Sống chung với… voi rừng
Voi rừng hung dữ, từng quật chết người, lang thang vào khu dân cư ở Vĩnh Cửu, Định Quán (Đồng Nai) để kiếm ăn, gây tâm lý bất an cho người dân..
Trong khi đó, dự án bảo tồn để bảo vệ đàn voi rừng đang diễn ra ì ạch, cho dù xung đột giữa voi và người ngày càng căng thẳng với tần suất dày đặc.
Voi giết người xuất hiện
Mới đây, ngày 20.9, một con voi có cặp ngà lệch, nặng khoảng 6 tấn, xuất hiện xuất hiện tại xã Thanh Sơn (H. Định Quán) từ nửa đêm về sáng để phá hoại hoa màu và tìm thức ăn. Đây là con voi được xem là hung dữ nhất trong đàn voi rừng còn sót lại tại Đồng Nai. Sau khi bị xua đuổi, con voi xuống khu vực Suối Rưng kiếm thức ăn và lẩn vào rừng.
Voi rừng ngà lệch xuất hiện tại xã Thanh Sơn ngày 20.9 – Ảnh: Kim Cương
Bà Lý Thị Đậu (người dân xã Thanh Sơn) cho biết: “Vào tháng 11.2011, tại tiểu khu 1B Lâm trường I thuộc Công ty Lâm nghiệp La Ngà có một nhóm người lái 2 chiếc xe máy vào rừng bắt cá thì bị một con voi tấn công. Nạn nhân bị giẫm chết là anh Nguyễn Trần Vũ (26 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn). Ngoài ra, con voi này đã nhiều lần dẫn đầu đoàn voi khoảng 10 con, thường xuyên ra các khu người dân canh tác hoa màu để phá ngô, khoai, mía của dân”. Còn ông Đặng Văn Nhơn, trưởng ấp 2, xã Phú Lý (H. Vĩnh Cửu) bức xúc nói: “Con voi này đã từng nhiều lần vào ấp, cuốn sập 3-4 căn nhà, lục lọi tìm gạo, muối để ăn và tấn công người. Khiến cho dân làng ở đây phải thay phiên nhau ngủ, để canh chừng voi. Nếu thấy voi xuất hiện, sẽ đánh kẻng báo động để bà con cùng thức dậy xua đuổi voi rừng”. Theo UBND xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), nhiều lần voi vào tận nơi người dân ở, phá hoại hơn 20 ha bắp, mì, điều, xoài, gây thiệt hại hàng tỉ đồng của người dân.
Bảo tồn: Năm 2014 mới hoàn thành
Video đang HOT
Một cán bộ Hạt Kiểm lâm Định Quán cho biết, do những năm gần đây sinh cảnh sống của đàn voi bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm nên tình trạng xung đột giữa voi và người ngày càng gay gắt. Vài năm trở lại đây, voi thường xuyên vào các khu vườn của người dân sống ở vùng đệm khu bảo tồn phá hoa màu, cây cối. Từ năm 2009 đến 2011, trên các cánh rừng của tỉnh Đồng Nai đã có 9 con voi chết. Các chuyên gia bảo tồn lo ngại, với đà suy giảm như hiện nay thì nguy cơ tuyệt chủng đàn voi rừng ở khu vực rừng Đồng Nai là rất cao. Đặc biệt, lo ngại nhất là việc xung đột giữa voi và người với mật độ dày đặc sẽ không kiểm soát được việc nhiều người chọc phá, đánh, xua đuổi voi, vừa ảnh hưởng đến voi, vừa nguy hiểm cho người dân. “Hiện nay, người dân khi phát hiện voi rừng xuất hiện, thường dùng các phương pháp truyền thống như tẩm dầu vào vải để đốt lửa đuổi voi, ném bình gas nhỏ gây nổ để voi sợ. Tuy nhiên, do sau mỗi lần xua đuổi, voi dần quen với các phương pháp này, nên từ từ mức độ hung hãn càng tăng lên, dễ dẫn đến việc truy đuổi, tấn công người”, cán bộ kiểm lân này nói.
Để chủ động phát hiện voi từ xa, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã lập nhiều chòi canh có độ cao 20 mét, cử người trực gác thường xuyên. Nếu phát hiện voi vào gần nhà dân sẽ dùng còi điện, đèn chiếu để xua đuổi voi. Tại H. Vĩnh Cửu, người dân đã lập hẳn 1 đội phản ứng nhanh với voi rừng. Đội này có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động dân không ra vườn, thăm rẫy vào buổi tối, không được đốt lửa đuổi voi để đề phòng cháy rừng, đồng thời khi phát hiện voi cần phải có giải pháp xua đuổi ngay để tránh thiệt hại cho người dân.
Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, để bảo vệ đàn voi, Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt dự án hàng rào điện tử để bảo vệ voi với tổng số tiền đầu tư trên 9 tỉ đồng, dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cụ thể, hàng rào có chiều dài 30 km, sử dụng nguồn điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời hoặc điện lưới 220V. Khi voi đến gần, hàng rào này sẽ phát ra dòng điện từ 800 – 1.000V/ 10mA, làm điện giật voi nhưng không gây nguy hiểm cho người và động vật, mà mục đích để voi hoảng sợ rút vào rừng. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ cắm 1.500 biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí 8 cửa tại hàng rào để kiểm lâm và người dân có thể đi vào rừng thuận lợi.
Vào năm 2006, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn số 8659/UBND-CNN xây dựng dự án bảo tồn voi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, xảy ra một thời gian dài tranh cãi về kinh phí bảo tồn do trung ương hay địa phương. Đến giữa năm 2012, đề án bảo tồn đàn voi mới được thực hiện trở lại.
Theo TNO
Vào rừng U Minh Hạ tìm rắn hổ mây khổng lồ
Cái miệng nó đang ngậm con chồn, đong đưa nhè nhẹ ở lưng chừng cây tràm. Hai mắt nó mở to bằng hai quả trứng, đỏ lòm cách nhau tới gang tay.
Anh Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, là người có mấy chục năm gắn bó với rừng, nhưng vẫn chưa có cơ duyên được chạm mặt loài hổ mây khổng lồ, do đó, anh không dám khẳng định có loài hổ mây khổng lồ hay không. Bao nhiêu năm qua, anh chỉ gặp những chú hổ mây nặng vài ký, to bằng bắp chân mà thôi.
Khi tôi trình bày ý định xâm nhập khu rừng đặc dụng Vồ Dơi để tìm loài hổ mây khổng lồ, anh Thế hết mực khuyên can. Mấy mươi năm qua ăn ngủ với rừng, anh không gặp được hổ mây, thì chuyến đi một vài ngày của chúng tôi nào có ý nghĩa gì.
Vườn quốc gia U Minh Hạ .
Nhiều năm qua, cũng có một số đoàn nhà khoa học, thậm chí cả đoàn nghiên cứu nước ngoài, đã ăn ngủ, làm việc trong rừng cả tháng trời, nhưng chưa từng có ai được tận mắt rắn khổng lồ.
Tuy nhiên, chúng tôi thể hiện quyết tâm muốn vào sâu rừng đặc dụng Vồ Dơi, phần lõi của Vườn quốc gia U Minh Hạ, nơi còn nguyên sơ nhất của cả vùng miền Tây Nam Bộ. Dù không gặp được hổ mây to như khạp da bò, phóng như bão cuốn trên đọt tràm, song cảm giác được vào "vương quốc rắn khổng lồ" đi tìm loài rắn nửa thực nửa hư cũng vô cùng thú vị. Ít ra có thể cũng được tận mắt nhiều loài động, thực vật đặc trưng của rừng tràm.
Trước quyết tâm của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thế đã tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi có được một chuyến xuyên rừng Vồ Dơi.
