Sơn La: Nắng chang chang, khoai tây trồng ở đây vẫn tốt ngùn ngụt
Thời gian gần đây, nhiều nông hộ ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La trồng khoai tây theo quy trình VietGAP đã mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Cuộc sống của bà con nông dân ngày càng sung túc và khấm khá. Điều đặc biệt, mùa đông đã qua, nắng nóng mùa hè đã đến nhưng dân ở đây vẫn trồng được khoai tây bởi khí hậu mát mẻ…
Đến thăm đầu tháng 5, nắng chang chang nhưng vườn khoai tây của gia đình ông Đặng Ngọc Lâu, bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những luống khoai tây xanh bạt ngạt hút tầm mắt, cây nào cây nấy đều mập mạp xanh mơn mởn.
Nhìn xuống gốc cây những củ khoai chồi lên làm mặt đất nứt toác. Hệ thống nước tưới tiêu nhỏ giọt được ông Lâu lắp đặt khắp vườn, tạo điều kiện cho vườn khoai ngày càng phát triển, đáp ứng kỹ thuật theo đúng quy trình VietGAP.
Nhiều năm gắn bó với nông nghiệp nên ông Lâu rất am hiểu về kỹ thuật chăm sóc khoai tây.
Kể về cơ duyên đến với cây khoai tây, ông Lâu thổ lộ: “Trước đây gia đình tôi trồng mận và nuôi gà nhưng thời điểm đó giá mặt hàng này rớt giá thảm, nên thu nhập của gia đình tôi bị ảnh hưởng. Tình cờ tôi xem trên tivi thấy người dân dưới xuôi trồng khoai tây cho lãi cao, nên tôi mạnh dạn mua giống về trồng thử. Sau 1 thời gian thấy vườn khoai tây phát triển tốt và hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, tôi quyết định nhân rộng mô hình lên 1.000m2. Tính đến nay tôi gắn bó với cây khoai tây cũng gần 10 năm rồi”.
Để giảm chi phí chăm sóc ông Lâu lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt khắp vườn khoai tây.
Do diện tích trồng khoai tây ở cao nguyên Mộc Châu còn hạn chế, chưa được bà con nhân dân trồng đại trà trên các vườn nên giá cả luôn ở mức cao và ổn định. Vì vậy, cứ đến vụ thu hoạch khoai tây, nhiều thương lái đã vào tận vườn của gia đình ông Lâu thu mua.
Ông Lâu cho biết: “Đa số khoai tây bán ở ngoài chợ đều được nhập từ các tỉnh dưới xuôi, nên chất lượng sản phẩm như thế nào cũng không ai kiểm chứng được. Còn gia đình tôi trồng khoai tây hoàn toàn không sử dụng các chất kích thích, bảo quản hóa học, phân bón tưới tiêu đều dùng phân hữu cơ nên chất lượng luôn bảo đảm yếu tố sạch. Vì vậy, vườn khoai tây của gia đình tôi trồng đến đâu được khách hàng và thương lái mua hết đến đó”.
Video đang HOT
Từ khi chuyển sang trồng khoai tây cuộc sống của gia đình ông Lâu ngày càng khá giả.
Từ khi chuyển sang trồng khoai tây, cuộc sống và thu nhập của ông Lâu không ngừng tăng cao, những khoản vay lãi ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn trước đây đã được gia đình ông trả hết. Để tăng thêm nguồn thu nhập, ông Lâu còn mạnh dạn đầu tư vốn trồng dâu tây trên 600m2 đất vườn theo hướng VietGAP.
Để tăng nguồn thu nhập ông Lâu đang trồng thêm 600m2 dâu tây tại vườn.
Theo ông Đặng Ngọc Lâu chia sẻ: “Do gắn bó với nông nghiệp nhiều năm nên tôi rất am hiểu về kỹ thuật chăm sóc rau, củ, quả và hoa màu. Tôi không gặp chút khó khăn nào trong quá trình chăm bón cả. Vườn khoai tây của gia đình tôi được công nhận VietGAP năm 2011, giá khoai tây tôi bán taị vườn có giá dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bình quân 1 năm tôi lãi hơn 70 triệu đồng”.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn khoai tây của gia đình ông Lâu phát triển tốt và cho củ chất lượng được nhiều khách hàng lựa chọn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, cho biết: “Trước đây, bà con sinh sống ở xã chưa biết trồng khoai tây trở thành hàng hóa. Cuộc sống chỉ phụ thuộc vào cây ngô và nuôi lợn. Tuy nhiên, do ngô không hiệu quả, giá lợn hơi thì bấp bênh kèm dịch bệnh nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn…
“Để tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao mức thu nhập, ông Lâu đã đưa cây khoai tây về trồng theo quy trình VietGAP trên 1.000m2 đất vườn, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình ông đã có thu nhập cao và ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh mô hình trồng khoai tây trên địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng, giúp bà con làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.
