Sóc Trăng: Nuôi cá rô phi 5 vụ liên tiếp đều trúng cả 5
Sau 5 vụ nuôi cá rô phi, anh Hà Xuân Đức ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đúc kết: “Nếu xét về giá trị tuyệt đối trên một đơn vị mặt nước thì lợi nhuận từ nuôi cá rô phi thấp hơn nhiều so với nuôi tôm thẻ. Tuy nhiên, mức độ rủi ro khi nuôi cá rô phi là rất thấp”.
Chúng tôi có mặt tại ao nuôi cá rô phi của anh Đức thì mẻ lưới thu hoạch đầu tiên đã chuyển lên xe gần xong, với con số ghi nhận từ sổ cân gần 4 tấn, ao thứ nhất vừa xong, tiếp tục đến ao thứ hai (mỗi ao khoảng 4.000m2) và kết thúc bằng con số gần 11 tấn.
Với trọng lượng bình quân từ 400gram đến 500gram/con, nên theo hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Khoa Kỹ sinh vật Thăng Long ( Công ty Thăng Long), anh Đức bán được giá 23.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh Đức, với sản lượng gần 11 tấn, tính ra giá thành mỗi ký cá vào khoảng 19.000 đồng nên lợi nhuận ở vụ cá rô phi này cũng kha khá.
Thu hoạch cá rô phi ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng).
Tuy mức lợi nhuận không cao bằng con tôm thẻ nhưng nếu tính theo tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư thì nuôi cá rô phi cũng hơn 20%. Mặt khác, do tận dụng 2 ao lắng để nuôi nên chẳng những không ảnh hưởng đến diện tích nuôi tôm, mà ngược lại còn hỗ trợ rất tốt cho các ao tôm nhờ sử dụng nguồn nước từ ao nuôi cá rô phi để cấp cho ao tôm.
Anh Đức cho biết: “Cách nuôi này vừa giúp có thêm thu nhập từ cá rô phi, vừa giúp môi trường ao nuôi tôm tốt hơn, tôm ít thiệt hại, giảm được chi phí rất đáng kể. Tôi thực hiện mô hình này đến nay đã được 5 vụ rồi, dù mức lợi nhuận không cao nhưng được cái là rất an toàn, kể cả cá và tôm”.
Video đang HOT
Cũng theo anh Đức, mô hình nuôi cá rô phi này anh sử dụng toàn bộ sản phẩm từ con giống, thức ăn… cho đến quy trình nuôi của Công ty Thăng Long và cả 5 vụ nuôi đều cho hiệu quả rất tốt.
Anh Đức chia sẻ: “Con giống, thức ăn cá rô phi của Công ty Thăng Long rất tốt nên cá lớn nhanh, ít hao hụt và hầu như chưa thấy có dịch bệnh nào xuất hiện. Hơn nữa, đầu ra đã có Công ty Thăng Long bao tiêu với mức giá công bố trước nên mình rất an tâm. Hiện xung quanh khu vực ấp Nhà Thờ này cũng có nhiều người đang nuôi cá rô phi và hầu hết đều đạt hiệu quả”.
Đúng như anh Đức nói, trong quá trình xem thu hoạch cá, chúng tôi có dịp gặp lại anh Phuôi, một nông dân nuôi tôm lớn ở vùng này và được anh cho biết, anh cũng đang nuôi cá rô phi theo hợp đồng với Công ty Thăng Long. Theo anh Phuôi, cá của anh được trên 2 tháng, tỷ lệ sống gần 90% và đang phát triển rất tốt.
Cũng như anh Đức, anh Phuôi tận dụng ao lắng để nuôi cá rô phi nhằm tăng thêm thu nhập và tạo nguồn nước tốt cung cấp cho ao nuôi tôm. Anh Phuôi chia sẻ: “Tôi vốn là ngư dân vùng này nên tôi hiểu khá rõ đặc tính của con cá rô phi. Vì vậy, khi thấy Công ty Thăng Long triển khai mô hình nuôi cá rô phi có hợp đồng bao tiêu hẳn hoi, tôi mạnh dạn đầu tư ngay”.
Ông Võ Thanh Vân, một hộ có kinh nghiệm nuôi cá tra và nuôi tôm ở huyện Long Phú cũng rất quan tâm đến mô hình nuôi cá rô phi của Công ty Thăng Long nên từ sáng sớm ông đã có mặt để chứng kiến cảnh thu hoạch cá.
Ông Vân bộc bạch: “Tôi thấy mô hình này cũng rất hay nên đến xem kết quả ra sao. Tôi nghĩ, nếu điều kiện thay nước thuận lợi như khu vực của tôi thì nuôi con cá rô phi sẽ rất mau lớn. Với kinh nghiệm nuôi cá tra của mình cùng điều kiện nguồn nước vùng nuôi thuận lợi, tôi cũng dự định sẽ phát triển nuôi cá rô phi song song với nuôi tôm thẻ. Nuôi cá thường rủi ro ít hơn nuôi tôm nên chỉ cần có nơi bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý là mình có thể đầu tư phát triển được”.
Không kể sản lượng đã thu hoạch từ đầu năm 2019 đến nay, theo ước tính của cán bộ kỹ thuật phụ trách của Công ty Thăng Long, đến cuối tháng 7, sản lượng cá thu mua dự kiến sẽ vào khoảng 71,5 tấn. Một con số không lớn nhưng cũng cho thấy, mô hình nuôi cá rô phi đã và đang được người nuôi tôm ở huyện Trần Đề nói riêng và Sóc Trăng nói chung ngày một quan tâm nhiều hơn nhờ vào các yếu tố: dễ nuôi, ít rủi ro và không lo đầu ra.
Theo Xuân Trường (Báo Sóc Trăng)
Giá heo hơi hôm nay: ĐBSCL tăng đột biến rồi trồi sụt thất thường
Ghi nhận tại khu vực ĐBSCL, sau thời gian tăng đột biến, giá heo hơi hôm nay tại khu vực này đã đồng loạt giảm xuống trung bình từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi hoành hành, người chăn nuôi ở đây không bất ngờ với giá lợn hơi trồi sụt thất thường, họ cho đây là quy luật tự nhiên.
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực ĐBSCL, giá lợn hơi (gia heo hoi) hôm nay giảm nhẹ ở một vài nơi, hiện chỉ còn dao động từ 31.000 - 38.000 đồng/kg.
Theo đó, tại thủ phủ nuôi lợn Đồng Nai, giá heo hơi trong ngày 21/6 đã giảm khoảng 500 đồng/kg, hiện về mức khoảng 36.000 đồng/kg; tại Vĩnh Long cũng ghi nhận giảm từ 36.000 đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg. Các địa phương như Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau giá lợn hơi dao động ở mức 34.000 - 37.000 đồng/kg.
Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, tỉnh Cà Mau tích cực kiểm soát qua các trạm, chốt. Ảnh: Chúc Ly.
Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Minh Đức (xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng), chủ một trang trại lợn lớn ở ĐBSCL, cho biết: "Khoảng 5 ngày trước giá lợn hơi mua tại địa phương và các vùng lân cận có lúc lên đến 40.000 đồng/kg, nhưng đến nay thì chững lại còn khoảng 34.000-35.000 đồng/kg. Giữa lúc dịch tả lợn Châu Phi hoành hành thì giá lên xuống thất thường cũng là điều dễ hiểu. Khi ở một thời điểm, lợn hút hàng do nhu cầu thị trường lớn thì giá lợn sẽ tăng đột biến; sau một thời gian thì theo quy luật giá sẽ xuống trở lại".
Cũng theo ông Đức, hiện nay với tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, các hộ chăn nuôi cần lưu ý không dùng thức ăn thừa chưa qua nấu chín; không sử dụng nước sông, rạch để tắm lợn hoặc nấu thức ăn cho lợn; thức ăn sử dụng cho lợn cần đảm bảo chất lượng, không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc,...
Tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh dịch ở tỉnh Kiên Giang. Ảnh: NQ.
"Việc sử dụng thức ăn thừa ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thời gian qua còn rất nhiều. Các hộ phải tự ý thức để tránh các mầm bệnh lây lan từ nguồn thức ăn này. Ngoài ra, công tác tiêu độc khử trùng phải được làm quyết liệt, mục đích lớn nhất là tự bảo vệ đàn lợn của mình. Ngoài ra, khi lợn nằm ở mức 70, 80kg trở lên khi thấy giá cả ở mức phù hợp, nông dân nên bán lợn ngay, không nên trữ lợn lớn quá nhiều trong chuồng, làm như vậy sẽ giảm được áp lực, công tác ứng phó bệnh dịch cũng dễ hơn " - ông Đức chia sẻ.
Tính đến nay khu vực ĐBSCL đã ghi nhận 12 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi, chỉ duy nhất tỉnh Bến Tre đến nay chưa phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi nào. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lan nhanh, lan rộng ở hầu khắp các địa phương trong khu vực, chính quyền các tỉnh ở ĐBSCL đang tích cực triển khai tích cực các giải pháp chống dịch.
Theo Danviet
Dưa hấu trái bự la liệt, bán trúng giá cao, nửa đêm đi cắt trái Vụ dưa hấu chính vụ của bà con ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) hiện đang trong giai đoạn cuối vụ thu hoạch, với năng suất bình quân đạt trên 5 tấn/công. Niềm vui "trúng mùa" lại được nhân lên khi trái dưa hiện đang "được giá", dù cuối vụ nhưng vẫn ổn định ở mức giá từ...