Sọ người gần 2.000 năm đột nhiên lóe sáng, xem kỹ thấy điều bất ngờ
Vụ việc tình cờ được phát hiện khi một nhà khoa học làm việc cạnh hài cốt của một thanh niên chết cách đây gần 2.000 năm trong vụ phun trào ở núi lửa nguy hiểm nhất thế giới.
Một phần mô não bị thủy tinh hóa được lấy ra từ hài cốt của một thanh niên chết cách đây gần 2.000 năm trong vụ phun trào núi lửa. Ảnh: Archaeological Park of Herculaneum
Hãng CNN hôm 5/10 đưa tin, phát hiện quan trọng được đưa ra khi các chuyên gia nghiên cứu hài cốt được phát hiện vào những năm 1960 tại Herculaneum, một thành phố bị chôn vùi trong vụ phun trào của núi lửa Vesuvius, Italy, vào năm 79 trước Công nguyên.
Theo các nhà nghiên cứu, nạn nhân là thanh niên 25 tuổi, được tìm thấy trong tư thế nằm úp mặt trên chiếc giường gỗ của tòa nhà dùng để thờ Hoàng đế Augustus.
Pier Paolo Petrone, nhà nhân chủng học pháp y tại Đại học Naples Federico II và là người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, chia sẻ với CNN rằng dự án bắt đầu khi ông thấy “ánh sáng lóe lên trong hộp sọ” trong lúc đang làm việc gần bộ xương vào năm 2018.
Trong một bài viết xuất bản hồi đầu năm trên Tạp chí y học New England, Petrone và các đồng nghiệp tiết lộ rằng ánh sáng xuất hiện trong hộp sọ là do não của nạn nhân bị thủy tinh hóa vì nhiệt độ tăng lên và giảm đi đột ngột.
Phát biểu trước báo giới, ông Petrone nói: “Đầu tiên, bộ não tiếp xúc với lớp tro nóng của núi lửa bị hóa lỏng sau đó nó biến thành vật chất thủy tinh do sự nguội đi nhanh chóng của tro núi lửa”.
Sau quá trình phân tích, bao gồm cả sử dụng kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu có phát hiện bất ngờ. Các tế bào trong bộ não bị thủy tinh hóa được “bảo quản cực kỳ tốt theo cách không tìm thấy ở đâu khác”, theo Petrone.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các tế bào thần kinh nguyên vẹn trong tủy sống, giống như tế bào não, đều bị thủy tinh hóa.
Phát hiện mới nhất được công bố trên Tạp chí PLOS One của Mỹ.
Sọ người bất ngờ phát sáng giúp tìm thấy một phát hiện quan trọng. Ảnh minh họa: DM
Guido Giordano, một nhà núi lửa học tại Đại học Roma Tre (Italy) và là người thực hiện nghiên cứu, cho biết, phần gỗ cháy được tìm thấy cạnh bộ xương giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng khu nhà nơi nạn nhân chết cháy có nhiệt độ hơn 500 độ C.
Nhắc đến những phát hiện mới nhất, Giordano cho biết “sự hoàn hảo của việc bảo quản” được tìm thấy trong quá trình thủy tinh hóa là “điều chưa từng thấy” và mạng lại lợi ích lớn cho các nhà nghiên cứu.
“Điều này mở ra cơ hội cho những nghiên cứu về người cổ đại ở thời kỳ này, vốn chưa thành hiện thực bấy lâu nay”, Giordano nói.
Nhóm nghiên cứu, gồm các nhà khảo cổ học, sinh vật học, khoa học pháp y, di truyền thần kinh và toán học tới từ các thành phố của Italy như Naples, Milan và Rome, sẽ tiếp tục nghiên cứu bộ hài cốt gần 2.000 năm.
Họ muốn tìm hiểu kỹ lưỡng về quá trình thủy tinh hóa, bao gồm nhiệt độ chính xác mà nạn nhân tiếp xúc, cũng như tốc độ nguội của tro núi lửa. Ngoài ra, các nhà khoa học còn hy vọng có thể phân tích protein từ hài cốt và các gene liên quan, theo Petrone.
Việc nghiên cứu là “rất quan trọng để các cơ quan hữu quan đánh giá nguy cơ của các vụ phun trào tương tự có thể xảy ra trong tương lai tại Vesuvius, ngọn núi lửa nguy hiểm nhất thế giới, nhà nghiên cứu Petrone nhận định.
Phát lộ bãi cọc gỗ liên quan 'trận chiến sông Bạch Đằng'
Ngày 29-9, tại hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 do Viện Khảo cổ học tổ chức, nhiều bí ẩn về bãi cọc gỗ khổng lồ mới được phát hiện ở Hải Phòng đã công bố.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội, cho biết, sau 2 lần khai quật ở Cao Quỳ và Đầm Thượng (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), các nhà khoa học đã phát hiện 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc, 4 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng; được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn - nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ 10 - 18cm, loại lớn 28 - 32cm, đặc biệt có cọc đường kính 37 - 40cm, chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim. Trên cơ sở kết quả khai quật, các chuyên gia khoa học kiến nghị, thời gian tới, cần tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch nghiên cứu mở rộng.
"Bước đầu, đoàn khai quật nhận định, di tích bãi cọc Cao Quỳ là trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến, chiến trường Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên, năm 1288 của quân dân triều Trần", PGS-TS Bùi Văn Liêm, Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học, cho biết.
Gần 300 nhà khoa học, khảo cổ tìm hiểu về bãi cọc Bạch Đằng mới được phát hiện Trong khuôn khổ Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc năm 2020, chiều 28-9. Gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa đi tham quan thực tế tại Bãi cọc Cao Quỳ mới được phát hiện tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Tại chuyến...