Số người chết vì virus corona tăng vọt, một loạt nước gấp rút ứng phó
Đến nay Trung Quốc đã ghi nhận 80 người tử vong vì viêm phổi lạ do virus corona và gần 2.800 ca nhiễm bệnh. Một loạt nước nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 27/1 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 769 ca bệnh mới và 3.806 trường hợp nghi nhiễm mới. Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán là tâm điểm bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV), đã có tới 24 bệnh nhân tử vong.
Các nhà chức trách đã xác định tổng cộng 32.799 người có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân, và 30.453 người trong số này hiện đang được theo dõi sức khỏe.
Các nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện trung tâm ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Bệnh viện Vũ Hán/Sputnik)
Tổng cộng 17 trường hợp nhiễm bệnh viêm phổi lạ đã được xác nhận ở các đặc khu hành chính của Trung Quốc gồm Hong Kong (8 người), Macao (5 người) và đảo Đài Loan (4 người). Hong Kong thông báo từ ngày 27/1 sẽ không tiếp nhận người đến từ Hồ Bắc hoặc những người từng tới tỉnh này trong 14 ngày qua. Chính quyền Macau cũng hành động tương tự.
Virus corona gây bệnh viêm phổi lạ được cho là xuất phát từ một chợ buôn bán động vật hoang dã ở Vũ Hán. Không chỉ lan tới nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc, chủng virus này cũng đã lây sang một số nước, với các trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận ở Thái Lan (7 trường hợp), Nhật Bản (3), Hàn Quốc (3), Mỹ (5), Việt Nam (2), Singapore (4), Malaysia (3), Nepal (1), Pháp (3) và Australia (4).
Cùng ngày 27/1, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định máy bay luôn túc trực để sẵn sàng sơ tán công dân nước này khỏi Vũ Hán nhưng phía Trung Quốc chưa cấp phép với lý do tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Ông cho biết đã ra lệnh chuẩn bị các chuyến bay và thành lập các nhóm y bác sĩ cho nhiệm vụ này.
Trong khi đó, sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc đang tập hợp danh sách công dân muốn về nước và lên kế hoạch tổ chức các điểm đón. Theo Tư lệnh Không quân Thái Lan Manat Wongwat, các máy bay vận tải C-130 đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ sơ tán.
Video đang HOT
Theo Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, có khoảng 200-300 công dân Thái Lan ở Vũ Hán.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều 27/1, Văn phòng Thủ tướng Malaysia thông báo chính phủ nước này quyết định tạm thời đóng cửa mọi cơ sở cấp visa cho người Trung Quốc tại Vũ Hán và các khu vực xung quanh tỉnh Hồ Bắc. Quyết định có hiệu lực tức thì, không chỉ áp dụng với công dân Trung Quốc tại Hồ Bắc và khu vực lân cận mà cả người nước ngoài sống tại tâm điểm của dịch bệnh.
Chính phủ Hàn Quốc vừa nâng mức cảnh báo virus corona lên mức cam – mức cao thứ 3 trong thang cảnh báo 4 cấp độ. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc thông báo sẽ tăng cường kiểm tra – kiểm dịch ở các sân bay và bến cảng, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn những người bị nghi nhiễm bệnh.
Để phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập, cùng ngày 27/1, Mông Cổ quyết định đóng cửa biên giới với nước láng giềng phía nam đến ngày 2/3, đồng thời tạm dừng tất cả các trường học trong cùng khoảng thời gian. Lệnh này còn được áp dụng với các địa điểm công cộng và các hoạt động tập thể như thi đấu thể thao, thậm chí hội họp…
Giới chức Tây Ban Nha cho biết họ đang làm việc với lãnh sự nước này tại Bắc Kinh cùng các quan chức ở Trung Quốc và EU để đưa khoảng 20 công dân Tây Ban Nha ở Vũ Hán về nước. Trong khi đó, nhà chức trách Anh cũng đề nghị giúp đỡ và đưa ra các lựa chọn để công dân nước này ra khỏi tỉnh Hồ Bắc.
Italia có khoảng 50 công dân đang cư trú tại Vũ Hán và đại sứ quán nước này tại Trung Quốc cho biết đã liên lạc với họ để cung cấp thông tin cũng như chuẩn bị cho việc sơ tán. Tuy nhiên, nhiều người không muốn rời đi vì cho rằng ở lại còn đỡ rủi ro hơn.
