Sống chung với COVID-19 – Bài 4: ‘Chỉ có cùng nhau’
“Chỉ có sát cánh cùng nhau, chúng ta mới có thể kết thúc đại dịch và mở ra một kỷ nguyên mới của niềm hy vọng” – đó là thông điệp được Liên hợp quốc đưa ra khi phát động chiến dịch “Only Together” (Chỉ có cùng nhau), kêu gọi tiếp cận vaccine bình đẳng trên toàn cầu.
Lô vaccine Covishield ngừa COVID-19 do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất được vận chuyển tới sân bay Mumbai để phân bổ cho các quốc gia theo cơ chế COVAX. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh thực trạng đáng báo động trong vấn đề công bằng vaccine: “Mỗi ngày, số vaccine mũi tăng cường được tiêm trên toàn cầu cao gấp 6 lần số vaccine mũi một và mũi hai được tiêm ở những quốc gia có thu nhập thấp. Chúng ta cần phải chấm dứt tình trạng này”.
Đầu năm 2021, COVAX, cơ chế được thành lập nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 công bằng trên toàn cầu, đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine đến cuối năm, trong đó hơn một nửa được phân phối miễn phí cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, đến tháng 9, COVAX mới phân phối được hơn 280 triệu liều vaccine. Cơ chế này đã phải hạ mục tiêu tham vọng ban đầu xuống còn khoảng 1,4 tỷ liều, chỉ đủ để tiêm cho 20% dân số các nước này, thay vì 30% như dự kiến.
Tới thời điểm này, COVAX tăng lượng phân bổ lên hơn 589 triệu liều vaccine cho 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ ngang lượng vaccine của riêng Mỹ phân bổ trong nước. Nói cách khác, hiện COVAX mới chỉ đi được 1/3 quãng đường và còn cách rất xa mục tiêu đề ra cho năm nay.
Chênh lệch trong phân bổ vaccine là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bao phủ vaccine không đồng đều. Trong khi những nước giàu đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao với 68% dân số tiêm đủ liều và đã tiến hành tiêm mũi tăng cường, thì tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi vẫn còn rất thấp, đặc biệt là những nước phụ thuộc nguồn cung của COVAX.
Chỉ có 7,3% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Ở “Lục địa Đen”, nơi có 7,5% dân số đã tiêm đủ liều, tỷ lệ tiêm chủng trung bình là 17,9 mũi tiêm trên 100 dân, trong khi con số này ở châu Âu và Mỹ lần lượt là 130 mũi và 141 mũi. Bên cạnh đó, hiện có 267,6 triệu người ở 65 quốc gia đã được tiêm mũi bổ sung, trong khi tổng số mũi tiêm triển khai ở các nước thu nhập thấp là 56,8 triệu mũi và toàn châu Phi là 247,4 triệu mũi. Đây là thực trạng mà Tổng Giám đốc WHO gọi là “sự bất bình đẳng gây sốc”.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Mohammedia, Maroc. Ảnh: THX/TTXVN
Vấn đề kinh phí hiện là rào cản lớn nhất. COVAX hoạt động dựa trên nguồn vốn tài trợ của các quốc gia giàu và hiện vẫn thiếu 2,6 tỷ USD để đạt được mục tiêu cung cấp đủ vaccine cho 20% dân số ở mỗi quốc gia thu nhập thấp trước cuối năm 2021.
Thách thức lớn thứ hai là nguồn cung không ổn định. COVAX không thể đặt mua đủ vaccine khi các nước giàu đã nhanh tay ký thỏa thuận trước với các nhà sản xuất, làm đình trệ quá trình triển khai những hợp đồng sản xuất lượng lớn dự kiến trong năm 2021 theo cơ chế COVAX. Ngoài ra, việc Ấn Độ quyết định ngừng xuất khẩu vaccine từ nhà máy của Viện Huyết thanh (SII) – nhà cung cấp chính cho COVAX, cũng dẫn tới tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung. SII đến nay mới bàn giao được khoảng 30 triệu liều trong thỏa thuận cung cấp 550 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho COVAX.
Một vấn đề nổi cộm là việc các nước giàu tích trữ vaccine dẫn tới nghịch lý: trong khi ở một số nước phát triển, hàng triệu liều vaccine hết hạn sử dụng bị vứt bỏ thì ở nhiều nước nghèo, người dân chờ đợi hàng tháng vẫn chưa có vaccine để tiêm. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã dùng cụm từ “thảm họa lãng phí vaccine” để mô tả tình trạng hơn 100 triệu liều vaccine trong kho dự trữ của các nước giàu có nguy cơ bị vứt bỏ trong 3 tháng cuối năm 2021 do hết hạn, giữa lúc hàng triệu người mắc COVID-19 ở những quốc gia nghèo nhất thế giới phải trả giá bằng mạng sống vì không có vaccine tiêm phòng.
