Sởn gai ốc với món ăn lạ từ sâu, nhộng ở đại ngàn Tây Nguyên
Với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, mùa này nếu không thưởng thức các món ăn “tuyệt phẩm” được chế biến từ sâu và nhộng muồng thì quả là thiếu sót lớn.
Ngoài việc trở thành món ăn độc đáo, sâu và nhộng muồng còn đem lại thu nhập cho nhiều gia đình người dân địa phương.
Những con sâu nhộng béo mẫm ẩn mình sau tán lá cà phê
Mùa bắt sâu và nhộng muồng
Sâu muồng là loại sâu sống ở cây muồng, chúng thường ăn lá muồng nên người dân quen gọi là sâu muồng. Cây muồng được bà con vùng Tây Nguyên trồng xen trong vườn cà phê, vườn tiêu, trồng ở bìa rẫy, bờ lô vừa để chắn gió, vừa để lấy làm bóng mát, vừa làm trụ cho tiêu leo. Cuối tháng 3, thời điểm mà Tây Nguyên nóng nhất cũng là lúc hàng nghìn con bướm chấp chới bay trải dài trong những rẫy cà phê, đậu rợp trên những hàng cây muồng. Chúng đẻ trứng ở đó và chỉ ít ngày sau, trứng nở thành những con sâu bám đầy trên những cành muồng.
Mùa sâu muồng chỉ kéo dài trong khoảng cuối tháng 3 đến hết tháng 4. Bởi khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, những con nhộng muồng đã thoát xác thành bướm bay đi. Thời điểm này, không khó khăn để bắt gặp những con sâu muồng đang ăn lá khi đi dọc những con đường trên các quốc lộ hay trên các rẫy cà phê, tiêu ở Tây Nguyên. Anh Ksor Phan (ngụ xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết, buổi sáng cây muồng còn tươi tốt và lá xanh um, nhưng buổi chiều đã tàn lụi nửa số lá cây. 3 ngày sau, cây cối xác xơ, nhiều cây không còn lá, thay vào đó là hàng nghìn con sâu muồng đang tích cực ăn bám vào vỏ cây.
Người yếu bóng vía thoạt nhìn đã té xỉu chứ đừng nói dám thưởng thức món gỏi từ những con sâu như thế này
Sâu muồng có màu xanh đậm, mình nhỏ, lưng màu nâu vàng, hai bên mình có sọc màu nâu thẫm. Sâu muồng mình trơn, di chuyển bằng cách cong người lại rồi tung đầu ra phía trước. Sâu muồng không gây ngứa, cũng không có vết cắn và chỉ là sâu ăn lá. Khi sâu trưởng thành, chúng bắt đầu rời bỏ ngọn cây mà trở về cùng thân cây muồng để kéo kén, kết thúc khoảng thời gian sinh trưởng với ngoại hình khó ưa trở thành nhộng.
Đối với những người vùng khác tới đây, thấy cảnh hàng nghìn con sâu trên một thân cây thì vô cùng khiếp sợ. Nhưng với người dân Tây Nguyên thì họ chẳng xa lạ gì, mà ngược lại họ còn phấn khởi. Bởi đây là lúc người dân đi bắt sâu, nhộng muồng về chế biến thành món ăn dân dã thơm ngon đặc biệt. Theo những người đi bắt muồng, cách bắt loài sâu này khá đơn giản, chỉ cần mang theo một bịch nilon, đến gần cây muồng có nhiều sâu, leo lên và ra sức rung.
Món đặc sản khi lên đĩa nhìn cũng khá hấp dẫn
Video đang HOT
Kết quả, sâu rơi như sao sa và chỉ việc nhặt cho vào bịch, có khi đi nửa buổi trưa là đầy một bịch nilon nặng vài ba kg. “Những người vùng khác đến đây, nếu sợ sâu bọ thì không nên đến gần những nơi có cây muồng. Bởi sâu muồng thường hay “nhảy dù” rất nhanh, có thể bám lên người nên sẽ làm những người yếu bóng vía phải khiếp sợ. Tuy nhiên, chúng chỉ hù thế thôi chứ không làm hại ai cả, vì chúng không gây ngứa, không cắn”, anh Ksor Phan cho biết.
Theo chị H’Lơi (ngụ xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), loại sâu này chỉ ăn lá muồng nên người dân bản địa cũng không phun thuốc để trừ mà chờ chúng đóng kén thì có thể sử dụng như một món ăn ngon hàng ngày. Đã đi bắt thì phải bắt cả sâu và nhộng muồng vì cả hai đều thơm ngon, bổ dưỡng. Vào thời điểm đầu mùa sâu muồng, chỉ cần vạch một chiếc lá cũng thấy vài ba nhộng muồng bám vào. “Sâu muồng rất háu ăn nên con nào con nấy thường mập mạp.
