Sóc Trăng: Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt
Năm 2019, tình hình xâm nhập mặn ở Sóc Trăng diễn ra sớm hơn gần 1 tháng so với năm trước. Độ mặn đo được cao nhất vào trung tuần tháng 12/2019 tại các trạm trên sông Hậu tại Trần Đề 20,5, Long Phú 14,2, Đại Ngãi 10,7; trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận 11,4…
Kênh, mương không còn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: XC
Theo số liệu mới nhất của Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, đầu tháng 2/2020, tại các trạm đo trên sông Hậu ở Trần Đề 13,8, Long Phú 10,6, Đại Ngai 6,6; trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận 15,9; Thạnh Phú (Nhu Gia) 6,8; trên sông Đinh (TP Sóc Trăng) 5,0…
Dự báo, trong thời gian tới độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trần Đề ở mức 22, Long Phú 17,5, tại Đại Ngãi (cách cửa sông Hậu 35km) là 11,5; trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận (cách cửa sông Mỹ Thanh 25km) ở mức 19,5, tại Thạnh Phú 7,5, tại TP Sóc Trăng 6,5.
Toàn tỉnh Sóc Trăng có 185.000ha sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2019 – 2020, đến thời điểm này đã thu hoạch khoảng 70.000ha. Năm nay, tỉnh đã chủ động xuống giống sớm để tránh hạn mặn, cơ bản không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, diện tích Đông Xuân muộn trong vùng dự án thủy lợi Long Phú – Tiếp Nhật đã khép kín nên thiếu nước, ảnh hưởng hơn 3.600ha ở huyện Long Phú.
Hiện nay, mặn đã xâm nhập hầu hết trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, điều lo ngại nhất là hạn, mặn kéo dài và sâu hơn, lên đến huyện Kế Sách, nơi mà vùng đê bao chưa khép kín sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn héc ta cây ăn trái của địa phương này.
Nhiều nơi ở Sóc Trăng bị thiếu nước không thể sản xuất nông nghiệp. Ảnh: XC
Tính đến cuối tháng 1/2020, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 2.160ha diện tích trồng lúa (tăng 761ha so với trước Tết Nguyên đán Canh Tý), trong đó 2.034ha bị ảnh hưởng dưới 30%, 111ha bị ảnh hưởng từ 30 – 70% và 15ha bị ảnh hưởng trên 70%, tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Châu Thành và thành phố Sóc Trăng.
Ở các xã Tân Hưng, Trường Khánh (huyện Long Phú), nhiều nhà nông đang lo vì lúa đang trong thời kỳ phát triển nhưng vì mặn xâm nhập sớm khiến đất nứt nẻ, không đủ nước cho lúa phát triển. Một số hộ bơm nước để cứu lúa nhưng cũng không yên tâm vì nước bơm vào không phải nước ngọt mà nước có độ mặn hơn 2.
Bà Kim Thị Ánh Nguyệt (62 tuổi, ở ấp Pẹc Đôn, xã Tài Văn, huyện Trần Đề) cho biết: “Năm nay hạn đến sớm hơn so với mấy năm trước. Nhiều kênh ở khu vực chúng tôi ở cạn kiệt nước nên không sản xuất được lúa vụ 3. Nhà tôi có ao nuôi cá tra, cá trê, rô phi nhưng không có nước nên cá chết gần hết”.
Video đang HOT
Trước tình hình này, để bảo vệ diện tích cây trồng và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất bởi hạn hán, xâm nhập mặn, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước tại các công trình đầu mối quan trọng để vận hành đóng, mở cửa cống, đảm bảo không để mặn xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Lúa tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bị thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh: XC
Đồng thời, khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để có biện pháp duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống hạn, mặn đang xây dựng để đưa vào vận hành, khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2019 – 2020.
Chú trọng các giải pháp kỹ thuật bảo vệ cây trồng trên cây lúa trong vụ mùa 2019 – 2020, khuyến cáo người dân cần trữ nước ngọt trong các kênh, ao nuôi tôm để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho cây lúa, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào đồng ruộng.
Ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh nông thôn Sóc Trăng cho biết: Do ảnh hưởng hạn hán xâm nhập mặn, mùa khô năm 2019 – 2020 sẽ thiếu nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Qua thống kê, toàn tỉnh có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với khoảng 26.572 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.