Video đang HOT
Theo thống kê, các nước giàu chiếm 16% dân số thế giới đã mua tới 89% nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu, có quốc gia thậm chí đặt mua số lượng nhiều hơn số dân của mình. Canada mua đủ lượng vaccine cho 453,1% dân số, Anh mua 270,3%, Australia mua 225,1%, Mỹ mua 182,8%. Phân tích số liệu do hãng Airfinity thực hiện cho thấy các nước giàu có thể sở hữu tới 1,2 tỷ liều vaccine không cần dùng đến, ngay cả khi tiêm mũi tăng cường cho người dân. Các quốc gia ở Bắc bán cầu cũng không giữ lời hứa tài trợ vaccine cho các nước ở Nam bán cầu. Mỹ chỉ viện trợ 25% so với những gì đã cam kết, trong khi Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada gửi lần lượt 19%, 11% và 5% so với số lượng đã cam kết.
Việc phân phối vaccine không công bằng, theo các chuyên gia, sẽ khiến đại dịch COVID-19 càng kéo dài, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và gây chia rẽ xã hội. Hãng Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp do các biến thể mới lây lan mạnh hơn khiến thế giới khó đạt được miễn dịch cộng đồng và việc tiêm vaccine cũng “đạt hiệu quả khiêm tốn hơn” trong việc giảm số ca nhập viện, trở nặng và tử vong.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới có thể thiệt hại hàng nghìn tỷ USD do sự chậm trễ và thiếu đồng đều trong triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó các nền kinh tế đang phát triển chịu thiệt hại nặng nề nhất. EIU dự báo các quốc gia không đạt được mục tiêu tiêm cho 60% dân số vào giữa năm 2022 sẽ thiệt hại 2.300 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2025. Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU, bà Agathe Demarais, cho rằng: “Các nền kinh tế mới nổi gánh khoảng 2/3 mức thiệt hại này và càng khiến họ chậm bắt kịp với các nền kinh tế phát triển hơn”.
Báo cáo của EIU cũng chỉ ra rằng châu Á là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại ước tính lên tới 1.700 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP dự báo của khu vực. Các quốc gia châu Phi cận Sahara được dự báo thiệt hại khoảng 3% GDP do chậm trễ tiêm vaccine – mức thiệt hại về phần trăm cao nhất. Chuyên gia Agathe Demarais cũng cho rằng khoảng cách về phân phối vaccine cũng có thể khiến bất ổn xã hội gia tăng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới, trong khi sự chênh lệch giữa nước giàu và nước nghèo càng trở nên rõ ràng.
Sự lây lan của biến thể mới Omicron vào tháng cuối năm càng cho thấy việc thu hẹp bất bình đẳng về phân phối vaccine là hành động cấp bách để ngăn chặn các thảm kịch xảy ra. LHQ và WHO đã kêu gọi thúc đẩy phân phối công bằng, các nước giàu hơn chia sẻ lượng vaccine còn dư để hỗ trợ công tác tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp. WHO cũng đang cân nhắc mở rộng danh sách “ứng cử viên tiềm tàng” cho cơ chế COVAX, trong đó, các vaccine của Sinopharm và CoronaVac (Trung Quốc) đang trong giai đoạn đánh giá cuối cùng.
Vaccine Covishield ngừa COVID-19 – phiên bản vaccine của hãng AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất. Ảnh: AFP/TTXVN
Chia sẻ nỗ lực với WHO, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã cam kết tài trợ 2 tỷ USD để cung cấp vaccine tới khoảng 40 nước đang phát triển. Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã hỗ trợ 7,5 tỷ USD cho các chương trình của WHO.
Các nước phương Tây cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn. Mỹ đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ vaccine, nâng tổng số liều cam kết lên hơn 1,1 tỷ liều. Pháp thông báo cung cấp 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, tăng gấp đôi so với dự định trước đó. EU dự kiến hỗ trợ 500 triệu liều trong dài hạn. Mới đây, Thụy Sĩ đã đồng ý đổi thứ tự nhận vaccine ngừa COVID-19 với COVAX, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhường cho COVAX nhận trước vaccine.
Việt Nam nằm trong số không nhiều nước đang phát triển có đóng góp tự nguyện cho COVAX, qua đó thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam. Khi thăm trụ sở WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) và làm việc với Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus nhân chuyến thăm Thụy Sĩ vào cuối tháng 11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của chương trình COVAX và các tổ chức vận hành COVAX trong thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Chủ tịch nước tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD.
