Sông Cầu oằn mình “gánh” nước thải
Trước thực trạng sông Cầu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân hai bên bờ sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chỉ đạo, trước ngày 25/4, UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang phải báo cáo những tồn tại, vướng mắc và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm dòng sông.
Nhiều nhà máy tái chế giấy ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du xả nước thải ra sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: Nguyễn Thắng
Ảnh hưởng nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt
Sông Cầu là 1 trong 5 con sông dài nhất, quan trọng nhất miền Bắc, chảy qua 6 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Nhiều năm qua, con sông này bị ô nhiễm nặng nề.
Theo Bộ TN&MT, nguyên nhân chính làm ô nhiễm sông Cầu là do nước sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) chảy vào. Trong khi đó, nước sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy làm giấy ở xã Phú Lâm, Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, Cụm công nghiệp Phong Khê (Phong Khê, TP Bắc Ninh).
Bộ TN&MT đã đề nghị Bắc Ninh có biện pháp xử lý triệt để các nguồn thải chính gây ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Nhưng đến nay, tình trạng này không được cải thiện, đe dọa đời sống người dân các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sống hai bên bờ sông.
Nhiều năm nay, nghề tái chế giấy đã giúp cho người dân ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê của TP Bắc Ninh phát triển kinh tế. Nhưng nghề này cũng mang lại gánh nặng môi trường cho người dân ở đây.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho biết, riêng phường Phong Khê có trên 245 cơ sở sản xuất giấy. Hiện, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được 3.000m3/ngày – đêm, trong khi tổng lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trong phường này lên đến 10.000m3/ngày – đêm. Tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, lượng nước thải hơn 4.000m3/ngày – đêm, trong khi khu xử lý nước thải tập trung ở đây chưa hoạt động.
Được biết, đoạn sông Cầu chảy qua huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có chiều dài hơn 20km. Nước sông ô nhiễm, ảnh hưởng đến hàng nghìn người thuộc nhiều xã trong huyện, như Thắng Cương, Đồng Phúc, Yên Lư, Tư Mại… Có khoảng 4.000ha đất nông nghiệp của huyện này phải sử dụng nước sông Cầu để phục vụ cho sản xuất cây trồng. Đồng thời, trên địa bàn huyện cũng có 2 nhà máy nước sạch sử dụng nguồn nước sông Cầu để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong huyện đang chịu nhiều hệ lụy.
Tương tự, huyện Việt Yên (Bắc Giang) ngoài ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp do sông ô nhiễm, trong xã Quang Châu cũng có 2 nhà máy nước sạch bị ảnh hưởng do lấy nguồn nước sông Cầu để xử lý, cung cấp cho nhiều xã trong huyện.
Video đang HOT
Cách nào trong lại sông Cầu?
Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 đưa con sông trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững… Thế nhưng, đến nay tình trạng ô nhiễm càng ngày càng nghiêm trọng hơn, các địa phương chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
Thống kê sơ bộ cho thấy, lượng nước thải sản xuất kinh doanh thải ra sông Cầu chiếm khoảng 68,88% toàn vùng, nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm khoảng 6,23%; nước thải làng nghề khoảng 24,25%…
Ông Nguyễn Đại Đồng – Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh cho biết, các làng nghề, cụm công nghiệp, với đặc thù sản xuất lạc hậu, mang nặng tính chất hộ gia đình, hạ tầng các cụm công nghiệp chưa đồng bộ… dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng như hiện nay.
Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương rà soát, kiểm tra việc xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; kiểm soát, điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá – nơi thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu một cách hợp lý nhằm đảm bảo dòng chảy và không gia tăng ô nhiễm nước sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh.
Bộ cũng đề nghị UBND hai tỉnh nói trên chỉ đạo Sở TN&MT cùng sở, ngành liên quan chuẩn bị báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, những vấn đề tồn tại, vướng mắc và các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Cầu gửi về Bộ TN&MT trước ngày 25/4/2020.
“Theo Bộ TN&MT, trên lưu vực sông Cầu có trên 4.000 nguồn thải, gồm: 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 238 cơ sở y tế; 140 làng nghề. Ba tỉnh có số lượng nguồn thải lớn nhất là Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang. Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên lưu vực sông có lượng nguồn thải ít nhất”.
Lam Hạnh
Chất lượng nước và không khí ở miền Bắc 3 tháng đầu năm vượt ngưỡng
Qua quan trắc chất lượng môi trường quốc gia tại 28 tỉnh, thành phố ở miền Bắc, Tổng cục Môi trường cho biết có 42/93 giá trị bụi lơ lửng vượt giới hạn; ô nhiễm nguồn nước vẫn xảy ra ở các điểm nóng.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Trên cơ sở quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới tại các điểm đặc thù, nhạy cảm về môi trường trên phạm vi 28 tỉnh, thành phố tại khu vực miền Bắc đợt 1/2020, Tổng cục Môi trường đã ghi nhận nhiều chỉ số ô nhiễm vượt ngưỡng.
42/93 giá trị bụi lơ lửng vượt giới hạn
Thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết theo kế hoạch nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, đơn vị này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện Chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với không khí và nước tại khu vực phía Bắc năm 2020.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng cục Môi trường đã và đang thực hiện quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới; quan trắc tại các điểm nóng, đặc thù và nhạy cảm về môi trường trên phạm vị địa bàn 28 tỉnh, thành phố.
