SỐC: Nhật bản ‘cực thích’ đấu súng ở tứ kết Asian Cup
Tìm hiểu về 5 loạt luân lưu gần nhất của người Nhật ở Asian Cup đã cho ra những thống kê rất bất ngờ.
Việt Nam chúng ta đã xuất sắc vượt qua Jordan ở vòng 16 đội sau những loạt sút luân lưu nghẹt thở. Tại vòng tứ kết, thầy trò Park Hang Seo sẽ chạm trán một đối thủ rất mạnh, đó là tuyển Nhật Bản.
Rõ ràng Việt Nam được đánh giá thấp hơn đối thủ về nhiều mặt. Họ có những ngôi sao chất lượng, có lối chơi đầy gắn kết và khoa học. Hơi thực dụng nhưng có thể Việt Nam sẽ phải cần kéo người Nhật vào loạt luân lưu để cạnh tranh sòng phẳng.
Việt Nam vượt qua Jordan sau loạt sút luân lưu.
Như đã biết, dưới thời Thầy Park, Việt Nam đã giành chiến thắng 3/4 loạt sút luân lưu. Về phần Nhật Bản, thành tích trong loạt đấu súng cân não của họ ở Asian Cup là như thế nào? Cùng điểm qua 5 lần sút luân lưu gần nhất của đội tuyển mặt trời mọc.
Nhật Bản vs Jordan (Tứ kết, 2004)
Chạm trán một đối thủ không quá mạnh là Jordan, nhưng Nhật Bản đã không thể giành chiến thắng sau 120 phút khi để đội bóng Tây Á cầm hòa 1-1. Họ buộc phải bước vào loạt luân lưu để quyết định số phận. Chiếc vé về nước đã gần kề Nhật Bản khi họ thất bại cả 2 quả đầu tiên, đó là những cú sút lên trời. Thậm chí những kiến nghị về mặt sân đã buộc phải trọng tài phải đổi khung thành để tiếp tục loạt luân lưu.
Sau 3 lượt, tỉ số là 3-1 cho Jordan và bằng cách thần kỳ nào đó, Nhật Bản đã thoát thua 2 lượt cuối để gỡ hòa 3-3 trước khi giành chiến thắng chung cuộc ở những lượt đá thêm.
Nhật Bản vs Australia (Tứ kết, 2007)
Nhật Bản vượt qua Australia sau loạt luân lưu trên sân Mỹ Đình.
Trong giải đấu được tổ chức ở 4 nước Đông Nam Á, Nhật Bản phải đối đầu với tuyển Australia ngay vòng tứ kết. Sự ngang tài ngang sức đẩy 2 đội vào loạt sút luân lưu trên sân Mỹ Đình. Trái ngược với trận Jordan, Nhật Bản dẫn 3-1 sau 3 lượt đầu. Họ bảo toàn thành công lợi thế và thắng chung cuộc 4-3.
Nhật Bản vs Hàn Quốc (Tranh hạng Ba, 2007)
Video đang HOT
Sau khi thất bại ở bán kết, Nhật Bản bước vào trận tranh hạng Ba cùng Hàn Quốc. 120 phút tẻ nhạt kết thúc với tỉ số 0-0 buộc 2 đội phải giải quyết thắng thua trong loạt luân lưu. Cả 10 quả đầu tiên đều thành công nhưng ở loạt thứ 6, Hanyu Naotake đá hỏng khiến Nhật Bản thất bại.
Nhật Bản vs Hàn Quốc (Bán kết, 2011)
Chạm trán nhau sau 4 năm, 1 lần nữa Nhật Bản và Hàn Quốc lại phải bước đến loạt luân lưu. Khác lần trước, hai đội đã cống hiến 120 phút hấp dẫn khi hòa nhau với tỉ số 2-2. Và cũng khác lần trước, trong loạt luân lưu, đội thắng là Nhật Bản. Đáng chú ý, Hàn Quốc thất bại cả 3 quả đá. Nhật Bản thất bại 1 quả nhưng vẫn giành chiến thắng dễ dàng 3-0.
Nhật Bản vs UAE (Tứ kết, 2015)
Gương mặt thất thần của Shinji Kagawa khi đá hỏng penalty trước UAE.
