Solskjaer không đủ trình độ dẫn dắt MU
Đâu là khác biệt lớn nhất giữa Manchester United và Man City? Câu trả lời nằm trên ghế huấn luyện.
Trong cuộc phỏng vấn ngay trước khi trận derby Manchester bắt đầu, phóng viên hỏi Pep Guardiola lý do chữ ký trị giá 100 triệu bảng Jack Grealish không ra sân từ đầu. Pep nói đơn giản: “Tôi muốn cầu thủ thuận chân trái đá cánh trái, thuận chân phải đá cánh phải trận này. Vậy thôi”.
Quan điểm của Pep khá rõ ràng. Ông muốn cầu thủ đá biên của Man City sẵn sàng đi bóng tới đáy biên trước khi lựa chọn phương án tạt bóng. Grealish không phù hợp với phương án tấn công này.
Ole Solskjaer thảm bại trước Pep Guardiola. Ảnh: Getty.
Những gì diễn ra trên sân cho thấy Pep chính xác thế nào trong việc ra quyết định. Cánh trái của Man City với Phil Foden và Joao Cancelo hoàn toàn hủy diệt MU bằng những cú tạt theo nhiều cách. Eric Bailly đã phản lưới nhà chính từ một quả tạt ở đáy biên.
Điều chỉnh nhỏ về nhân sự như thế là đủ để thấy Pep nghiên cứu MU kỹ lưỡng như nào. Đó thậm chí không phải thay đổi duy nhất của Pep trước MU. Đối mặt sơ đồ 3 trung vệ của MU, Pep để Man City đá với số 9 ảo. Bernardo Silva, Kevin De Bruyne là những cầu thủ hoán đổi vị trí thường xuyên ở vị trí này.
Vị trí các cầu thủ Man City trước MU. Foden được đẩy lên chơi cực cao để khoan vào cánh trái. Man City có 7 cầu thủ đóng vai trò tiền vệ.
Ferran Torres hay Jack Grealish từng được Pep đẩy lên chơi cao nhất trên hàng công trong mùa giải này nhưng là chơi với vai trò số 9 thực thụ. De Bruyne hay Silva đều di chuyển rộng đúng với phong cách số 9 ảo.
Số 9 ảo của Man City có hiệu quả gì trước MU? Thông thường, việc bố trí hàng phòng ngự 3 trung vệ khiến tiền đạo đối phương có ít khoảng trống để hoạt động. Man City của Pep đá với 7 tiền vệ và khiến khối lượng công việc cho 3 trung vệ của MU trở nên nặng nề hơn.
Những tiền vệ của Man City cũng kiểm soát quá tốt tuyến giữa khi liên tục gây sức ép để giành lại bóng ngay trong chân cầu thủ MU. Trong hiệp một, MU đã mất bóng tới 5 lần bên phần sân nhà, 3 trong số đó diễn ra ngay sát vùng cấm. Man City chỉ mất bóng 2 lần, đều cách khung thành Ederson khoảng 50 m.
Man City làm cực tốt nhiệm vụ gây sức ép lên hàng tiền vệ MU.
Còn Ole Solskjaer đã chuẩn bị gì trước Man City? Ông đưa cả ba trung vệ có khả năng thi đấu ra sân, Harry Maguire – Victor Lindelof – Eric Bailly, đẩy họ vào sơ đồ 3-5-2 được sử dụng trong 2 trận gần nhất. Vì Edinson Cavani dính chấn thương bất ngờ, Solskjaer phải đưa Mason Greenwood vào sân đá cạnh Cristiano Ronaldo.
Nói cách khác: Solskjaer không tạo ra bất kỳ thay đổi nào để đấu Man City, đội ĐKVĐ Premier League.
Hệ quả: MU bị Man City đè bẹp. Nếu David De Gea không xuất thần cản phá hàng loạt cú đá ở cự ly gần, MU có thể đã thua đậm như trước Man City. Các cầu thủ MU hoàn toàn không biết vận hành hệ thống phòng ngự ba người khi thường xuyên đứng lỗi vị trí.
Aaron Wan-Bissaka hay Luke Shaw không thể quán xuyến được khoảng trống sau lưng trong khi Bailly, Maguire hay Lindelof chỉ nhăm nhe đá phản lưới nhà, một biểu hiện không thể rõ ràng hơn của việc họ không biết làm gì trong sơ đồ này.
Wan-Bissaka và Eric Bailly không kiểm soát được khoảng trống phía sau lưng.
