Sớm hóa giải mâu thuẫn khi mới phát sinh
Nhiều vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thời gian qua đã được hòa giải, tuy nhiên có một số vụ, việc kéo dài tới 5-6 năm. Thực tế trên đã thôi thúc CBCS CAP Thành Công quyết tâm xây dựng, tham mưu cho chính quyền địa phương phát động chuyên đề toàn dân tham gia hòa giải mâu thuẫn – Trung tá Bùi Thanh Thái, Trưởng CAP Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ.
CSKV CAP Thành Công thăm hỏi nhân dân, kịp thời “nắm” nhanh những mâu thuẫn tại cơ sở
Theo chỉ huy CAP Thành Công, những năm qua, các tổ chức đoàn thể, ban hòa giải tại địa bàn luôn hoạt động tích cực, “nhân tố” chính là số cán bộ tổ dân phố, khu dân cư. Tuy nhiên, những vụ, việc mà họ “hóa giải” thành công chủ yếu là mâu thuẫn nhỏ lẻ, bộc phát trong nội bộ nhân dân sở tại. Thời gian gần đây, phường Thành Công xuất hiện một số vụ mâu thuẫn mang tính chất phức tạp hơn như: tranh chấp đất đai, nơi bán hàng, nợ tiền… rất khó hòa giải, thậm chí đã có vụ 2 bên “tự xử” nhau gây mất ANTT địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra trọng án.
Trước diễn biến đó, CAP Thành Công vừa tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai chuyên đề: “Vận động toàn dân tham gia hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Với phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, bên cạnh đẩy mạnh công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản để kịp thời nắm bắt ngay những vụ mâu thuẫn nhỏ tại cơ sở, lực lượng công an còn chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trong dân, trong các cơ quan, trường học trên địa bàn, để mọi người cùng nâng cao ý thức, thận trọng trong cách ứng xử.
Là một phường đông dân, nhiều khu nhà tập thể cũ, chợ, trung tâm vui chơi, giải trí nên “mảng” TTĐT tại địa bàn được đánh giá khá “ nóng”, nhất là số hàng quán bán đêm. Trung tá Bùi Thanh Thái thẳng thắn: Lực lượng CSHS, CSKV CAP được lệnh không chỉ nắm chắc địa bàn để phòng mâu thuẫn tại chỗ, mà phải tăng cường phối hợp với BVDP, dân phòng tuần tra, kịp thời phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn bộc phát của số người từ nơi khác đến địa bàn vui chơi, ăn uống. Đại diện công an phường cho hay, vừa qua địa bàn xảy ra vụ đâm chém giữa 2 nhóm thanh niên tại một quán hàng đêm. Tuy thời điểm gây án chưa đến 24h, song việc để các hàng quán kinh doanh vỉa hè mở quá muộn, sẽ được chúng tôi rút kinh nghiệm, quyết tâm không để xảy ra các vụ việc tương tự – Trung tá Bùi Thanh Thái nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm hòa giải mâu thuẫn ở địa bàn, Trung sỹ Nguyễn Phú Tuấn – CSKV khu dân cư số 9, phường Thành Công nói gọn trong 4 từ: “nhanh nhạy, kịp thời”. Khi phát hiện hay được người dân thông báo về các vụ mâu thuẫn, lực lượng CSKV, CSHS phải nhanh chóng xuống hiện trường, đồng thời báo cho cán bộ tổ dân phố cùng phối hợp giải quyết. “Mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ, khi mới xảy vẫn dễ hòa giải hơn” – cán bộ CSKV này nói. Trẻ tuổi, nhưng Trung sỹ Nguyễn Phú Tuấn lại được anh em trong đơn vị nể phục với “tài thương thuyết”. Từ “hạ nhiệt” mâu thuẫn của cặp vợ chồng đòi ly dị, giữa các tiểu thương trong chợ Thành Công, cho đến hóa giải mâu thuẫn của những học sinh nhỏ tuổi.
