàn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc chia rẽ NATO.
Thực tế đã cho thấy, Ankara và Washington đang đối đầu nhau sau khi các tổ hợp phòng không S-400 đầu tiên được Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đó, Mỹ đã từ chối cung cấp cho Ankara các máy bay chiến đấu F-35. Các chuyên gia không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tính đến trường hợp rời khỏi NATO.
Nếu không có gì thay đổi, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ. Nga đã đề xuất cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ các máy bay chiến đấu Su-35 thế hệ 4 như một sự thay thế khả thi cho F-35.
Video đang HOT
Thượng viện Mỹ yêu cầu Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Ankara. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tấn công những đồng minh của Mỹ ở Syria, đồng thời không cho Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự trên lãnh thổ đất nước mình.
Nói về việc kết hợp các tổ hợp phòng không S-400 và chiến đấu cơ F-35, theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, có ba mối nguy hiểm chính trong việc triển khai chung các tổ hợp phòng không Nga và máy bay chiến đấu Mỹ.
Đầu tiên là việc các radar của S-400 sẽ có thể liên tục theo dõi F-35 và thu thập thông tin về chúng, điều này sẽ làm mất đi lợi thế tàng hình của máy bay chiến đấu Mỹ. Thứ hai, F-35 là một thiết bị bay còn S-400 là một vũ khí mặt đất. Nếu hai cỗ máy này được kết hợp, các công nghệ bí mật của máy bay chiến đấu Mỹ có thể sẽ bị rò rỉ. Thứ ba, việc tích hợp S-400 vào hệ thống phòng không của NATO sẽ tạo điều kiện để Nga có thể tìm hiểu bí mật của các hệ thống do thám và trinh sát trên không của liên minh.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia Mỹ đã đưa ra một vài giải pháp. Phương án đầu tiên là Mỹ có thể hoãn giao các máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi các chuyên gia Nga rời khỏi đất nước này, và NATO sẽ được phép tiếp cận các tổ hợp S-400 với sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ. Một phương án xử lí khác là Thổ Nhĩ Kỳ phải cam kết tắt hoạt động của hệ thống phòng không Nga khi F-35 thực hiện các chuyến bay trong khu vực có sự hiện diện của hệ thống phòng không này. Giải pháp cuối cùng là không kết nối S-400 với các hệ thống phòng không của liên minh.
Theo các chuyên gia Mỹ, điều này sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của S-400, nhưng đây là “một phần của cái giá mà Erdogan sẽ phải trả”.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý với các điều kiện trên, Mỹ sẽ xem xétđể Ankara quay lại chương trình mua máy bay chiến đấu F-35.
Theo Linh Lan/Thời đại
Rồng lửa S-400 và ván cờ tay ba Mỹ-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ với NATO
Vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thoả thuận với Nga hồi năm 2017 về mua hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga giống như một ván cờ tay ba giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Mỹ cùng với Nato.
Hệ thống phòng không rồng lửa S-400 của Nga.
Sau khi cả ba phía đều đã nhiều lần tiến rồi lùi, công rồi thủ, kết cục đến thời điểm hiện tại là Nga đã cung ứng loại hệ thống tên lửa này cho Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn giải theo cách khác thì như thế có nghĩa là Nga được lợi đơn ích kép và Mỹ với Nato đã bị mất cả chì lẫn chài còn Thổ Nhĩ Kỳ thì đương nhiên không chỉ có được và cũng chẳng phải chỉ bị thiệt.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Nato và không có gì là khó hiểu khi phải có lý do và lợi ích gì đấy rất cơ bản thì Thổ Nhĩ Kỳ mới quyết định chọn sản phẩm của Nga chứ không phải hệ thống Patriot của Mỹ. Xem ra, ở đây chỉ có thể có 3 nguyên do.
Thứ nhất là giá cả. Hệ thống Patriot của Mỹ không phải không tốt đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ là quá đắt đối với nước này. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không hạ giá bán nó cho Thổ Nhĩ Kỳ thì người kế nhiệm là ông Donald Trump với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" lại càng không khi nào chịu bán nó rẻ hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sản phẩm của Nga vì thế trở thành sự lựa chọn thay thế.
