Sóc Trăng: Nuôi 30.000 con lươn trong bể không bùn cho lời “khủng”
Mô hình nuôi lươn không bùn được anh Hồ Văn Nông và khoảng 40 nông dân ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) áp dụng từ 3 năm nay rất thành công, với mức lợi nhuận trên vốn đầu tư không thua gì nuôi tôm nước lợ.
Hôm chúng tôi đến, trại nuôi lươn không bùn của anh Nông, ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm ( tỉnh Sóc Trăng), anh đang có 2 hồ lươn nhỏ, 8 hồ lươn lớn đã đạt cỡ xuất bán và một số hồ để trống.
Anh Nông cho biết, do giá lươn giống hiện tại đang quá cao, cùng với thời tiết chuẩn bị bước sang mùa lạnh, nên anh không thả tiếp mà để dành nuôi vỗ những con lươn nhỏ trong quá trình phân loại. Tuy mỗi hồ diện tích chỉ khoảng 5 m2, nhưng theo anh Nông số lượng lươn trong mỗi hồ hiện không dưới 3.000 con.
Anh Nông (áo xanh) giới thiệu với khách tham quan về quy trình kỹ thuật nuôi lươn và kinh nghiệm nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả cao – Ảnh: XT.
Những hồ nuôi lươn của anh Nông được xây dựng rất đơn giản, với chiều cao chỉ khoảng 5 tấc, mực nước trong hồ hơn 3 tấc, bên trong đặt các vỉ tre làm chỗ bám cho lươn.
Nói về hiệu quả của mô hình, anh Nông chia sẻ: “Qua 3 năm thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn tôi thấy nó cũng rất đơn giản, chỉ cực mỗi chuyện là phải thay nước thường xuyên và đúng định kỳ để đảm bảo nước trong hồ không bị ô nhiễm”.
Tuy anh nói đơn giản nhưng quan sát chúng tôi nhận thấy, anh đầu tư cả hệ thống xử lý nước trước khi bơm vào hồ nuôi và dự trữ một lượng muối để định kỳ pha loãng nguồn nước giúp lươn nuôi không bị dịch bệnh. Để đảm bảo môi trường hồ nuôi, mỗi ngày anh thay nước 3 lần trước các cữ cho ăn. Nhờ vậy mà tỷ lệ nuôi sống mỗi đợt đều đạt trên 95%.
Giải thích thêm về vấn đề này, anh Nông cho biết, khi thay nước thường xuyên, các chất ô nhiễm hay mầm bệnh không có điều kiện bám vào thức ăn để đi vào đường ruột của lươn nuôi, nên giúp cho việc phòng bệnh đường ruột trên lươn rất hiệu quả.
Video đang HOT
Ngoài ra, để tránh hao hụt lươn, trong quá trình nuôi, anh Nông thường xuyên tuyển lựa những con lươn nhỏ đưa sang hồ nuôi riêng để tránh chúng ăn lẫn nhau và giúp lươn phát triển đồng đều.
Anh Nông cho biết thêm: “Những con lươn nhỏ này được đưa qua hồ nuôi vỗ bằng thức ăn tươi sống như: cá, ốc, trùn quế và trứng vịt, nên chỉ sau thời gian, tốc độ tăng trọng của chúng sẽ bắt kịp những con trong đàn”.
Với diện tích khoảng 5 m2 mỗi hồ, bình quân anh thả nuôi khoảng 3.000 con lươn giống nhân tạo, loại 500 con/kg và sử dụng thức ăn viên công nghiệp.
“Chỉ cần giá lươn đạt 130.000 đồng/kg, nếu nuôi đạt năng suất là mình có lợi nhuận trên 60.000 đồng/kg, còn như giá lươn hiện tại, mỗi ký lươn lời trên 100.000 đồng là không có gì khó hết” – anh Nông chia sẻ.
Theo anh Nông, nuôi lươn không bùn chi phí cao nhất là con giống và thức ăn, ước tính khoảng 65.000 đồng/kg lươn thương phẩm. Còn quá trình chăm sóc chỉ cần 1 người là có thể quán xuyến toàn bộ hơn 10 hồ nuôi này.
Tuy nhiên, cái khó là phải theo dõi thường xuyên nguồn nước trong hồ để thay nước kịp thời, vì chỉ cần chậm trễ sau 1 – 2 giờ là nước trong hồ sẽ bị ô nhiễm, lươn bỏ ăn và nguy cơ thiệt hại rất cao.
Nói về giá lươn tăng đột biến trong năm nay, theo anh Nông ngoài nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi trong nước, còn do thương lái thu gom lươn xuất sang thị trường Trung Quốc.
Giá lươn thương phẩm tăng cao, kéo theo giá lươn giống cũng tăng mạnh và đang khan hàng. Hiện, lươn giống loại 500 con/kg vào khoảng 5.200 – 5.400 đồng/con, tức tăng trên 2.000 đồng/con nhưng cũng rất khó mua vì khan hàng.
