Số lượng lên đến 409 triệu con, Việt Nam vẫn nhập 128.000 tấn thịt gà
Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là mục tiêu mà ngành chăn nuôi gia cầm hướng đến.
Năng lực sản xuất ngày càng tăng
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2018, số lượng đàn gia cầm cả nước đạt 409 triệu con, trong đó có 317 triệu con gà (chiếm 77,5%); 92 triệu con thủy cầm (chiếm 22,5%). Trong tổng đàn gà thì gà thịt chiếm 77,6%, gà đẻ chiếm 22,4%.
Sản lượng thịt gia cầm đạt gần 1,1 triệu tấn, trong đó, thịt gà gần 840.000 tấn, chiếm 76,5%, thịt thủy cầm gần 258.000 tấn, chiếm 23,5%. Sản lượng trứng đạt trên 11,6 tỷ quả, trong đó trứng gà chiếm 60%, trứng thủy cầm chiếm 40%.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đạt được thành quả đó là do Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao, gồm các giống gia cầm siêu thịt, các giống gia cầm siêu trứng, kiêm dụng, các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại, nguồn gen quý trong nước và chọn tạo ra các dòng giống mới.
Chăn nuôi gia cầm đang phát triển theo hướng trang trại, đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: SGGP.
Đồng thời, chăn nuôi gia cầm đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến cả về con giống và trang thiết bị, đã coi khoa học công nghệ là động lực phát triển, là lực lượng sản xuất quan trọng, đã có được những bước đột phá trong khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có tính cạnh tranh trên thị trường. Chuyển giao nhanh và có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi, để đẩy nhanh công nghiệp hóa hiện đại hoá trong ngành chăn nuôi gia cầm.
“Đã có nhiều thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp một cách hợp lý hơn, có nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản và đã có những sản phẩm gia cầm có lợi thế, có tính cạnh tranh, tham gia xuất khẩu đi một số nước” – ông Trọng nói.
Dù vậy, ông Trọng cũng thừa nhận, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn còn nhiều tồn tại như chưa có hệ thống đồng bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi từ Trung ương đến địa phương; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu, yếu, chưa được giao trách nhiệm cụ thể; hệ thống văn bản phục vụ cho quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu hoặc không còn phù hợp.
Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh giống được xây dựng tự phát, không đăng ký, nhân giống và sản xuất giống không theo hệ thống giống, không được kiểm tra, kiểm soát. Giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không an toàn dịch bệnh vẫn được buôn bán, lưu thông. Rất nhiều hộ chăn nuôi sử dụng gia cầm thương phẩm để sản xuất giống. Kiểm dịch con giống chỉ mang tính hình thức.
Các khâu trong sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường. Thường xuyên mất cân đối giữ cung – cầu; giá cả phụ thuộc vào thương lái; hiệu quả chăn nuôi chưa cao, do quá lãng phí thức ăn.
Video đang HOT
Chăn nuôi nông hộ còn nhiều nên việc áp dụng công nghệ cao, tiên tiến còn gặp khó khăn. Chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm do đó đã gây ra trở ngại lớn đến các hoạt động cần kinh phí để triển khai xây dựng chuỗi liên kết.
Các chế tài ràng buộc sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình; một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi; đó là lý do khiến cho mối liên kết thiếu tính bền vững.
Điều đáng lo ngại là, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc có mặt tràn lan trên thị trường, không cạnh tranh được giá bán do vậy sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tạo ra hiệu quả kinh tế. Thị trường sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, không ổn định.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm tổ chức sáng 12/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Ngành chăn nuôi gia cầm đang có dư địa rất lớn để phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, có thể nguồn cung chưa thể đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong một thời điểm nhất định. Đó là chưa kể, nhu cầu của thị trường thế giới về thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm cũng ngày càng tăng.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được thịt gà sang Nhật Bản. Ảnh: I.T
Theo ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong năm 2018, Cục Thú y đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm gia cầm xuất khẩu, gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang các nước theo yêu cầu của cơ quan thú y theo thẩm quyền của nước nhập khẩu.
Theo đó, Nhật Bản đã chính thức cho phép 2 công ty của Việt Nam là Koyu&Unitek và Công ty CP Hà Nội được xuất khấu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường này. Tính đến cuối năm 2018, Koyu&Unitek đã xuất khẩu được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với tống khối lượng 1.500 tấn, trị giá 6 triệu USD. Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng xuất khẩu sang Nhật của công ty này đạt 150 tấn thịt gà chế biến/tháng. Công ty CP Hà Nội dự kiến đưa chuyến hàng đầu tiên sang Nhật vào quý II/2019.
Tổng sản lượng thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm xuất khẩu năm 2018 của cả nước đạt 25.762 tấn, tăng tới 124% so với năm 2017.
