Sơn La: Lại tiếp tục xảy ra động đất có độ lớn 4,0 tại Mộc Châu
Trận động đất diễn ra vào 8 giờ 26 phút 42 giây ngày 28/7 có độ lớn 4,0, xảy ra tại vị trí 20,922 độ vĩ Bắc, 104,737 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12,1 km thuộc khu vực huyện Mộc Châu.
Trụ sở Bưu điện văn hóa xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bị thiệt hại do trận động đất hôm 27/7. (Ảnh: TTXVN phát)
Vào lúc 8 giờ 26 phút ngày 28/7, một trận động đất có độ lớn 4,0 tiếp tục xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, Sơn La. Đây là trận động đất có độ lớn thứ 2 trong liên tiếp 6 trận động đất tại khu vực này diễn ra từ trưa 27/7 đến sáng 28/7.
Các trận động đất được Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) ghi nhận tại khu vực này trong ngày 27/7 có độ lớn là: 5,3 độ vào 12 giờ 14 phút 51 giây; 3,0 độ vào 12 giờ 39 phút 55 giây; 3,8 độ vào 15 giờ 52 phút 26 giây, 3,3 độ vào 16 giờ 17 phút 7 giây và 2,6 độ vào 23 giờ 23 phút 1 giây.
Trận động đất diễn ra vào 8 giờ 26 phút 42 giây ngày 28/7 có độ lớn 4,0, xảy ra tại vị trí 20,922 độ vĩ Bắc, 104,737 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, các trận động đất liên tiếp sau đó, bao gồm cả trận động đất sáng 28/7, đều là dư chấn của trận động đất có độ lớn 5,3 diễn ra vào trưa 27/7.
Video đang HOT
Sau một trận động đất thường có các rung chấn nhỏ hơn kèm theo là điều bình thường, người dân không cần lo lắng về nguy cơ xảy ra các trận động đất có độ lớn cao hơn tại Mộc Châu, Sơn La trong thời điểm này.
Mặc dù vậy, Sơn La là tỉnh thuộc khu vực có nguy cơ tiềm ẩn cao về động đất, năm 1983, khu vực này từng xảy ra động đất có độ lớn 6,7 độ.
Do đó, chính quyền địa phương cần chủ động rà soát lại các công trình xây dựng có kết cấu yếu; tăng cường tuyên truyền phòng, chống động đất đến người dân địa phương; chủ động di dời, bố trí nơi ở an toàn cho người dân ở nơi có nguy cơ cao xảy ra động đất; rà soát lại các khu vực triền sông, triền núi dễ xảy ra nguy cơ sạt lở đất, đá lăn để cắm biển cảnh báo, chủ động ngăn ngừa người dân qua lại.
Trong hai ngày (27/7 và 28/7), Viện Vật lý Địa cầu đã cử 2 đoàn công tác đến Mộc Châu, Sơn La để trực tiếp khảo sát, kiểm tra và đo đạc ảnh hưởng của các trận động đất.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này./.
Người dân Mộc Châu bất an khi hứng chịu 5 trận động đất lớn trong 4 giờ đồng hồ
Trong thời gian 4 tiếng đồng hồ đã xảy ra tới 5 trận động đất tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La khiến người dân vô cùng bất an.
Ngày 27/7, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra 5 lần động đất, khiến hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng, gây tâm lý bất an cho người dân.
Cụ thể, từ 12h14-16h17 ngày 22/7, huyện Mộc Châu (Sơn La ) đã hứng chịu 5 lần động đất; trong đó trận động đất lần thứ nhất xảy ra vào lúc 12h14 tại vị trí có tọa độ 20.83 độ vĩ Bắc, 104.65 độ kinh Đông, có độ lớn 5,3 richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 14km.
Trận động đất đã khiến hàng trăm ngôi nhà cùng nhiều công trình công cộng bị sụt lún, nứt tường, vỡ ngói lợp, sập trần nhựa, đất đá sạt trượt; cháy nổ một số hệ thống điện của UBND xã...
4 trận động đất tiếp theo lần lượt xảy ra vào lúc 12h20, 12h39, 15h52 và 16h17, vị trí đều gần với vị trí trận động đất ban đầu; các trận động đất sau có độ lớn từ 3,0 đến 3,8 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng từ 8,2 đến 12km.
Nhiều trụ sở, công trình bị nứt, vỡ tường do động đất. Ảnh: PCTT&TKCN Sơn La.
Như vậy là trong thời gian 4 tiếng đồng hồ, đã xảy ra tới 5 trận động đất - điều này chưa từng xảy ra tại huyện Mộc Châu, khiến người dân vô cùng bất an.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu, Phó Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mộc Châu cho biết, ngay sau khi động đất xảy ra, huyện Mộc Châu đã tích cực triển khai các phương án khắc phục hậu quả, khẩn trương hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng, sửa chữa lại nhà ở cũng như các công trình công cộng trên địa bàn; nhất là hướng dẫn, tăng cường kỹ năng ứng phó với động đất, ổn định tâm lý cho nhân dân.
Còn theo TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, các trận động đất xảy ra trên đứt gãy sông Đà, một đới đứt gãy đang hoạt động mạnh ở vùng Tây Bắc. Chiều cùng ngày, Viện đã cử đoàn chuyên gia gồm các nhà khoa học đầu ngành đến khảo sát hiện trường, đánh giá nhận định về tình hình hoạt động động đất ở đây. Các nhà khoa học dự kiến sẽ lưu lại khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, việc liên tiếp xảy ra động đất trong ngày chưa hẳn là điều bất thường bởi sau một trận động đất có cường độ khá mạnh như trận động đất có độ lớn 5.3 lúc 12h14 ngày 27/7 thường sẽ kéo theo dư chấn là các trận động đất nhỏ hơn khác, các dư chấn này thậm chí có thể kéo dài 1 tháng.
Cũng trong chiều 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện yêu cầu UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập lớn tại khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Vì sao Sơn La hứng chịu động đất mạnh 5,3 độ? Chuyên gia cho biết Sơn La nằm trên hệ thống của rất nhiều đới đứt gãy nên có nguy cơ động đất cao. Trận động đất 5,3 độ do hoạt động địa chất mạnh của hệ thống này. Trận động đất mạnh 5,3 độ xảy tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trưa 27/7 đã khiến nhiều nhà cửa, công trình bị nứt...