Sớm hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật Bản
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, hôm nay (14/5), Cục Bảo vệ thực vật đã họp trực tuyến với các đối tác liên quan của Nhật Bản để bàn hoàn thiện tất cả các thủ tục cho xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản.
Việc kiểm tra, kiểm soát quả vải, phía Nhật Bản có thể ủy quyền cho phía Việt Nam cùng với sự giám sát của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Sản phẩm vải Thanh Hà (Hải Dương) được cấp mã vạch, tem chỉ dẫn địa lý để khách hàng nhận biết. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, với sự vào cuộc quyết liệt và thiện chí của phía Nhật Bản, Việt Nam hy vọng sẽ có lô vải đầu tiên xuất được xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ sớm tổ chức lễ xuất khẩu quả vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, Đại sứ quán hai nước đã và đang có sự phối hợp rất chặt chẽ để chuẩn bị mọi điều kiện để đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản.
Để chuẩn bị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Các tỉnh rất chủ động quy hoạch vùng sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng vào Nhật Bản với sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đã cử cán bộ về tận địa phương hướng dẫn, theo dõi từng quy trình sản xuất và đánh giá lại toàn bộ công tác chuẩn bị.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện tất cả các vấn đề kỹ thuật để đưa quả vải sang Nhật Bản đã hoàn tất, từ vấn đề cấp mã số vùng trồng cho đến cấp mã số cho các cơ sở đóng gói, đặc biệt là thiết lập hệ thống xử lý theo yêu cầu của Nhật Bản.
Sản phẩm vải thiều xuất khẩu. Ảnh: Trọng ạt/TTXVN
Năm nay, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; trong đó, vải sớm là 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.
Để chuẩn bị cho quả vải thiều tươi đầu tiên cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn lựa và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước đạt 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn.
Tỉnh Hải Dương có 9.700 ha vải, dự kiến tổng sản lượng quả đạt 45.000 tấn. Tỉnh đã xây dựng 23 vùng trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích 220 ha. Để chuẩn bị cho vụ vải 2020, tỉnh chủ động giám sát chặt chẽ vùng trồng và tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ vải. Vùng trồng này đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Lô vải thiều đầu tiên vẫn vững tin xuất Nhật
Lô vải thiều đầu tiên dự kiến xuất sang Nhật Bản vào cuối tháng 5 vẫn đang được gấp rút hoàn thành các thủ tục xuất khẩu cần thiết, đại diện địa phương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đều khẳng định như vậy với phóng viên báo Tin tức.
Chỉ chưa đầy một tháng nữa, vải tươi sẽ chín rộ. Ảnh: TTXVN
Trước thông tin lô vải thiều đầu tiên sang thị trường Nhật Bản lỡ cơ hội xuất khẩu do phía Nhật Bản không thể cử chuyên gia kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam, phóng viên báo Tin tức đã tìm hiểu về vấn đề này.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, việc Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch COVID-19, tỉnh đã nhận được thông tin và vẫn đang chủ động chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng những hộ trồng vải trong tỉnh sản xuất vải theo đúng những gì đối tác yêu cầu, cũng như đúng quy trình, tiêu chuẩn yêu cầu.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng cho biết thêm, với lô vải thiều tươi đầu tiên sang thị trường Nhật Bản vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tìm giải pháp kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Bộ NN&PTNT trả lời về vấn đề này:
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định đã nắm được thông tin này từ cách đây khá lâu và ngành nông nghiệp đã có chuẩn bị cụ thể khi phối hợp làm việc giữa các địa phương và phía Nhật Bản.
"Các yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật Bản đã rất rõ ràng, vì vậy chúng tôi vẫn đảm bảo sản xuất theo đúng yêu cầu phía bạn ở cả các vùng trồng Bắc Giang và Hải Dương. Trước thông báo của phía Nhật Bản gửi tới đại sứ quán Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật về những khó khăn trong việc cử chuyên gia sang, chúng tôi có đề xuất giải pháp đề nghị họ ủy quyền cho cơ quan đại diện kiểm dịch của Việt Nam với các phương án kỹ thuật tối ưu nhất." - ông Hoàng Trung phân tích.
"Nhật Bản đã từng áp dụng phương pháp ủy quyền kiểm dịch với quả xoài và thanh long xuất sang thị trường này trong giai đoạn diễn ra dịch COVID-19 vừa qua. Tiếp tục hướng xử lý này, chúng tôi cũng đã đề xuất phía bạn áp dụng quy trình này lên quả vải và đang ở giai đoạn chờ phía bạn thông qua để tiến hành các bước tiếp theo.
Như vậy, với sự phối hợp của cả cơ quan nông nghiệp trong nước và phía Nhật Bản, tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất đưa quả vải Việt Nam xuất đi." - đại diện ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định.
Để chuẩn bị xuất khẩu lô vải thiều tươi đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước đạt 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Tỉnh đã hợp tác với 3 công ty Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu trong nước để liên kết tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết nhận được công hàm số 02/shouan/333 ngày 20/4/2020 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh COVID-19. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản làm dấy lên lo ngại một vụ mùa khó khăn cho bà con nông dân các vùng sản xuất vải tươi Bắc Giang và Hải Dương khi không xuất khẩu được sang thị trường này.
Trong cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT cuối tháng 4 vừa qua, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, tỉnh đã lường trước những khó khăn trong xuất khẩu nông sản nếu tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
"Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các kịch bản tiêu thụ vải. Kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu sang tất cả các thị trường; kịch bản thứ hai là xuất khẩu có khó khăn, nhưng vẫn có thể xuất khẩu được; kịch bản thứ ba trong bối cảnh khó khăn nhất là không xuất khẩu được, thì khi đó tập trung lớn nhất sẽ là tiêu thụ tại thị trường trong nước." - ông Dương Văn Thái chia sẻ.
Từ bài học kinh nghiệm của các năm trước, tỉnh Bắc Giang tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đối với thị trường truyền thống, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, tập đoàn, nhà phân phối tới ký kết hợp đồng sớm với các hợp tác xã, các doanh nghiệp và các tổ hợp tác, trang trại thu mua, tiêu thụ vải.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chủ động thích ứng tình hình mới Trong 3 tháng đầu năm 2020, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản nói chung đã giảm 4,3%. Thanh long được sơ chế để chế biến thành sản phẩm sấy dẻo ở nhà máy Nafood (huyện Đức Hòa, Long An). (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN) Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh...