“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”
Báo Bảo vệ pháp luật số 63 ra ngày 06/8/2013 đăng tải bài viết “Vụ một căn hộ được bán cho hai người: Đối tượng lừa đảo có móc nối với Văn phòng công chứng?”.
Nội dung bài viết phản ánh sự việc: ngày 12/7/2012, Văn phòng công chứng Hà Nội công chứng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ đối với Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư số 1475/HĐ/HH2D-LVL. Bên bán là vợ chồng ông Trương Minh Hải và bà Nguyễn Thị Minh Phương, bên mua là vợ chồng ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Vũ Thị Yến. Đáng lưu ý, trước đó vợ chồng ông Hải đã ra Văn phòng công chứng Lạc Việt công chứng chuyển nhượng hợp đồng mua bán để bán căn hộ nêu trên cho ông Lê Quang Khánh.
Sau khi bài viết đăng tải, ngoài việc Văn phòng công chứng Hà Nội gửi đơn tới báo Bảo vệ pháp luật “kêu oan” thì còn “nhờ cậy” báo điện tử PLVN “thanh minh” theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Đáng tiếc, trên tờ báo này có một bài viết đăng tải gần như nguyên văn “nguyện vọng” của Văn phòng công chứng Hà Nội mà không hề xác minh từ phía các cơ quan chức năng có liên quan.
Tuy nhiên, trên cơ sở những tài liệu mà phóng viên thu thập được, có thể khẳng định nội dung bài viết trên báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh đúng bản chất sự việc.
Thứ nhất, ngày 15/7/2011, ông Trương Minh Hải cùng vợ là bà Nguyễn Thị Minh Phương lập Văn bản chuyển nhượng Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư số 1475/HĐ/HH2D-L cho ông Lê Quang Khánh và được công chứng tại Văn phòng công chứng Lạc Việt. Thời điểm này, trước khi công chứng, Văn phòng công chứng Lạc Việt tra cứu mạng UCHI (mạng này cung cấp thông tin liên quan đến các giao dịch đã được công chứng) thấy rằng trước khi chuyển nhượng cho ông Khánh, ông Trương Minh Hải chưa chuyển nhượng tài sản này cho ai nên việc công chứng xác nhận việc ông Hải chuyển nhượng cho ông Khánh hợp đồng này là hoàn toàn hợp pháp.
Thứ hai, sau khi đã công chứng chuyển nhượng hợp đồng trên cho ông Khánh, ngày 12/7/2012, ông Trương Minh Hải tiếp tục ra Văn phòng công chứng Hà Nội yêu cầu công chứng việc chuyển nhượng hợp đồng này để tiếp tục bán căn hộ trên cho vợ chồng ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Vũ Thị Yến. Văn phòng công chứng Hà Nội mặc dù không xác minh đầy đủ thông tin pháp lý về tài sản của người yêu cầu công chứng nhưng vẫn công chứng việc chuyển nhượng, việc công chứng này do Công chứng viên Lê Quốc Hùng (Trưởng Văn phòng) thực hiện. Như vậy, chỉ có một tài sản nhưng nhờ việc công chứng của Văn phòng công chứng Hà Nội, ông Trương Minh Hải đã chuyển nhượng căn hộ để bán cho hai người. Theo quy định của pháp luật hình sự, hành vi nêu trên của ông Trương Minh Hải đã có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Giữa năm 2012, một số người dân mang theo tấm biển “văn phòng công chứng làm hại người dân” đến Văn phòng công chứng Hà Nội khiếu nại.
Video đang HOT
Qua sự việc này có thể nhận thấy, dù cho Văn phòng công chứng Hà Nội có “thanh minh” thế nào thì hành vi công chứng một hợp đồng vi phạm pháp luật cũng không thể “lọt lưới” các quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 39 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, về trường hợp không được thực hiện công chứng, chứng thực nêu rõ: Người thực hiện công chứng, chứng thực không được thực hiện công chứng, chứng thực trong các trường hợp sau đây: “Khoản 1. Biết hoặc phải biết yêu cầu công chứng, chứng thực hoặc nội dung công chứng, chứng thực trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Như vậy, trong trường hợp này, Văn phòng công chứng Hà Nội đổ lỗi “khách quan” cho việc “không tra cứu được” mạng UCHI nên không biết hợp đồng này đã được công chứng và tài sản đang được chuyển sang thuộc sở hữu của ông Khánh để rồi “nhắm mắt” công chứng văn bản chuyển nhượng hợp đồng giao dịch trái pháp luật nêu trên là trái với các quy định pháp luật đã trích dẫn trên.
