Sơn La: Nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trái cây xuất khẩu
Ngày 2/4, Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với UBND thành phố Sơn La tổ chức Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022.
Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Hội Nông dân các huyện, thành phố ký kết đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện việc bao trái cây phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu năm 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công nhấn mạnh, đây là hoạt động thiết thực để thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản năm 2022 và những năm tiếp theo. Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành phố cũng như các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp tục tập trung sản xuất theo đúng quy trình, phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chất lượng an toàn; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng trong xuất khẩu, tiêu thụ trong chế biến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới; tổ chức nắm bắt thông tin, dự báo, phân tích thị trường; nâng cao năng lực của các cơ sở chế biến, đóng gói sau thu hoạch; tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến đủ điều kiện thu hút đầu tư…
Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 80.000 ha cây ăn quả gồm xoài, chuối, chanh leo, cây ăn quả có múi, nhãn và một số loại cây ăn quả khác. Tỉnh La đã phát triển 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, tăng 39 chuỗi so với năm 2020; có 702 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 88 hợp tác xã so với năm 2020. Ngoài ra, tỉnh Sơn La có 20.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp; có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và 83 sản phẩm đạt chứng nhận an toàn thực phẩm (OCOP). Thị trường tiêu thụ các loại nông sản ở Sơn La tiếp tục được mở rộng. Tỉnh đã xuất khẩu và giới thiệu được 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ; giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 150 triệu USD.
Trước nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng cao, tỉnh Sơn La đã triển khai xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn quả, ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc; trong đó có phương pháp bao quả để đảm bảo chất lượng và mẫu mã cho sản phẩm xoài xuất khẩu.
Xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Lực Pản Phon, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Lường Trung Hiếu cho biết, năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện bao bọc được gần 14 triệu các loại quả, trong đó chủ yếu là xoài, bưởi, na, ổi… Năm 2022, với mục tiêu sẽ bao bọc 15 triệu trái cây, Hội Nông dân tỉnh đã phát động, kêu gọi hội viên, nông dân hưởng ứng phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hội Nông dân tỉnh mong muốn các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện bao bọc các loại cây ăn quả để tránh tác hại của côn trùng, giảm thiệt hại, nâng cao chất lượng, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Dịp này, Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Hội Nông dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện việc bao trái cây phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu năm 2022; ký kết hợp đồng nguyên tắc trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm trái cây. Các đại biểu đã tham quan và thực hành bao quả tại vườn xoài của Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Lực Pản Phon, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La.
Video đang HOT
Chưa từng có: Vụ nghịch mà giá loại trái cây này giảm sâu, Trung Quốc lại có yêu cầu mới
Trong khi giá thanh long tại Bình Thuận vẫn đang giảm sâu và còn lượng lớn cần tiêu thụ thì việc thông quan xuất khẩu tại các cửa khẩu sang Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn, giá thanh long Bình Thuận vụ nghịch chạm đáy
Việc Lạng Sơn thông báo sẽ kéo dài thời hạn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh này để xuất khẩu sang Trung Quốc đến hết ngày 5/3 đang khiến giá thanh long ở Bình Thuận giảm sâu do 90% sản lượng thanh long của tỉnh này phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dù đang là vụ nghịch nhưng hiện giá thanh long ở Bình Thuận giảm rất sâu, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất đã xấp xỉ 10.000 đồng/kg.
Việc Lạng Sơn thông báo sẽ kéo dài thời hạn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh này để xuất khẩu sang Trung Quốc đến hết ngày 5/3 đang khiến giá thanh long ở Bình Thuận giảm. Trong ảnh: Nông dân Bình Thuận chăm sóc thanh long. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện tại, số lượng thanh long của các doanh nghiệp trong tỉnh đang tồn ở cửa khẩu và các kho lạnh lên đến 30.000 tấn, cần phải tiêu thụ trong vòng 15 ngày.
Bước sang tháng 3/2022, Bình Thuận có thêm khoảng 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Tìm phương án thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thanh long tại Bình Thuận kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tồn đọng hiện nay.
Lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tại các địa phương phía Bắc tạo điều kiện tốt nhất cho các xe hàng chờ thông quan...
Bộ Công Thương vừa phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về thông quan hàng hóa và hợp tác phòng chống dịch tại cửa khẩu giữa Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc) theo hình thức trực tuyến. Ảnh: moit.gov.vn.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc, mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về thông quan hàng hóa và hợp tác phòng chống dịch tại cửa khẩu giữa Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc) theo hình thức trực tuyến.
Tại Hội nghị, hai bên đã trao đổi và thống nhất được những nội dung quan trọng về: Hợp tác phòng dịch như việc nghiên cứu xây dựng quy trình xuất khẩu an toàn, phối hợp xây dựng "vùng xanh" tại khu vực cửa khẩu.
Thuận lợi hóa thông quan như tăng lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu, nâng công suất hạ tầng biên giới và đầu tư xây dựng các bãi kiểm dịch để tăng số lượng các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu nông sản, xây dựng luồng xanh thông quan cho nông sản, thực hiện thông quan hẹn trước...
Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất cụ thể nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho việc thông quan như: Xem xét khả năng cho phép cơ quan xét nghiệm bên thứ ba tiến hành xét nghiệm RT-PCR đối với phương tiện vận tải và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
Xem xét công nhận lẫn nhau kết quả xét nghiệm RT-PCR đối với phương tiện vận tải và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
Xây dựng cơ chế phối hợp xây dựng vùng xanh an toàn tại khu vực cửa khẩu để hoạt động thông quan diễn ra an toàn;
Tiếp tục khôi phục và kéo dài thời gian thông quan tại một số cửa khẩu đường bộ đang bị tạm dừng; Nâng cấp và tăng số lượng cửa khẩu nhập khẩu nông sản, lương thực;
Thúc đẩy doanh nghiệp hai bên tăng cường khai thác tuyến vận tải đường sắt...
Phản hồi những đề nghị của phía Việt Nam tại hội nghị, phía Vân Nam cũng tiếp tục nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục phối hợp đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch vì mục tiêu an toàn sức khỏe cho người dân hai nước.
Bên cạnh đó, phía Vân Nam cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể với các địa phương Việt Nam như: đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 từ khâu nuôi trồng, thu mua, bao gói, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu; áp dụng quy trình quản lý thông minh, tham khảo phương án "mỗi cửa khẩu thành lập một nhóm công tác chuyên môn" của Trung Quốc,...
Điều tiết lượng trái cây vào vụ thu hoạch để tránh ùn ứ cửa khẩu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các hiệp hội ngành hàng nông sản về hoạt động xuất nhập khẩu nông sản qua cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ...