Sơn La: Theo chân trai Thái vào rừng sâu săn nhộng ong tử thần
Loại ong bắp cày hay còn gọi là ( ong tử thần) có nọc độc có thể gây chết người, nhưng người dân tộc Thái ở bản Sang (xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) vẫn kéo nhau vào rừng săn loài ong này để lấy nhộng.
Ong bắp cày (ong chần, ong dần) được các nhà khoa học mệnh danh là loài ong “tử thần”, bởi nọc của loài này cực độc, có thể gây chết người. Loài ong này cũng rất hung dữ, khi tổ bị xâm hại, chúng sẽ bay ra và tấn công cho đến cùng. Tuy nhiên người dân tộc Thái ở bản Sang, xã Mường Bú lại rất thích săn loài ong này lấy nhộng, bởi nhộng của nó giàu dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao.
Ong tử thần thường làm tổ dưới đất và các hang đá.
Không biết nghề săn ong rừng lấy nhộng có từ bao giờ, nhưng nhiều năm nay người dân tộc Thái ở xã Mường Bú, huyện Mường La lại đổ xô vào rừng săn tìm các loại ong để đốt lấy nhộng. Nhộng ong rừng thường xuất hiện từ tháng 6 đến cuối tháng 9, khi đàn ong sinh sôi nảy nở nhiều cũng chính là lúc người dân nơi đây vào rừng săn nhộng kiếm thêm thu nhập.
Sau 2 giờ trèo đèo, lội suối men theo con đường mòn giữa rừng núi rậm rạp, hiểm trở cùng anh Cà Văn Nhật, một tay săn ong cừ khôi ở vùng đất vùng cao này. Địa điểm chúng tôi dừng chân là một bãi đất trống giữa rừng già thuộc bản Sang, xã Mường Bú. Vừa dừng chân, anh Nhật đưa các dụng cụ cuốc, xẻng, đuốc, miếng cao su, ống hun khói đã được chuẩn bị từ trước ra và bắt đầu công cuộc đốt ong bắp cày lấy nhộng.
Anh Cà Văn Nhật vui mừng khi săn được tổ ong to và nhiều nhộng.
Nhông ong bắp cày giàu chất dinh dưỡng và có giá trị kinh tế rất cao, nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.
Video đang HOT
Chia sẻ với Dân Việt, anh Nhật cho biết: “Loài ong bắp cày thường đóng tổ dưới đất hoặc các hang đá, có độ sâu từ 50 – 70cm. Để lấy được nhộng của chúng tôi phải đi vào ban đêm, bởi ban ngày không có đồ bảo hộ nên dễ bị ong đốt gây nguy hiểm đến tính mạng. Để tìm được tổ của chúng, tôi và các anh em trong đội săn đã phải thường xuyên vào rừng để săn tìm, nếu phát hiện được tổ ong chúng tôi đánh dấu lại, chờ đến thời điểm phù hợp rồi mới mang đồ nghề lên rừng săn bắt.
Sau khi săn được nhộng ong rừng về, đồng bào dân tộc Thái thường dùng nhíp gắp nhộng ra bát con để cho vào tủ lạnh cất giữ, chờ đến thời điểm thích hợp thì đem ra huyện hoặc TP.Sơn La bán.
Theo kinh nghiệm của anh Nhật, để phát hiện ra tổ ong lớn hay nhỏ chúng ta chỉ cần nhìn đất ở phía ngoài trồi lên nhiều hay ít là có thể đoán được tổ ong to đến cớ nào. Trước khi bắt tay vào lấy nhộng ong thì người thợ săn phải bịt chặt lối ra vào và các lỗ thông hơi, sau đó mới tiến hành hun lửa bằng miếng cao su, quạt khói vào tổ. Khi hun khói vào, đàn ong sẽ nằm la liệt dưới đất. Chừng 6 phút, khi ong bị ngạt khói, thợ săn sẽ dùng cuốc đào xuống khoảng 30cm, rồi đưa nhộng ong ra ngoài. Tất cả công việc đó phải tiến hành thật nhanh và đảm bảo lửa không bị tắt, nếu tắt sẽ rất nguy hiểm cho người thợ săn. Vì khi hun khói vào tổ, đàn ong sẽ bị chết tạm thời, sau khoảng 10 – 15 phút sẽ trở lại bình thường.