Luke Shaw cũng không làm được điều này và MU thua bàn thứ hai.
Bản đồ nhiệt của MU trận này. Áp lực lên khung thành Ederson gần như không tồn tại.
Fred và McTominay chỉ đứng trên sân để phá bóng trong khi Greenwood không biết cách phối hợp với đồng đội. MU chỉ có 4 lần chạm bóng trong vùng cấm đối phương trận này, con số thấp nhất kể từ mùa 2008/09. Một thống kê khác nực cười hơn, số cú đá trúng khung thành De Gea của hàng phòng ngự MU nhiều hơn số cú đá trúng khung thành Ederson của cả tập thể “Quỷ đỏ”.
Cây bút Barney Ronay của Guardian mô tả MU “chơi bóng đá kiểu thây ma” trước Man City và đặt ra câu hỏi đáng để xem xét: MU sẽ thế nào nếu nhất quyết không chịu sa thải Solskjaer?
“MU đang trong tình thế khá kỳ quặc. Mọi thứ đang có nguy cơ trở thành sự thật dài hơi. Sẽ ra sao nếu MU không sa thải HLV? Sẽ ra sao nếu họ cho phép điều này tiếp diễn, chấp nhận những màn trình diễn thảm họa này, biến chúng thành thói quen. Rồi sau đó sẽ thế nào nữa đây?”, Guardian viết.
Ronaldo không thể làm gì trong thế trận MU thua thiệt hoàn toàn trước đối thủ. Ảnh: Reuters.
MU đã cho Solskjaer 3 trận để tự cứu mình. Thành tích của “Quỷ đỏ” giảm dần từ thắng Tottenham, hòa Atalanta và giờ là thua Man City. Và nếu nhìn vào những gì đã diễn ra trong cả 3 trận này, giới quan sát có lý do để nhận định MU thắng Tottenham 3-0 chỉ đơn giản bởi đối thủ từ London quá tệ.
Atalanta và Man City là những CLB có hệ thống được xây dựng bài bản, MU hiện nguyên hình là đội bóng chỉ chờ vào sự tỏa sáng của cá nhân. Khi hệ thống 3-5-2 bị phá vỡ, Solskjaer chẳng còn cách nào ngoài trở lại với 4-2-3-1 và chết chìm với những vấn đề đã lộ rõ từ trước của sơ đồ này.
3-5-2 hay 4-2-3-1 thực tế là hình ảnh phản chiếu cho sự kém cỏi của Ole Solskjaer trong cuộc đấu chiến thuật với những nhà cầm quân đẳng cấp hơn như Pep Guardiola hay Juergen Klopp, những HLV giỏi nâng tầm cầu thủ.
Pep biến Cancelo từ hậu vệ phải thành hậu vệ trái hay bậc nhất Premier League, đào tạo Phil Foden thành tài năng trẻ sáng giá bậc nhất thế giới. Klopp đưa Trent Alexander-Arnold ra ánh sáng, biến Mohamed Salah, Sadio Mane, Andrew Robertson… thành những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Còn Solskjaer nâng tầm được ai tại MU trong gần 3 năm qua? Maguire càng chơi càng tệ, Greenwood ngày một ích kỷ trong khi Donny van de Beek cứ mài đũng quần trên ghế dự bị.
MU đã cho Solskjaer quá nhiều thời gian cùng những đặc ân hiếm có trong lịch sử. Song nếu cứ đắm chìm với mộng tưởng một ngày Ole bỗng xuất sắc để đưa MU chinh phục các danh hiệu, “Quỷ đỏ” còn thể sẽ trắng tay thêm nhiều năm nữa.
Đến lúc ban lãnh đạo MU phải thừa nhận Solskjaer không đủ trình độ để dẫn dắt đội bóng này. Và sa thải là điều bắt buộc phải làm với ông thầy người Na Uy.
Phản ứng của Guardiola về chuyện mua hụt Ronaldo Trước trận gặp MU ở vòng 11 Ngoại hạng Anh, huấn luyện viên Pep Guardiola thể hiện niềm tin với chiều sâu đội hình Man City dù đội bóng này đang thiếu trung phong đích thực.
MU thua thiệt Man City ở mọi chỉ số. Đồ họa: Minh Phúc.
Man Utd thảm bại vì một giấc mơ hời hợt
Không có nỗi hổ thẹn nào lớn hơn đối với cổ động viên của Man Utd khi ngay giữa thánh địa Old Trafford, một cầu thủ Liverpool và đội bóng này lại đi vào lịch sử.
