Sốc với đề thi đưa phong trào Cần Vương vào lịch sử thế giới
Đề thi môn lịch sử trong Kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 năm học 2016-2017 của Sở GD ĐT Bình Thuận đang gây phản ứng gay gắt vì đã đưa phong trào Cần Vương thuộc lịch sử Việt Nam sang phần lịch sử thế giới.
Cụ thể, trong phần lịch sử thế giới, câu hỏi số 1 có nội dung như sau: “Em hiểu thế nào về “Phong trào Cần Vương”? Phong trào Cần Vương bùng nổ trong hoàn cảnh nào? Trình bày ngắn gọn diễn biến các giai đoạn của phong trào”.
Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh của Sở GD ĐT Bình Thuận
Theo nhiều học sinh, Phong trào Cần Vương các em được học từ môn lịch sử ở lớp 8 và đây là phong trào do Tôn Thất Thuyết khởi xướng.
Sau khi cuộc tấn công tại kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết – một đại thần thuộc phe chủ chiến – đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, Quảng Trị (ngày 13.7.1885) và nhân danh nhà vua xuống chiếu Cần vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân đứng lên giúp vua chống Pháp, cứu nước.
“Lẽ ra câu hỏi này phải được để ở phần thi lịch sử Việt Nam, không hiểu sao lại bị cho sang phần lịch sử thế giới” – một học sinh nói.
Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nói: “Việc đưa phong trào Cần Vương vào phần lịch sử thể giới thể hiện sự cẩu thả của người ra đề, kiểm duyệt đề thi. Việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thế này chắc chắn sẽ khiến cho nhiều học sinh bối rối”.
Video đang HOT
Nhiều giáo viên sử cũng cho rằng, việc để xảy ra lỗi đáng tiếc này là không nên có nhất là trong đề thi học sinh giỏi. “Học sinh hiện nay đã không hào hứng với môn sử lại gặp phải những đề thi kiểu này, kiến thức bị lẫn lộn, xáo trộn ảnh hưởng đến nhận thức của các em và niềm tin về những kỳ thi học sinh giỏi sử” – một giáo viên sử tại Hải Dương nói.
Giải thích về sai sót này trên báo chí, ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết Sở này đã yêu cầu kiểm tra và các chuyên viên của sở thừa nhận sai là do lỗi kỹ thuật.
Ông Thái cũng gửi lời xin lỗi chân thành đến tất cả học sinh đã tham gia kỳ thi. Nói về ảnh hưởng của đề thi sai tới kết quả kỳ thi ông Thái cho biết kết quả thi của các em sẽ không bị ảnh hưởng gì (?).
Theo Danviet
Sai sót trong đề thi thử ở Hà Nội: Bộ Giáo dục nói về đề chuẩn hóa
Mỗi câu hỏi được thử nghiệm 2 lần trước khi đưa vào sử dụng trong ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Nhằm giảm thiểu những sai sót trong cách thức ra đề thi phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD&ĐT đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu thử nghiệm, thẩm định câu hỏi thi.
Tiến sĩ (TS) Sái Công Hồng, Phó vục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi về vấn đề này.
- 2017 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT ra đề thi THPT quốc gia theo phương thức mới. Xin ông cho biết cách thức ra đề thi của bộ nhằm giảm thiểu những sai sót có thể xảy ra?
- Việc ra đề thi phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2107 được Bộ GD&ĐT thực hiện theo quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa. Ngoài việc mời các chuyên gia thực hiện viết câu hỏi thô, biên tập, lựa chọn, thẩm định câu hỏi, Bộ GD&ĐT còn tiến hành các bước thử nghiệm câu hỏi thi và đề thi.
Việc thử nghiệm được thực hiện bằng cách chọn mẫu các học sinh lớp 12 ở một số địa phương làm thử câu hỏi thi và đề thi để định cỡ các câu hỏi thi cũng như phát hiện tính chính xác của các đáp án của câu hỏi thi.
Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ phân tích độ khó, độ tin cậy của các câu hỏi thi, rà soát phương án "nhiễu" của câu hỏi thi, độ tin cậy, độ giá trị... của đề thi để điều chỉnh một cách thống nhất, chuẩn xác.
Mỗi câu hỏi được chuẩn chỉnh sau khi thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Quy trình này không chỉ góp phần giảm thiểu những sai sót khi đưa đề thi vào áp dụng chính thức mà còn định cỡ và cân bằng độ khó giữa các đề thi.
Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT). Ảnh: VOV.
- Bộ GD&ĐT đã có sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm ra đề thi thử cho các địa phương như thế nào?
- Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn các sở GD&ĐT ra đề thi. Năm 2011, bộ cũng tổ chức tập huấn cho các Sở.
Đến tháng 11/2016, bộ tiếp tục tập huấn cho cán bộ ở các địa phương trong việc ra đề thi và đặc biệt có giới thiệu quy trình ra đề thi chuẩn hóa phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 ở tất cả các môn.
- Để đảm bảo cho mỗi thí sinh một mã đề thi, việc xây dựng ngân hàng đề thi THPT Quốc gia năm 2017 của Bộ GD&ĐT đang được thực hiện đến đâu?
- Trong quy chế ghi rõ, mỗi thí sinh sẽ làm một mã đề thi riêng. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành thử nghiệm các câu hỏi thi và dự kiến tháng 3/2016 sẽ thực hiện xong.
Sau đó, bộ sẽ chỉnh sửa lại các câu hỏi thi trước khi tiến hành bước tiếp theo là thử nghiệm các đề thi. Các câu hỏi sau khi được thử nghiệm và chỉnh sửa này sẽ được lựa chọn để đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Đề thi chính thức phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được rút ra từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa nhờ vào phần mềm máy tính và được các chuyên gia trong hội đồng đề thi THPT quốc gia 2107 thẩm định, rà soát kỹ trước khi chuyển cho các hội đồng thi để in sao phục vụ cho kỳ thi
- Ông có thể đưa ra lời khuyên nào đối với thí sinh khi năm nay mỗi em làm một mã đề thi riêng?
- Các thí sinh có các mã đề thi khác nhau nên rất khó để trợ giúp bạn trong quá trình làm bài thi. Hơn nữa, với khoảng thời gian đã được tính toán hợp lý cho mỗi câu hỏi thì thí sinh nên tập trung toàn bộ thời gian để hoàn thành bài thi của mình để đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian quy định.
Theo Bích Lan / VOV