Đoàn kết toàn cầu vì công bằng vaccine COVID-19, để “cả thế giới được tiêm vaccine” là mục tiêu được LHQ nhấn mạnh trong chiến dịch “Only Together”. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thì khẳng định “Không nước nào có thể vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 một cách đơn độc”. Chỉ có cùng nhau hành động phối hợp trên quy mô toàn cầu nhằm bảo đảm tất cả mọi người đều được tiếp cận vaccine, thế giới mới có thể quay trở lại thực hiện những điều “mà chúng ta yêu thích được làm cùng nhau, đó là những bữa ăn, những cái ôm, cùng đi tới trường và tới nơi làm việc” trong cuộc sống “bình thường mới”.
Sống chung với COVID-19 - Bài 2: Bước ngoặt hướng tới 'bình thường mới'
"Chúng ta phải học cách sống chung với dịch... Tôi muốn nhấn mạnh rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc."
Tuyên bố được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra trước khi nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống dịch vào ngày 19/7 có thể coi là dấu mốc mở đầu cho "bước ngoặt" chiến lược trong cuộc chiến chống dịch năm 2021: thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 để hướng tới cuộc sống "bình thường mới" .
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Thực tế mô hình chống dịch "Zero COVID", với các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, vốn đem lại hiệu quả tại nhiều nước năm 2020, đã không còn phát huy tác dụng khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, biến thể này chưa suy yếu thì đã có biến thể khác dễ lây lan hơn xuất hiện, khiến dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường. Trong khi đó, các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đã "giáng một đòn mạnh" đối với kinh tế - xã hội, làm gián đoạn việc học, đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng tới việc chăm sóc sức khỏe và hoạt động xã hội.
Tại Australia, nơi có thành phố Melbourne với kỷ lục về thời gian phong tỏa dài nhất (262 ngày), các lệnh hạn chế phòng chống dịch, đặc biệt ở hai bang lớn nhất là New South Wales và Victoria, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này khoảng 1,4 tỷ USD/tuần. Tại Pháp, hai tháng phong tỏa (từ 17/3 đến 11/5/2020), mỗi ngày nền kinh tế nước này mất đi 2 tỷ euro. Ước tính nếu phong tỏa toàn quốc, Ấn Độ sẽ thiệt hại 120 tỷ USD - tương đương 4% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.
Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng khẩn cấp nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 và các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà đã tạo động lực để hàng loạt quốc gia chuyển hướng coi COVID-19 là "pandemic" (đại dịch) sang "endemic" (bệnh đặc hữu). Điều này có nghĩa thay vì nỗ lực "quét sạch" COVID-19, các nước điều chỉnh sang mô hình "sống chung an toàn", vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường.
Mô hình mở cửa dần dần, từng bước và có cân nhắc cẩn trọng được áp dụng khá rộng rãi. Các nước không mở cửa hoàn toàn ngay lập tức mà chia theo từng giai đoạn, hoặc phân chia khu vực dân cư theo "bản đồ sắc màu" dựa trên tình hình dịch bệnh, chỉ cho phép những người đã hoàn thành tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính được tự do đi lại, tham gia các hoạt động công cộng. Công nghệ trở thành trụ cột, tạo điều kiện thúc đẩy trạng thái bình thường mới, trong khi xu thế tiêu dùng, lao động của con người đã thay đổi cho phù hợp tình hình mới. Sống chung an toàn với COVID-19 cũng khiến con người thay đổi tư duy và lối sống.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Santa Monica, California. Ảnh: AFP/TTXVN
"Chìa khóa" để hướng tới cuộc sống bình thường chính là tiêm chủng đại trà. Trước sự tấn công của các biến thể mới, các nước cũng tích cực mở rộng đối tượng tiêm phòng, triển khai tiêm mũi tăng cường nhằm tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Tại Mỹ và các nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, giấy chứng nhận tiêm chủng gần như trở thành "tấm vé" để người dân tham gia các hoạt động công cộng. Từ 1/7, các nước Liên minh châu Âu (EU) triển khai chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 chung, tạo điều kiện cho người dân đi lại trong khối.
Tương tự, các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Australia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, từng áp dụng "Zero COVID" và kiểm soát dịch khá thành công trong năm 2020, cũng đã chuyển hướng sang "thích nghi, phát triển và sống chung lâu dài với COVID-19". Với tỷ lệ tiêm chủng trong nước đạt 85%, Hàn Quốc đã thành lập "Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật" để giải quyết các vấn đề phát sinh khi trở lại với "cuộc sống bình thường mới".
