Sớm xây kè chống sạt lở bờ sông Chu
Người dân mong mỏi các cấp chính quyền quan tâm, sớm đầu tư xây kè chống sạt lở để bảo vệ đất sản xuất, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống gần sông Chu.
Trước thực trạng bờ, bãi sông Chu đoạn qua xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân ( Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới diện tích đất sản xuất nông nghiệp và có nguy cơ cao ăn sâu vào khu dân cư, chính quyền địa phương đang tiến hành các biện pháp ứng phó tạm thời.
Bãi hữu sông Chu tại các thôn Hải Thành, Hải Mậu của xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, do diễn biến mưa lớn ngày 18/8/2024, bãi hữu sông Chu tại thôn Hải Thành và Hải Mậu (xã Thọ Hải), ứng với đê từ K9 800-K10 950 đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Việc sạt lở khiến nước sông ngày càng “ăn sâu” vào đất liền, tạo thành những hố sâu, hở hàm ếch với chiều dài khoảng 320m, lấn vào đất sản xuất của nhân dân từ 25-30m. Đáng lo ngại, thành bờ sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 15-16m và cách khu dân cư gần nhất chỉ chưa đầy 50m. Nhiều diện tích trồng ngô, trồng keo của người dân đã bị cuốn trôi theo dòng nước. Người dân sinh sống ở những nơi này lo lắng việc sạt lở sẽ tiếp tục diễn ra, đất sản xuất có nguy cơ đổ sập dưới sông bất cứ lúc nào, thậm chí gây sạt lở sâu vào khu vực nhà ở và đường giao thông.
Chính quyền địa phương căng dây cảnh báo nguy hiểm tại điểm sạt lở nghiêm trọng ở thôn Hải Thành, xã Thọ Thành (huyện Thọ Xuân).
Sinh sống ven bờ sông Chu đã vài chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên ông Đỗ Bá Cường (thôn Hải Thành, xã Thọ Hải) thấy bờ sông bị sạt lở nhanh và tiến sát vào khu dân cư đến như vậy. Xót xa cắt bỏ những cây ngô bị đổ gãy do tình trạng sạt lở, cũng như chăm dặm lại những gốc ngô nằm ngả nghiêng dọc bãi sông, ông Đỗ Bá Cường cho biết: “Mưa to, nước sông chảy cuồn cuộn, xoáy sâu vào bờ khiến cây cối, đất đai, hoa màu ầm ầm chìm xuống sông. Nhà tôi có 5 sào đất nông nghiệp trồng ngô. Trước đây, nhà tôi cách bờ sông hơn 100m, nhưng chỉ sau vài ngày, bờ sông bị sạt lở đã tiến sâu vào gần 50m, khiến ruộng ngô của gia đình bị hư hỏng, cuốn trôi. Người dân chúng tôi đang rất lo lắng, bất an và mong muốn chính quyền các cấp sớm có biện pháp xử lý để người dân yên tâm sinh sống”.
Ghi nhận của phóng viên tại điểm sạt lở bờ sông Chu thuộc thôn Hải Thành, ngày 29/8, chính quyền địa phương đang thực hiện phương án ứng phó tạm thời “4 tại chỗ” huy động máy xúc hạ độ cao, đầm mái, tạo rãnh thoát nước…
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư kiêm trưởng thôn Hải Thành, xã Thọ Hải (huyện Thọ Xuân) rất lo lắng trước thực trạng sạt lở đất bờ sông Chu ăn sâu vào đất sản xuất và khu dân cư.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư kiêm Trưởng thôn Hải Thành, xã Thọ Hải (huyện Thọ Xuân) cho biết: Người dân rất lo lắng trước thực trạng sạt lở đất bờ sông Chu ăn sâu vào đất sản xuất và khu dân cư. Chúng tôi mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng cho dân một đoạn kè kiên cố để bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con.
Trước đó, trong các năm từ 2019 đến năm 2023, do ảnh hưởng của mưa lũ và kết cấu đất cát pha nên khu vực bãi sông Chu qua địa phận thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu (xã Thọ Hải) đã xảy ra hiện tượng sạt lở tại 2 vị trí từ K10 480 đến K10 750 với tổng chiều dài khoảng 180m, lấn vào đất sản xuất của nhân dân từ 8-12m, thành bờ sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 10m.
Qua quan sát thực tế của phóng viên thì khu vực dọc bờ, bãi sông Chu trên địa bàn xã Thọ Hải dài khoảng 1.150m vẫn sẽ có nguy cơ sạt lở sâu và dài hơn nếu mưa lũ tiếp tục diễn ra, nguy cơ đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân và đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã nếu không kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả. Ngoài sạt lở bờ sông, tại khu vực này còn xuất hiện hàng chục hố sụt lún trên diện tích đất sản xuất của người dân.
Chính quyền địa phương huy động máy xúc để hạ độ cao, tạo mái kè khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở.
Xác định nguyên nhân gây sạt lở, ông Vũ Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân cho biết: Chưa năm nào sông Chu qua địa bàn xã bị sạt lở nặng như năm nay. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn, dòng chảy trên sông bị thay đổi, nước sông Chu xoáy sâu vào khu vực bờ, bãi sông qua hai thôn Hải Thành và Hải Mậu. Địa phương đã đề nghị các phòng, ban, sở, ngành kiểm tra và có kết quả đánh giá về nguyên nhân sạt lở để có biện pháp, giải pháp khắc phục tốt nhất, bảo vệ đất canh tác và đời sống của nhân dân.