1 kg nhộng ong rừng được bán với giá từ 400.000 đồng – 500.000/kg.
Anh Nhật chia sẻ: Sau khi săn được nhộng ong, chúng tôi thường gắp nhộng ong ra khỏi tổ đựng vào các túi nilong, mang về cất trong tủ mát hoặc tủ lạnh chờ đến tích cóp được 7 – 8kg thì đem ra huyện Mường La, TP.Sơn La bán với giá 400.000 đồng – 500.000/kg. Nghề săn nhộng ong này là nghề mùa vụ, mỗi mùa đi săn chúng tôi cũng kiếm được gần 4 triệu đồng để trang trải cuộc sống”.
Khó khăn và nguy hiểm là vậy, nhưng đối với những người thợ săn dân tộc Thái ở bản Sang, xã Mường Bú coi đây là công việc “hái ra tiền” giúp họ kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Bởi vậy, cứ đến mùa săn nhộng ong rừng người dân nơi đây lại đổ xô lên rừng, lội suối săn ong rừng.
Theo Danviet
Theo trai Mường trong đêm đốt đuốc vào rừng săn nhộng ong tử thần
Dù biết nọc của loại ong tử thần có thể gây chết người, nhưng người dân xứ Mường ở bản Heo (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) sinh sống ven lòng hồ Sông Đà vẫn đốt đuốc trong đêm đi săn loài ong này lấy nhộng
Ong bắp cày được người dân xứ Mường sinh sống ven lòng hồ Sông Đà gọi là ong "tử thần", bởi nọc của loài ong này cực độc, khi bị ong đốt với số nọc lớn vào cơ thể có thể gây tử vong. Ong tử thần này rất hung dữ, khi tổ bị xâm hại, chúng sẽ bay ra và tấn công cho đến cùng. Tuy nhiên người dân xứ Mường ở bản Heo, xã Tà Hộc lại rất thích săn loài ong này lấy nhộng và coi là đặc sản quý hiếm, bởi nhộng của nó giàu dinh dưỡng và có giá trị cao.
Thông thường ong rừng hay làm tổ trên các cành cây cao.
Nhộng ong rừng xuất hiện từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 9 dương lịch hàng năm. Khi đàn ong sinh sôi nảy nở nhiều, cũng là lúc người dân xứ Mường đổ xô vào rừng săn nhộng làm món nhậu và bán kiếm thêm thu nhập. Thời điểm màn đêm buông xuống, chính là lúc những người dân tại bản Heo bắt đầu chuẩn bị dụng cụ như: dây thừng, dao, vải, dầu lửa, đèn pin, đuốc, bật lửa lên rừng săn bắt nhộng ong.
Người dân xứ Mường thường săn bắt nhộng ong rừng từ tháng đầu tháng 6 đến cuối tháng 9 dương lịch.
Được sự chỉ dẫn, chúng tôi theo chân anh Mùi Văn Hoản ở bản Heo, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn vào rừng săn nhộng ong tử thần. Sau 4km trèo đồi vượt suối, men theo con đường đi nương của bà con giữa những tán rừng già heo hút. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được địa điểm ong rừng làm tổ. Bấy giờ, anh Hoản chỉ tay lên gốc cây gạo và nói tổ ong rừng ở trên đó.
Chúng tôi ngẩng đầu lên, thấy 1 tổ ong rừng to bằng lốp xe tải có màu nâu sẫm treo lủng lẳng trên cành cây gạo. Ngay sau đó, anh Hoản đưa các dụng cụ đã được chuẩn bị từ trước, bắt đầu hành trình đốt ong rừng lấy lấy nhộng.
