Sơn La: Khốn khổ, có nhà không dám ở ra ở lều lệt bệt bùn đất
Những trận mưa kéo dài do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, khiến cho cuộc sống của 21 hộ dân ở bản Nọng Lót (xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) bị đe dọa bởi nguy cơ lở núi luôn rình rập, có thể vùi lấp cả bản bất cứ lúc nào.
Hoang mang, lo lắng, người dân không dám ở nhà, chỉ còn cách kéo nhau ra những túp lều dựng tạm ở qua ngày.
Cuộc sống bên trong túp lều
Như báo điện tử DANVIET.VN đã phản ánh về tình trạng xuất hiện vết nứt trên núi kéo dài bao quanh bản Nọng Lót (xã Mường Sai) đang có nguy cơ sạt lở vùi lấp cả bản. Hàng chục hộ dân đang sống trong cảnh lo âu, ăn không ngon ngủ không yên. Mỗi khi trời đổ mưa to gió lớn, cả bản từ già đến trẻ lũ lượt kéo nhau ra những túp lều tạm dựng sẵn ven đường để tránh nạn.
Những túp lều tạm của bà con dân bản Nọng Lót ở để tránh sạt lở.
Theo phản ánh của người dân: Các rãnh nứt xuất hiện trên mỏm dốc, giữa lưng chừng núi cách bản Nọng Lót khoảng 200 mét, có bề rộng từ 10 cm đến gần 1 m, kéo dài hàng chục mét bao quanh bản, dùng cả cây tre dài 5 – 6 mét thọc sâu vào khe nứt bị ngập tới ngọn mà chưa tới đáy. Khi mưa lớn kéo dài, nước từ trên các sườn núi dồn về chảy vào bên trong khe nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao.
Ông Giàng A Di, Phó Trưởng bản Nọng Lót, tối nào cũng lên khu túp lều của bà con để điểm danh, xem bà con dân bản có về ngủ đủ không.
Chứng kiến cảnh sống vất vả cùng nỗi lo của dân bản, ông Giàng A Di, Phó trưởng bản Nọng Lót trải lòng: Lần nào cũng vậy, ngày nào trời mưa to kéo dài là lần đó nhà trên, nhà dưới, từ già đến trẻ lại kéo nhau rời khỏi bản, đến khi trời tạnh ráo mới trở về, chiều tối lại tiếp tục kéo nhau ra túp lều ven đường ngủ để đề phòng sạt lở. Cứ thế, đi lại nhiều khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn. Người lớn khi lên nương, lên rẫy, hễ gặp trời mưa to lại cuống cuồng chạy về nhà dọn dẹp đồ đạc, đưa đám trẻ nhỏ ra khỏi bản đến những túp lều tạm để tránh nạn.
Những vũng nước xung quanh túp lều.
Trước nỗi lõ mất an toàn, vừa qua cấp ủy, chính quyền xã Mường Sai đã huy động các ban, ngành, đoàn thể đến hỗ trợ bà con bản Nọng Lót dựng túp lều, dùng phông bạt quây xung quanh để ở tạm tránh nạn, phòng nguy cơ sạt lở xảy ra để tránh thiệt hại về người. Chiều tối nào dân bản cũng kéo nhau xuống xuống núi đông như đi chợ, để ra các túp lều ngủ qua đêm. Đặc biệt là những ngày trời đổ mưa to phải ở trong túp lều cả ngày không ai được quay lại bản vì nguy hiểm.
Video đang HOT
Bản Nọng Lót nằm cheo leo trên sườn núi cao.
Ông Di cho hay, cuộc sống sinh hoạt của bà con trong những túp lều này rất khó khăn, vất vả, không điện, không quạt, bà con chỉ dùng nến và đèn pin thắp sáng, bên trong túp lều ẩm thấp và nóng do hấp nhiệt. Mưa xuống nước đọng thành những vũng nhỏ bao quanh túp lều, tràn cả vào bên trong, khiến mặt đất trở nên trơn ướt, nhão nhoét, lầy lội. Hơn nưa, do những túp lều dựng sát ven rừng nên về đêm rất nhiều muỗi không ngủ được, thỉnh thoảng xuất hiện rết bò vào trong lều rất nguy hiểm.
