Số người chết tăng vọt, CDC Mỹ xem xét lại có nên khuyên đeo khẩu trang phòng virus corona
Nếu vài tháng trước Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ vẫn cho rằng hầu hết mọi người không cần đeo khẩu trang thì nay họ đang cân nhắc lại vấn đề này.
Ngay cả khi không có triệu chứng bệnh, bạn vẫn có thể mang virus corona và lây cho người khác – Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Đài NPR (Mỹ), trong bối cảnh số người nhiễm virus corona chủng mới ở Mỹ tăng vọt, số người chết vì bệnh này cũng nhiều hơn, CDC cho biết đang xem xét lại chính sách và có thể cân nhắc chuyện đưa ra khuyến nghị người dân nên sử dụng khẩu trang rộng rãi hơn để phòng dịch bệnh.
Ngay lúc này, trang web của CDC vẫn nói những người duy nhất cần đeo khẩu trang là những người bị bệnh, hoặc những ai đang chăm sóc cho người bị bệnh không thể đeo khẩu trang.
Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài NPR ngày 30-3, giám đốc CDC, ông Robert Redfield, cho biết cơ quan này đang đánh giá về những dữ liệu liên quan tới việc sử dụng khẩu trang của công chúng nói chung.
“Tôi có thể nói với quý vị là dữ liệu đó và việc đeo khẩu trangcó giúp ích cho việc phòng bệnh hay không đang được xem xét kỹ lưỡng trong khi chúng ta đang nói chuyện”, ông Redfiedld nói.
Ngày 31-3 Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng góp ý là mọi người có thể quàng khăn hay dùng một cái gì khác thay cho khẩu trang, ông lưu ý thêm là khẩu trang đang cần cho công tác chăm sóc y tế.
Cũng ngày 31-3, bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên chiến dịch chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết lực lượng chuyên trách chống dịch vẫn đang thảo luận việc có nên thay đổi khuyến nghị về cách dùng khẩu trang không.
Trong những ngày qua, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng có tiếng khác của Mỹ cũng đã nêu lên vấn đề đeo khẩu trang.
Cựu lãnh đạo FDA, ông Scott Gottlieb, chia sẻ quan điểm với Đài NPR rằng việc đeo khẩu trang “là thêm một lớp bảo vệ cho những người phải ra ngoài”. Ông này nói đó là một bước bảo vệ khác nữa bên cạnh rửa tay và tránh các đám đông để phòng lây bệnh.
Trong báo cáo phác thảo lộ trình mở lại nền kinh tế, ông Scott Gottlieb cũng cho rằng công chúng nên được khuyến khích đeo khẩu trang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội vì lợi ích chung.
“Khẩu trang sẽ hiệu quả nhất trong việc làm chậm lại tốc độ lây lan của corona nếu chúng được dùng phổ biến, vì chúng có thể ngăn những người có bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng vô tình làm lây bệnh”, ông Gottlieb viết trong báo cáo.
Ông Gottlieb cũng chỉ ra hai trường hợp điển hình là Hàn Quốc và Hong Kong, những nơi đã kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 và cũng là những nơi người dân thường xuyên đeo khẩu trang.
D. KIM THOA
Giám đốc CDC: Mỹ đang thiếu nhân lực và thiết bị y tế
Phát biểu ở phiên điều trần tại Hạ viện, giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết các phòng thí nghiệm y tế nước này đang thiếu thiết bị và nhân viên.
Theo CNN, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Robert Redfield hôm 10/3 cho biết các phòng thí nghiệm y tế bang cũng như địa phương tại nước này đang rơi vào tình trạng thiếu nhân viên và thiết bị để duy trì hoạt động.
"Sự thật là chúng tôi không được đầu tư, chúng tôi thiếu đầu tư tại các phòng thí nghiệm y tế công, không có đủ thiết bị, không có đủ nhân lực", ông Redfield phát biểu tại phiên điều trần Hạ viện về ngân sách phân bổ cho CDC trong năm 2021.
Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Robert Redfield. Ảnh: AP.
Theo ông Redfield, CDC Mỹ đã xây dựng công nghệ trong các phòng thí nghiệm để giám sát sự biến chuyển của các loại cúm. Công nghệ này sử dụng một loại thiết bị đặc biệt được gọi là máy điều nhiệt, giúp mỗi phong thí nghiệm tiến hành 300 xét nghiệm mỗi ngày. Các đại học lớn ở Washington hay New York, với việc sử dụng thiết bị này, thậm chí có thể tiến hành hàng nghìn thí nghiệm mỗi ngày.
Ông Redfield cũng nhận định 99% ca nhiễm mới virus corona gần đây được phát hiện bên ngoài Trung Quốc. Con số này tương ứng với dữ liệu do tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố hôm 9/3, với 3.993 ca nhiễm trên toàn cầu, trong đó Trung Quốc chỉ chiếm hơn 1% với 45 ca mới.
"Tâm dịch, Trung Quốc mới, hiện là châu Âu. Có rất nhiều người đến và đi từ châu Âu. Chúng ta giờ mới đang bắt đầu quan sát cư dân châu Âu và cần tiến nhanh để có thể nắm được cách xử lý vấn đề (virus corona) tại châu Âu", ông Redfield cho biết.
Người đứng đầu CDC Mỹ cho biết các phòng thí nghiệm nước này đã tiến hành xét nghiệm virus corona cho 4.856 người. Con số này chưa bao gồm số người xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm tư và các phòng khám y tế.
Tới ngày 10/3, Mỹ đã xác nhận 729 ca nhiễm virus corona, trong đó 27 người tử vong.
Virus corona cực kỳ 'nhạy cảm' ở những nơi có nhiệt độ cao
Nghiên cứu tại Đại học Harvard cho thấy virus corona có thể lây nhiễm nhanh chóng trong các điều kiện độ ẩm khác nhau, nếu không áp dụng các biện pháp tích cực chống virus lây lan.
Theo news.zing.vn
CDC: SARS-CoV-2 lây nhiễm qua tiếp xúc bề mặt hơn là qua không khí Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đang nghiên cứu thời gian virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại và lây nhiễm trên các bề mặt. Tại phiên điều trần ở Hạ viện ngày 27/02, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Robert Redfield cho biết, cơ quan này đang khẩn trương nghiên cứu thời...