Nhưng ở chiều ngược lại, sản lượng gia cầm nhập khẩu cũng không ngừng tăng trong những năm gần đây, chỉ tính riêng năm 2018, nhập khẩu thịt gà các loại đạt trên 128.000 tấn, trị giá 116 triệu USD; 3 tháng đầu năm 2019, con số này là 33.236 tấn, giá trị kim ngạch 28,7 triệu USD.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng, ngành thịt gia cầm có thể xác định các thị trường mục tiêu là: Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines; thị trường tiềm năng là: Ả rập Saudi, Nam Phi, UAE,…
Để chiếm lĩnh được những thị trường này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay; phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm…
Theo Danviet
Mở "đường" xuất khẩu yến sào chính ngạch sang Trung Quốc
Yến sào ngày càng cho thấy hiệu quả kinh tế cao, nhưng hệ lụy phát triển tự phát gần đây khiến nghề này hứng chịu nhiều phản ứng tiêu cực, đầu ra của sản phẩm cũng chưa ổn định. Việc kết nối với doanh nghiệp Trung Quốc theo con đường xuất khẩu chính ngạch đã mở ra tín hiệu tốt cho nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Bất cập quản lý
Nghề nuôi chim yến xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2004, nhưng mới phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây, nhất là ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đơn cử như tại Bạc Liêu, năm 2017 có khoảng 500 nhà yến, thì đến nay đã tăng lên gần 800 nhà.
Kiên Giang là địa phương có số lượng nhà nuôi yến nhiều nhất với 925 nhà, tổng diện tích gần 177.000m2. TP.HCM có số lượng nhà nuôi và diện tích thấp hơn nhưng sản lượng đạt tới 14.384kg/năm so với sản lượng gần 8.460kg/năm của Kiên Giang.
Cần sớm có các văn bản pháp lý hướng dẫn để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững. Ảnh: P.V
Anh hùng lao động Trần Lam (tỉnh Kiên Giang), người có thâm niên trong nghề nuôi chim yến kể, nghề nuôi yến ở Malaysia rất khác với Việt Nam. Malaysia khuyến khích nuôi yến nhưng phải đảm bảo các điều kiện khắt khe về môi trường. Nhiều khi đi giữa khu dân cư mà không hề nhận ra căn nhà đó đang nuôi chim yến.
"Loa phát âm dẫn dụ của họ chĩa lên trời và được kiểm soát âm lượng nên không nghe thấy tiếng ồn. Loa ở ta thì chĩa thẳng qua nhà bên cạnh, vừa làm phiền dân cư vừa khiến chim yến lạc lối" - ông Lam kể.
Theo ông Lam, 1kg tổ yến có giá từ 1.500 - 2.000USD, giá trị xuất khẩu thu về 100 - 125 triệu USD/năm. Đây thực sự là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người nuôi yến hiện rất cần những hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, quy chuẩn pháp lý rõ ràng và định hướng thị trường cụ thể.
Chim yến được xem là động vật hoang dã. Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã này có nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi. Trong khi đối tượng nuôi này lại chưa được điều chỉnh trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
Chim yến sống thành đàn lớn, lại sống trên cao, nên khó kiểm soát dịch bệnh. Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo. Hiện nay, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi và chất lượng sản phẩm nên việc cấp giấy phép xây dựng nhà yến gặp nhiều khó khăn.
Tìm đường xuất khẩu chính ngạch
Theo ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, thực tế, nghề nuôi yến đang thiếu các căn cứ pháp lý cần thiết để ngành này phát triển.
Ông Minh đề nghị cần sớm có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà yến, nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Ở các địa phương cần công khai quy hoạch vùng nuôi chim yến gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo vệ môi trường.
Theo ông Trần Phương Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cũng do phát triển tự phát, nghề nuôi chim yến chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu sản phẩm, chủ yếu xuất thô. Việc mua, bán thương mại sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá. Việc kết nối được với đối tác Trung Quốc mới đây là bước đi tốt.
Tuy nhiên, Trung Quốc coi kiểm tra và kiểm dịch là điểm mấu chốt an toàn cho nông sản và thực phẩm nhập khẩu. Vì hầu hết tổ yến vẫn được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua các kênh không chính thức, nên khi Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát sẽ có tác động lớn đến ngành yến của cả hai nước.
"Để sản phẩm yến rộng đường xuất khẩu, chất lượng phải được coi trọng hàng đầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) phải sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn để ngành nghề này phát triển ổn định và có cơ sở đi xa hơn" - ông Tuấn đề nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Luật Chăn nuôi mới được Quốc hội thông qua là điều kiện thuận lợi để xây dựng nghị định hướng dẫn cho nghề nuôi chim yến.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ NNPTNT khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân phát triển ngành yến và sớm hoàn thành các văn bản pháp lý hỗ trợ nghề nuôi yến.
Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chăn nuôi cần sớm hoàn thành tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi yến và nhà yến; sớm đưa vào nghị định để thực hiện Luật Chăn nuôi; phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng thông tư liên tịch về nhà nuôi yến. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn chê biến sâu để tham mưu Bộ sớm ban hành. Cục Thú y sớm ban hành hướng dẫn quy chuẩn ATTP và dịch bệnh.
Hiệp hội Yến sào Việt Nam và các đơn vị liên quan hoàn tất sớm hồ sơ rủi ro giao cho hải quan Trung Quốc thẩm định, mở đường cho xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc; tập hợp các doanh nghiệp, cơ sở, nông hộ chăn nuôi và chế biến thành khối đoàn kết, tạo sức mạnh tập trung cho ngành thay vì phát triển rời rạc như hiện nay.
Theo Danviet
Rất khó nghiên cứu, điều chế vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi Nói về biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (dịch tả heo châu Phi), ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch Tễ, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, dịch tả lợn châu phi đã xuất hiện trên thế giới gần 100 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có thuốc chữa và vắc xin phòng bệnh. Trước mắt, phương...