Sơn La cần sớm có giải pháp đưa dự án nuôi cá tầm đi vào hoạt động
“ Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tầm tập trung và thủy sản khác” tại hai huyện Mường La và Quỳnh Nhai được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành vào năm 2020 với giá trị quyết toán hơn 50,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, cơ sở vật chất đã đầu tư của dự án này đang bị bỏ không, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Hệ thống nhà và bể ươm cá giống bị bỏ hoang tại Trung tâm sản xuất giống cá tầm tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai, huyện Mường La (Sơn La).
Theo tìm hiểu, “Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tầm tập trung và thủy sản khác” gồm 2 hạng mục là xây dựng Trung tâm sản xuất giống cá tầm tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai, huyện Mường La và xây dựng vùng nuôi cá tầm tập trung tại xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai. Dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương.
Dự án được xây dựng với mục tiêu xây dựng vùng nuôi thủy sản, đặc biệt là vùng nuôi cá tầm tập trung để khoanh vùng nuôi an toàn, làm đầu mối tiếp nhận, bảo quản và phân phối, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản; cung cấp giống và dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân đánh bắt và nuôi cá ở địa phương… Tuy nhiên, từ khi khánh thành, quyết toán, toàn bộ công trình vẫn chưa đạt được bất kỳ mục tiêu nào.
Tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai, huyện Mường La, hạng mục Trung tâm sản xuất giống cá tầm đã được xây dựng và hoàn thành với nguồn kinh phí hơn 40,8 tỷ đồng. Để phục vụ cho hạng mục này, UBND huyện Mường La đã thu hồi hơn 30.000 m2 đất của 6 cộng đồng dân cư với 112 hộ gia đình tại xã Hua Trai. Số tiền bồi thường hỗ trợ đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu cho các hộ dân trên 3,5 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay công trình này vẫn chưa được sử dụng khiến cho các hộ dân mất đất rất bức xúc, trong khi đó chính quyền địa phương cũng loay hoay không biết trả lời với cử tri và nhân dân như thế nào cho thỏa đáng.
Video đang HOT
Ông Tòng Văn Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Trai, huyện Mường La cho hay: “Việc đầu tư công trình này nhưng đến nay không hoạt động, theo tôi rất lãng phí. Nhân dân ở đây mong muốn sau khi công trình đi vào hoạt động sẽ sản xuất ra cá giống, thuận lợi cho cuộc sống của họ”.
Cũng tại khu vực này, sau 2 năm bị “bỏ hoang”, nhiều hạng mục như: khu nhà điều hành, ao chứa nước, hệ thống bể, hệ thống cấp và thoát nước, cấp điện, hàng rào bảo vệ, thiết bị phục vụ nuôi các đã bắt đầu xuống cấp.
Ông Quàng Văn Dương, bản Bo, xã Hua Trai, huyện Mường La cho hay, từ năm 2019, ông được nhận vào làm bảo vệ trông nom cơ sở này. Từ khi được vào làm việc tại đây, chỉ thấy nuôi cá tầm được 2 lứa rồi bỏ không từ đó đến nay. Thấy các ao hồ ở đây không sử dụng, ông đã tranh thủ tận làm nơi nuôi vịt, nuôi dê và thả cá tạp.
Người dân tận dụng hệ thống ao tại Trung tâm sản xuất giống cá tầm tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai, huyện Mường La (Sơn La) để nuôi cá.
Còn tại xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, hạ tầng vùng nuôi cá tầm tập trung được đầu tư với nguồn vốn trên 10 tỷ đồng. Công trình đã được xây dựng với các hạng mục như: bến cá, sân bãi, bờ kè chống sạt lở, đường giao thông, khu nhà điều hành quản lý, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải và hệ thống cấp điện cho bến cá. Tuy nhiên, từ khi khánh thành đến nay công trình chưa một lần đưa vào sử dụng. Hiện nay, ô kính của nhiều cánh cửa bị đập phá, nhiều hạng mục khác bị rỉ sét, hỏng hóc. Công trình có trị giá trên 10 tỷ đồng giờ đây chỉ phục vụ cho nhiệm vụ duy nhất là phơi thóc cho dân bản khi đến mùa gặt.
Ông Là Văn Lấng, bản Bỉa Ban, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai cho biết, gia đình ông làm nghề chài lưới quanh năm trên lòng hồ thủy điện Sơn La, ông cũng như nhiều hộ dân khác rất phấn khởi khi thấy công trình này được xây dựng tại đây. Nhưng đến nay công trình này vẫn chưa hoạt động nên ông mong chính quyền sớm có giải pháp để đưa vào sử dụng nhằm góp phần giúp người dân thuận tiện hơn trong hoạt động khai thác thủy sản.
Từ năm 2020, hạng mục hạ tầng vùng nuôi cá tầm tập trung tại xã Chiềng Bằng đã được bàn giao cho UBND huyện Quỳnh Nhai quản lý và khai thác. Còn Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La quản lý hạng mục Trung tâm sản xuất giống cá tầm tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai, huyện Mường La. Tuy nhiên, cả 2 hạng mục này đến nay vẫn chưa có tổ chức nào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả công trình.
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Chủ đầu tư sau khi hoàn thành công trình đã bàn giao lại cho huyện. Toàn bộ hồ sơ, tài sản đã giao cho phòng Tài chính – Kế hoạch và UBND xã Chiềng Bằng tiếp nhận. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền đến các hộ dân sử dụng theo đúng mục tiêu của dự án đã được phê duyệt. Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện đang lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án để tổ chức đấu giá và được các nhà đầu tư quan tâm. Trong thời gian tới, sau khi được phê duyệt phương án huyện sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục thẩm định giá, đấu giá để cho thuê”.
Mới đây UBND tỉnh Sơn La đã làm việc với một số sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phương án bàn giao hạng mục Trung tâm sản xuất giống cá tầm tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai, huyện Mường La. Theo đó, đại diện các sở, ngành của tỉnh Sơn La và UBND huyện Mường La đề xuất giao hạng mục Trung tâm sản xuất giống cá tầm tại bản Nà Tòng cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, sử dụng.
Hiện nay, người dân vùng dự án đang mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La sớm triển khai các giải pháp để cụ thể để công trình sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả dự án sau đầu tư. Từ đó, giúp người dân phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản vốn còn đang gặp nhiều khó khăn.
Sơn La: Nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trái cây xuất khẩu
Ngày 2/4, Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với UBND thành phố Sơn La tổ chức Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022.
Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Hội Nông dân các huyện, thành phố ký kết đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện việc bao trái cây phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu năm 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công nhấn mạnh, đây là hoạt động thiết thực để thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản năm 2022 và những năm tiếp theo. Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành phố cũng như các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp tục tập trung sản xuất theo đúng quy trình, phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chất lượng an toàn; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng trong xuất khẩu, tiêu thụ trong chế biến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới; tổ chức nắm bắt thông tin, dự báo, phân tích thị trường; nâng cao năng lực của các cơ sở chế biến, đóng gói sau thu hoạch; tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến đủ điều kiện thu hút đầu tư...
Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 80.000 ha cây ăn quả gồm xoài, chuối, chanh leo, cây ăn quả có múi, nhãn và một số loại cây ăn quả khác. Tỉnh La đã phát triển 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, tăng 39 chuỗi so với năm 2020; có 702 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 88 hợp tác xã so với năm 2020. Ngoài ra, tỉnh Sơn La có 20.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp; có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và 83 sản phẩm đạt chứng nhận an toàn thực phẩm (OCOP). Thị trường tiêu thụ các loại nông sản ở Sơn La tiếp tục được mở rộng. Tỉnh đã xuất khẩu và giới thiệu được 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ; giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 150 triệu USD.
Trước nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng cao, tỉnh Sơn La đã triển khai xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn quả, ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc; trong đó có phương pháp bao quả để đảm bảo chất lượng và mẫu mã cho sản phẩm xoài xuất khẩu.
Xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Lực Pản Phon, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Lường Trung Hiếu cho biết, năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện bao bọc được gần 14 triệu các loại quả, trong đó chủ yếu là xoài, bưởi, na, ổi... Năm 2022, với mục tiêu sẽ bao bọc 15 triệu trái cây, Hội Nông dân tỉnh đã phát động, kêu gọi hội viên, nông dân hưởng ứng phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hội Nông dân tỉnh mong muốn các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện bao bọc các loại cây ăn quả để tránh tác hại của côn trùng, giảm thiệt hại, nâng cao chất lượng, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Dịp này, Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Hội Nông dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện việc bao trái cây phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu năm 2022; ký kết hợp đồng nguyên tắc trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm trái cây. Các đại biểu đã tham quan và thực hành bao quả tại vườn xoài của Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Lực Pản Phon, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La.
Sơn La muốn đón doanh nghiệp lớn để hiện đại hóa ngành chăn nuôi Trong chuyến công tác của Bộ NNPTNT đánh giá tình hình phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Sơn La mới đây, lãnh đạo tỉnh Sơn La bày tỏ mong muốn đón các doanh nghiệp lớn đầu tư để hiện đại hóa ngành chăn nuôi của tỉnh. Sơn La muốn đón doanh nghiệp chăn nuôi...