Sổ hồng chung cư, món nợ…đòi chán phải bỏ
Bỏ tiền tỷ mua căn hộ nhưng nhiều người cho biết họ bức xúc vì không khác gì ở nhà thuê. Khổ sở nhất là phải đi đòi sổ đỏ như đòi nợ nhưng chủ đầu tư thì mặc nhiên “cù nhầy”.
Thị trường ảm đạm ở nhiều phân khúc. Tranh chấp ở các dự án mới không nhiều. Tuy nhiên, riêng về tranh chấp âm ỉ ở các chung cư vẫn đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn Tp.HCM mà một trong những tranh chấp phổ biến đó là cư dân căng băng rôn đòi sổ hồng.
Tình trạng cư dân căng băng rôn đòi sổ đỏ thường xảy ra sau khoảng 3-5 năm sau khi nhận nhà. Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được thu giá trị căn hộ đến 95% khi bàn giao nhà cho cư dân, 5% còn lại cư dân sẽ đóng cho chủ đu tư khi có sổ hồng. Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều chung cư trên địa bàn Tp.HCM chủ đầu tư dường như không còn cần đến 5% còn lại này nữa. Thực tế, tình trạng tranh chấp sổ đỏ xảy ra nhức nhối, trong đó có những chung cư 7-10 năm vẫn chưa có sổ đỏ. Một trong những nguyên nhân phổ biến đó chủ đầu tư thay đổi công năng các diện tích chung so với bản vẽ, chủ đầu tư mang dự án thế chấp ngân hàng… và ti tỉ những nguyên do khác khiến cho cư dân mệt mỏi vì phải chờ đợi quá lâu.
Mới đây, rất nhiều cư dân tại chung cư Trương Đình Hội (quận 8, Tp.HCM) đã phải treo băng rôn tại ban công căn hộ với nội dung yêu cầu chủ đầu tư bàn giao sổ hồng.
Một cư dân tại đây cho biết, dự án đã bàn giao nhà từ năm 2013 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các thủ tục cần thiết để làm sổ hồng cho cư dân. Người dân muốn chuyển nhượng, thế chấp căn hộ vì mục đích cá nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, trên địa bàn thành phố hiện còn khoảng 15.000 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do không đủ điều kiện cấp theo quy định pháp luật như: lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép, sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch, chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/1/12008, vi phạm về đất đai, xây dựng chưa được xử lý, giấy tờ không có nguồn gốc rõ ràng…
Trong khi đó, nhiều cư dân cho biết họ đã mệt mỏi vì phải bỏ công bỏ việc đi tranh đấu với chủ đầu tư để đòi quyền lợi về tờ GCNQSH căn hộ. Thậm chí, nhiều người chấp nhận “bỏ nợ” vì quá mệt mỏi sau nhiều năm trời trông ngóng.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Tiến Linh (ngụ Quận 5, Tp.HCM) biết 2 vợ chồng anh mua một căn hộ chung cư vào 2014, đến nay đã 5 năm trôi qua nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Trong khi đó, chủ đầu tư hứa hẹn với anh Linh rằng sau khi nhận nhà chỉ 2 tháng sau là sẽ hoàn thành hồ sơ xin cấp sổ đỏ và 1 tháng sau đó sẽ bàn giao cho cư dân.
“Người ta hứa hẹn là 3 tháng có, rồi chúng tôi vác băng rôn đi đòi họ lại hứa là năm sau sẽ có. Câu hứa hẹn năm sau sẽ có đến nay đã 5 lần hứa hẹn rồi nhưng không thấy đâu. Cư dân ở đây bức xúc lắm, chúng tôi nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư họp với ban quản trị để tìm ra phương án nhưng sau mỗi cuộc họp mọi chuyện lại đâu vào đấy”, Anh Linh kể.
Tương tự trường hợp của anh Linh, vợ chồng Trịnh Thị Nghị (ngụ Quận Tân Bình) cho biết gia đình chị mua 2 căn hộ ở quận Tân Phú để đầu tư. Thế nhưng từ khi nhận nhà đến nay đã 6 năm trôi qua vẫn không có sổ đỏ. Hiện tại, chị Nghị vẫn cho thuê 2 căn nhà nói trên vì rao bán nhiều tháng trời không ai mua.