Thứ hai là thực trạng quan hệ không được ổn thoả giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Gia tăng áp lực, doạ dẫm và răn đe, trừng phạt.... đều được ông Trump vận dụng hết đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho dù hai nước đều là thành viên Nato và có quan hệ đồng minh gắn bó truyền thống từ nhiều thập kỷ nay. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ cần có con chủ bài mới để chơi ván bài đối trọng trong quan hệ với Mỹ. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lại có quan hệ hợp tác rất hiệu quả và tin cậy. Trong chuyện này, Thổ Nhĩ Kỳ dễ cùng hội cùng thuyền với Nga hơn là với Mỹ và Nato.
Thứ ba là lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ ở mức độ không nhỏ về rủi ro Mỹ sử dụng việc mua bán vũ khí này can thiệp vào chuyện nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Chậm nhất thì cũng từ thời điểm sau khi thoát hiểm khỏi cuộc đảo chính quân sự cách đây 3 năm, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phải nhận ra và ý thức được về khả năng nguy hiểm và rủi ro đối với chính mình từ việc Mỹ có thể thông qua giới quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ tác động trực tiếp, thậm chí cả can thiệp nữa, vào chuyện quyền lực nội bộ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan kiên định thực hiện thoả thuận mua tên lửa của Nga rõ ràng còn nhằm mục tiêu vừa giảm bớt sự lệ thuộc vào cung ứng vũ khí của Mỹ vừa gây dựng con chủ bài mới trong quan hệ với Mỹ, Nato và EU. Với cách đối xử Thổ Nhĩ Kỳ như trong thời gian vừa qua, chính Mỹ đã làm cho Mỹ dễ bị thua Nga ở chuyện cụ thể này.
Nga dễ thắng bởi cơ hội không cần cầu ước cũng có được. Chính Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa lại cơ hội cho Nga. Sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ là nước thứ hai được Nga bán cho hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này và là thành viên đầu tiên của Nato mua vũ khí của Nga. Không phải Nga không biết mưu tính của Thổ Nhĩ Kỳ với phi vụ mua bán vũ khí này. Nga để cho Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng Nga làm đối trọng trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Nato và EU bởi Nga có thể thu về được 3 cái lợi lớn vừa thiết thực hiện tại vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với Nga.
Thứ nhất là lợi ích từ buôn bán vũ khí. Không có hình thức quảng cáo nào đưa lại hiệu quả tối ưu cho loại sản phẩm này của Nga bằng việc bán được nó cho thành viên của liên minh quân sự coi Nga là kẻ thù. Thoả thuận mua bán này giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là trường hợp điển hình nhất và thuyết phục nhất về việc bỏ ra chi phí thấp nhất mà thu về được hiệu quả cao nhất.
Thứ hai là phân rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Nato và EU. Việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thoả thuận này bất chấp mọi phản đối và cản phá, lo ngại và can thiệp của Mỹ và Nato đã khiến Mỹ và Nato không còn có thể tiếp tục tin cậy Thổ Nhĩ Kỳ về chính trị, quân sự và an ninh như trước. Mỹ càng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ thì làm cho sự phân rẽ này càng thêm trầm trọng và càng thêm có lợi cho Nga.
Thứ ba, thoả thuận này không chỉ đơn thuần thúc đẩy và thắt chặt quan hệ giữa hai nước mà còn là tầm vóc và chất lượng mới của mối quan hệ ấy. Nó làm thay đổi rất cơ bản vị thế và ưu thế về địa chiến lược cho Nga và về quân sự cho cả hai nước ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Nói theo cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giúp nhau có được vị thế, ảnh hưởng và vai trò to lớn hơn và quyết định hơn trong việc giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra lâu nay đối với khu vực này nói chung và các nước trong khu vực nói riêng.
Trong chuyện này, Thổ Nhĩ Kỳ không thể không phải trả giá và phải chấp nhận rủi ro nhất định, nhưng rõ ràng cái lợi thu về được vẫn hơn hẳn. Và Nga đã thành công với nước cờ chiến lược mới trong cuộc chơi vương quyền với Mỹ và Nato cũng như trong việc thực hiện những mục tiêu chiến lược ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Theo Danviet
Vì sao S-400 Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ cần 10 tháng để triển khai? Đích thân Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiết lộ, 8 máy bay vận tải chở đầy các bộ phận của hệ thống phòng không tối tân S-400 do Nga sản xuất đã đáp xuống Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống S-400 sẽ được lắp đặt xong vào tháng 4/2020. Một câu hỏi đặt ra là, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại mất nhiều thời...