Cuộc sống bên trong túp lều ẩm thấp, mưa xuống bùn lầy, trơn trượt.
Thương nhất là người già tuổi chân tay chậm chạp không được nhanh nhẹn, đi lại khó khăn, nhiều cháu nhỏ bố mẹ phải cõng trên lưng. Thường ngày cuộc sống rất vất vả, bà con chủ yếu canh tác trồng sắn, ngô, lúa nương nhưng do thiếu đất sản xuất nên dân bản phải sang bản khác mượn đất để sản xuất.
Do các hộ gia đình đều chung hoàn cảnh khó khăn, khi thầu đất một số hộ đến mùa thu hoạch bán được nông sản mới trả tiền cho chủ đất. Năm nào mất mùa không trả được tiền phải chịu nợ lãi, thậm chí nhiều nhà bị vỡ nợ vì không đủ khả năng trả, đành ôm lãi mẹ đẻ lãi con, cứ thế nghèo mãi.
Khu tránh nạn của bà con dân bản Nọng Lót nằm ven Quốc lộ 4G.
Giải pháp chưa được thực hiện
Thông tin với phóng viên DANVIET.VN, ông Tòng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Mường Sai, cho biết: Các vết nứt xuất hiện ở bản Nọng Lót vào cuối tháng 8/2018 thành các khe, rãnh sâu chạy quanh bản, có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Thời gian qua, xã đã hỗ trợ bà con dựng lán trại để ở tạm, khi mưa lũ cho bà con đến ở vào ban đêm.
Đây là giải pháp tạm thời, hiện xã, huyện đang trình UBND tỉnh Sơn La thời gian tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất để di chuyển bà con đến chỗ ở mới, cách chỗ ở cũ khoảng 3 km, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Nhưng hiện chưa có quyết định từ cấp trên nên chưa thể làm nền nhà cho bà con, nên các hộ vẫn đang đi lại ở tạm trong các lán trại.
Tuy nhiên, một năm qua cuộc sống của bà con dân bản Nọng Lót vẫn trong tình trạng bất an, lo lắng vì chưa có chỗ ở ổn định. Người dân đang từng ngày mong ngóng chính quyền sớm vào cuộc giúp đỡ người dân có chỗ ở mới để sớm ổn định cuộc sống.
Theo Danviet
Sơn La: Núi nứt một vệt dài, dân lo nơm nớp, cứ mưa là ra lều ngủ
Từ khi xuất hiện vết nứt dài trên núi, hàng chục hộ dân ở bản Lọng Lót (xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đang ngày đêm sống trong cảnh lo sợ, vì hàng nghìn khối đất đá trên đỉnh núi đang có nguy cơ sạt lở vùi lấp cả bản.
Bản lọng Lót có 21 hộ, trong đó, có 3 bộ dân tộc Thái, 6 hộ Xinh Mun và 12 hộ Mông), cả bản đều sống ở trên sườn núi dốc, gần Quốc lộ 4G (tuyến đường đi từ thành phố Sơn La vào huyện Sông Mã).
Anh Sồng A Hộ dẫn phóng viên lên thực tế tại nơi xảy ra vết nứt.
Những khe nứt sâu, kéo dài quanh bản có nguy cơ kéo hàng nghìn mét khối đất đá đổ ập xuống bản bất cứ lúc nào. Đặc biệt là sau trận mưa kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua đang khiến các hộ dân đang ngày đêm lo sợ.
Các khe nứt rất sâu.
Chúng tôi được anh Giàng A Hộ, người dân trong bản dẫn lên phía đỉnh dốc nơi xuất hiện những vết nứt để tận mắt chứng kiến. Đúng như phản anh của người dân, các vết nứt cách bản khoảng 200 mét, chạy dài qua nương ngô, nương lúa, sắn của dân bản đang canh tác.