Sơn La: Lên Mộc Châu xem tỷ phú mận hậu làm "rạp chống trời"
Trong "cái khó ló cái khôn", lão nông Nguyễn Tuấn Dũng ở tiểu khu Pa Khen (thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã nghĩ ra cách dùng lưới cước chống lại mưa đá. Nhờ vậy, dù mưa đá có to bằng quả trứng gà đi nữa, diện tích mận hậu nhà ông vẫn bình an vô sự.
Đến hẹn lại lên, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, tỉnh Sơn La nói chung và các tỉnh Tây Bắc nói riêng thường xuất hiện mưa đá gây thiệt hại nặng nề về tài sản và hoa màu của người nông dân.
Theo Báo cáo số 38/BC-PCTT của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, từ ngày 21 - 24/3, mưa đá và dông lốc xảy ra trên địa bàn các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Sốp Cộp, thành phố Sơn La, đã khiến 473 ha cây ăn quả (mận, xoài, mơ...) bị rụng quả. Ứớc tính thiệt hại hàng tỷ đồng.
Nhiều người nói vui, lão nông Nguyễn Tuấn Dũng dùng lưới chống trời nên mưa đá dù to đến mấy diện tích mận hậu nhà ông vẫn không bị thiệt hại. (Ảnh: Anh Đức)
Là một trong những hộ dân mất trắng diện tích mận hậu đang chuẩn bị thu hoạch do mưa đá gây ra, lão nông Nguyến Tuấn Dũng ở tiểu khu Pa Khe, thị trấn nông trường Mộc Châu đã mất 2 năm trời để tìm cách khắc chế hiện tượng mưa đá bất thường. Và hiện nay, ông Dũng đã thành công nhờ bí quyết làm "rạp đám cưới" cho vườn mận của mình.
Ngược dòng thời gian cùng phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, lão Dũng kể: "Tôi bắt đầu trồng mận từ năm 1991 và là một trong người đầu tiên trồng mận ở đất Mộc Châu. Hiện nay, tôi có cả trăm cây mận có tuổi đời gần 30 năm với diện tích 4 ha.
Hiện, ông Dũng đã dùng lưới cước căng được 2ha. (Ảnh: Anh Đức).
Theo ông Dũng: Khí hậu, thổ nhưỡng ở Mộc Châu rất phù hợp với cây mận. Bởi vậy, ở Mộc Châu đã có hàng trăm hộ nông dân phất lên thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng mận. Nhưng mấy năm trở lại đây, biến đổi khí hậu, mật độ xuất hiện mưa đá dày hơn khiến người nông dân trở tay không kịp.
"Năm 2018, 4 ha mận hậu của gia đình tôi được mùa, quả sai trĩu cành. Cứ nghĩ thu hoạch xong sẽ "đút túi" tiền tỷ, nào ngỡ sau một trận mưa đá, quả rụng đầy gốc. Những quả còn lại bám trên cây, quả thì bị xước xát, quả bị thối, qủa thì bị sẹo. Đến mùa thu hoạch, tôi chở đi khắp nơi nhưng chỉ bán được một nửa với giá rẻ bèo 3.000đ/kg. Năm đấy, mận nhà thất thu, tiền bán mận không đủ bù chi phí phân bón", ông Dũng kể lại.
Trong hoàn cảnh khó khăn, ông Dũng đã tìm ra bí quyết vượt qua bằng cách dùng lưới cước "làm rạp đám cưới" cho diện tích mận của gia đình. (Ảnh: Anh Đức).
Ông Dũng đổ mồ hôi, nước mắt cho vườn mận hàng chục năm qua, nhưng chỉ sau một trận mưa đá, thành quả đổ hết xuống sông xuống biển. Nghĩ mà buồn. Sau nhiều đêm trăn trở ông Dũng nảy ra ý tưởng dùng lưới để chống lại mưa đá.
Năm 2019, ông Dũng xách ba lô đi khắp nơi xem các mô hình nhà lưới, nhà kính làm nông nghiệp nhưng đều không phù hợp với cây mận. Cuối năm 2019, ông Dũng xuống Thủ đô Hà Nội tham quan một buổi triển lãm hàng công nông nghiệp. Ông phát hiện ra sản phẩm lưới cước của Nhà máy nhựa ở tỉnh Bình Dương siêu nhẹ, siêu bền và có độ đàn hồi rất tốt.
Mưa đá liên tiếp xảy ra mấy ngày vừa qua nhưng mận trong vườn nhà ông Dũng vẫn sai trĩu trịt.
"So với các loại lưới khác trên thị trường, tôi thấy loại lước cước này có độ đàn hồi rất tốt. Bởi vậy, tôi xin ngay một cái card ghi thông tin về công ty. Sau khi về nhà, tôi bảo thằng con trai gọi theo số máy ghi trên cap để hỏi mua lưới thì được nhân viên công ty tư vấn rằng phải mua hơn 2 - 3 tấn lưới đủ một mẻ công ty mới sản xuất và chốt đơn hàng. Đàm phán đi đàm phá lại gần trăm cuộc điện thoại mới chốt được đơn hàng với một chi nhánh của công ty ở Hà Nội..." - ông Dũng kể lại.
Ông Dũng cho biết: Sau khi ăn Tết xong, gia đình tôi đánh ô tô xuống Hà Nội chở lưới về. Và phải mất hơn một tháng mới che chắn được 2ha cây mận hậu. Hiện còn 2ha nữa, trong thời gian tới gia đình tôi sẽ che dùng lưới che toàn bộ.
Trong khi đó mưa đá xảy ra bất thường những ngày qua đã khiến vườn mận của nhiều hộ dân rụng đầy vườn.
Cũng theo ông Dũng, khi ông có ý tưởng dùng lưới chống lại mưa đá cho diện tích mận hậu của gia đình, nhiều người dân xung quanh nghe được thông tin và bảo ông thích làm màu.
"Phải mất hơn 100 triệu đồng mới mua được lưới cước chống mưa đá. Lúc chuẩn bị mua lưới, bà con nhìn tôi với ánh mắt dị nghị và nói tôi bỏ tiền mua vui, lấy trứng chọi đá, làm trò cười cho thiên hạ. Vì vậy, tôi quyết tâm phải làm bằng được" - ông Dũng quả quyết.
Tiết lộ cách làm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Dũng bảo: "Đầu tiên, mỗi gốc mận cố định một thanh tre dài khoảng 4,5m tùy chiều cao của mận làm sao cho cho phù hợp. Sau đó căng một sợi dây thép từ đầu gốc mận bên này sang gốc mận bên kia qua những thanh tre, rồi vác lưới cước qua như rạp đám cưới. Sau đó kéo ra 2 bên buộc vào 2 hàng với nhau. Hàng ngoài cùng chôn thêm cột tre và rít vào.
Tại xã Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) mưa đá không chỉ gây ảnh hưởng hoa màu mà còn gây thiệt hại về nhà cửa của 197 hộ dân ở các bản. Ảnh: Tòng Văn Thành
Ông Dũng phấn khởi chí sẻ thêm: "Rất may gia đình tôi vừa làm xong được 2 hôm thì đến ngày 22/3 xảy ra mưa đá và được thử nghiệm luôn. Rất hiệu quả. Còn các hộ khác thì rụng đầy vườn. Lưới này có sự đàn hồi rất tốt và siêu bền nên khi xảy ra mưa đá, đá bị nảy và rơi ngay xuống đất. Còn những chỗ mình buộc thắt nút, đá đọng lại sau khi đầy thì tự tràn xuống.
"Sau cái ngày mưa đá xong, buổi tối ngày 22/3 đến sáng ngày 23/3, bà con đến nhà tôi đông như đi trẩy hội. Bà con ai cũng trầm trồ thán phục và muốn tôi bày cách làm" - ông Dũng nói.
Sơn La: Liên tiếp xảy ra mưa đá, gây nhiều thiệt hại 3 ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Sơn La liên tiếp xảy ra các trận mưa đá và dông lốc, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và hoa màu của nhân dân, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Từ chiều 21/3 đến cuối giờ chiều nay (23/3), trên địa bàn tỉnh Sơn La liên tiếp xảy ra mưa...