Sống khỏe lúc giao mùa
Thời tiết không ngừng thay đổi, nắng mưa thất thường là lúc chúng ta cần chú ý phòng tránh ảnh hưởng ngoại cảnh đến sức khỏe con người, đặc biệt là lên trẻ em và người lớn tuổi.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, làm sạch môi trường và phòng bệnh đúng cách để sống khỏe trong mùa mưa nắng thất thường. Ảnh: Pixabay.
Khi giao mùa, thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh. Đây là lúc, nhóm bệnh đường hô hấp hoặc ngoài da như dị ứng, viêm da… vốn dễ lây lan có cơ hội bùng phát.
Điều chỉnh, giữ vệ sinh môi trường sống
Bác sĩ Dương Anh Phượng, Khoa Nội tổng quát, bệnh viện quốc tế City, cho biết để chủ động phòng tránh bệnh khi nắng mưa thất thường thì không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không nên để quạt thổi thẳng, cố định vào người. Nên để nhiệt độ trong phòng không cách biệt quá 5 độ C với nhiệt độ bên ngoài. Vệ sinh không gian sống thật sạch sẽ. Cung cấp đủ nước cho cơ thể để giúp duy trì thân nhiệt ổn định. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C bằng cách uống hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, hạn chế tiêu thụ chất cồn và thuốc lá.
Theo bác sĩ Phượng, nên vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý hai lần mỗi ngày. Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay sau khi tiếp xúc người bệnh cảm cúm hay bệnh đường hô hấp. Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Đặc biệt thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời tùy theo thể trạng để tăng cường hệ miễn dịch, sự dẻo dai, giúp tinh thần sảng khoái, lạc quan. Điều cuối cùng là nên tiêm vắc xin phòng cúm, là cách để ngừa bệnh cúm hiệu quả.
Chú ý về dinh dưỡng
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng hệ thống miễn dịch và các thành phần thức ăn hằng ngày có mối quan hệ chặt chẽ. Các loại gia vị như hành tây, tỏi, gừng… là một trong những gia vị không những kích thích giúp vị giác cảm giác ngon miệng hơn mà còn chứa hàm lượng các chất chống oxy hóa và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó không thể thiếu các loại rau củ, ngũ cốc, trái cây và các sản phẩm từ sữa, sữa chua, trà xanh, mật ong các sản phẩm có chứa probiotics (vi khuẩn có lợi cho hệ miễn dịch).
Video đang HOT
Ngoài ra, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung vitamin C có tác dụng chống lại hoạt tính của histamin, một chất gây dị ứng mạnh, giảm được hiện tượng nổi mề đay, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng để cơ thể chống lại vi khuẩn. Ngoài ra, nên bỏ rượu, hạn chế uống cà phê hằng ngày và các chất gây kích thích khác. Các chất này có thể làm giảm sức đề kháng, gây mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cảm cúm: Cảm lạnh thông thường và cúm là hai bệnh khác nhau. Cúm do vi rút gây ra, thường làm bệnh nhân sốt cao hơn, khiến cơ thể đau nhức, mệt mỏi nhiều hơn. Mầm bệnh là các virus cúm lây trực tiếp do tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày với những người mắc bệnh. Virus này phát triển rất nhanh trên cơ thể có hệ miễn dịch yếu. Ở các đối tượng như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai do sức đề kháng kém nên bệnh dễ trở nặng, diễn tiến nhanh chóng làm suy hô hấp, đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo phụ huynh khi thấy trẻ có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, ngủ li bì, ho thì nên đưa trẻ đi khám ngay. Thời tiết trở lạnh, khi đưa trẻ đi học vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối nên giữ ấm cho trẻ. Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người.
Viêm họng: là bệnh khá phổ biến ở người già và trẻ em. Thời tiết giao mùa khiến bệnh viêm họng xuất hiện nhiều. Triệu chứng rất dễ nhận biết là sốt; đau họng khi ăn, nuốt nước bọt; xuất hiện những cơn ho do bị kích ứng đường hô hấp; hạch cổ sưng; sổ mũi… Theo các bác sĩ nếu trường hợp chỉ đau, ngứa họng gây khó chịu thì có thể điều trị ở nhà bằng cách súc miệng bằng nước muối để giảm đau và chống nhiễm trùng. Ngoài ra nên dùng các gia vị như tỏi, gừng… và tăng cường uống vitamin C để tăng sức đề kháng. Nếu bệnh không thuyên giảm thì nên đến cơ sở y tế để khám bệnh.
Viêm phế quản và viêm phổi: Thời tiết thay đổi trẻ rất dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn. Viêm phế quản thường không quá nguy hiểm nhưng nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Viêm phổi là một trong những bệnh đường hô hấp nguy hiểm khi nhiệt độ giảm sâu về đêm. Nếu viêm phổi gây ra do vi khuẩn thì phải điều trị bằng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi dùng kháng sinh trẻ phải nạp đủ toàn bộ liều bác sĩ đã kê cho trẻ kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Không được ngưng thuốc sớm hơn chỉ định của bác sĩ.
Pháp Từ
Theo SGTT
Những lưu ý để hạn chế bị bệnh, ngộ độc thức ăn khi đi du lịch mùa nắng nóng
Với thời tiết nắng nóng trên diện rộng như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi du lịch cần lưu ý đến những vấn đề sức khoẻ như thay đổi nhiệt độ, thực phẩm...
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột
Theo các bác sĩ, tùy vào mức độ tiếp xúc với thời tiết nắng nóng ra sao, nhiệt độ môi trường xung quanh như thế nào, thời gian bao lâu, công việc nặng nhọc hay không... thì các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Du lịch vào mùa nắng nóng là tác nhân gây nhiều loại bệnh. Ảnh: HT.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết, những người đi du lịch trong mùa hè phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều... dễ bị mất muối và nước. Khi mất muối và nước quá nhiều, nếu không bổ sung kịp sẽ làm nước trong lòng mạch máu giảm đi, làm giảm huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng, khiến cho lưu lượng máu lên não giảm, gây triệu chứng ngất xỉu. Hoặc khi đi du lịch, đến nơi có thời tiết nắng nóng hơn nhiều so với thường ngày, ở trong phòng máy lạnh lâu và đột ngột di chuyển ra môi trường nắng nóng người dân thường xuất hiện tình trạng phù do nhiệt.
Ngâm mình dưới nước lâu cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp và các bệnh về da. Anh: HT.
Bác sĩ Dương Anh Phượng, khoa Nội tổng quát, bệnh viện Quốc tế City TP Hồ Chí Minh, cho biết thời điểm nắng nóng khiến nguy cơ các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh hô hấp mùa nắng nóng là do các gia đình thường mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp dẫn đến khô vùng mũi họng, làm khô các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập và gây bệnh.
Trẻ em dưới 6 tuổi thường có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp rất cao. Do đó, bác sĩ Phượng khuyến cáo phụ huynh khi đưa trẻ đi chơi xa dưới thời tiết nắng nóng cần bảo vệ kỹ cho trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu khác thường, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Ngoài ra, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ, nhất là các bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp.
Lưu ý về chế độ ăn uống và các bệnh tiêu hóa
Kỳ nghỉ lễ kéo dài, mọi người thường có xu hướng đi chơi xa, liên hoan, họp mặt... đây chính là thời cơ thuận lợi cho những bệnh về đường tiêu hóa. ThS.BS Nguyễn Văn Nhôm, Phó khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Quốc tế City cho biết, trong những bữa tiệc sum họp gia đình thường có đồ ăn chứa nhiều chất béo, bột đường cùng rượu, bia đều tạo điều kiện cho những cơn đau dạ dày xuất hiện, nhất là những người đã có tiền sử đau dạ dày. Bên cạnh đó, việc ăn uống thất thường và liên tục nạp vào cơ thể những thứ "khó tiêu" khiến dạ dày phải liên tục làm việc để tiêu hoá, từ đó kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit hơn bình thường, gây tác động đến lớp niêm mạc dạ dày, viêm loét, ợ chua, đau bụng và buồn nôn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Khi đi du lịch, người dân cần chú ý đến việc đảm bảo ăn uống đủ số lượng, chất lượng, vệ sinh và hợp khẩu vị. Nên ăn những thức ăn giàu nhiệt lượng, nhưng phải dễ tiêu, thức ăn có đủ rau và hoa quả tươi. Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát mới uống và nên uống các loại nước có thành phần muối khoáng. Bên cạnh đó, người dân nên ăn uống đúng giờ để tránh làm ảnh hưởng đến dạ dày. Không mang theo thức ăn hoặc chỉ mang rất ít vì trời nóng rất dễ làm đồ ăn mau hỏng.
Che nắng và chú ý các bệnh về da
Bác sĩ Hậu cho biết thêm, người dân cần mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10 giờ đến 16 giờ, nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút.
Cũng theo bác sĩ Hậu, cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột thì trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục. "Do đó, chúng ta không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, để khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe", bác sĩ Hậu khuyến cáo.
Bên cạnh đó, người dân cũng nên chú ý đến các bệnh lý về da. Khi nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn, đặc biệt ở trẻ em hay người già, lớn tuổi mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị lở loét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn...
Đan Phương
Theo Báo Tin tức
Bệnh cúm tăng bất thường, nhiều ca nhập viện trong tình trạng rất nặng Độ ẩm cao, thời tiết nắng mưa bất thường đã khiến virus cúm bùng phát. Cúm không chỉ tăng bất thường ở trẻ em mà còn tăng ở người lớn, bà mẹ mang thai. Đã có nhiều ca rất nặng phải nhập viện, có ca suy hô hấp, suy đa phủ tạng, phải chạy ECMO- hệ thống tim, phổi nhân tạo ngoài cơ...