Dân bản Nọng Lót nằm giữa lưng chừng núi, độ dốc cao.
Chỉ tay về phía các vết nứt, anh Hộ nói rằng: Vết nứt xuất hiện sau cơn bão số 4, tháng 8/2018, do ông Sồng A Dơ (người trong bản) phát hiện khi đang đi làm nương lúa. Những vết nứt thành khe sâu, kéo dài hàng chục mét bao quanh bản Lọng Lót, chỗ hẹp khoảng 10 cm, chỗ rộng gần 1 m. Các khe nứt rất sâu, để đo năm ngoái dân bản đã chặt cây tre dài 5 - 6 mét thọc sâu vào khe nứt, thế mà nó ngập luôn cả cây tre mà vẫn chưa tới đáy.
Các vết nứt xuất hiện cách bản Nọng Lót khoảng 200 mét.
Nhìn lên quả núi đang nguy cơ đổ ập xuống bản, anh Hộ tâm sự: Mỗi khi có trời mưa lớn, cuộc sống của bà con càng thêm vất vả, ai cũng ăn không ngon ngủ không yên, lúc nào tâm trạng cũng lo sợ. Toàn bộ tài sản, nhà cửa, vật nuôi... vẫn chưa được di chuyển đang ở nguyên tại chỗ. Chỗ ở không ổn định không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi.
Các vết nứt chạy dài qua nương ngô, nương lúa của bà con đang canh tác.
Ông Giàng A Di, Phó trưởng bản Lọng Lót cho biết: Cuộc sống bà con khó khăn vất vả lắm, thời gian vừa qua, để đề phòng tình trạng xảy sạt lở, chính quyền xã đã xuống hỗ trợ bà con phông bạt, dựng 10 cái túp lều cách bản gần 2 km để ở tạm vào những ngày trời mưa to để tránh thiệt hại về người. Tuy nhiên, ban ngày bà con vẫn trở về nhà ở để trông nhà, đi nương, đi rẫy, chăm con lợn, con gà, vịt... Đến chiều, cơm nước trên nhà xong cả bản lại kéo nhau ra lều ở.
Nhiều khe nứt bề mặt đã bị lấp đi một phần do bà con canh tác nương rẫy, nhưng bên trong khe nứt vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Di cho hay, cả bản Lọng Lót đều là hộ nghèo, duy nhất chỉ có 1 hộ cận nghèo, trong nhà con lợn, con gà là thứ tài sản rất đáng giá nhất của bà con. Thông thường chỉ có phụ nữ, người già, trẻ em là ra lều ở, còn đàn ông trong gia đình vẫn ở lại để canh chừng nhà cửa, đồ đạc. Nhiều hôm bà con không chịu ra khỏi bản, nên hôm nào ban quản lý bản cũng phải ra phải điểm danh từng hộ, thấy thiếu hộ nào là lên vận động bà con mới chịu xuống, những lúc như thế rất nguy hiểm.
Túp lều bằng bạt cho người dân ở tạm, dựng trên một bãi đất bằng ven Quốc lộ 4G.
Được biết, trước nỗi lo mất an toàn, vừa qua cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã Mường Sai đã hỗ trợ người dân làm những túp lều bằng bạt để người dân lánh nạn ngủ qua đêm hoặc những lúc trời mưa to kéo dài để tránh thiệt hại về người. Hiện bà con đang từng ngày mong muốn có chỗ ở ổn định.
Theo Danviet
Hòa Bình: Tài sản, hoa màu, đường giao thông thiệt hại nặng sau lũ Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, những ngày qua, mưa lũ đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thiệt hại nặng, nhiều tài sản, hoa màu bị cuồn trôi, hệ thống đường giao thông sạt lở khiến đời sống của bà con nhân dân bị đảo lộn. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh...