Sơn La: Mưa đá, dông lốc kinh hoàng, nước mắt hòa nước mưa
Mưa đá kèm theo dông lốc xảy ra từ ngày tối ngày 22/4 đến rạng sáng ngày 23/4 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Ước tính thiệt hại ban đầu trên 2 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân thiệt hại tài sản, hoa màu thảng thốt kêu lên, chưa thấy trận mưa đá, giông lốc nào kinh hoàng như vậy…
Từ tối ngày 22/4 đến rạng sáng 23/4, trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai… của tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa đá, mưa vừa đến mưa to kèm theo dông lốc gây thiệt hại đến người và tài sản của người dân.
14 ngôi nhà ở các bản của xã Bắc Phong (huyện Phù Yên) bị hư hỏng, tốc mái gây ảnh hường đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Mưa lớn khiến đá lăn đã làm chết bà L.T.T, sinh năm 1982, ở bản Pát Ca (xã Nà Bò, huyện Mai Sơn). Mưa đá kèm theo dông lốc làm nhiều nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó 14 nhà ở huyện Phù Yên bị đổ, tốc mái và 11 thuyền máy bị chìm…; 3 nhà ở huyện Mường La bị sập đổ; 5 nhà ở huyện Mai Sơn bị sạt lở phải di dời; 39 nhà bị tốc mái, cây đổ vào nhà ở các huyện Mai Sơn, Mường La và Thuận Châu.
Mưa đá kèm theo dông lốc làm thiệt hại 5 ha cây ăn quả tại các bản của xã Bắc Phong (huyện Phù Yên).
Bên cạnh thiệt hại về người và nhà cửa, mưa đá kèm theo dông lốc còn làm thiệt hại 240ha cây ăn quả và rau màu tại Mai Sơn, Thuận Châu và 30ha mạ, 80ha ngô ở huyện Mường La; bị chìm, hư hỏng 2 lồng cá, diện tích ruộng bị vùi lấp khoảng 5 ha. Tại huyện Phù Yên, thiệt hại xoài khoảng 2 tấn quả, chuối thiệt hại khoảng 5 ha.
Video đang HOT
Hệ thống đường giao thông bị hư hỏng nặng, đất đá sạt lở tả ly dương xuống đường 2 điểm, ước tính khối lượng trên 10.000m3… Uớc tính thiệt hại ban đầu do mưa đá kèm theo giông lốc gây ra trên địa bàn tỉnh Sơn từ tối qua đến sáng nay trên 2 tỷ đồng.
Mưa lớn kèm dông lốc đã gây thiệt hại về nhà cửa của nhân dân xã Mường Giông (huyện Quỳnh Nhai). Ảnh Nguyễn Hải.
Ngồi cạnh luống cà chua đang thời kỳ ra quả và hoa bị tan nát bởi trận mưa đêm 22/4, anh Đoàn Trung Kiên, Hợp tác xã 3, (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn), nói: “Năm ngoái gia đình tôi thu được hơn 200 triệu đồng từ diện tích trồng cà chua như thế này. Năm nay ước tính sau khắc phục may ra được bằng 1/3 thu hoạch của năm ngoái. Thiệt hại do mưa đá gây ra cho diện tích hoa màu đợt này sẽ khiến gia đình tôi thất thu hơn 300 triệu đồng”.
Mưa lớn kèm dông lốc đã làm đổ cây trên đường Trường Chinh, thành phố Sơn La.
Ngay trong sáng nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, xã đã trực tiếp xuống cơ sở ghi nhận thiệt hại. Trước mắt, đã hỗ trợ động viên gia đình có người bị thiệt hại với kinh phí 5,4 triệu đồng. Về thiệt hại nhà cửa, cây cối hoa màu, các địa phương đang tập trung huy động các nguồn lực tại chỗ để khắc phục nhà ở bị ảnh hưởng, sang sửa các nhà bị tốc mái, thủng mái, thu dọn rau màu, cây cối bị dập nát, gãy rụng giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất.
Vườn su hào đang thu hoạch của gia đình anh Đoàn Trung Kiên bị dập nát do mưa đá.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La cũng đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, thành phố tiếp tục tổ chức kiểm tra, thống kê thiệt hại. Đồng thời, huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, trong nhiều ngày tới, trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa. Trong đó có mưa dông và có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá kèm gió giật mạnh.
Tống Huyền-Sùng Long
Mưa lớn hiếm gặp giữa tháng 4 ở miền Trung, cảnh báo sự bất thường
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai diễn ra cực đoan, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ra chỉ thị yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống thiên tai năm 2020.
Cụ thể, trong Chỉ thị do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường ký nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước.
Điển hình là hạn hán xảy ra ở cả 3 miền; xâm nhập mặn vượt mức lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra liên tiếp tại miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, trong đó có đợt ngay trong đêm 30, sáng 01 Tết Nguyên đán; mưa lớn từ ngày 12-14/4 ở các tỉnh duyên hải miền Trung làm trên 19.500ha lúa bị ngập úng, gãy, đổ. Đây là hiện tượng hiếm gặp, báo hiệu sự bất thường, cực đoan của thiên tai.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 05-06 cơn trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... đặc biệt là nguy cơ xuất hiện mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016 vừa qua.
Mưa lớn hiếm gặp từ 12 - 14/4 ở miền Trung gây đổ ngã nhiều diện tích lúa. Ảnh: TTXVN.
Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN (Ban Chỉ huy) các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trên cơ sở nhận định của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế, tổng hợp, phân tích, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Chính phủ về các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt lớn có thể xảy ra, cũng như các kịch bản ứng phó cụ thể, tránh để xảy ra bị động bất ngờ, gây hậu quả lớn dẫn đến thảm họa.
Đề xuất các giải pháp cần thiết trước mắt và lâu dài nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nâng cao năng lực theo dõi, giám sát diễn biến và đánh giá tác động của thiên tai đến các mặt của đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để tiếp nhận và truyền tải thông tin được kịp thời, chính xác, đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ thường trực, trực ban, họp chỉ đạo điều ứng phó, cũng như tổ chức các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương đến hiện trường xảy ra thiên tai được hiệu quả.
Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các Bộ ngành, địa phương thực hiện đầy đủ nhiệm vụ về phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ huy, chỉ đạo, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, không để chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai theo hướng chuyên trách, đảm bảo tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên; rà soát quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả; tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các vùng miền, địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức cảnh báo, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các ngầm tràn, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu, chia cắt, cô lập.
Khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản...
Xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp. Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đã xảy ra sự cố, các hồ có nguy cơ cao, do tư nhân quản lý.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các tàu đánh bắt thủy, hải sản hết hạn đăng kiểm.
Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: Bão, bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,... nhất là đối với Nhân dân, khách du lịch tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo và vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Chú trọng công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; đẩy mạnh hoạt động quỹ phòng chống thiên tai, xây dựng kế hoạch, triển khai thu và sử dụng theo đúng quy định, phát huy hiệu quả quỹ, tạo nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai của địa phương.
Khánh Nguyên
Sơn La liên tiếp 2 vụ tai nạn xảy ra do trời mưa, đường trơn trượt Chiều 23/3, trên Quốc lộ 6, thuộc địa phận xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn khiến nhiều người bị thương. Vụ tai nạn giữa xe buýt và xe tải xảy ra khi chiếc xe buýt đang di chuyển theo hướng Sơn La - Quỳnh Nhai, đến địa phận xã Chiềng Đen,...