Nhớ lại vụ việc vừa giải quyết cách đây ít hôm, Trung sỹ Nguyễn Phú Tuấn cho biết, đó là vụ mâu thuẫn giữa 1 học sinh tiểu học và 1 học sinh THCS, kéo theo hành động thái quá của 2 bậc phụ huynh, khi trói một em nhỏ lại và dọa nạt. Nắm được sự việc, CSKV CAP Thành Công đã nhanh chóng xuống hiện trường, mời 2 phụ huynh, đại diện Ban giám hiệu nhà trường cùng lên cơ quan công an làm việc, yêu cầu họ bình tĩnh nghe lại câu chuyện do 2 cháu bé kể. Sau khi đã “thông”, “hạ hỏa” vì được cán bộ công an khuyên can, nhận thấy sự việc không quá nghiêm trọng như người lớn nghĩ, 2 vị phụ huynh đồng ý hòa giải rồi ra về.
Bên cạnh trang bị kiến thức hòa giải mâu thuẫn cho CBCS trong đơn vị, chỉ huy CAP Thành Công đang tham mưu cho UBND phường củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải với hàng chục thành viên ở cơ sở, là các cán bộ tổ dân phố, khu dân cư. Họ sẽ cùng lực lượng công an nắm bắt nhanh nhất các vụ mâu thuẫn, giải quyết gọn từ khi mới phát sinh.
Theo ANTD
Công an Hà Nội triển khai Thông tư 12 của Bộ Công an: Người dân ngoại thành rất phấn khởi!
Sau huyện Phúc Thọ, đến nay các địa bàn ngoại thành Hà Nội đã tích cực triển khai Thông tư 12 của Bộ Công an và kế hoạch hướng dẫn của CATP về đăng ký sang tên, đổi chủ phương tiện xe máy, ô tô.
CAH Thanh Trì phổ biến Thông tư 12 tại nhà văn hóa xã Vĩnh Quỳnh
"Cởi" gánh nặng nhiều năm
Anh Nguyễn Chung Thủy trú ở Đội 1 xã Ngọc Hồi bộc bạch: "Tôi mua chiếc xe máy Wave của một người trú ở quận Hoàng Mai, nhưng người này trước đó đã mua lại qua nhiều chủ xe từ năm 2008, và chưa làm thủ tục chuyển đổi chính chủ. Khi được anh Thành (Thượng úy Vũ Hữu Thành, CAPT xã - PV) tới nhà phát biểu mẫu, hướng dẫn kê khai thủ tục sang tên xe máy chính chủ, tôi rất phấn khởi và thực hiện ngay, vì thủ tục đăng ký đơn giản và lệ phí hợp lý". Anh Thủy hứa chắc nịch: "Tôi sẽ đi làm ngay thủ tục đăng ký sang tên chính chủ sau khi hoàn chỉnh hồ sơ", và anh đã không giấu được sự xúc động trước ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của lực lượng công an đã tới từng hộ dân để hướng dẫn, giúp người dân kê khai thủ tục đăng ký xe tránh sai sót, nhầm lẫn.
Chung tâm trạng phấn khởi như anh Chung là anh Bùi Văn Đễ, trú ở 260 phố Chợ Vàng, xã Cổ Bi, Gia Lâm. Anh Đễ mua lại chiếc xe Jupiter từ năm 2011. "Người bán xe và đứng tên đăng ký phương tiện nhà ở Sóc Sơn, nhưng thực tình giờ đi tìm tôi cũng chẳng biết họ ở đâu. Giấy tờ mua bán xe cũng bị thất lạc", anh Đễ kể, "Hôm rồi, bác Đào, công an viên và bác Dụng - Trưởng công an xã đến tận nhà tôi tìm hiểu phương tiện của gia đình, rồi thông báo tôi có đủ điều kiện để được cấp lại đăng ký xe theo tên mình. Lúc đầu tôi tưởng các anh ở xã... nói vui, sau vỡ lẽ khi biết được Thông tư 12 của Bộ Công an và các bước triển khai của Công an Hà Nội. Thú thực, quy định mới này đã giúp chúng tôi trút được gánh nặng tâm lý nhiều năm nay. Phải tằn tiện, ky cóp mới mua được chiếc xe máy, mà lại đi "nhờ" tên người khác đăng ký"...