Khô hạn diễn ra gay gắt ở Sóc Trăng. Ảnh: XC
Để giải quyết vấn đề này, trung tâm đã có kế hoạch cấp nước sạch nông thôn ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 với các giải pháp như: Nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn từ các công trình cấp nước tập trung hiện có, với chiều dài gần 720.000m, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho 21.622 hộ dân; đầu tư xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung với kinh phí 45 tỷ đồng, cấp nước cho 2.772 hộ dân. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là hơn 160 tỷ đồng.
Trung tâm đang quản lý khai thác 146 công trình cấp nước tập trung, cấp nước cho 108.000 hộ dân. Tổng công suất giếng đang khai thác là 100.000 m3/ngày đêm. Đến nay đã khoan được 10 giếng, công suất mỗi giếng 1.000m3/ngày đêm, với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Triển khai thi công gần 137.000m đường ống cấp nước, giải quyết nước sinh hoạt cho 3.770 hộ tập trung tại các xã Long Bình (Ngã Năm), Ba Trinh, Đại Hải, Trinh Phú (Kế Sách), Mỹ Tú với kinh phí thực hiện gần 22 tỷ đồng.
Ông Dũng cũng cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục khoan thêm 12 giếng tạo nguồn tại các trạm cấp nước, với kinh phí 3,6 tỷ đồng, nguồn vốn từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của trung tâm. Tiếp tục thực hiện nâng cấp mở rộng 600km đường ống và xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung, phục vụ cấp nước cho 22.800 hộ dân, với kinh phí 140 tỷ đồng.
Xuân Cảnh
Theo Thanhtra
Vùng ven biển Sóc Trăng nỗ lực ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập
Hàng ngàn diện tích sản xuất nông nghiệp của Sóc Trăng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nhất là các địa phương nằm ven biển
Do nằm giáp biển, Sóc Trăng là địa phương phải chịu tác động kép của mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt từ thượng nguồn đổ về. Vì vậy, trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019-2020 được dự báo là nghiêm trọng, hàng ngàn diện tích sản xuất nông nghiệp của Sóc Trăng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nhất là các địa phương nằm ven biển.
Thủy lợi nội đồng đang được huyện Trần Đề tích trữ nước phục vụ sản xuất.
Mới sáng sớm, ông Lý Nao, ở ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề đã có mặt tại ruộng lúa của gia đình để tranh thủ bơm nước vào ruộng. Ông Nao cho biết, 1ha lúa của gia đình đang trong giai đoạn làm đòng đã phải chịu khô hạn hơn 10 ngày nay, nắng nóng làm cây sinh trưởng kém dần, may mà độ mặn giảm, các cống ngăn mặn đã được mở lấy nước vào nội đồng nên ông tranh thủ ra bơm vào ruộng để kịp thời cứu lúa.
Cán bộ đo độ mặn tại một kênh thủy lợi ở xã Lịch Hội Thượng (Trần Đề, Sóc Trăng).
"Mấy hôm trước thấy nước sông cạn khô, rồi nghe nói nước mặn, lo sợ giữ lắm. Mà thấy 2 hôm nay mình coi truyền hình thấy có mở cống đưa nước vào mình cũng mừng, nói là có nước ngọt. Mình cũng sợ chết giống như năm 2016, chết trắng luôn".
Các máy bơm túc trực sẵn để bơm nước tưới tiêu ruộng lúa.
Còn ông Lâm Dươl, đang bơm nước vào ruộng cho biết, có nước ngọt, nỗi lo cũng vơi đi phần nào, nhưng thời gian tới cũng chẳng biết làm sao khi hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, trong khi trà lúa của ông và bà con xung quanh phải tới hơn 40 ngày nữa mới kết thúc mùa vụ.
Có nước người dân khẩn trương bơm đầy đồng.
"Mấy ngày trước ruộng khô quá nó bị cháy vàng lá, rồi lúa không lên được. Vùng bên Sóc Lèo này là cuối nguồn, đất phèn và mặn nhiều, là cuối nguồn nên nước không ngọt bằng ở vùng Long Phú", ông Lâm Dươi nói.
Ông Lâm Dươl và các bộ địa phương đo độ mặn trực tiếp trên cánh đồng.
Nhiều người dân lo ngại, nếu không có nước ngọt, nhiều diện tích lúa của ấp Sóc Lèo sẽ bị ảnh hưởng nặng, bởi đây là giai đoạn làm đòng, thời điểm mà cây lúa đang cần nước nhất. Trong khi mặn xâm nhập gây khô hạn trước nhiều ngày, một số diện tích có dấu hiệu chậm phát triển.