Đi bắt sâu muồng nếu không phải bịch nilon thì phải có hũ, có hộp để nhốt chúng vào, không là chúng bò lổm ngổm ra ngoài hết”, chị H’Lơi cho biết. Những người đi bắt sâu muồng cho biết, ngoài bắt về ăn, họ còn bán cho thương lái. Thương lái thường chỉ mua nhộng và rất ít khi mua sâu muồng. Vì nhộng muồng đã đóng kén có thể vận chuyển xa mà không lo nhộng chết làm ảnh hưởng đến chất lượng, còn sâu muồng vì là thân mềm nên rất khó để bảo quản trong thùng kín.
“Nhiều thương lái đến hỏi mua nhộng muồng để mang đi đến những tỉnh khác bán. Giá nhộng muồng lên xuống theo mùa. Đầu mùa, nếu nhộng muồng được bắt nhiều thì giá rẻ hơn cuối mùa. Hiện nay, đang đầu mùa, thương lái mua với giá 160.000 đồng/kg, nhưng đến cuối mùa, có khi giá phải 200.000 đồng/kg”. Mỗi ngày, nếu chăm chỉ bắt thì có thể kiếm được tiền triệu chứ không ít đâu”, anh Ksor Phan chia sẻ.
Sởn da gà với đặc sản Tây Nguyên
Với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, loài sâu muồng là một món ăn bổ dưỡng. Sâu được bắt về để khoảng vài tiếng cho tiêu hết phân trong ruột, rồi ngâm rửa nước muối cho sạch. Sau đó, phi hành mỡ lên rồi cho sâu vào xào, đảo đều nhẹ tay, để nhỏ lửa cho sâu từ từ săn lại cho chín rồi ăn với cơm nóng. Nếu ai thích nêm thêm gia vị thì rắc thêm ít muối trắng, mì chính, lá chanh thái nhỏ và một ít ớt tươi cho hợp khẩu vị.
Cũng có người thích “cảm giác lạ” là bắt sâu ăn sống. Tuy nhiên, người ăn được như vậy rất hiếm. Sâu muồng xào, ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng. Ngoài sâu muồng, nhộng sâu luôn là món khoái khẩu của người dân. Nhộng sâu muồng là do những con sâu già lột xác hóa thành, chúng nằm im dưới tán lá chờ sự tái sinh. Nhộng có hình thoi, màu xanh, mình to như đầu chiếc đũa. Người dân Tây Nguyên thưởng thức món nhộng sâu độc đáo này bằng 3 cách chế biến là xào, luộc và ăn sống.
Nhộng bắt về làm sạch và thưởng thức từng miếng một với chén rượu cần Tây Nguyên thì không gì bằng. Để cảm nhận vị béo núc, ngọt nước, nhiều người luộc chín nhộng sâu trong những nồi nước sôi. Thưởng thức ngay khi còn bốc khói nghi ngút sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo ngậy. Còn thưởng thức theo hương vị quen thuộc hàng ngày thì đem xào qua với một ít dầu mỡ và ăn kèm với vài loại rau rừng đặc trưng của Tây Nguyên.
Cũng phải nói thêm, cả sâu và nhộng muồng, người có sở thích ăn sống phải là người có bụng dạ thật tốt mới chịu được, còn không rất dễ bị “Tào Tháo” đuổi chạy trong vài phút. Bởi món này, có người hợp thì ăn sống được, có người không hợp thì sẽ bị đau bụng ngay lập tức. Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên từ trẻ đến già ai cũng biết ăn các món chế biến từ sâu và nhộng muồng. Họ xem đây như là một phương thuốc phòng, chữa bệnh sốt rét nên cứ đến mùa là họ đi bắt rất nhiều.
Riêng đối với cánh mày râu, họ cho rằng đây vừa là món nhậu khoái khẩu, vừa như vị thuốc tăng cường sức khỏe, bổ thận tráng dương hiệu quả. Ngoài việc trở thành món ăn độc đáo, sâu và nhộng muồng còn đem lại thu nhập cho nhiều gia đình người dân địa phương bằng việc bắt bán cho quán nhậu và thương lái. Đặc sản lạ và những món ăn từ loại sâu này hiện được nhiều nơi biết đến và đang trở thành hàng hot được người dân các tỉnh, thành săn mua với giá khá đắt đỏ.
Các món ăn từ sâu và nhộng muồng không chỉ là món ăn dân dã của đồng bào nơi đây mà đã trở thành niềm tự hào của Tây Nguyên. Mùa sâu muồng chỉ kéo dài khoảng thời gian hơn tháng trong năm, nhưng hương vị của những món được chế biến từ sâu và nhộng muồng thì ai đã nếm qua một lần sẽ khó mà quên được.
Sau vòng đời chuyển hóa trong thời gian ngắn ngủi từ bướm – trứng – sâu – nhộng, những con nhộng của sâu muồng dần tiến hóa thành những cánh bướm xinh đẹp bay rợp cả vùng trời Tây Nguyên trong nắng vàng. Tây Nguyên mùa này không chỉ có rượu cần, cồng chiêng say đắm, mà còn có những đàn bướm lung linh giữa những vườn tiêu, cà phê xanh thắm bạt ngàn…
Nhuận Oanh
Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên
Nhắc đến sâu muồng, nhiều người rợn tóc gáy nhưng khi chúng hóa thành nhộng lại là món ăn hấp dẫn được ví như "tôm rừng" Tây Nguyên.
Sâu muồng ken đặc trên từng nhánh cây
Tháng tư về cũng là mùa sinh sôi nảy nở của loài sâu muồng Tây Nguyên. Hàng nghìn con sâu có màu vàng đen óng ánh bám dày đặc trên thân cây muồng, ăn trụi lá từ gốc đến ngọn. Chúng ăn với tốc độ "thần tốc", nhả chất thải đen xuống đất đến nỗi bất cứ ai đứng gần gốc cây đều nghe rõ âm thanh này.
Những cây muồng trụi lá vì sâu
Thời gian này đi dọc các con đường trên quốc lộ hay trên các rẫy cà phê, tiêu, dễ thấy những cây muồng bị ăn trụi lá và trên đó chi chít hàng nghìn con sâu với nhiều màu sắc.
Những chú sâu dần hóa thành nhộng muồng
Ăn xong, "đội quân" sâu nấp vào lá tiêu bám trên thân cây muồng tạo kén hóa nhộng. Amí Đăng (buôn Cuôr Đăng, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) cho biết, mùa này đang thu hoạch tiêu. Vừa hái tiêu, người dân không quên mang theo chiếc giỏ hoặc gùi bên mình để thu những con nhộng muồng bám trên lá tiêu.
Nhộng muồng bám trên lá tiêu
Thời điểm bắt nhiều nhộng nhất là ban trưa, do lúc này trời nắng gắt, nhộng di chuyển từ các cành cây xuống lá tiêu hoặc bất kỳ loại lá nào bám được như lá cà phê, lá chuối... Bắt xong nhộng, người dân nấu ăn ngay tại rẫy.
Nhộng muồng bám đầy trên lá chuối
Chỉ cần cho ít dầu, gia vị vào đảo đều trên bếp lửa chừng 15-20 phút là món nhộng rang hấp dẫn. Những con nhộng vàng ươm béo núc ngọn thơm, bổ dưỡng không kém nhộng tằm, đặc biệt chúng có mùi thơm đặc trưng của lá muồng.
Người dân nấu món nhộng muồng ngay tại rẫy
Nhộng sâu muồng là món ăn đặc trưng của người đồng bào Tây Nguyên, chỉ có từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5. Với những người yếu bóng vía, sợ sâu bọ sẽ thấy rợn người; còn người thích món côn trùng sẽ vô cùng phấn khích khi được nhâm nhi món "tôm rừng" Tây Nguyên.
Sâu nhộng muồng không gây hại đến cây trồng
Loài "tôm rừng" này không hề gây hại đến cây trồng, thậm chí còn đem ra nguồn thu nhập kha khá cho nhiều hộ gia đình bằng việc bắt nhộng sâu bán. Món ăn nghe rợn người nhưng độc lạ này trở thành "đặc sản" trong thực đơn sang trọng tại các nhà hàng thành thị.
"Tôm rừng" là món ăn đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên
Sau vòng đời chuyển hóa trong thời gian ngắn ngủi từ bướm-ấu trùng-sâu-nhộng, chúng lại hóa thành những cánh bướm xinh đẹp bay rợp cả vùng trời Tây Nguyên.
HUỲNH THỦY
Những loại lá rừng đặc sản trên vùng núi Tây Nguyên Từ xa xưa, bà con trên dãy Trường Sơn đã biết dùng những loại lá rừng để phục vụ cho bữa ăn. Ngày nay, những loại lá rừng chỉ xuất hiện trên vùng núi Tây Nguyên này đã trở thành đặc sản mà nhiều du khách khi tới đây đều không khỏi xuýt xoa. Lá Blu Kít ở xứ sở sương mù Vượt...