"Anh ấy đã đi vào lịch sử", bình luận viên của BT Sport thốt lên như thế khi Mohamed Salah lao ra ăn mừng cú hat-trick ngay tại sân nhà của đại kình địch không đội trời chung với Liverpool. Trên khán đài, Sir Alex Ferguson có lẽ phải nghiến răng vì uất hận. Còn ở dưới đường pitch, khuôn mặt của Ole Solskjaer vẫn thế. Mãi mãi khuôn mặt trẻ thơ vẫn thế, nhưng sát thủ ở Man Utd đã không còn.
Cơn ác mộng của Man Utd
Cơn ác mộng xảy ra đúng một năm sau cú "thảm sát" 6-1 mà Tottenham đã thực hiện cũng tại "Nhà hát của những giấc mơ". Khuôn mặt Solsa của ngày 4/10/2020 và ngày 24/10/2021 có gì khác nhau? Hình như nó vẫn chẳng có gì biến chuyển về cảm xúc. Không có lửa từ người dẫn đầu, thử hỏi thắp sao nên lửa ở những kẻ theo sau?
Giấc mộng tạo dựng huấn luyện viên (HLV) trưởng đến từ thế hệ vàng của Sir Alex Ferguson và kéo theo là cả bộ sậu trợ lý cũng đa phần là cựu danh thủ của đội bóng đã trở thành giấc mộng hời hợt thực sự, khi chính những con người cần chịu trách nhiệm chính cho mỗi kịch bản trận đấu của Man Utd đều trình diện lối chơi hời hợt, thiếu ý tưởng và non kém như những đứa trẻ. Những câu nhận lỗi đều trở nên sáo rỗng. Mancunians cần sửa lỗi bằng thực hành.
Cổ động viên MU đã hết kiên nhẫn với Solsa. Ảnh: Reuters.
Nếu trận thảm bại Tottenham một năm trước và trận thảm bại trước Liverpool hôm nay giống nhau ở cái thẻ đỏ, cho một tay người Pháp nào đó, nó lại khác nhau hoàn toàn về hoàn cảnh xảy ra. Cái thẻ đỏ của Martial năm ngoái là sự bồng bột đến ngốc nghếch của tay trẻ trâu, còn cái thẻ đỏ năm nay của Pogba là sự hời hợt vô hồn của kẻ dường như chống lệnh.
Và nếu Man Utd năm ngoái có thể thua đa phần do cái thẻ đỏ, năm nay họ thua tan nát từ khi chưa có chiếc thẻ đỏ nào. Thậm chí, năm nay, một bàn gá lại danh dự còn không có nổi.
Mâu thuẫn nội bộ?
Việc Solsa trận thứ hai liên tiếp loại Pogba dù cầu thủ này đang là tay kiến tạo hàng đầu của Man Utd từ đầu mùa đến nay cho thấy dường như phòng thay đồ của họ có vấn đề. Pogba không chấn thương; Pogba không mất phong độ. Nhưng Pogba là kẻ lớn tiếng rao giảng về việc Man Utd phải thay đổi sau đại bại trước Leicester. Và Pogba tất nhiên bị Solsa loại ra khỏi cuộc chơi ngay lập tức.
Chỉ có điều, trước Atalanta, khi Pogba vào sân, Man Utd chỉ còn đang thua một bàn, nên họ còn có cơ lật ngược. Còn trước Liverpool, họ đã nát đến 4 bàn trắng. Ở tư thế thua đến mức xấu hổ không còn chỗ nào mà trốn, có lẽ kẻ chuyên nghiệp nhất cũng không còn tâm trạng mà chơi bóng chứ đừng nói đến Pogba vốn toàn dựa vào cảm hứng bản thân.
Và chính cái hời hợt của Pogba đã dẫn đến bàn thua thứ 5. Đúng là ở bàn thua ấy, 2 cầu thủ Liverpool áp sát nhanh, cực chuẩn, đúng thời điểm để tước lấy bóng từ chân tiền vệ người Pháp (mà phần này sẽ nói kỹ thêm ở sau), nhưng giả sử Pogba nhiệt như anh ta chơi trong màu áo Les Bleus, tình huống bóng ấy đã không tuột đi đến độ Salah có cơ hội ghi bàn thứ 3 cho riêng mình. Sự hời hợt này có phải là phản ứng kiểu lật ghế?