Niềm vui mừng hiện hữu trên gương mặt của anh Hoàn khi săn được tổ ong rừng to.
Anh Hoản cho hay: "Để tìm được tổ của ong tôi phải thường xuyên vào rừng săn tìm, nếu phát hiện được tổ ong tôi đánh dấu lại, đợi đến thời điểm phù hợp vào săn bắt. Loài ong rừng này thường làm tổ trên cành cây cao và dưới đất hoặc tại các hang đá, có độ sâu từ 50 - 60cm. Để lấy được nhộng trên cành cây cao, tôi và anh em trong bản phải đi bắt vào ban đêm. Nếu bắt ong ban ngày sẽ dễ bị ong đốt gây nguy hiểm đến tính mạng, còn ban đêm thì ong không nhìn thấy đường và ít bay loạn xạ, tiện lợi cho việc săn bắt hơn".
Cận cạnh nhộng ong rừng đang bò lucsc nhung ra khỏi tổ.
Trường hợp ong rừng làm tổ ở dưới đất, khi nhìn phía ngoài chúng ta sẽ phát hiện được vì đất trồi lên nhiều, thi thoảng sẽ có vài con ong bay ra. Để lấy được nhộng của ong, thợ săn phải bịt thật chặt lối ra vào và các lỗ thông hơi, sau đó sẽ hun lửa bằng đuốc, quạt khói vào tổ chừng 15phút.
Khi ong bị ngạt khói, sẽ dùng cuốc đào xuống khoảng 40cm, rồi đưa nhộng ong ra ngoài. Tất cả công việc đó phải tiến hành nhanh chóng và đảm bảo lửa không bị tắt, nếu tắt sẽ rất nguy hiểm. Bởi, lúc hun khói vào tổ đàn ong sẽ nằm la liệt dưới đất "chết tạm thời". Khoảng 8 phút sau, chúng sẽ trở lại trạng thái ban đầu, nên yêu cầu thợ săn phải làm thật nhanh, khi lấy được nhộng sẽ di chuyển ra khỏi khu vực đó, không sẽ bị đàn ong tấn công" - anh Hoản chia sẻ.
Sau khi săn được tổ ong rừng, người dân xứ Mường ở bản Heo, xã Tà Hộc gắp nhộng ong ra khỏi tổ.
Anh Hoản cho biết thêm: Sau khi săn được nhộng ong, chúng tôi thường gắp nhộng ong ra khỏi tổ đựng vào các túi nilong, mang về cất trong tủ lạnh chờ đến chợ phiên thì đem bán cho các tiểu thương đi thuyền trên Sông Đà với giá 300 - 400.000/kg. Thông thường 1 tổ ong rừng to sẽ cho hơn 6kg nhộng ong, chúng tôi kiếm được gần 3 triệu đồng".
Thành quả sau một quá trình lao động vất vả của người dân xứ Mường.
Khó khăn và nguy hiểm là vậy, nhưng đối với những người thợ săn xứ Mường ven lòng hồ Sông Đà coi đây là công việc "hái ra tiền" giúp họ kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Bởi vậy, cứ đến mùa săn nhộng ong rừng người dân nơi đây lại tấp nập lên rừng, lội suối săn ong rừng.
Theo Danviet
Sơn La: Quặn đau, sau lũ cánh đồng xanh chỉ toàn bùn và cát Sau lũ, cánh đồng lúa vốn là "nồi cơm" của hàng trăm hộ dân ở xã Mường Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), chỉ còn sót lại đống đất bùn và cát. Hàng trăm hộ dân phải đối diện với cảnh khốn khó do mất mùa, mất cả ruộng cấy, nguy cơ đói nghèo rình rập. Sau trận mưa lớn, kéo dài...