Những cách làm hay
Không chỉ phân công cán bộ, chiến sỹ đến từng hộ dân, CAH Thanh Trì còn khá linh hoạt các biện pháp tuyên truyền, phổ biến Thông tư 12 và các văn bản liên quan. Sáng 13-5, tại nhà văn hóa tổ dân phố 810 Vĩnh Quỳnh, PV ANTĐ bắt gặp rất đông bà con nhân dân đang chăm chú lắng nghe tổ công tác của Đội Cảnh sát phụ trách xã cùng Công an xã Vĩnh Quỳnh phổ biến các nội dung mới về đăng ký xe. Những thắc mắc của người dân về trường hợp đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển nhượng cho người sử dụng xe; trách nhiệm của người đang sử dụng xe; trách nhiệm của công an các cấp... được các chiến sỹ công an giải thích cặn kẽ.
Trung tá Phạm Công Chức, Đội trưởng Đội Cảnh sát phụ trách xã CAH Thanh Trì cho biết, đặc thù các hộ dân ở địa bàn ngoại thành chủ yếu làm nghề nông, nên đơn vị đã chỉ đạo CAPT xã cùng Công an xã tranh thủ đến hộ dân trước khi họ đi làm đồng, hoặc chủ nhà trở về vào buổi trưa hay cuối giờ chiều, hướng dẫn người dân kê khai thủ tục đăng ký xe. Để tránh việc hướng dẫn "ồ ạt" cùng một lúc dẫn đến sai sót, cũng như sẽ gây "ùn tắc" hồ sơ tại cơ quan đăng ký, quản lý xe, nhiều xã ở huyện Thanh Trì xây dựng lộ trình "cuốn chiếu" hướng dẫn kê khai thủ tục đăng ký xe; xác định kế hoạch mỗi tháng giải quyết từ 400 đến 500 hộ. "Chúng tôi sẽ hoàn tất sớm nhất việc trực tiếp thăm hỏi 100% các hộ dân để hướng dẫn kê khai thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe", Trưởng Công an xã Ngọc Hồi Nguyễn Văn Thuần khẳng định.
Xây dựng phương pháp làm việc khoa học để đạt hiệu quả cao nhất cũng là yêu cầu được BCH CAH Gia Lâm quán triệt đối với các đội nghiệp vụ và công an các xã, thị trấn trên địa bàn. Trung tá Đỗ Văn Quang - Đội phó đội CSGT CAH Gia Lâm cho biết, Đội đã tham mưu cho chỉ huy CAH xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các đơn vị thực hiện Thông tư 12, từ tuyên truyền, điều tra cơ bản, tập huấn cán bộ chiến sỹ trực tiếp làm hồ sơ xác minh, xác nhận, đến bố trí, tăng cường cán bộ tiếp dân "chuyên trách" Thông tư 12. Ngoài tuyên truyền trên loa phát thanh, thông báo ở bảng tin các khu dân cư, họp tổ dân phố, CAH Gia Lâm đã phát tờ rơi trích các quy định chính của Thông tư 12 gửi đến từng hộ dân.
Từ 15-4 đến nay, CAH Gia Lâm đã tiếp nhận khoảng 600 hồ sơ đăng ký làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện, và "đa phần đều kê khai chính xác, đúng với hướng dẫn của Thông tư 12", Trung tá Đỗ Văn Quang cho biết. Chia sẻ suy nghĩ về việc ban hành Thông tư 12 của Bộ Công an cũng như các bước triển khai của CATP Hà Nội, ông Đinh Tất Thắng - Chủ tịch UBND xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm ngắn gọn: "Thông qua các buổi họp tuyên truyền với cán bộ cơ sở và người dân, chúng tôi ghi nhận được sự đồng tình, ủng hộ, phấn khởi. Thông tư 12 "về" ngoại thành, thực sự rất có ý nghĩa...".
Theo ANTD
Thượng sỹ có "duyên" bắt truy nã Các xóm trọ, khu nhà tạm ven sông Đáy thuộc tổ dân phố Phượng Bãi từng là nơi nhiều đối tượng phạm tội, trốn truy nã lẩn trốn. Nhưng sau một thời gian tập trung "làm sạch", điểm phức tạp này đã được triệt xóa, mọi biểu hiện vi phạm đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Có một người đã góp...