Dự báo, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục có mưa lớn nên khả năng sạt lở sâu và dài hơn, nguy cơ mất an toàn về nhà ở, tài sản, tính mạng của các hộ dân sinh sống và canh tác ven bờ sông Chu. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và đất sản xuất của các hộ dân thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu, UBND huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo UBND xã Thọ Hải tổ chức cắm mốc, căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm trong khu vực đang có diễn biến sạt lở, thông báo rộng rãi và nghiêm cấm người dân không canh tác, chăn thả gia súc và lại gần khu vực sạt lở. Chính quyền địa phương đã huy động máy múc san gạt, thực hiện đóng cọc, dùng bao đất, căng bạt gia cố bờ sông để hạn chế tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại điểm sạt lở nghiêm trọng ở thôn Hải Thành, xã Thọ Thành (huyện Thọ Xuân).
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân khẳng định: UBND huyện Thọ Xuân, UBND xã Thọ Hải đang gấp rút tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống gần khu vực sạt lở, có nguy cơ mất an toàn, sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời khi có sự cố xảy ra, theo dõi chặt chẽ 24/24 giờ diễn biến sạt lở, xử lý tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Về lâu dài, huyện đang báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư xử lý cấp bách, làm kè bãi sông ứng với đoạn đê hữu sông Chu từ K9 800-K10 950 để bảo vệ khu dân cư thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu (xã Thọ Hải) an toàn trong công tác phòng chống thiên tai năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: Việt Hoàng (TTXVN)
Nỗ lực ổn định chỗ ở cho đồng bào trước mùa mưa lũ ở vùng sạt lở núi
Để ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã hỗ trợ kinh phí làm mới, sửa chữa gần 1.400 ngôi nhà cho người dân có nhà ở bị hư hại hoàn toàn, nhà ở bị hư hại một phần do mưa lũ và nhà ở theo tiêu chuẩn "3 cứng" cho bà con ở khu vực nguy cơ sạt lở núi cao.
Hiện trường vụ sạt lở đất ở xã Phước Lộc. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, đến trước mùa mưa năm nay, huyện Phước Sơn đã bàn giao cho đồng bào đưa vào sử dụng 264 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn và hư hại nặng, bàn giao, đưa vào sử dụng 150 ngôi nhà tái định cư đối với những hộ sống tại khu vực nguy cơ sạt lở núi và lũ quét vào ở trong các khu tái định cư tập trung và tái định cư xen ghép tại chỗ.
Đồng thời hỗ trợ di dời và cấp đất tái định cư an toàn cho hơn 200 hộ theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ sắp xếp lại chỗ ở, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021-2024.
Đặc biệt, đến trước mùa mưa năm nay, huyện Phước Sơn bàn giao và đưa vào sử dụng 270 ngôi nhà cho đồng bào, tập trung ở các xã vùng cao như, Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc là những nơi thường xuyên xảy ra sạt lở núi từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các địa phương trong huyện đang tập trung làm mới 500 ngôi nhà cho đồng bào theo Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Theo đó, 500 ngôi nhà nói trên tiếp tục được xây dựng theo kết cấu "3 cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương. Mỗi ngôi nhà làm mới trong diện này được hỗ trợ 60 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 46 triệu đồng, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm 14 triệu đồng, cộng với ngày công lao động được cộng đồng hỗ trợ.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, tuy có nhiều cố gắng trong việc xóa nhà ở tạm cho đồng bào, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ bị sạt lở núi, song hiện toàn huyện vẫn còn hơn 1.700 ngôi nhà của đồng bào các dân tộc cần được hỗ trợ làm mới, sửa chữa lớn và tái định cư.
Cùng với nỗ lực cải thiện về nhà ở, huyện Phước Sơn còn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình khác nhau để hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ lương thực để bà con khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất, trồng cây dược liệu, giảm dần diện tích trồng keo, phát triển chăn nuôi, giúp đồng bào xây dựng sinh kế bền vững. Nhờ vậy, tình trạng thiếu lương thực trong giai đoạn giáp hạt cơ bản được khắc phục.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, với nguồn vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của tỉnh và ngân sách địa phương, huyện tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, bố trí đất sản xuất, xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào và đã lần lượt đưa vào sử dụng. Các địa phương trong huyện đang tập trung làm mới 500 ngôi nhà cho đồng bào theo Chương trình mục tiêu quốc gia.
"Khó nhất của địa phương hiện nay là bố trí đất sản xuất cho đồng bào, vì địa hình của các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện hầu hết là rừng núi, có độ dốc cao, khó đáp ứng được cùng lúc hai mục tiêu là bố trí đất tái định cư ổn định lâu dài và bố trí đất sản xuất cho đồng bào. Những vấn đề này đang được địa phương và các ngành chức năng của tỉnh tập trung tháo gỡ nhằm ổn định chỗ ở lâu dài và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào", Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung cho biết thêm.
Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Đã thông tuyến Quốc lộ 279 sau sạt lở trên đèo Tằng Quái Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, vào khoảng 6 giờ ngày 27/8, tại Km 43 210 Quốc lộ 279 (đoạn thuộc đèo Tằng Quái, địa phận huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch nối hai tỉnh Điện Biên, Sơn La để đi các...