“Chung cư thì thời hạn sử dụng chỉ có 50 năm, mà đến nay 6 năm rồi vẫn chưa có sổ đỏ nên có muốn bán đi kiếm lời cũng khó. Chưa kể, nhiều qua qua tôi đã đầu tư nhiều nội thất cho 2 căn hộ trên nhưng đến nay bán ra cũng chỉ chênh được khoảng 100 triệu là nhiều. Đòi thì chúng tôi cũng đòi nhiều rồi nhưng đủ thứ rắc rối kéo đến, cư dân ở đây họ cũng mệt mỏi cả rồi”, chị Nghị cho hay.
Có thể nói, mua được căn nhà đã là niềm hạnh phúc lớn lao của mọi gia đình. Tuy nhiên, khi mà chưa cầm trong tay tờ GCNQSH căn hộ, nhiều cư dân vẫn bất an trong chính ngôi nhà của họ. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có đến cả ngàn chung cư chưa cấp sổ hồng sau nhiều năm đưa vào sử dụng. Luật đã quy định rõ ràng về mức chế tài xử phạt, mức xử phạt cao nhất lên đến 1 tỷ đồng nhưng tình trạng chậm cấp sổ đỏ vẫn nhức nhối và khó xử lý ở các dự án căn hộ.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ
Chung cư mua thì dễ... bán ra mới khó
Nguồn cung dự án mới ít ỏi, giá cả tăng cao nhưng một điều lạ là các căn hộ chung cư hiện hữu không mấy ai mặn mà.
Rao bán giá thấp kèm khuyến mãi vẫn ế
Có lẽ chưa có năm nào thị trường căn hộ ở TP.HCM lại khó khăn như trong năm 2019. Từ việc chính quyền thắt chặt nguồn cung mới, nhiều cặp vợ chồng trẻ càng khó mua được nhà với giá vừa túi tiền. Đây là tình trạng chung đang bao trùm toàn thị trường bất động sản TP.HCM. Tuy nhiên, một điều đáng nói là khách hàng phần đa lại chỉ muốn mua những căn hộ đang hình thành chứ không mặn mà với chung cư đã xây sẵn.
Trên thực tế, mặc dù nhiều chủ căn hộ chấp nhận bán giá chênh chỉ vài chục triệu, kèm thêm khuyến mãi nội thất, tặng phí bảo trì... thậm chí bán bằng giá gốc nhưng vẫn không ai ngó ngàng.
Chị Nguyễn Thị Xuân, sống tại một chung cư ở quận 8 cho biết vào năm 2012, vợ chồng chị mua căn hộ 65m2 với giá 1,8 tỷ. Đến nay vợ chồng chị tích đủ tiền nên muốn bán lại căn chung cư này để mua nhà phố. Ban đầu, chị Xuân rao bán giá 2,2 tỷ (tức chênh 400 triệu sau 7 năm) nhưng rao bán nhiều tháng trời vẫn không có ai hỏi mua. Cực chẳng đã, chị Xuân phải giảm giá xuống 2 tỷ, tặng thêm nội thất và phí quản lý, tặng nhiều vật dụng khác như máy lạnh, tủ lạnh... nhưng đến nay đã 5 tháng trôi qua vẫn không bán được. Chị Xuân cho biết nhiều lần khách đến xem nhưng rồi "một đi không trở lại".
Thị trường khan hiếm nguồn cung nhưng nhiều người muốn bán căn hộ đang ở vẫn ế hàng. Ảnh: Minh họa
Sau khi tìm hiểu, chị Xuân nhận ra hầu hết khách hàng đều chê mặt tiền của chung cư xuống cấp, bãi đỗ xe lởm chởm không được tu sửa. Nhiều hạng mục chung như sân thượng, đường ống nước đều đã xuống cấp sau nhiều năm đưa vào sử dụng. Thậm chí, một vài nơi sinh hoạt chung thì đầy rác không ai xử lý. Trong khi đó, đây đều là những phần thuộc diện tích sở hữu chung nên không có cư dân nào muốn bỏ tiền túi ra để làm, còn ban quản lý và chủ đầu tư chỉ nhiệt tình thời gian đầu rồi lơ là dần.