Những cây tràm trong rừng Vồ Dơi đều bị dây leo trùm kín.
Đoàn thám hiểm chúng tôi gồm có anh Nguyễn Huân, người Cà Mau, nhà báo Nam Giao (Tạp chí Thế giới mới, văn phòng Cần Thơ). Nhà báo Nam Giao là người từng có nhiều lần tìm hiểu về U Minh Hạ.
Anh Nguyễn Huân là một nhà doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Anh có nhiều điền trang ở vùng U Minh và rất háo hức nghiên cứu về rắn hổ mây khổng lồ. Bản thân anh đã từng được nghe vô số chuyện về rắn hổ mây khổng lồ, nhưng cơ may được tận mắt loài rắn này vẫn chưa đến với anh.
Chúng tôi còn được anh Nguyễn Tấn Truyền, cán bộ khoa học của Vườn quốc gia U Minh Hạ dẫn đường vào đại ngàn Vồ Dơi tìm rắn hổ mây khổng lồ. Máy ảnh, máy quay chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Đại anh Huân còn chuẩn bị cả máy quay laze để quay cảnh ban đêm, với mong muốn ghi lại sắc nét các loài vật trong bóng đêm U Minh Hạ.
Anh Nguyễn Huân - người cùng đoàn thám hiểm vào đại ngàn U Minh Hạ.
6 giờ sáng, khi mặt trời đỏ lòm ở đường chân trời, thì chúng tôi đã nai nịt đầy đủ, dao phát mỗi người một con, chui qua cổng vườn quốc gia nhằm con đường mòn hướng vào rừng Vồ Dơi.
Cuốc bộ đến rạc cẳng, mặt trời treo trên ngọn tràm, thì một cái chòi canh xuất hiện. Tôi hỏi anh Truyền: "Rừng rậm um tùm thế này thì chắc đây là lõi rừng Vồ Dơi rồi anh nhỉ?". Anh Tấn Truyền cười bảo: "Nhà báo còn phải đi nửa ngày nữa mới đến vùng lõi. Đây mới chỉ là vùng đệm thôi".
Chúng tôi tranh thủ trèo lên chòi canh. Chòi canh cao bằng ngôi nhà 10 tầng, vọt khỏi tán rừng tràm. Đứng trên chòi canh, nhìn ra tứ phía, chỉ thấy bạt ngàn tràm. Rừng tràm kéo dài đến tận đường chân trời.
Ở vùng đồng bằng sông nước mà giữ được một cách rừng rộng đến hơn 50 ngàn héc-ta, trong đó 1.600 ha bảo vệ nghiêm ngặt, không ai được vào, thì quả là kỳ công. Rừng tít tắp, hoang hoải thế này, thì đi tìm con rắn khổng lồ khó khăn có khác gì đi tìm cây kim. Gặp được rắn hay tìm được cây kim, thì cũng chỉ là cơ may mà thôi. Hành trình tìm rắn còn khó hơn trúng giải độc đắc.
Mới chụp được vài kiểu ảnh, anh Truyền đã giục chúng tôi lên đường cho kịp tới chốt kiểm lâm Cây Gừa.
Càng vào sâu, rừng tràm càng bạt ngàn, dây leo chằng chịt, bít lối. Những cây tràm bị loài dây leo bám kín, trông như thể cột trồng tiêu ở Tây Nguyên và Phú Quốc. Chim hót ríu ran, khỉ chuyền cành rào rào khi thấy bóng người.
Trời vừa nhập nhoạng tối, thì chúng tôi đến chốt Cây Gừa. Đợt này anh em kiểm lâm viên vào sâu trong rừng tuần tra, vừa đẩy đuổi các đối tượng vào săn bắt thú rừng, vừa kiểm soát tình trạng cháy rừng.