Điều 3, Luật Công chứng nêu rõ Công chứng viên phải “Khách quan, trung thực. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng. Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”. Nguyên tắc hành nghề công chứng là đề cao nhiệm vụ, trách nhiệm, vai trò của công chứng viên khi thi hành công việc được giao. Đồng thời, đây cũng là nguyên tắc để công chứng viên cần thận trọng, khách quan khi xem xét ký vào văn bản công chứng.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu không có việc công chứng của Văn phòng công chứng Hà Nội thì liệu ông Hải có điều kiện để thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội lừa đảo như trên không? Còn nữa: Tại sao khi chưa có đầy đủ thông tin về tính hợp pháp của Hợp đồng mua bán (điều này nằm trong khả năng và cũng là đòi hỏi nghiệp vụ của Văn phòng Công chứng) mà Văn phòng công chứng Hà Nội đã “vội vàng” công chứng một cách đáng ngờ như vậy? Bởi rõ ràng, việc công chứng Hợp đồng như đã nêu, dù vô tình hay hữu ý, đã là tạo điều kiện, là sự “giúp sức” cho ông Hải thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo.
Qua sự việc này, dư luận không thể không đặt ra vấn đề trách nhiệm, nghĩa vụ, về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức hành nghề, lý do tồn tại của loại hình Văn phòng Công chứng, khi Văn phòng này không thể đảm bảo an toàn cho những giao dịch trong xã hội hiện nay.
Như vậy, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần làm rõ có hay không hành vi móc nối giữa Văn phòng công chứng Hà Nội với đối tượng Trương Minh Hải. Nếu là lỗi cố ý thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hình sự với vai trò đồng phạm. Còn trong trường hợp Văn phòng công chứng Hà Nội vô ý tiếp tay cho hành vi có dấu hiệu lừa đảo của ông Hải, thì Sở Tư pháp Hà Nội (đơn vị quản lý) cũng cần xem xét trách nhiệm của Văn phòng công chứng Hà Nội có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để hành nghề công chứng hay không khi Văn phòng này đã nhiều lần để xảy ra những trường hợp tương tự?
Bởi một lẽ, nếu Văn phòng công chứng này có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, làm việc hết trách nhiệm, với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp để hành nghề khi xác định đầy đủ thông tin về hợp đồng giao dịch trên mới tiến hành công chứng thì đã không thể xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Có một thực tế, hiện nay loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản gia tăng, gây hoang mang trong xã hội. Thông qua loạt bài viết này, báo Bảo vệ pháp luật phản ánh kịp thời, nhằm cảnh báo với các cơ quan chức năng, giúp người dân cảnh giác hơn khi tham gia giao dịch mua bán tương tự.
Thiết nghĩ, cùng với việc điều tra, làm rõ hành vi có dấu hiệu lừa đảo tài sản trong việc một căn hộ được công chứng để chuyển nhượng cho hai người nêu trên, thì động cơ, mục đích của người viết bài “chữa cháy” cho Văn phòng công chứng Hà Nội trong sự việc nêu trên cũng cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Văn phòng Công chứng Hà Nội đã từng bị “vướng” vào sự việc tương tự Ông Lê Quốc Hùng, Trưởng Văn phòng công chứng Hà Nội cho biết, ông bị một số đối tượng đe dọa về tính mạng, yêu cầu bồi thường cho họ hàng trăm triệu đồng. Sự việc xảy ra vào giữa năm 2012, bắt nguồn từ việc một mảnh đất được bán cho hai người và đã được Văn phòng công chứng Hà Nội xác nhận. Báo Pháp luật Việt Nam nêu: Trong Văn phòng công chứng Hà Nội có 02 phụ nữ mang tấm biển ghi rõ “Văn phòng công chứng làm hại người dân”. Theo trình bày của ông Hùng, việc ông bị đe dọa có liên quan đến một hợp đồng do Văn phòng công chứng Hà Nội thực hiện. Ngày 16/12/2010, Văn phòng công chứng Hà Nội nhận được hồ sơ đề nghị công chứng hợp đồng ủy quyền giữa chủ sử dụng đất là vợ chồng ông Hoàng Văn Thắng với bên nhận ủy quyền là bà Vương Thị Chắt liên quan đến quyền sử dụng đất tại thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Giấy CNQSDĐ số 700348, vào sổ cấp giấy CNQSDĐ số 00904/QSDĐ/ĐP do UBND huyện Đan Phượng cấp 30/09/2004 mang tên ông Hoàng Văn Thắng. Hợp đồng ủy quyền được lập, ký và công chứng tại Văn phòng công chứng Hà Nội ngày 16/12/2010… Căn cứ hợp đồng ủy quyền này, ngày 17/12/2010, bà Vương Thị Chắt đã đến Văn phòng công chứng Hoàng Cầu ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nêu trên cho bà Lê Thị Thanh Hà… Ngày 03/6/2011, bà Chắt tiếp tục cầm giấy CNQSDĐ nêu trên quay lại Văn phòng công chứng Hà Nội để chuyển nhượng cho bà Đoàn Thị Quý. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này cũng đã được công chứng viên Lê Quốc Hùng (Trưởng Văn phòng công chứng Hà Nội) chứng nhận. Sự việc nghiêm trọng một mảnh đất được bán cho hai người sau đó bị phát hiện và Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an đã phải vào cuộc xác minh…
(Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam)
Theo Nhóm phóng viên
Báo Bảo vệ Pháp luật
Một căn hộ bán cho hai người: Văn phòng công chứng có đứng ngoài cuộc?
