Số phận bi đát ở làng có hàng chục người điên
Hàng chục năm qua, số người điên ở xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) lúc nào cũng trên 30 người. Đắng lòng hơn, có nhiều người trong một gia đình cứ nối tiếp nhau phát điên từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Khỏe nhất làng bỗng thành người điên
Đến làng Đọi Nhất những ngày cuối tháng 3, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm để tập trung ra đồng làm vụ lúa mới. Ngoài đường, thỉnh thoảng gặp một vài người áo quần rách rưới, bẩn thỉu, vừa đi vừa nói, vừa hát, vừa cười một cách vô hồn. Hình ảnh đó ám ảnh đến đau lòng mà những vị khách lạ đều cảm nhận được khi bước chân lạc vào “ thế giới của những người điên” ở dưới chân núi Đọi này.
Nằm ép mình dưới chân núi, nhà ông Lê Thế Bình ở xóm Cộng Hòa thấp lè tè và mục nát. Trong căn nhà trống rỗng đó, ông Bình cứ lảm nhảm những câu vô nghĩa với những vị khách đến thăm nhà. Nói đến gia đình ông, ở cái làng, cái xã này không ai không biết. Cả hai thế hệ, từ ông đến con đều bị căn bệnh tâm thần hành hạ.
Khi nhắc đến hai chữ gia đình, nhắc đến chồng, nhắc đến con là bà Đinh Thị Thuận lại nước mắt ngắn dài. Lúc bà nghẹn lại, lúc bà nấc lên nức nở. Bởi làm sao cầm lòng được khi cuộc sống gần 30 năm của bà phải gắn liền với gia đình là những người điên?
Ông Lê Thế Bình giờ đã tỉnh táo sau mấy chục năm bị điên và bỏ đi lang thang. Ảnh: P.B
Câu chuyện của gia đình bà Thuận bắt đầu từ năm 1988, khi ông Bình khoét núi, lấy đá trên núi Đọi để làm nhà. “Thời đó, ông ấy vẫn còn là người bình thường và khỏe nổi tiếng trong vùng. Ông ấy đi khắp các nơi làm nghề xẻ gỗ, xẻ đá thuê lấy tiền nuôi vợ, nuôi con. Nhưng sau khi ngôi nhà của gia đình hoàn thành thì ông ấy có biểu hiện hay nói linh tinh, rồi cứ đi biệt tích từ tháng này sang tháng khác. Đó cũng là thời điểm mà tôi đã mơ hồ cảm nhận được rằng, cuộc đời của mình sẽ bắt đầu với những chuỗi ngày đau đớn và tủi nhục”, bà Thuận nói trong nước mắt.
Ông Bình bị điên. Cái tin đó ở xóm Cộng Hòa dưới chân núi Đọi này bắt đầu lan ra khắp nơi, nhưng người dân ở đây không hề lạ. Bởi trước ông Bình, đã có hàng chục người khác bị như thế. Những ngày tháng bị bệnh, ông Bình cứ đi lang thang từ nơi này sang nơi khác. Thấy nhiều người nói với nhau do ông Bình khoét đá, xây nhà phạm vào một ngôi đền nên bị phạt phát điên, bà Thuận ngày ngày lên thắp hương, cầu khấn, sau đó, ông Bình đã tự tìm về nhà, có vẻ tỉnh táo hơn.
Video đang HOT
Nhưng khi bà Thuận chưa kịp vui thì đứa con trai đầu Lê Thế Hòa (SN 1992) cũng có biểu hiện như bố. Hòa cũng bỏ đi lang thang khắp nơi. Một thời gian Hòa cũng tỉnh táo và tìm đường về nhà. Chưa được bao lâu, cậu em Lê Thế Hiền (SN 1994) cũng lại có biểu hiện như anh trai và bố.
Bà Thuận, vợ ông Bình, khóc nức nở khi kể về hoàn cảnh mấy chục năm chăm chồng, chăm con bị bệnh.
Khổ giống nhau, bi đát giống nhau
Mấy chục năm qua, gia đình bà luôn thuộc hộ nghèo. Hàng tháng, bà Thuận xuống trạm y tế xã lấy thuốc và lĩnh tiền chế độ cho 3 bố con. “Cũng mừng là ông Bình và Hòa giờ đã tỉnh táo. Mong trời đất phù hộ để hai bố con bớt bệnh, Hiền cũng tìm đường về với gia đình”, những giọt nước mắt của bà Thuận lại lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ.
Theo lời bà Đinh Thị Liên (hàng xóm), hoàn cảnh của bà Thuận cũng chỉ như một trong nhiều gia đình có người bị tâm thần ở xã Đọi Sơn này. Có người tâm thần bẩm sinh, có người sinh ra tỉnh táo rồi đến ngưỡng nào đó là mắc bệnh nên hoàn cảnh ai cũng khổ sở như nhau.
BS Nguyễn Anh Phương, Trạm phó Trạm Y tế xã Đọi Sơn khi nhắc đến các trường hợp bị bệnh ở đây giọng cứ nghèn nghẹn: “Một gia đình có người bị bệnh thì khổ trăm bề. Đằng này có gia đình 2, 3 người điên. Gia cảnh nhà nào cũng nghèo giống nhau, khổ giống nhau và bi đát giống nhau”.
Theo danh sách đang quản lý của Trạm Y tế xã Đọi Sơn, tôi lần tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1970) ở làng Đọi Trung. Bao năm qua, mẹ của chị Duyên phải đi ăn xin khắp nơi để nuôi con. Rồi sang xóm Đọi Tín có anh Bùi Văn Chuyển cũng bị điên mấy chục năm nay, bố đã mất, mẹ già đang ốm liệt giường chẳng ai chăm nên anh Chuyển đi lang thang, gặp gì ăn nấy. Bà Trần Thị Mến (SN 1955), ở một mình, bị bệnh hàng chục năm qua không người chăm sóc, cũng đi lang thang khắp nơi. Rồi ông Trần Văn Nam (SN 1950), ở thôn Đọi Tín cũng bị bệnh, ở với mẹ già đã 90 tuổi…
“Trước tình trạng có quá nhiều người mắc bệnh tâm thần bất thường như ở xã Đọi Sơn, một số cơ quan ban, ngành đã về tìm hiểu, xét nghiệm nguồn nước xung quanh núi Đọi nhưng kết quả đều không có chất gây hại. Có người lại cho là do các lò gạch luôn nhả khói và khí độc nên dẫn đến tình trạng này”, BS Phương cho biết.
Theo BS Phương, hiện ở xã Đọi Sơn có tổng cộng 30 người, nhưng đó là con số có trong sổ quản lý. Còn những người không thể quản lý được (như đi lang thang, mất tích lâu ngày, gia đình không khai báo…) thì còn nhiều hơn nữa. BS Nguyễn Anh Phương cho rằng, theo chính sách chung, mỗi bệnh nhân tâm thần, gia đình báo cáo, lập hồ sơ và được quỹ bảo trợ xã hội tỉnh trợ cấp cho 270.000 đồng một tháng. Thuốc uống thì miễn phí, mà nếu không có danh sách thì thuốc uống cũng chỉ mất mấy chục nghìn đồng mỗi tháng mà thôi. Người được uống thuốc đều thì bệnh có thể còn thuyên giảm, kiềm chế được những cơn chấn động, nhưng cũng có nhiều người đang bị chính gia đình họ bỏ rơi, không quan tâm chăm sóc, không lấy thuốc để uống.
“Trong khi cố công tìm hiểu nguyên nhân, có lẽ chính các gia đình, ban, ngành nên quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhân tâm thần ở đây. Nó không hẳn là trách nhiệm, càng không phải là quy định, mà nó là tình thương yêu và lương tri của những người tỉnh”, BS Phương nói.
Theo Phùng Bình (Gia đình & Xã hội)
Nỗi đau của gia đình "rước rắn vào nhà"
Chỉ trong một ngày người vợ đang mang bầu cùng đứa con vừa chập chững biết đi bị kẻ làm mướn sát hại, anh Du như người đã chết.
Ngày qua ngày ôm di ảnh vợ con triền miên khóc, nước mắt cạn khô anh như người mất hồn. Rất nhiều lần anh còn định theo vợ xuống suối vàng để chạy trốn nỗi đau hiện tại, nhưng may mắn người nhà phát hiện rồi ngăn kịp.
Đại họa đến từ kẻ làm công máu lạnh
Trở lại khu phố Bình Đáng, (P.Bình Hòa, TX. Thuận An, Bình Dương), hai năm sau thảm án dẫn tới cái chết bi thảm của thai phụ Lê Thị Lan (SN 1987, Thiệu Giao, H. Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và bé Lê Thị Phương (SN 2009, con gái chị Lan) gây chấn động dư luận. Dù thời gian đã lùi xa nhưng chỉ cần nhắc đến "thảm án vựa ve chai" thì người dân quanh đây ai cũng kể tường tận. Sau vụ việc đau lòng đó vựa ve chai phá sản, mất vợ mất con, chỉ còn lại người chồng trẻ là Lê Đăng Du (SN 1987) trơ trọi giữa biển đời. Chúng tôi gặp lại anh vào một ngày cuối tháng 10, mọi thứ gần như không thay đổi, chỉ có điều trên khuôn mặt anh luôn mặc định một nỗi buồn khôn tả. Anh không muốn nhắc đến nó nữa, bởi một lần gợi nỗi đau lại dội về, như thắt ruột, như cứa vào tâm can của một người từng đứng trên chất ngất của sự tuyệt vọng.
Anh kể, ngày chưa xảy ra chuyện bi thảm, anh có một gia đình hạnh phúc và kinh tế vững vằng với nghề buôn bán thu lượm ve chai. Nhưng tên ác nhân đã đạp đổ, cướp đi tất cả, đẩy anh vào tận cùng bi bát của cuộc đời. "Tôi đã hoàn toàn trắng tay kể từ ngày hôm đó", anh Du giọng trầm buồn. Anh kể, vợ chồng anh đều cùng quê, xuất thân trong gia đình nghèo khó, cùng tha hương vào Bình Dương mưu sinh, cả hai gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Anh vốn chăm làm, vợ lại siêng năng, chẳng mấy chốc tích được ít vốn. Nhiều lần bàn tính, hai vợ chồng quyết định nghỉ làm công nhân, chuyển sang buôn bán đồ phế thải để thoát cảnh làm thuê. Nhờ biết cách tính toán làm ăn việc kinh doanh ve chai thuận lợi, mỗi tháng đều cho lãi cao. Cơ sở thu mua ngày càng lớn mạnh, anh quyết định mở rộng mạnh lưới kinh doanh, thuê nhân công về làm, không ngờ đó lại là định mệnh đối với gia đình mình.
Điềm báo trước từ cháu bé? Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Duyên cho hay, trước ngày vụ việc xảy ra, (bé Phương con gái anh Du) đã nói với bà: "Cháu sẽ đi xa không chơi với nội được nữa". Lúc đó bà cũng thấy bất ngờ vì không biết tại sao cháu mình mới 2 tuổi lại có thể nói được một câu trơn tru như vậy. Sau ngày cháu mất, bà Duyên mới hiểu được ý của đứa cháu tội nghiệp. Bà bảo đó là một điềm báo kỳ lạ, bà dằn vặt rằng, nếu biết lắng nghe thì có thể tai ương không đến phũ phàng như thế.
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày anh quyết định mướn thêm người phụ việc. Nhưng chưa cần treo biển tuyển, thì Nguyễn Văn Quân (quê Thủy Liễu, H.Gò Quao, Kiên Giang) tới xin việc. Lúc đầu nhìn thấy vẻ bề ngoài của hắn đầy bặm trợn nhưng không hiểu sao anh chị đều gật đầu đồng ý. Vào làm Quân không đóng góp được bao nhiêu, chỉ ưa ăn nhác làm, chưa đầy một tháng sau thì nghỉ hẳn. Thế nhưng, dù nghỉ việc hắn vẫn lượn lờ quanh vựa phế liệu của anh, nhiều lần nhìn thấy nhưng công việc quá bận chẳng ai quan tâm để ý làm gì. Vào buổi sáng ngày 30/8/2011, không hiểu sao tên cô hồn ấy tới gõ cửa từ rất sớm, hắn nói có mối bán rất nhiều đồ và muốn nhờ anh đi xem rồi sẽ bán lại. Thấy không đáng tin tưởng, anh Du từ chối, hắn vội vàng bỏ đi. Khoảng 8h sáng cùng ngày, anh có việc phải sang nhà nội, tại vựa ve chai lúc đó chỉ có vợ anh và đứa con nói chưa tròn tiếng. Lợi dụng nhà vắng đàn ông tên Quân quay lại và đột nhập vào nhà để trộm.
Khi hắn đang lục lọi thì đứa con nhỏ phát hiện la khóc, chị Lan làm việc sau nhà liền chạy vào hô hoán thì Quân cầm đoãn sắt vụt tới tấp vào đầu khiến chị bất tỉnh tại chỗ. Xong xuôi hắn kéo hai mẹ con vào phòng định dở trò đồi bại thì cháu bé khóc. Đúng lúc đó, chị Lan tỉnh dậy, lần này hắn dùng gậy sắt đánh vào đầu khiến hai mẹ con chị Lan chết tại chỗ. Một lúc sau anh Du đi xe máy về, tên sát nhân lao từ trong ra định chạy thoát thế nhưng bị anh và mọi người hô hoán khống chế. "Khi nhìn thấy vợ con nằm trên vũng máu tôi chết sững, không còn biết gì nữa", anh Du không ngăn được nước mắt kể. Nói đến đây ông Lê Văn Chư (SN 1957), cha của Du giọng căm phẫn: "Nhìn cảnh con dâu và cháu chết thảm, còn thằng Du ngất lên ngất xuống mà lòng tôi tan nát. Ngày ra tòa thằng sát nhân ấy chỉ bị tuyên án 15 năm tù vì lí do chưa đủ tuổi vị thành niên. Kẻ sát nhân sau 15 năm lại có thể quay lại cuộc đời, còn con, cháu tôi thì vĩnh viễn ra đi". Quá khứ đè nặng
Sau thảm án, từ một thanh niên lanh lợi, tháo vát ngày nào nay Du bỗng trầm tính hẳn. Anh ít nói, ít tiếp xúc và dễ động lòng, đặc biệt gần như anh không nở nụ cười, không có một giấc ngủ trọn vẹn. Bên chiếc bàn nhỏ bám đầy bụi của nhiều ngày không được lau chùi, anh Du nghẹn ngào ngồi kể: "Từ ngày vợ con mất tôi không còn đủ sức để gượng dậy để tiếp tục công viêc kinh doanh phế liệu nữa. Tôi khóc nhiều và bỏ bê tất cả. Vựa phế liệu nằm ngay mặt tiền, đang ăn nên làm ra thì khi xảy ra chuyện người ta sợ thế là bỏ mối, tôi trắng tay. Một người bạn của tôi đã đến đặt vấn đề, tôi đồng ý sang lại mặt bằng, quay về sống trong căn nhà ghép bằng những tấm tôn gần nhà cha mẹ. Rất nhiều lần tôi đã tìm đến cái chết mà đều bị mọi người can ngăn".
Ngồi cạnh người con trai, bà Nguyễn Thị Duyên (SN 1960) đau xót nói: "Sau ngày vợ chết, 3 tháng ròng nó chỉ ăn chay, ngồi một chỗ niệm kinh Phật cầu siêu cho vợ con mà không một bước ra khỏi nhà. Suốt ngày ngồi ôm di ảnh vợ con khóc ngất. Không ăn, không ngủ người gầy đét như xác khô không hồn, lòng tôi lại đau như cắt. Nhiều lần chúng tôi khuyên nó về quê cho khuây khỏa nỗi buồn như cháu một mực không chịu. Rồi mấy người bạn bảo nó đi gặp bác sỹ tâm lý, nó gắt lên: "Con có thần kinh đâu mà tâm với chả lý". Nhiều lúc muốn con kiếm việc gì làm cho nó vơi đi nỗi buồn thì cháu lại nói: "Làm để làm gì? Tiền có mua được vợ con của con lại không?". Nghe con nói như vậy mình cũng không biết phải nói làm sao với nó nữa".
Cứ thế, những người thân của Du tìm mọi cách để động viên, san sẻ bớt muộn phiền nhưng dường như lần tổn thương quá lớn ấy vẫn không làm anh nguôi ngoai. Nhìn em trai mình giờ đây chỉ sống trong những ký ức đau buồn, anh Lê Đăng Trung (30 tuổi) cho biết, dù thương em và muốn giúp đỡ rất nhiều nhưng gần như bất lực. Theo anh, Du bị tổn thương quá nặng, nỗi đau gặm nhấm trong thời gian dài và có thể trở thành bệnh lí. Nhiều lúc anh em gặp nhau, anh chỉ động viên dăm ba câu để Du lấy lại niềm tin và tiếp tục sống. Nhưng bao lần vẫn thế, Du vẫn tự mình im lặng, ngồi gặm nhấm với quá khứ đau thương.
Giờ đây nước mắt của người chồng trẻ đã không còn đủ để rơi khi nhìn di ảnh vợ, con nữa. Anh vẫn mang trong mình nỗi đau trĩu nặng, một vết thương không thể lành lặn. Chúng tôi không đề cập đến những dự tính cho tương lai với người đàn ông bất hạnh ấy. Những gì người thân đã bên cạnh động viên suốt hai năm qua dường như vẫn chưa thể đưa anh thoát khỏi "vòng kim cô". Nỗi đau ngày ngày vẫn siết chặt cuộc đời anh.
Đối tượng thoát án tử hình Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương thì lúc bị bắt, đối tượng đã dùng chứng minh nhân dân giả để khai báo là sinh năm 1982. Tuy nhiên, theo xác nhận của chính quyền ở quê nơi đối tượng cư trú thì hắn chưa đủ 18 tuổi. Do đó, năm 2012 phiên tòa xét xử tại TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt Nguyễn Văn Quân 15 năm tù giam với hai tội danh "giết người và trộm cắp".
Theo Minh Tuấn
Đôi tình nhân "phù phép" giấy tờ xe gian để cầm cố Sau khi mua lại xe của các đối tượng trộm cắp, đôi tình nhân Vị, Hân đã mua máy in, máy ảnh... rồi thuê phòng khách sạn để sản xuất giấy tờ xe giả nhằm mang tài sản đi cầm cố với giá cao. Ngày 11/10, cơ quan điều tra công an quận 4 vẫn đang tạm giữ hình sự 2 đối tượng...