Do có hẹn trước từ lãnh đạo, nên anh Tuấn ở lại chốt tiếp chúng tôi. Những con cá lóc bắt từ kênh rạch trong rừng rất nhiều, giãy đành đạch được anh Tuấn ném vào đống than hồng. Khi chú cá lóc cháy đen, thì khều ra đập cho sạch tro. Món này gọi là cá lóc nướng trui, đặc sản của vùng U Minh Hạ.
Đại ngàn tràm Vồ Dơi rộng mênh mông
Rượu vẫn còn nửa can để ở gậm giường. Chúng tôi nhập cuộc nhanh chóng. Mỗi người chỉ uống vài chén, để không bị say, lại có thêm khí phách vào rừng đi tìm rắn khổng lồ.
Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1971, quê ở Bến Tre, nhưng theo cha mẹ về U Minh sinh sống từ năm 15 tuổi. Từ đó, anh gắn bó với rừng U Minh Hạ này, nên thuộc rừng lắm. Lớn lên lại làm kiểm lâm, ngang dọc rừng U Minh Hạ, chẳng còn chỗ nào không in dấu chân anh.
Bao năm đi rừng không có cơ may giáp mặt hổ mây, nào ngờ, mới đây, khi chuyện về hổ mây cứ rơi dần vào huyền thoại, vì ít người giáp mặt, thì anh và các đồng chí kiểm lâm ở chốt Cây Gừa lại được phen hú vía nhớ đời.
Loài rắn nhỏ xíu, có râu ở U Minh Hạ, nằm lọt thỏm trong lá khoai nước
Nhấp ngụm rượu, anh Tuấn kể: "Đêm ấy, 4 năm trước, chừng 8 giờ đêm, khi anh em vừa tan cuộc lai rai, đang ngồi khoanh chân trên chiếc giường độc nhứt, thì nghe tiếng kêu của con chồn.
Ở U Minh nhiều chồn lắm, nên tiếng kêu của nó chẳng lạc đi đâu. Nghĩ có kẻ vào rừng đặt bẫy, nên bọn tui lấy đèn pin ra soi thám thính tình hình. Tiếng con chồn kêu bên bờ kinh xáng, cách chốt khoảng 50 mét. Soi ở chỗ con chồn kêu mà chẳng thấy cái bẫy nào, cũng không thấy chồn đâu.
Bỗng tiếng con chồn lại kêu ở phía xa. Nghĩ có con trăn nào bắt chồn, nên tui và Lĩnh, Hải lội vào rừng dọi đèn pin. Đến chỗ bụi tràm cao chừng 10m, cách bờ kinh chỉ 15m, cả ba chúng tui há hốc miệng, chết đứng, không ai dám nhúc nhích.
Anh Tuấn mô tả cảnh con rắn hổ mây khổng lồ ngóc đầu lên.
Chiếc đèn pin tui cầm rọi đúng vào đầu con rắn. Cái miệng nó đang ngậm con chồn, đong đưa nhè nhẹ ở lưng chừng cây tràm. Hai mắt nó mở to bằng hai quả trứng, đỏ lòm, cách nhau tới gang tay.
Tui rọi đèn xuống thấp hơn, thấy thân nó hơi ngả màu vàng trắng, đường kính thân cỡ 3 tấc, to bằng cái gối ôm. Tui tiếp tục dọi đèn đến phía đuôi nó, nhưng chỉ dọi được khoảng 5m thì không thấy nữa, vì thân nó lẫn trong bụi cây, tối thui. Bọn tui nắm tay nhau thật chặt, lùi lại từ từ, rồi ba chân bốn cẳng chạy tháo thân. Tối đó, bọn tui trốn tịt trong trạm, không ai dám ra bìa rừng nữa".
Theo VNN
Rừng Tây Nguyên 5 năm mất khoảng 130.000 ha Trong 5 năm qua (2007-2011), diện tích rừng ở Tây Nguyên đã bị mất khoảng 130.000 ha. Đó là nội dung được báo cáo trong hội nghị quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai ngày 21/9. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tài nguyên rừng đang có chiều hướng suy thoái dần,...