Singapore đạt mốc khoảng 85% dân số tiêm phòng đầy đủ vào tháng 5/2021, Thủ tướng Lý Hiển Long đã điều chỉnh chiến lược chống dịch bởi "không thể phong tỏa toàn quốc vô thời hạn vì điều này rất tốn kém, người dân không thể duy trì cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội". Ông Alex Cook - Phó Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu thuộc Trường Y tế công Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng: "Có lẽ bài học rút ra từ Singapore là tạo điều kiện cho người dân tiêm vaccine phòng COVID-19... Chừng nào vaccine vẫn có tác dụng ngăn ngừa các ca bệnh nặng, tôi không cho rằng việc xuất hiện biến thể mới có thể dẫn đến việc Singapore phải xem xét lại chiến lược sống chung với COVID-19".
Hiện nay, với tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho hơn 94% dân số đủ điều kiện, trong đó 26% đã tiêm mũi tăng cường, tỷ lệ tử vong tại Singapore đã giảm từ mức đỉnh điểm trung bình 2,57 ca/1 triệu dân xuống còn 1 ca/1 triệu dân trong 7 ngày hiện nay và có tới 99% số ca mắc mới đều là không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.
Cùng với việc triển khai quyết lược, đồng bộ Chiến lược vaccine, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển hướng kịp thời để ứng phó với dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Sau 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", hiện tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kinh tế dần phục hồi, có những khởi sắc. Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam.
Khách du lịch trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 28/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước trong tháng 11 cũng tăng 5,5% so với tháng trước; tính chung 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành kiên trì thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", phấn đấu đến hết năm cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Một trong những dấu ấn của chiến lược "sống chung an toàn" là việc các nước mở cửa lại biên giới, khôi phục hoạt động du lịch thông qua các mô hình "bong bong du lịch" hay "hành lang du lịch". Sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh, người dân tại nhiều các du lịch nổi tiếng thế giới đã chào đón những vị khách quốc tế đầu tiên.
Tại châu Á, Phuket (Thái Lan) là một trong những điểm đến nổi tiếng đầu tiên đón khách du lịch quốc tế. Chỉ sau khoảng 3 tháng thực hiện từ ngày 1/7, hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket đã đón 32.005 lượt du khách. Thành công bước đầu của chương trình thí điểm "Hộp cát Phuket" là tiền đề cho kế hoạch lớn hơn của Thái Lan. Sau 3 tháng, các chương trình "hộp cát du lịch" của Thái Lan đã thu hút được hơn 38.000 lượt khách du lịch nước ngoài và tạo ra doanh thu 2,33 tỷ baht (69 triệu USD). Tại Việt Nam, sau khi ban hành hướng dẫn và triển khai thí điểm mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 11, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 42,4% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã có thể mở cửa trở lại trường học nhờ việc thúc đẩy tiêm chủng cho các nhóm đối tượng, từ cha mẹ giáo viên, nhân viên trường học cho đến học sinh. Olympic và Paralympic Tokyo 2020, EURO 2020 đã được tổ chức sau 1 năm trì hoãn, như biểu hiệu sinh động cho xu thế thích ứng an toàn mà nhiều nước theo đuổi.
Có thể nói việc chủ động, linh hoạt điều chỉnh chiến lược ứng phó với COVID-19 đã tạo bước ngoặt giúp nhiều nước quay lại nhịp sống "bình thường mới" và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, quá trình "sống chung an toàn" với COVID-19 cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Sau khi các ca mắc biến thể mới Omicron được phát hiện ở miền Nam châu Phi, nhiều nước đã tái áp đặt các biện pháp mà WHO cho là thái quá và có thể tạo thêm gánh nặng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân, như siết chặt kiểm soát, hạn chế nhập cảnh... Nhiều nước cũng đang hoãn các kế hoạch mở cửa, đẩy ngành du lịch nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung đối mặt với nguy cơ bị kéo lùi.
Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron là lời cảnh báo về vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine. "Bài toán" phân phối công bằng vaccine vẫn chưa tìm ra lời giải, kéo theo độ bao phủ vaccine thấp và không đồng đều đang tạo ra các "lỗ hổng" giúp những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như Delta hay Omicron len lỏi và tấn công thế giới. Không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn. Nếu vaccine, thuốc điều trị và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết để các nước có thể chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19, thì công bằng vaccine và thuốc điều trị là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo hiệu quả của mô hình "sống chung", vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái"bình thường mới".
Hàn Quốc tiếp tục 'bơm' gần 4 tỷ USD hỗ trợ tiểu thương Chính phủ Hàn Quốc ngày 17/12 cho biết đã lập phương án gói hỗ trợ quy mô 4.300 tỷ won (3,63 tỷ USD) dành cho giới tiểu thương và người lao động tự do sẽ bị ảnh hưởng từ đối sách phòng dịch đặc biệt của nhà nước có hiệu lực từ ngày 18/12 tới. Người dân mua sắm hàng hóa tại khu...