Một căn hộ chung cư (đang trong quá trình mua theo hình thức trả góp) được chủ nhân của nó lần lượt bán cho hai người. Đáng lưu ý, để đối tượng này có điều kiện lừa đảo khách hàng như trên đã có sự "giúp sức" của văn phòng công chứng.
ảnh minh họa
Anh Lê Quang Khánh (số nhà 47C, ngõ 94, phố Ngọc Khánh, Hà Nội) cho biết, qua giới thiệu, anh Khánh biết vợ chồng ông Trương Minh Hải - Nguyễn Thị Minh Phương (HKTT số 29, ngõ 94, phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có nhu cầu chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư đang trong giai đoạn trả góp tại khu đô thi mới Dương Nội.
Ngày 15/7/2011, anh Khánh và vợ chồng ông Hải ra văn phòng công chứng Lạc Việt (18 Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội) tiến hành công chứng việc mua bán căn hộ nói trên. Theo hợp đồng công chứng, vợ chồng ông Hải bán cho anh Khánh căn hộ chung cư số 05, tầng 07 Toà nhà chung cư HH2D - khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông (chủ đầu tư Công ty CP Tập đoàn Nam Cường).
Căn hộ này ông Hải mua lại của ông Cao Văn Hai (Cầu Giấy, Hà Nội). Số tiền ông Hai nộp trước cho chủ đầu tư là 785 triệu đồng (tổng giá trị căn hộ là 1 tỷ 350 triệu đồng). Do bất động sản tụt dốc, ông Hải bán lại cho anh Khánh 500 triệu đồng và bàn giao toàn bộ hoá đơn, chứng từ gốc liên quan đến số tiền 785 triệu đồng khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư.
Đinh ninh là việc mua bán đã hoàn tất, đúng quy định của pháp luật, bẵng đi một thời gian dài, mới đây anh Khánh ra cơ quan thuế hỏi việc nghĩa vụ nộp thuế đối với căn hộ của mình mới phát hiện ra việc năm 2012, ông Hải tiếp tục bán căn hộ nêu trên cho vợ chồng Nguyễn Tuấn Anh - Vũ Thị Yên (Hà Nội). Anh Khánh tá hoả đi tìm tung tích "kẻ lừa đảo" nhưng đối tượng này "cao chạy xa bay".
Theo xác minh của PV, ngày 12/7/2012, vợ chồng ông Hải ra văn phòng công chứng Hà Nội (A38 Hoàng Ngân,0 Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp tục lập văn bản chuyển nhượng căn hộ chung cư (đã bán cho anh Khánh) cho vợ chồng ông Nguyễn Tuấn Anh - Vũ Thị Yến. Văn bản chuyển nhương bất hợp pháp này do công chứng viên Lê Quốc Hùng công chứng.
Sau khi phát hiện sai phạm nghiêm trọng, ngày 17/5/2013, Văn phòng công chứng Hà Nội có văn bản gửi Công ty CP tập đoàn Nam Cường (đơn vị thực hiện hợp đồng) đề nghị tạm dừng các thủ tục liên quan đến việc giao dịch căn hộ nêu trên.
Giải thích việc để xảy ra sai sót trong việc công chứng, Văn phòng công chứng Hà Nội "bao biện" trong công văn gửi Công ty CP tập đoàn Nam Cường: "Tại thời điểm đó, mạng UCHI của văn phòng chúng tôi bị lỗi kỹ thuật nên không tra cứu được."!?
Rõ ràng để xảy ra sự việc nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về Văn phòng công chứng Hà Nội. Tuy nhiên, những người quan tâm đến vụ việc này đều đặt ra câu hỏi, có hay không Văn phòng công chứng Hà Nội "móc nối" với đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người dân?
Anh Lê Quang Khánh cho biết, tới đây, anh sẽ có đơn tố cáo việc chứng thực trái pháp luật của Văn phòng công chứng Hà Nội cũng như hành vi lừa đảo ông Hải ra cơ quan pháp luật.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
4 năm tù cho kẻ cầm đầu tổ chức chém nhà báo Sáng ngày 11/7, TAND TP Vinh đã xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Văn Linh (SN 1971) về tội cố ý gây thương tích. Linh là kẻ cầm đầu tổ chức chém nhà báo Võ Thanh Mai (phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam văn phòng Bắc Trung bộ). Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Vinh tổ chức xét...