Sơn La: Dân nghèo sau hang tối Thẳm Luông mong muốn gì?
Nằm sâu trong thung lũng giữa bốn bề núi đá, đồng bào dân tộc Thái ở bản Chùn ( xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) vẫn trong diện đặc biệt khó khăn. Cuộc sống nghèo do nhiều nguyên nhân nhưng cái chính là đường giao thông đi lại quá vất vả, gian nan.
Con đường mưu sinh của bản phải đi qua hang tối ( hang Thẳm Luông). Lâu nay bà con luôn mong có con đường bê tông đến bản để đi lại, thông thương hàng hóa thuận lợi hơn.
Con đường đặc biệt nhất nước
Tính theo đường chim bay, bản Chùn chỉ cách Quốc lộ 6 chừng 3 km và đường bộ khoảng 5 km, thế nhưng bản Chùn vẫn thuộc diện bản đặc biệt khó khăn của xã Thôm Mòn. Người dân nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc Thái, trong số 51 hộ trong bản thì có tới 33 hộ nghèo, cận nghèo và nhiều hộ cũng đang trong diện khó khăn mấp mé với cận nghèo.
Hàng ngày người dân phải đi xuyên qua hang Thẳm Luông, vì đây là con đường duy nhất vào bản.
Sinh hoạt thuận lợi hơn nhưng cái nghèo thì vẫn dậm chân tại chỗ, mà nguyên nhân không phải đâu xa bởi con đường vào bản quá gian nan vất vả, có thể nói đây là con đường đặc biệt nhất nước. Đường đi xuyên qua hang núi đá dài 500m, trong hang tối như bưng, ai có việc đi ra hoặc đi vào đều phải dùng đèn pin, đóm lửa soi đường.
Anh Lường Văn Thương, trưởng bản Chùn, cho biết: Bản Chùn được hình thành từ những năm 1954, mới đầu vùng này là rừng núi thâm u, rừng thiêng nước độc, một số người dân từ bản Thôm (xã Thôm Mòn) vào khai phá làm nương, làm rẫy trồng cây ngô, cây lúa. Họ dựng lán, trại rồi chuyển sang làm nhà kiên cố ở lại, lúc đầu chỉ có 4 – 5 hộ, dần dần số người đến ở tăng lên, rồi lập thành bản Chùn.
Đến nay, số hộ dân trong bản đã tăng lên 51 hộ với 246 nhân khẩu. Ngỡ rằng trên vùng đất mới, quê mới, cuộc sống sẽ no ấm, sung túc, nhưng trải mấy đời từ ngày lập bản đến nay, cái nghèo cứ đeo bám lấy bà con.
Cũng do đường đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Con đường xuyên núi vào bản hẹp chỉ vừa cho một chiếc xe tải cỡ nhỏ từ 1,5 – 2 tấn đi qua. Phần lớn nông sản bà con làm ra đều phải tự chở bằng xe máy ra ngoài đường lớn mới có người mua. Giao thông khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của bà con, làm ra bắp ngô, củ sắn đã khó, làm ra rồi lại bị thương lái ép giá, thậm chí không có ai vào thu mua.
Con đường bà con dân bản Chùn đi qua hàng ngày là xuyên qua hang tối Thẳm Luông.
“Cuộc sống của bà con dân bản khó khăn do nhiều lý do, điều kiện sản xuất đất dốc bạc màu; một phần do trình độ dân trí hạn chế, nhiều người dân trong bản vẫn không biết chữ nên khả năng tiếp thu kiến thức kỹ thuật vào sản xuất gặp khó khăn.
Đặc biệt là giao thông đi lại, đoạn đường từ bản ra đến Quốc lộ 6 chưa đầy 5 km nhưng đi lại vô cùng vất vả, đường dốc nhiều ổ voi, ổ gà, mùa khô đường bụi bẩn, mùa mưa tầm tháng 7 – 9 đường lầy lội, nhiều lúc bản bị cô lập tách biệt với bên ngoài”, anh Thương chia sẻ.
Video đang HOT
Vào mùa mưa, con đường đất này đi lại rất khó khăn.