Kết quả quan trắc đợt 1/2020 cho thấy về môi trường không khí, tổng bụi lơ lửng có 42/93 giá trị vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam trung bình một giờ chiếm tỷ lệ 45,2%. Thông số tiếng ồn có 71/93 giá trị vượt giới hạn cho phép Quy chuẩn Việt Nam, chiếm tỷ lệ 76,3%.
Thống kê kết quả quan trắc môi trường không khí các tỉnh miền Bắc trong tháng 2/2020 cũng cho thấy môi trường không khí tiếp tục bị ô nhiễm về tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn. Riêng các thông số khác như nitơ điôxít (NO2), cacbon monoxit (CO), lưu huỳnh dioxit (SO2), chì (Pb) trung bình một giờ nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam.
Ô nhiễm bụi biểu hiện rõ nhất tại các trục giao thông và khu công nghiệp, điển hình như khu công nghiệp Phố Nối A, Như Quỳnh-Hưng Yên, Đại An-Hải Dương. Giá trị bụi lơ lửng trung bình lớn nhất là 452,3 g/m3 tại khu công nghiệp Đại An-Hải Dương (vượt 1,5 lần so với Quy chuẩn Việt Nam).
Giá trị bụi lơ lửng đợt tháng Hai duy trì ở mức xấp xỉ và vượt so với quy chuẩn cho phép.
"So với đợt cuối của năm 2019, giá trị bụi lơ lửng đợt tháng 2/2020 có xu hướng tương đồng do cùng trong giai đoạn mùa khô, trừ một số ít điểm có xu hướng tăng nhẹ so với đợt tháng 11/2019 (gồm Phố Nối A, Như Quỳnh, Phố Nối-Hưng Yên; Đại An-Hải Dương)," Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.
Tương tự, tại khu dân cư, mức độ ô nhiễm tổng bụi lơ lửng đợt tháng 2/2020 tăng cao so với đợt tháng 11/2019. Trong số đó, có 3/9 điểm quan trắc có giá trị vượt giới hạn quy định theo Quy chuẩn Việt Nam, là những khu dân cư nằm gần trục giao thông như Phố Nối-HưngYên, gần nhà máy bia Hà Đông-Hà Nội...
Ô nhiễm nguồn nước ở các "điểm nóng"
Về môi trường nước, Tổng cục Môi trường cho biết kết quả tính toán giá trị WQI (chỉ số chất lượng nước) trên 5 lưu vực sông đợt 1/2020 (tháng 2/2020) phản ánh chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông khu vực phía Bắc khá tốt.
Thông số bụi mịn PM2.5 trong tháng 3/2020 tại thành phố Hà Nội vẫn vượt ngưỡng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam )
Trong số 185 điểm quan trắc trên 5 lưu vực sông, có đến 70% các điểm quan trắc có giá trị WQI đạt ở mức rất tốt đến tốt; 18% ở mức trung bình và 12% số điểm quan trắc có giá trị WQI mức kém, mức xấu.
Các điểm có giá trị WQI ở mức xấu tập trung trên các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như lưu vực sông Nhuệ Đáy (đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận Hà Nội, các sông nội thành Hà Nội), lưu vực sông Cầu (đoạn sông Ngũ Huyện Khuê; đoạn suối Loàng, cầu Bóng Tối) do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của thành phố Hà Nội, Thái Nguyên và nước thải làng nghề Bắc Ninh chưa qua xử lý, xả thải ra lưu vực sông.
Kết quả phân tích WQI của Tổng cục Môi trường cho thấy trên các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, sông Mã-Chu, sông Cả La (sông Lam, sông La), môi trường nước sông khá sạch, nước sông sử dụng được cho các mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích khác.
Trong khi đó, lưu vực sông Nhuệ-Đáy và lưu vực sông Cầu, ô nhiễm vẫn tiếp diễn trên các điểm nóng về môi trường.
Tại lưu vực sông Cầu, ô nhiễm xuất hiện chính trên sông Ngũ Huyện Khê, tại điểm quan trắc Cầu Đào Xá (WQI = 12). Nguyên nhân do tiếp nhận nước thải làng nghề giấy Phong Khê-BắcNinh, giá trị BOD5 (oxy hoá 5 ngày) là 133 mg/L, cao gấp 9 lần so với Quy chuẩn Việt Nam (15mg/L).
Khu vực suối Bóng Tối cũng thường xuyên bị ô nhiễm do nước thải từ các khu dân cư thành phố Thái Nguyên. Cụ thể, giá trị N-NH4 cao gấp 31 lần Quy chuẩn Việt Nam (0,9 mg/L).
Đối với lưu vực sông Nhuệ-Đáy, ô nhiễm vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu được cải thiện tại dòng chính sông Nhuệ và các đoạn sông nội thành Hà Nội. Giá trị các thông số COD, BOD5 cao gấp 5-6 lần so với Quy chuẩn Việt Nam. Chất lượng nước sông Đáy tốt hơn so với sông Nhuệ./.
Chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với không khí và nước tại khu vực phía Bắc năm 2020 được triển khai tại 28 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hùng Võ
Sông Cầu "giãy chết", Sở tài nguyên báo cáo "nóng" Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Sau nhiều kỳ báo phản ánh của Dân trí về sự việc sông Cầu đang "giãy chết", Sở TNMT Bắc Giang đã khảo sát thực tế và vừa có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tại công văn số 382/UBND-MT ngày 06/02/2020 về việc kiểm tra,...