Sợ tổn hại danh tiếng, không HLV nào dám nhận chức ở Trung Quốc
Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đang gặp khó trong việc tìm kiếm HLV ở đội tuyển quốc gia sau khi sa thải HLV Marcelo Lippi.
Như đã biết, mới đây, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc vừa sa thải HLV Marcelo Lippi sau chuỗi thành tích tệ hại. Trong thời gian qua, họ vẫn tích cực tìm kiếm HLV mới nhưng đang gặp nhiều khó khăn.
Liên đoàn bóng đá Trung Quốc gặp khó trong việc tìm người thay thế HLV Lippi
Nguyên nhân bởi các HLV danh tiếng trên thế giới đang “sợ” ngồi vào ghế nóng của đội tuyển Trung Quốc vì lo tổn hại danh tiếng. Họ cho rằng không thể đáp ứng được yêu cầu từ Liên đoàn bóng đá Trung Quốc và không muốn làm công việc này trong thời gian ngắn hạn.
Các nguồn tin thân cận cho rằng Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã “ép” chỉ tiêu tham dự World Cup 2022 cho HLV Marcelo Lippi, trong khi ông không có sự phục vụ của tiền đạo số 1 của Wu Lei.
Điều đó buộc HLV người Italia buộc phải sử dụng những cầu thủ nhập tịch như Elkeson và Yennaris. Thế nhưng, ông vẫn không thể giúp đội tuyển Trung Quốc thành công. Cơ hội dự World Cup 2022 của Trung Quốc gần như không còn khi đang kém Syria tới 8 điểm (thi đấu ít hơn 1 trận).
Hiện tại, cựu tuyển thủ Trung Quốc, Li Tie đang tạm thời dẫn dắt đội tuyển Trung Quốc. Dù vậy, đội bóng cũng không thi đấu thành công ở giải vô địch Đông Á. Li Tie có thể tạm thời dẫn dắt đội U23 Trung Quốc ở giải U23 châu Á. Sau giải đấu này, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc mới quyết định tương lai.
Việc thiếu thuyền trưởng càng khiến bóng đá Trung Quốc lâm vào tình cảnh khó khăn hơn. Ở giải U23 châu Á, họ sẽ nằm chung bảng với các đối thủ rất mạnh như U23 Uzbekistan (đương kim vô địch), U23 Hàn Quốc và U23 Iran.
Nhìn nhận thẳng vào vấn đề của bóng đá Trung Quốc, ông Wu Jingui – giám đốc thể thao CLB Shanghai Shenhua – chia sẻ: “Các cầu thủ Trung Quốc có chất lượng thấp. Họ chẳng biết chuyền và sút bóng ra sao cho đúng cách.
Chúng ta có thể thấy rõ vấn đề này ở hai trận đấu gặp Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đối thủ chủ động dâng lên pressing, các cầu thủ Trung Quốc trở nên bối rối. Họ chẳng biết làm gì ngoài việc co mình về phòng ngự. Khi có bóng, họ cũng chẳng biết phát động tấn công vì khả năng chuyền bóng, giữ bóng kém. Nhiều cầu thủ rất kém ở các kỹ năng”.
Theo H.Long (Dantri)
Bóng đá Trung Quốc thất bại vì cầu thủ hèn nhát
Sở hữu giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á, nhưng đội tuyển bóng đá Trung Quốc vẫn phải nhận những trận thua xấu hổ.
"Nếu đội bóng chơi không kết dính, khát khao, cá tính, đầy sợ hãi và chẳng tạo ra điều gì cả, điều đó nghĩa là huấn luyện viên làm việc không tốt", ông Marcello Lippi thừa nhận.
Video đang HOT
"Nếu đưa ra sân đội bóng như thế, tôi sẽ không muốn làm như mình đi ăn cướp tiền lương nữa. Tôi được trả rất nhiều tiền và sẽ không nhận tiền theo cách đó. Tôi sẽ từ chức", nhà cầm quân người Italy nói.
Đó là những lời cuối cùng của huấn luyện viên Marcello Lippi trên cương vị thuyền trưởng đội tuyển Trung Quốc.
Tối 14/11, đội bóng của HLV Lippi thua Syria 1-2 và tụt xuống vị trí nhì bảng A, kém Syria 6 điểm và bằng Philippines. Khả năng đi tiếp vào vòng tới của Trung Quốc vẫn còn.
Tuy nhiên, HLV Lippi thừa nhận: "Tôi không muốn dẫn dắt đội tuyển hèn nhát, thiếu can đảm, không cá tính và chẳng biết cách tạo ra điều gì thêm nữa".