Mong lắm một con đường
Trao đổi với anh Thương, được biết: Người dân nơi đây vẫn lo nhất là việc đi lại của các cháu học sinh. Bởi do đường đi lại khó khăn, học sinh phải nghỉ học thường xuyên vì không thể đến lớp hoặc mỗi gia đình phải mất một lao động chủ lực để chuyên công việc đưa đón con đi học.
Nhiều trường hợp trong bản có người ốm nặng đi cấp cứu, phải nhờ những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong bản dùng xe máy chở 3 người băng qua đường sóc đến bệnh viện. Mùa mưa thì phải cõng hoặc khiêng người bệnh vì chẳng có phương tiện nào đi được do đường bùn và trơn.
Cả bản hiện trồng 10 ha cà phê, trên 5 ha ngô, nỗ lực thoát nghèo không ngừng, nhưng do đường đi lại khó khăn khiến thương lái không dám vào mua, người dân tự vật lộn thồ ra ngoài bán. Nếu thương lái vào mua thì ép giá thấp hơn bên ngoài 2 – 3 giá, làm nhiều không thấy có lời lãi thậm chí bị lỗ thành ra bà con sinh ra nản.
Các mặt hàng nông sản, trong đó có sản phẩm cà phê của bản Chùn gặp khó khăn về đầu ra do đường đi lại khó khăn.
Ngồi nghỉ tay sau cả buổi cầm cuốc rẫy cỏ trên nương cà phê, đôi mắt đượm buồn ngồi chuyện trò với bà con cùng bản về cảnh nghèo, bà Lường Thị Luận, tuổi đã ngoài lục tuần, tâm sự: “Cuộc sống khó khăn, làm cũng chỉ đủ ăn. Cuộc sống nghèo nên các con, cháu trong nhà đều đi làm ăn xa, mọi việc ở nhà phải đứng ra gánh vác. Nhà trồng ngô, trồng cà phê, mỗi thứ một ít, năm nào mưa thuận gió hòa thì đủ ăn, còn không thì đói kém, năm nào cũng phải đi vay đi mượn của gia đình có kinh tế khá hơn ít tiền đong gạo. Không biết khi nào bản có đường đi thuận lợi để người dân dễ làm ăn”.
Người dân bản Chùn mong có một con đường bê tông đi lại thuận lợi.
Anh Lò Văn Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn, cho biết: Bản Chùn là bản đặc thù khó khăn của xã. Nguyên nhân thì nhiều nhưng dễ thấy nhất là đường đi lại của bà con quá khó khăn, ngày nào cũng phải qua hang tối Thẳm Luông, mùa khô còn dễ, mùa mưa thì hạn chế đi lại.
Những năm gần đây, các chế độ chính sách hỗ trợ cũng đã triển khai đến bản để giúp bà con nâng cao đời sống, hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, cây trồng, vật nuôi… nhưng do đường đi lại như vậy nên khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn hơn…
Theo Danviet
Ớn lạnh, rợn người nơi hang tối, ban ngày phải rọi đèn pin đi chợ
Hang Thẳm Luông (thuộc bản Thẳm, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nơi lưu dấu những gót chân mưu sinh của hàng chục hộ dân. Hàng ngày họ phải dùng đèn pin đi lại trong sự vất vả, nhọc nhằn, mạo hiểm qua hang tối trong sự sợ hãi tiềm ẩn nhiều điều bất chắc...
Đi chợ... cũng phải dắt đèn pin, đóm lửa
Đứng từ bên vệ đường Quôc lộ 6, đánh mắt nhìn lên ngọn núi đá sừng sững cao ngút, giữa vách đá dựng đứng là một cái hang sâu hun hút, từ chân núi một lối mòn bắc qua dẫn lên hang.
Đối với người lạ thoạt nhìn vách đá đã thấy rợn người, nổ da gà vì độ cao. Hang đá xuyên qua lòng núi, phía trong tối mịt.
Ấy thế nhưng đây lại chính là con đường mưa sinh của hàng chục hộ dân sống trong thung lũng phía sau dãy núi. Hàng ngày họ phải nhọc nhằn, mạo hiểm rọi đèn pin, đốt đuốc đi qua hang tối bất chấp sự sợ hãi, nguy hiểm, rắn, rếp... do đây là con đường độc đạo duy nhất.