Tương tự với trường hợp của chị Xuân là vợ chồng anh Trần Văn S., sống tại một chung cư trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú. Anh Sơn mua căn hộ tại đây năm 2016 với giá 3,5 tỷ. Tuy nhiên, do những lùm xùm về việc chủ đầu tư tại đây lấn chiếm diện tích chung nên căn hộ rất khó bán ra. Từ tháng 7/2019, anh S. đã rao bán căn hộ với giá chênh lệch chỉ 50 triệu nhưng không khả quan.
Nhiều tháng qua, vợ chồng anh S. đã đăng tin sang nhượng khắp các trang mạng xã hội, các website quảng cáo mua bán căn hộ nhưng không có kết quả. Phần đa khách đến đều hỏi thuê chứ không muốn bỏ ra số tiền lớn để mua lại căn hộ bởi những lùm xùm về diện tích chung và riêng ở chung cư này.
Không chỉ 2 trường hợp trên mà rất nhiều chung cư khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Ghi nhận trên các trang mạng xã hội, website mua bán nhà đất... nhiều cặp vợ chồng lặp lại một bài đăng rao bán căn hộ nhiều tháng liền vẫn không tìm được chủ mới.
Người người tìm mua nhà, chung cư hiện hữu vẫn ế hàng
Theo phân tích của các chuyên gia thì trên thực tế, giá nhà và căn hộ vẫn tăng đều theo từng năm nhưng không phải cứ người dân muốn bán ra là có thể bán ngay được.
Nghịch lý trên đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là do tình trạng chung cư xuống cấp sau nhiều năm bàn giao. Các hạng mục cũ kỹ, nhiều chung cư nhìn bên ngoài có vẻ khang trang, đẹp mắt nhưng khi bước vào trong thì thang máy lung lay, cửa gỗ nứt toác, các hạng mục đều bong tróc khiến người mua ngán ngẩm.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác như tài chính hạn hẹp khiến khách hàng cũng băn khoăn khi lựa chọn phân khúc này. Trong khi đó, với những chung cư hình thành trong tương lai thì có thể đóng theo tiến độ để giảm bớt tài chính nên người mua thường ưu ái hơn.
Thêm một nguyên do khác đó là tình trạng tranh chấp ở các chung cư xảy ra thường xuyên trên địa bàn TP.HCM như tranh chấp phí bảo trì, phí đậu xe, chủ đầu tư lấn chiếm diện tích công, chậm cấp sổ hồng hoặc không đảm bảo về an toàn PCCC. Những rắc rối kéo đến liên tục khiến cho cư dân khổ sở khi muốn bán căn hộ để chuyển đến nơi ở mới.
Về phía khách hàng, chị Trần Thị Lan (quê Tiền Giang) cho biết 2 vợ chồng đã có sẵn trong tay tài chính 1,5 tỷ nhưng cũng tìm nhà nhiều tháng nay không có kết quả. Chị Lan muốn tìm mua một căn hộ ở quận 12. Qua tìm hiểu, chị Lan nhận thấy khu vực trên rất nhiều người muốn bán căn hộ. Nhắm 1 chung cư gần cầu Tham Lương có giá nhỉnh hơn 1 tỷ, sau nhiều lần cùng chồng đến tìm hiểu thì chị Lan ngao ngán vì phải chờ thang máy hơn 15 phút cho mỗi lần di chuyển. Chưa kể khi vào bên trong thang máy liên tục rung lắc, khi thì dừng lại đột ngột khiến chị Lan bất an.
"Tìm mãi không có chỗ để mua nên tôi quyết định chờ thêm, xem có dự án nào sắp ra giá ổn ổn thì mua. Chứ thấy tình trạng chung cư chỗ nào cũng lùm xùm. Chỗ tốt thì giá cao quá, chỗ ít tiền thì cọc cạch như nhà trọ. Thôi thì tôi lại gom thêm tiền rồi tính sau", chị Lan phân vân.
Theo Khánh Hòa/Vietnamnet
Cư dân nhiều chung cư buông bỏ chuyện đòi sổ hồng Mệt mỏi vì nhận nhà nhiều năm không có sổ đỏ, nhiều hộ gia đình tại TP.HCM chấp nhận cảnh sống tạm bợ chứ không còn nghĩ đến giấc mơ được cầm trên tay tờ GCNQSH căn hộ. Mua căn hộ chung cư, dọn vào ở nhiều năm nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ là nỗi khổ...