HLV Marcello Lippi nhấn mạnh các cầu Trung Quốc sợ hãi và thiếu khát khao trước khi từ chức. Ảnh: Sina.
Nghịch lý bóng đá Trung Quốc
Chinese Super League (CSL) đứng số một trong các giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu châu Á với hàng loạt ngôi sao đẳng cấp thi đấu kèm mức lương cao ngất ngưởng như Paulinho, Hulk hay Oscar.
Song bất chấp những lợi thế lớn về giải VĐQG và kinh tế, tuyển Trung Quốc không hề có sức mạnh tương xứng. Tại Asian Cup 2019, đội trưởng của Trung Quốc là Zheng Zhi, 39 tuổi. Độ tuổi trung bình của đội tuyển này là 29 tuổi, cao nhất giải đấu.
Những tưởng thất bại ở Asian Cup năm nay sẽ khiến tuyển Trung Quốc tin tưởng vào lứa cầu thủ trẻ để làm nguồn lực thay thế đàn anh luống tuổi, song liên đoàn bóng đá nước này lại chọn cách không giống ai: Nhập tịch cầu thủ.
Thay vì đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ, ĐT Trung Quốc tin Elkeson, 30 tuổi, có 100% dòng máu là người Brazil. Ảnh: Sina.
LĐBĐ Trung Quốc tìm những cầu thủ có gốc gác Trung Quốc để làm thủ tục nhập tịch. Nico Yennaris sinh ra, lớn lên tại Anh, trưởng thành từ lò đào tạo Arsenal và bất ngờ trở thành cầu thủ chơi cho tuyển Trung Quốc vì có mẹ là công dân nước này.
Hồi cuối tháng 8, Trung Quốc còn nhập tịch cho cầu thủ không dính dáng gì đến nước này như Elkeson. Lý do là Elkeson chơi bóng ở Trung Quốc trong 6 năm, ghi 134 bàn và chưa một lần khoác áo Brazil.
Elkeson lập tức chứng minh vì sao tuyển Trung Quốc lại quyết đặt niềm tin vào mình khi ghi 3 bàn ở vòng loại World Cup 2022. Song khi những hứng khởi từ Elkeson trôi qua, tuyển Trung Quốc lập tức mất điểm, mà đỉnh điểm bĩ cực chính là thất bại trước Syria.
Hồi giữa tháng 8, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) Chen Xuyuan, tại buổi lễ nhậm chức diễn ra hôm 23/8, thừa nhận Trung Quốc có thể dùng 9 cầu thủ nhập tịch trong đội hình xuất phát để hiện thực giấc mơ World Cup, mặc kệ những tài năng bản địa.
Các đội bóng ở Trung Quốc thay cầu thủ U23 ra sân sau 55 giây nhằm lách luật. Ảnh: Weibo.
Tại CSL, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc cố gắng chữa cháy bằng luật bắt CLB phải sử dụng cầu thủ U23 trong đội hình ra sân. Nhằm lách luật, các đội bóng Trung Quốc sử dụng cầu thủ U23 vài chục giây trước khi thay ra.
Lợi ích kinh tế cùng áp lực thành tích quá lớn khiến các CLB Trung Quốc không dám sử dụng cầu thủ trẻ. Cả thế hệ kế cận được đào tạo của bóng đá Trung Quốc vì vậy không có đầu ra.
Sự hèn nhát kìm hãm bóng đá Trung Quốc
Đào tạo trẻ là nền móng của bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển bóng đá. Trung Quốc biết điều này và đặt ra kế hoạch phát triển với những mục tiêu rất rõ ràng với tên "Chương trình cải cách và Phát triển bóng đá Trung Quốc".
Kế hoạch hướng tới việc tăng số lượng trường tiểu học và cấp hai mà bóng đá đóng vai trò chủ đạo trong môn thể dục từ 5.000 trường lên 20.000 trường vào năm 2020, đạt 50.000 trường vào năm 2025. Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc mong muốn 50 triệu người sẽ chơi bóng đá, và 30 triệu trong số đó được đào tạo bài bản.
Đây không phải cung điện mà là một học viện bóng đá tại Trung Quốc. Ảnh: Marca.
Những học viện bóng đá cũng mọc lên. Năm 2012, Học viện bóng đá Evergrande ở Quảng Đông (Trung Quốc) được khánh thành. CNN miêu tả học viện này giống với "thứ gì đó trong phim Disney". SCMP khẳng định học viện trị giá 185 triệu USD này giống ngôi trường Hogwarts trong truyện Harry Potter.
Việc vạch ra những kế hoạch chi tiết và đổ tiền vào để thực hiện chúng là điều bóng đá Trung Quốc đã làm. Chỉ có điều, chính những cầu thủ trẻ Trung Quốc từ chối tiếp nhận điều kiện đào tạo trong mơ đó.
"Môn thể dục ở đây giống như quân đội vậy. Tại châu Âu, chúng tôi chơi nhiều môn thể thao, còn ở Trung Quốc họ tập thể dục tập thể. Sự thiếu tự do khiến lũ trẻ sống kỷ luật, nhưng thiếu đam mê, sáng tạo và dũng cảm. Chúng sợ đưa ra quyết định và ngại nói lên suy nghĩ của mình", Miguel Labaien, HLV ở học viện này khẳng định với SCMP.
"Nếu bạn không nói chính xác những gì cần làm, chúng sẽ vô vọng. Chúng cũng hiếm khi giao tiếp với nhau trên sân, nên việc học kỹ chiến thuật trở nên bất khả thi. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong lớp học. Chúng đứng dậy chào giáo viên đầu giờ trước khi im lặng trong suốt thời gian còn lại", HLV Miguel Labaien cho biết.
Các cầu thủ trẻ Trung Quốc không có niềm vui khi chơi bóng. Ảnh: Zigor Aldama.
Sự thiếu dũng cảm, đam mê và sáng tạo như Labaien nói ở những cầu thủ nhí Trung Quốc đang được tái hiện tại đội tuyển của quốc gia tỷ dân. HLV Lippi đã bất lực với tính cách hèn nhát này và bỏ đi dù nếu ở lại ông vẫn sẽ là một trong những chiến lược gia được trả lương cao nhất thế giới.
Điều gì khiến từ cầu thủ nhí đến tuyển thủ quốc gia Trung Quốc trở thành những kẻ hèn nhát trên sân cỏ dù được chống lưng bởi tiền bạc và điều kiện thi đấu cũng như sinh hoạt trong mơ?
Nhà báo Jonathan White của SCMP cho rằng chính sách một con tồn tại suốt 37 năm ở Trung Quốc đã tác động tới sự phát triển của bóng đá.
"Chính sách một con đã góp phần gây ra điều này. Ảnh hưởng trầm trọng của nó lên mỗi cá nhân thể hiện qua việc không biết phối hợp theo nhóm, chia sẻ hay làm gì đó khác ngoài trở thành trung tâm của sự chú ý", nhà báo giải thích.
Mikel Lasa, người phụ trách đào tạo các học viên tại Học viện Evergrande, quả quyết: "Chúng được giáo dục từ gia đình và nhà trường để trở thành người giỏi nhất, nhưng không biết cách hợp tác và quan tâm tới người khác".
Wu Lei không cứu được ĐT Trung Quốc. Ảnh: Weibo.
"Điều này có thể hiệu quả với những môn thể thao cá nhân mà Trung Quốc vượt trội nhờ khả năng hy sinh của các vận động viên, nhưng không áp dụng được trong bóng đá hoặc bất cứ môn thể thao đồng đội nào khác. Nếu đội bóng thua 1-20, họ vẫn chẳng quan tâm trừ khi chính mình là người ghi bàn", ông nói thêm.
HLV Jose Antonio Camacho lừng danh từng tự tin nhấn mạnh khi tới dẫn dắt Trung Quốc năm 2011: "Trung Quốc hiện là cường quốc thể thao, đứng tốp đầu về huy chương tại các kỳ thế vận hội. Tôi thấy không có lý gì chúng ta lại không tìm được 22 cầu thủ bóng đá tốt trong 1,3 tỷ người".
Camacho đã thất bại. Tuyển Trung Quốc dưới tay ông từng thua trước Thái Lan đến 1-5, nên việc thất bại 1-2 trước Syria có lẽ vẫn còn nhẹ nhàng.
Không biết đến lúc nào đội tuyển Trung Quốc mới gặt hái được thành công, song có thể tin khi những cầu thủ mang giấc mơ quần đùi áo số ở đây vẫn là những kẻ chỉ biết nghĩ đến bản thân, thì đội tuyển bóng đá Trung Quốc vẫn sẽ lụn bại.
Theo Zing
Bị chỉ trích "ngồi mát ăn bát vàng", HLV Lippi đáp trả dư luận Trung Quốc Giới truyền thông và dư luận Trung Quốc đã chỉ trích HLV Lippi "ngồi mát ăn bát vàng" vì bỏ đội tuyển quốc gia trong 4 tháng tới. Đáp trả lại điều đó, HLV người Italia đã đưa ra tuyên bố đanh thép Sau trận đấu với Syria vào ngày 14/11, đội tuyển Trung Quốc phải chờ 4 tháng sau mới có trận...