Hang Thẳm Luông nằm trên vị trí vách núi đá dựng đứng.
Để mục sở thị, PV DANVIET.VN bám theo một số người dân theo họ đi vào con đường trong hang tối để xuyên qua núi. Mặc dù đã được cảnh báo và chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng chúng tôi vẫn không rứt được tâm trạng lo lắng, run sợ.
Càng đi sâu vào hang đá cảm giác ớn lạnh, nổ da gà xuất hiện. Ánh đèn xe máy thường ngày sáng trưng nhưng trong lòng hang chỉ sáng mập mờ, lập lòe như con đom đóm, phải căng mắt nhìn lấy được điểm bám lối đi mới không bị chệnh đường.
Những ổ gà, ổ voi, những khúc cua trong hang khiến bánh xe nẩy lập bập như sắp đâm vào vách đá. Âm thanh phản xạ phát ra từ chiếc xe máy ù ù xói lên ầm ĩ đập vào tai nghe lạnh người...
Với người lần đầu tiền đi qua hang tối, cảm giác thật sợ, thế nhưng với người dân nơi đây đã thành chuyện cơm bữa, quá đỗi quen thuộc, ngày nào họ cũng phải qua lại bất kể là nắng hay mưa.
Ông Lò Văn Xiến (86 tuổi), dân tộc Thái, người từng chứng kiến nhiều cảnh vất vả của bà con dân bản mỗi khi đi hang tối.
Hôm chúng tôi đến nhà, ông Xiến đang ngôi đầu sàn buộc túm những bó rau rừng mới hái về cho vào trong túi nilon để vợ ông là bà Lò Thị Sươi (81 tuổi) đem ra chợ bán kiếm ít đồng đổi lấy mắm, muối.
Như đã thành thói quen khi xuống chợ hay có việc gì đó ra trung tâm xã, công việc đầu tiên của bà Sươi khi bước ra đường là cầm lấy chiếc đèn pin treo sẵn ở cái cột giữa nhà vì không thể thiếu được nó. Tuổi cao không đi được xe máy nên bà đi bộ, mỗi tuần dăm ba lần bà vừa gánh rau vừa rọi đèn pin qua hang tối xuống chợ bán rau cho khách.
Hang Thẳm Luông là nơi qua lại của hàng chục hộ dân mỗi ngày.
Chúng tôi hỏi sao phải mang theo đèn pin, ông Xiến nói rằng: Cũng giống như hầu hết hơn 60 hộ dân sống ở thung lũng này, khi có việc gì đi ra xã, ra chợ ai cũng cầm theo đèn pin hoặc dắt theo cái đóm, đốt đuốc hoặc bật lửa bên người để soi lối đi trong hang.
"Dù đi bộ hay đi xe máy vẫn phải dắt đèn pin theo bên người phòng thân, tránh trường hợp xe hỏng giữa đường hang. Vì sâu trong hang trời rất tối mịt không thể định hướng được đường đi....", ông Xiến thở dài nói với PV DANVIET.VN.
Trước đây, hang Thẳm Luông từng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động vật hoang dã, nhiều nhất vẫn là dơi. Dơi trong hang tối nhiều đến nỗi phân do thải ra thành những mô đất lồi phía trong hang, người dân trong vùng thường đào lấy loại đất này về chế tạo chất đốt. Do tình trạng đánh bắt thiếu ý thức của một số người dân làm cho số lượng dơi trong hang hiện còn rất ít.
Ông Lò Văn Xiến kể về những câu chuyện trong hang Thẳm Luông.
Học sinh không dám đến trường một mình
Xưa kia, hang Thẳm Luông là hang đá tự nhiên, trước đây hang treo leo giữa vách núi đá dựng đứng rất ít người lên được đó. Trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hang Thẳm Luông được bà con dân bản Thẳm và một số bản lân cận ở Tông Lạnh chọn làm nơi cất giữ đồ đạc trong nhà khi chạy giặc.
Từ dưới nhìn lên miệng hang cao vút, để trèo lên đó phải chặt tre, nứa, làm thang nối lại thành nhiều khúc mắc lên (nối 6 khúc thang tre, mỗi khúc dài gần 10m mới lên tới cửa hang). Có thang nhưng phải là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm, mới dám trèo lên.
Giấu đồ xong người dân quay xuống cất thang đi chỗ khác, không cho ai biết, khi tình hình giặc giã tạm yên ổn mới quay lại hang lấy đồ đã cất giấu.
Hang Thẳm Luông xuyên qua núi đá dài 500 mét.
Theo thông tin mà PV DANVIET.VN thu được từ lãnh đạo UBND xã Tông Lạnh, năm 1964, trong thời kỳ chiến tranh khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc, hang Thẳm Luông được bộ đội Việt Nam chọn làm nơi cất dấu vũ khí, bộ đội phá đá mở một con đường nhỏ men theo vách đá từ chân núi lên cửa hang.
Đến năm 1966 hang Thẳm Luông được đục thông sang sườn núi bên kia bản Chùn, trong hang còn nhiều dấu tích hoạt động của bộ đội. Vài chục năm trở lại đây, hang Thẳm Luông trở thành đường đi lại của trên 50 hộ đân bản Chùn và một số hộ dân bản Thẳm, bản Cuông Mường ở xã Tông Lạnh.
Đường lên hang Thẳm Luông vừa dốc, vừa nhiều đá lổm nhổm rất khó đi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của người dân.
Nói về cảnh đi lại vất vả của người dân, anh Lường Văn Thương, Trưởng bản Chùn (Tông Lạnh) chia sẻ với PV DANVIET.VN: "Hang Thẳm Luông có chiều dài 500 mét, phía sau hang là thung nơi sinh sống của bà con dân bản Chùn tổng có 51 hộ, 246 khẩu. Hàng ngày, bà con dân bản đi lại qua hang tối rất vất cả, ai đi cũng phải mang theo đèn pin, đóm lửa để soi đường...".
Theo anh Thương, đường đi lại khó khăn, kinh tế của bản cũng vì thế mà đói kém, hiện cả có tới 33 hộ là hộ nghèo và cận nghèo. Thương nhất là các cháu học sinh nhỏ, nhiều cháu nhỏ sợ hang tối không dám đi qua phải có người đi cùng mới chịu đến trường học.
Vào những ngày trời mưa gió bố mẹ các cháu không đưa đến trường được do đường trong hang trơn ướt, nước từ trên núi chảy vào hang thành rãnh nước nhỏ đi lại rất khó khăn, nhiều cháu nghỉ học thường xuyên.
Hang Thăm Luông được đục thông từ năm 1966 là con đường đi lại duy nhất của hàng chục hộ dân.
Trong hang tối cũng tiềm ẩn nhiều điều bất chắc, theo anh Thương: Cách đây 5 năm về trước hang bản Thẳm là nơi tụ tập của nhiều đối tượng nghiện hút. Chúng lẩn trốn trong hang hút, chích thuốc ma túy và ngủ luôn trong hang-lối đi lại của bà con dân bản.
Mỗi khi gặp những đối tượng nghiện ma túy này ai cũng lo sợ. 7 năm trước, trong hang đã xảy ra một vụ cướp, người dân bị đối tượng xấu dụ vào hang dùng súng bắn vào người để cướp tài sản, nhờ được phát hiện kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu nên may mắn được cứu sống.
"Bản thường xuyên khuyến cáo bà con cảnh giác khi đi qua hang tối Thẳm Luông, nhưng cái khó đây là đường duy nhất của bản đi lại, lo nhất là lúc nửa đêm người dân đi lại. Đường đi lại không thuận lợi đã trở thành vật cản phát triển kinh tế của người dân nhiều năm nay....", anh Lường Văn Thương.
Theo Danviet
9X bản Thái "chỉ huy" đàn dê núi 80 con, lãi 150 triệu/năm Với đức tính cần cù, năng động, anh Lò Văn Chung, dân tộc Thái, sinh 1990, bản Nà Sành (xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), đang nuôi đàn dê 80 con dê núi. Nhiều người nói vui, anh Chung còn trẻ mà "chỉ huy" được 80 con dê núi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Chung "bỏ túi"...