Và sự hời hợt của Pogba còn lên đến đỉnh điểm khi anh quá chần chừ trong pha phối hợp phạt góc với Fernandes để dẫn tới bất lợi trong tranh chấp, buộc phải chuồi bóng nguy hiểm. Sớm hơn một khắc, Pogba không cần va chạm. Nhưng trước Liverpool đã là một Pogba khác.
Việc trách anh ta là đúng, nhưng cần chê Solsa trong việc xử lý con người. Không chỉ mình Pogba nói về thay đổi chiến thuật mà Fernandes và CR7 cũng đã nói. Song, với Solsa, việc trảm Pogba là an toàn, bởi bản thân ông tóc xanh tóc đỏ này cũng thuộc diện 6 ghét 4 yêu trong lòng cộng đồng ủng hộ viên Man Utd.
Man United chơi hời hợt. Ảnh: Reuters.
Việc Solsa đang mất đi vị thế ở phòng thay đồ này nếu là sự thật, quả rất nguy hiểm. Không dấu ấn nào về chiến thuật, chỉ dấu ấn lớn nhất ở quản trị con người, Solsa đánh mất phòng thay đồ có nghĩa là ông sẽ đánh mất tất cả. Thời khắc sa thải có lẽ đã quá gần.
Nhưng sự hời hợt của Man Utd không chỉ đến từ ông Pogba tóc xanh tóc đỏ mà nó được thể hiện bằng đa số các cầu thủ còn lại trong đội hình. Gần như không một cầu thủ Man Utd nào chọn đúng vị trí; giữ đúng cự ly với đối thủ mình theo kèm và áp sát đúng thời điểm vàng để tạo lợi thế đoạt bóng cả.
Trong khi đó, đối diện họ là ai? Đó là Liverpool chơi pressing cực khét. Man Utd gần như không thể pressing mỗi khi Liverpool có bóng còn ngược lại, mỗi khi Man Utd có bóng, Liverpool quây bắt hiệu quả đến chóng mặt.
Tất cả lần công thành của Liverpool đều khoét đúng vào khe giữa các hậu vệ của Man Utd và khủng khiếp thay là các khe ấy lại hở toang hoác. Áp lực liên tục dồn lên hàng thủ mất hồn của Man Utd kèm theo việc tổ chức pressing quá hiệu quả đặc biệt ở nửa sân bên phải theo hướng tấn công của Liverpool, đội quân của Klopp khiến hai điểm phát động bóng chủ đạo và quen thuộc của Man Utd là Shaw và Maguire tê liệt. Để phản ứng lại, Man Utd muốn chuyển hướng phát động từ tuyến dưới sang phía Wan-Bissaka và Linderlof, nhưng đó là thảm họa.
Sự hời hợt ấy đến từ đâu? Câu trả lời chỉ có ban lãnh đạo Man Utd hiểu. Nó là bất đồng giữa cầu thủ với HLV hay giữa cầu thủ với nhau chăng? Hay nó là phản ứng chậm chạp của tập thể được kỳ vọng quá lớn nhưng không cho thấy họ đáp ứng được kỳ vọng ấy nên áp lực cứ dày lên thêm? Không ai hiểu nổi. Nhưng nếu chúng ta ngẫm đến chính mình, với công việc không ý tưởng, không kế hoạch cụ thể, thử hỏi chúng ta có hết mình được hay không? Không thể. Vì không mục đích thì hết mình vì cái gì đây?
10 năm trước, đêm 23/10/2011, tại Old Trafford, Man Utd thảm bại 1-6 trước Man City. Nhưng sau thảm bại ấy là gì? Chỉ hơn một năm sau thôi, Man Utd của Sir Alex Ferguson trở thành nhà vô địch Premier League. Họ làm được điều đó, bởi lẽ họ không mang một giấc mơ hời hợt và nửa vời nào. Còn hôm nay, sau thảm bại này là gì? Solsa sẽ đưa họ đi tới đâu? Vô vọng.
Riyad Mahrez, bây giờ hoặc không bao giờ Tất cả chúng ta đều biết lý do Man City phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình để đưa Mahrez về Etihad hồi đầu mùa giải 2018/19. Vì anh giỏi ghi bàn? Đúng. Vì anh giỏi kiến tạo? Đúng. Nhưng trên hết, vì anh là một kiểu cầu thủ đặc biệt. Guardiola luôn nhấn mạnh rằng, ông sẽ làm tất cả những...