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Trần Đề khuyến cáo người dân tranh thủ xuống giống sớm để tránh hạn mặn. Tuy nhiên, xã Lịch Hội Thượng đặc biệt là ấp Sóc Lèo của huyện Trần Đề, do địa hình giáp biển, việc chủ động nước tưới phục vụ sản xuất là hết sức khó khăn, phần lớn trông chờ vào nước trời. Sử dụng giống lúa chống chịu mặn cao là cách mà người dân ứng phó với mặn xâm nhập, tuy nhiên với hạn hán và mặn xâm nhập gay gắt như thế này, nguy cơ bị ảnh hưởng và thiệt hại là khó tránh khỏi. Hiện nay, công tác đo độ mặn tại các địa phương của huyện đang được ngành chức năng thực hiện thường xuyên và hàng ngày.
Hàng ngàn ha lúa đang làm đòng của huyện Trần Đề có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng bởi mặn xâm nhập.
Ông Châu Hoàng Lâm, cán bộ Thủy lợi, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, cho biết: "Trong xã có 3 ấp, tuy nhiên đối với Phố Dưới thì nằm trên kia cũng đỡ rồi, chỉ còn Sóc Lèo với Năm Chánh vì cuối nguồn nên chúng tôi phải đo độ mặn hàng ngày để báo cáo lên xã và thông báo cho bà con. Thời gian trước thì đo hàng tuần để coi độ mặn diễn biến như thế nào, nhưng khoảng 10 ngày nay là mặn xâm nhập, phải đo độ mặn mỗi ngày rồi ghi lên lịch và thông báo cho bà con biết ứng phó".
Ông Lâm Dươl và các bộ địa phương đo độ mặn trực tiếp trên cánh đồng
Huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cơ cấu sản xuất 2 vụ lúa. Riêng vụ Đông Xuân này (2019-2020), huyện xuống giống hơn 22 ngàn ha, tập trung ở các giai đoạn làm đòng, giai đoạn trổ và một số ít trong giai đoạn chín. Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết, xâm nhập mặn hiện nay phải nói hết sức phức tạp, tuy là chưa ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhưng dự báo là hết sức khó khăn. Nếu trong thời gian tới, độ mặn tiếp tục tăng cao, đối với những trà lúa đang làm đòng, khả năng sẽ bị thiệt hại. Ông Dũng thông tin thêm, mấy ngày nay, độ mặn giảm, Trần Đề đang khẩn trương tích trữ nước để phục vụ sản xuất. Huyện cũng khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông báo về độ mặn trước khi lấy nước tưới tiêu cho ruộng lúa.
Người dân tranh thủ lấy nước tưới rau màu.
"Hiện nay chúng tôi đã bố trí máy đo độ mặn tại các địa phương và chúng tôi đã giao cho trạm quản lý thủy nông huyện hàng ngày tiến hành đo kênh nằm trong hệ thống dự án Long Phú - Tiếp Nhật để khuyến cáo cho bà con trước khi lấy nước lên đồng ruộng".
Một số rau màu được trồng trên bờ kênh cũng chậm phát triển vì thiếu nước nhiều ngày.
Cây dưa hấu được người dân trồng trên đất bờ bao khát nước
Người dân Sóc Trăng nói chung và huyện Trần Đề nói riêng vẫn còn ám ảnh bởi thiệt hại do hạn hán và mặn xâm nhập gây ra vào mùa khô năm 2015-2016. Năm đó nhiều diện tích lúa và hoa màu bị chết trắng vì thiếu nước, người dân lâm vào nợ nần, phải rời quê hương đi làm thuê kiếm sống ở tỉnh khác. Nhằm phòng ngừa thiệt hại, mùa khô năm nay, các cấp chính quyền và người dân địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống hạn mặn, hạn chế đến mức thấp nhất do hạn mặn gây ra./.
Theo Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL
Ngừa virus corona: CSGT Sóc Trăng sáng kiến kiểm tra nồng độ cồn qua bong bóng Lần đầu tiên CSGT Công an Sóc Trăng tổ chức kiểm tra nồng độ cồn bằng sáng kiến mới nhằm giúp người lái xe ngăn ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có virus corona. Từ tối 4-2, Trạm CSGT Mỹ Xuyên thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức đo nồng độ cồn trước UBND TP Sóc...