Một lần nữa Nhật Bản phải bước vào loạt luân lưu ở vòng tứ kết. Nhưng khác với 2 lần trước, Họ đã phải nhận thất bại trước UAE. Hai đội hòa nhau 4-4 sau 10 quả đầu tiên. Ở lượt đá thứ 6, Shinji Kagawa đá hỏng dâng vé đi tiếp cho UAE.
Những điều rút ra sau 5 loạt luân lưu gần nhất của Nhật Bản:
- Thành tích: Thắng 3, thua 2
- Có ít nhất 1 quả đá hỏng trong cả 5 lần.
- 3/5 loạt sút diễn ra ở vòng tứ kết
- 3/4 giải đấu gần nhất phải đá luân lưu ở vòng tứ kết (2004, 2007, 2015)
Theo báo bóng đá
'Tuyển Việt Nam là giấc mơ của người hâm mộ Nhật Bản'
Nghe đầy nghịch lý, nhưng dưới góc nhìn của một CĐV bóng đá Nhật Bản, đội tuyển của chúng ta thậm chí còn là giấc mơ của người Nhật.
Tâm sự với một anh bạn Nhật hiếm hoi quan tâm tới Asian Cup, tôi bỗng dưng cảm thấy thật sự hạnh phúc vì được làm fan của đội tuyển Việt Nam, được ngắm nhìn bầu không khí hừng hực suốt nhiều ngày qua, được hòa mình vào bữa tiệc mừng công sau AFF Cup 2018.
Tôi cho Yamata xem những hình ảnh ăn mừng của người dân Việt Nam sau AFF Cup, sau từng chiến tích thần kỳ tại Asian Cup. Tôi tự hào khoe với anh bạn Nhật rằng người Việt "phát điên" vì bóng đá và trận tứ kết với Nhật Bản hôm nay 24/1 chắc chắn không phải là ngoại lệ, bất kể kết quả ra sao.
'Chúng tôi cũng muốn phát điên'
Trầm ngâm một hồi, Yamata nói: "Tôi cũng muốn được phát điên". Nước Nhật cuốn con người đi theo vòng xoáy chóng mặt vì sự nghiệp, danh vọng và cả trách nhiệm "phải làm một người Nhật Bản".
Yamata vẫn nhớ những ngày đội tuyển Nhật Bản thi đấu tại World Cup, nhớ người dân đã tràn ra đường ăn mừng sau khi Samurai xanh lọt vào vòng knock-out. Tại những địa điểm nổi tiếng ở Tokyo, tiếng còi xe inh ỏi hòa trong tiếng hò reo.
"Phải là dịp rất đặc biệt, người Nhật mới được thoải mái thoát ra khỏi khuôn phép. Vài người rụt rè bấm còi xe vì hành động đó thật kỳ quặc ở đây. Sau đó, nhiều người cũng bắt đầu bấm còi và bữa tiệc bắt đầu",Yamata tâm sự.
Ở Việt Nam, cảnh tượng những người xa lạ ôm chầm lấy nhau hô vang "Việt Nam vô địch", hình ảnh fan bóng đá đập tay cả với cảnh sát giao thông, những chiếc xe bỗng dưng dừng đột ngột ở ngã tư, người trong xe chạy ra giữa đường phất cờ tạo nên một đám đông huyên náo. Tất cả điều đó đều là giấc mơ của người hâm mộ bóng đá Nhật.
Chẳng ai phàn nàn về tắc đường, chẳng ai vội vã về nhà. Những chiến thắng của tuyển Việt Nam trở thành ngày hội thật sự, dịp đặc biệt để các fan bóng đá được sống hết mình với đam mê.
Tôi kể cho Yamata rằng vào ngày U23 Việt Nam đá trận bán kết AFC Championship với Qatar, đường phố Hà Nội vào giờ cao điểm vắng tanh không một bóng người. Ai cũng chọn cho mình một góc để dõi lên màn hình. Ngay cả đám cưới cũng trở thành buổi xem bóng đá tập thể.
Anh bạn người Nhật trầm trồ và tin tôi đi, đó là sự trầm trồ đầy thèm khát. Yamata cũng muốn được cổ vũ Nhật Bản tại Asian Cup, nhưng nhiều người Nhật quan niệm rằng sân chơi này quá nhỏ bé để dành sự quan tâm. Họ chỉ quan tâm tới World Cup mà thôi. Anh cũng muốn được tràn ra đường ăn mừng chiến thắng, được thoát khỏi khuôn phép một ngày thôi. Nhưng đây là Nhật Bản.
Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện đến đám cưới để xem bóng đá
Các tuyển thủ Nhật cũng muốn được như học trò của HLV Park
Tôi lại kể cho Yamata rằng vào ngày U23 Việt Nam thua đau trước Uzbekistan trong trận chung kết AFC Championship, người dân vẫn đổ ra đường. Dẫu Việt Nam không phải là đội vô địch, thầy trò Park Hang-seo đã vô địch trong trái tim của toàn dân.
Nhật Bản thì ngược lại. Cầu thủ của họ gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm. Tại World Cup 2018, các tuyển thủ Nhật phải xin lỗi người hâm mộ vì đã có những thời khắc bạc nhược trước Ba Lan. Xa hơn nữa, ở World Cup 2014, các chiến binh Samurai xanh còn cúi gập đầu xin lỗi người hâm mộ ngay trên sân sau trận thua 1-4 trước Colombia.
Các cầu thủ Nhật Bản phải cúi đầu xin lỗi người hâm mộ dù thất bại ở sân chơi World Cup vốn chẳng có gì phải xấu hổ.
Có một nghịch lý thế này: Người Nhật về cơ bản hoàn toàn thờ ơ với Asian Cup và những chiến thắng của đội tuyển quốc gia nước này không được ăn mừng như cách người Việt chúng ta đã ăn mừng. Nhưng giả sử Nhật Bản không thể bước lên ngôi vô địch, điều đó lại là tội lỗi, thất bại. Sẽ lại có những cái gập đầu xin lỗi.
Trong khi đó, dù thầy trò Park Hang-seo có phải dừng bước ngay sau trận đấu với Jordan, tôi tin rằng các tuyển thủ áo đỏ vẫn sẽ được chào đón như những người hùng khi trở về quê nhà. Ở khía cạnh nhất định, thái độ của người hâm mộ Việt Nam với đội tuyển cũng là giấc mơ của người Nhật.
Và vẫn chưa hết khi tuyển Việt Nam giống như một đại gia đình. Chúng ta đã thấy các cầu thủ nhờ Đức Huy vẽ hộ chân dung rồi đăng lên trang cá nhân vui ra sao. Chúng ta cũng đã chứng kiến Xuân Trường chăm sóc cho Duy Mạnh thế nào. Và dĩ nhiên là chẳng ai quên được hình ảnh Quang Hải không hòa mình trong bữa tiệc ăn mừng, mà nán lại động viên Minh Vương sau trận đấu với Jordan.
Khoảnh khắc Quang Hải nán lại an ủi Minh Vương khiến nhiều CĐV Việt Nam xúc động
ĐT Nhật Bản lại là tập hợp của nhiều tuyển thủ từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về. Dù vẫn thi đấu trong màu áo tuyển quốc gia, sự gắn kết như một gia đình thật sự không cao.
Chúng ta ngưỡng mộ Nhật vì họ có nhiều tuyển thủ đang chơi bóng ở châu Âu. Tuy nhiên, thực tế thì có quá nửa tuyển thủ Nhật đang đầu quân cho các CLB châu Âu đang ngồi dự bị. Tiền đạo Yoshinori Muto mang tiếng đang chơi bóng cho Newcastle, nhưng anh mới ra sân vỏn vẹn 462 phút tại Premier League mùa này và ghi được đúng 1 bàn thắng. Yuya Osako đá cho Bremen, những cũng mới thi đấu 964 phút tại Bundesliga mùa này và có 3 lần lập công.
Không đại diện cho cảm nhận của người Nhật, nhưng giấc mơ của Yamata chí ít cũng cho thấy một góc nhìn thú vị. Đội tuyển Việt Nam của chúng ta là giấc mơ của đội bạn.
Theo Zing.vn
Đội tuyển Việt Nam cần phát huy "Vũ khí sút xa" trước Nhật Bản Sút xa chính là một trong những giải pháp vô cùng cần thiết trong điều kiện đối thủ lập hàng phòng ngự dày khó thể chuyền bóng gây rối loạn. Sút xa cũng là một trong những miếng đánh bất ngờ tạo ra đột biến trong lối chơi và làm cho thủ môn không dễ phán đoán Kể từ khi VCK Asian Cup...