Tại Nga, các hãng lữ hành cũng nhanh chóng đưa khách du lịch về nước và ngừng bán tour sang Trung Quốc do lo ngại an toàn.
Thanh Hảo
Theo thanhnien.vn
Không cấm khách du lịch từ vùng có viêm phổi Vũ Hán tới Việt Nam: Tổng cục Du lịch nói gì?
Trả lời VTC News, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, việc 'đóng cửa' tour du lịch đến từ các vùng có dịch viêm phổi Vũ Hán không thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa ban hành công văn đề nghị các công ty du lịch trên toàn quốc không tổ chức tour đưa khách đến các khu vực có nguy co lây nhiễm virút corona.
Sau công văn này, một số ý kiến tiếp tục đặt câu hỏi về việc tại sao Tổng cục Du lịch không ban hành "lệnh cấm" các tour inbound (tour dành cho khách du lịch nước ngoài) từ vùng có nguy cơ lây lan bệnh viêm phổi Vũ Hán đến Việt Nam.
Dịch viêm phổi đang diễn biến phức tạp tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trả lời VTC News chiều nay, 25/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, việc "đóng cửa" tour du lịch đến từ các vùng có dịch viêm phổi Vũ Hán không thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
"Ngành du lịch không có thẩm quyền đóng cửa biên giới. Ngoài ra, sân chơi quốc tế hiện nay là hội nhập. Các quốc gia xung quanh Việt Nam cũng không có quốc gia nào đưa ra lệnh cầm đối với bất kỳ tour inbound nào", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch vẫn thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán để đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo đối với các công ty lữ hành Việt Nam. Các động thái của Tổng cục đều tuân theo quy trình và phản ứng của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng. Việc kiểm tra tình trạng sức khỏe đối với khách du lịch đến Việt Nam tại các cửa khẩu đều có thiết bị kiểm soát của ngành y tế triển khai.
Về vấn đề dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Khánh viện dẫn kết luận mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá "đây là vấn đề khẩn cấp tại Trung Quốc nhưng vẫn chưa trở thành vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu". "Thậm chí đại diện WHO còn cho rằng, người dân Việt Nam không nên quá hoang mang", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Để ứng phó với nguy cơ lây lan bệnh viêm phổi Vũ Hán, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp du lịch. Trong đó, với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách vào Việt Nam (inbound), Tổng cục Du lịch đề nghị tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về việc phòng chống lây nhiễm vi rút nCoV. Doanh nghiệp cũng cần báo cáo kịp thời và tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng địa phương nếu phát hiện khách du lịch có biểu hiện ốm, sốt, nhất là khách đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có bệnh nhân nhiễm vi rút nCoV.
Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound), Tổng cục Du lịch đề nghị các đơn vị này không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút nCoV cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế.
Đồng thời, có biện pháp phòng chống dịch bệnh vi rút nCoV cho khách du lịch khi đi du lịch nước ngoài đồng thời hướng dẫn, thông tin đầy đủ đến du khách để khách chủ động phối hợp phòng chống dịch bệnh. Lưu ý hướng dẫn viên tăng cường theo dõi đảm bảo sức khỏe của khách đi tour, thông tin kịp thời đến các cơ quan y tế sở tại và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài khi khách du lịch có vấn đề về sức khỏe, nhất là các triệu chứng liên quan đến vi rút nCoV.
Tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc ghi nhận gần 900 trường hợp nhiễm dịch bệnh viêm phổi chủng virus corona, 26 người tử vong. Quốc gia này cũng "cấm cửa" 8 thành phố gồm Vũ Hán, Hoàng Cương, E Châu, Xích Bích, Tiên Đào, Tiềm Giang, Chi Giang, Lợi Xuyên.
Dịch bệnh viêm phổi lạ này cũng ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh tại Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, MaCao, Singapore, Mỹ...
ĐÀO BÍCH
Theo vtc.vn
39 thi thể trong container: Phê chuẩn lệnh dẫn độ 1 nghi phạm sang Anh Đối tượng Harrison đang bị chính quyền Vương quốc Anh truy nã và bị cáo buộc phạm tội buôn người, đưa người nhập cư trái phép và 39 tội danh ngộ sát. Một tòa án ở Cộng hòa Ireland hôm nay (24/1) đã phê chuẩn lệnh dẫn độ một trong hai đối tượng người Bắc Ireland sang Anh - từng bị cáo buộc...