Số người chết do thảm họa kép ở Indonesia tăng lên 1.424 người
Số người thiệt mạng do thảm họa kép động đất và sóng thần trên đảo Sulawesi đã tăng lên 1.424 người.
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia ngày 4/10 cho biết, số người thiệt mạng do thảm họa kép động đất và sóng thần trên đảo Sulawesi đã tăng lên 1.424 người.
Khung cảnh đổ nát tại thành phố Palu sau thảm họa kép động đất-sóng thần ngày 28/9 (Ảnh: AP).
Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên, bởi phần lớn số người thiệt mạng được báo cáo tới nay chủ yếu là từ thành phố nhỏ ven biển Palu. Trong khi đó, ước tính có khoảng 1,4 triệu người sống tại tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của thảm họa.
Trong lúc này, hy vọng tìm người sống sót trong đống đổ nát của các tòa nhà vẫn chưa hết hẳn. Lực lượng cứu hộ đang tập trung phần lớn nguồn lực tại các khu vực trọng yếu được cho là còn nhiều người bị mắc kẹt tại các địa điểm trước kia từng là khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng. Giới chức nước này đưa ra hạn chót là ngày 5/10 để tìm kiếm những người còn bị mắc kẹt.
Một số cửa hàng và ngân hàng trên đảo Sulawesi hôm nay bắt đầu mở cửa lại, trong khi một mạng điện thoại di động lớn cũng đã được khôi phục. Sân bay Palu, vốn chỉ tiếp nhận các chuyến bay quân sự sau khi xảy ra thảm họa, đã bắt đầu khai thác các chuyến bay thương mại với số lượng nhất định và ưu tiên các nhân viên cứu hộ./.
TheoThu Hoài/VOV1
Những điều bất thường của thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia
Có thể phải mất nhiều tháng nghiên cứu và khảo sát dưới biển để các nhà khoa học xác định được nguyên nhân gây ra thảm họa kép động đất, sóng thần ngày 28/9 tại Indonesia khiến khoảng 1.300 người thiệt mạng.
Chưa lý giải được nguyên nhân
Theo Guardian, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân chính xác của thảm họa.
Trận động đất xảy ra ngày 28/9 tại Indonesia không phải là động đất đẩy (thrust earthquake), loại động đất gây ra phần lớn các vụ sóng thần, khi những mảng kiến tạo di chuyển theo chiều dọc lên xuống khiến nước bị thế chỗ.
Thay vào đó, trận sóng thần gây ra bởi động đất trượt (strike-slip fault), khi các mảng kiến tạo di chuyển theo chiều ngang. Theo giáo sư Phil Cummins tại Đại học Australia, những trận động đất loại này thường chỉ gây ra sóng thần nhỏ.
Một nhà thờ bị hư hại gần bãi biển Talise ở thành phố Palu, Sulawesi, Indonesia.(Ảnh: HOTLI SIMANJUNTAK / EPA-EFE / EPA)
Cũng có ý kiến cho rằng trận động đất ngày 28/9 có thể đã gây ra nứt vỡ dưới đáy biển làm nước bị chiếm chỗ khiến sóng thần xảy ra. Sự nứt vỡ này có thể xảy ra gần khu vực vịnh Palu, gần bờ hoặc xa hơn về phía biển.
Thông thường sóng thần gây ra bởi các trận động đất cách bờ hàng trăm km, độ rung hiếm khi cảm thấy được trên mặt đất. Trong khi đó trận động đất ở Indonesia có tâm chấn trên đất liền. "Rất bất thường khi xuất hiện một thảm họa kép như thế này" - ông Cummins nói.
Hệ thống cảnh báo sớm có hoạt động không?
Có những ý kiến cho rằng cơ quan khí tượng Indonesia BMKG có thể đã rút cảnh báo sóng thần quá sớm, trước khi những cơn sóng tấn công Palu, vì vậy phải chịu trách nhiệm cho một phần thiệt hại về người. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng phao sóng thần làm nhiệm vụ phát hiện động đất, sóng thần trong hệ thống cảnh báo sớm có thể đã không được sử dụng trong 6 năm liền và bị hỏng.
Dù vậy, theo ông Cummins và Adam Switzer - đến từ Đại học Nanyang, Singapore, thảm họa này không phải là thất bại của công nghệ mà là của giáo dục. Không giống như sóng thần năm 2004 hủy hoại Nam Á, trận sóng thần lần này không phải gây ra bởi động đất xa hàng trăm km ngoài biển. Nó là trận sóng thần gây ra từ động đất gần bờ và theo ước tính, chỉ diễn ra khoảng 30 phút sau động đất. "Đối với người dân trên bãi biển và trong thành phố, trận động đất nên được coi là cảnh báo sớm cho sóng thần" - ông Switzer nói.
"Việc tập trung vào lỗi kỹ thuật ở đây là sai lầm vì nó là một trận sóng thần xảy ra ở địa phương. Trong trường hợp này bạn không thể phụ thuộc vào hệ thống cảnh báo mà phải tìm lên chỗ đất cao ngay lập tức. Họ không thể chờ đến khi có còi hoặc báo động mà phải di chuyển ngay lập tức. Vấn đề là, từ những gì tôi thấy trong video được ghi lại, nhiều người không làm điều đó." - Cummins nói thêm.
Ông cho rằng dù người dân không biết họ cần phải sơ tán ngay hay họ không nghĩ có chuyện gì sẽ xảy ra thì điều đó cũng cho thấy người dân Sulawesi không được cung cấp đầy đủ kiến thức về cách ứng phó trong những trường hợp này và đó là nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng.
Tại sao thiệt hại lại lớn tới như vậy?
Một số ước tính cho rằng sóng thần đã di chuyển với tốc độ 800 km/h ở Palu và chậm lại đáng kể trước khi vào bờ. Sóng dâng cao 6 m ở một số khu vực và đổ bộ khoảng 1 km vào đất liền.
Một số ý kiến cho rằng hình dáng hẹp của vịnh Palu khiến cơn sóng tập trung và bị khuếch đại về sức mạnh. Vịnh Palu là một vịnh rất sâu nên có thể khiến sóng thần di chuyển với tốc độ cao, ông Cummins nói.
Video: Lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo sóng thần Indonesia
(Nguồn: The Guardian)
PHƯƠNG ANH
4 ngày sau thảm họa kép: Indonesia chôn tập thể các nạn nhân hàng ngày Chính quyền Indonesia buộc phải chôn cất hàng loạt nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể sau trận động đất, sóng thần khiến hơn 1.300 người thiệt mạng. Bà Ling Ling, mẹ của nam sinh Nathan, gào khóc bên mộ của con trai tại nghĩa trang Poboya Indah (Ảnh: New York Times) Nathan đã kịp chạy tới nơi an toàn khi một...