Theo anh Nông, giá lươn thịt thương phẩm trong 3 năm nay khá ổn định, lúc thấp nhất cũng được 130.000 đồng/kg (bán sô, không phân loại), riêng năm nay, giá lươn liên tục tăng từ đầu năm đến nay và hiện dao động trong khoảng 190.000 – 200.000 đồng/kg.
Ông Lê Hoàng Khương, Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết, giá lươn giống tăng và khan hàng không phải do nhu cầu nuôi tăng mạnh mà chủ yếu là do tỷ lệ sinh sản, ấp nở tại các cơ sở sản xuất lươn giống không cao. Hiện, toàn thị xã chỉ mới có khoảng 40 hộ thực hiện nuôi lươn không bùn, trong đó anh Giang là một trong số ít hộ có tổng đàn lươn nuôi từ 30.000 con trở lên và hầu hết đều đạt lợi nhuận khá cao.
Theo Danviet
Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, bán 200-230.000 đồng/ký
Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn không bùn ngày càng được nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình. Bởi, chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, mà lại cho lợi nhuận cao, nhất là giá thị trường ổn định.
Ông Nguyễn Văn Đường (ngụ ấp Vĩnh Phước) là một trong những nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình nuôi lươn truyền thống sang nuôi lươn không bùn, theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Vĩnh Bình. Hơn 10 năm theo nghề nuôi lươn thương phẩm và lươn giống, ông Đường đã chọn phát triển mô hình nuôi lươn không bùn, sau khi được hỗ trợ kỹ thuật từ ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đường đang chăm sóc lươn của mình.
Dù chỉ mới áp dụng hơn 3 năm nay, nhưng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng lót bạt đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, với lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ông Đường bộc bạch: "Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể ny-lon theo dạng không bùn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, do không đòi hỏi diện tích lớn. Người nuôi có thể tận dụng đất xung quanh nhà để nuôi, vốn đầu tư cho mô hình cũng không cao lắm".
Với diện tích bồn như trên, ông Đường thả nuôi 100 con lươn giống/m2 (loại lươn giống 300 con/kg). Sau khoảng 8 - 10 tháng nuôi, lươn sẽ được thu hoạch.
Hiện nay, giá bán lươn thịt đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, được thương lái thu mua tận nhà, với giá lươn loại I từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, lươn loại II từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Nếu bán với giá từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 30 triệu đồng/bồn.
Theo kinh nghiệm nuôi lươn không bùn của ông Đường, nuôi lươn theo mô hình không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên, để việc nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả cao, đạt chất lượng tốt, cân nặng đồng đều, người nuôi cần phải chọn nguồn giống sạch bệnh và vệ sinh bồn thật kỹ trước khi thả lươn vào nuôi.
Trong quá trình nuôi lươn không bùn phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn, chăm sóc. Đặc biệt, nguồn thức ăn phải đảm bảo vừa đủ, không được thiếu và cũng không được dư.
"Khi nuôi, tôi thường tạo vỉ làm bằng ống nhựa cách nhau chừng 2 - 3cm đặt ở giữa bồn để thức ăn lên đó cho lươn ăn hàng ngày. Vì lươn rất mẫn cảm, nên phải thay nước mỗi ngày để bảo đảm nước luôn sạch cho lươn phát triển", ông Đường chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi lươn không bùn.
Ngoài việc nuôi lươn thịt thương phẩm, ông Đường còn ương thêm lươn giống để tạo nguồn giống cho việc nuôi thương phẩm và bán cho người nuôi các vùng lân cận.
Hiện tại, ông Đường là một trong những hộ cung ứng lươn giống uy tín bậc nhất vùng, bởi chất lượng con giống vượt trội, tỷ lệ hao hụt ít. Hiện, ông Đường còn sở hữu 21 bồn (15m2) lươn giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 200.000 con lươn giống các loại.
Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Đường lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm từ nuôi lươn không bùn. Ông Đường chia sẻ: "Để có được nguồn lươn giống chất lượng, người nuôi phải nắm rõ kỹ thuật chăm sóc lươn giống bố mẹ thật tốt, từ khâu thay nước, cho ăn, đến kích thích sinh sản...".
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Bình Huỳnh Văn Bình cho biết, mô hình nuôi lươn không bùn được nhiều nông dân trên địa bàn xã áp dụng, bởi hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.
"Thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp các ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân phát triển mô hình này hiệu quả, bền vững hơn. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lươn giống và thương phẩm, giúp bà con tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương", ông Huỳnh Văn Bình.
Theo Danviet
Nuôi lươn đồng, từ phận nghèo "số khổ" thành triệu phú Hậu Giang Từ một nông dân nghèo khó, nhưng với mong muốn vươn lên thoát nghèo, anh Lê Hoàng Vũ, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), đã thành công từ mô hình nuôi lươn đồng, nhân giống lươn đồng, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Có được như ngày hôm nay, anh Vũ phải trải qua...