Sơ hở có thể khiến an ninh Nga không chặn được kẻ đánh bom tàu điện ngầm
Việc chưa áp dụng hệ thống an ninh đa lớp có thể khiến cảnh sát Nga không kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của kẻ đánh bom tại nhà ga.
Vụ đánh bom nhà ga tàu điện ngầm St. Petersburg, Nga hôm qua cho thấy các hệ thống giao thông công cộng luôn nhộn nhịp người qua lại dễ tổn thương như thế nào trước những vụ khủng bố. Tuy nhiên các chuyên gia chống khủng bố của Mỹ cho rằng có thể lực lượng an ninh Nga đã không thực thi các biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa những vụ đánh bom tại các mục tiêu giá trị cao như tàu điện ngầm, theo USA Today.
Truyền thông Nga đưa tin một nghi phạm người gốc Kyrgyzstan, được cho là có liên hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế, đã cài hai quả bom chứa đầy kim loại và bi sắt trên hệ thống tàu điện ngầm St. Petersburg, trong đó có một quả phát nổ khiến 11 người chết. Hình ảnh do camera giám sát ghi lại cho thấy nghi phạm mặc áo khoác màu đỏ, đeo ba lô, hai tay nắm chặt, thể hiện sự căng thẳng, lo lắng trước khi vụ nổ xảy ra.
Chuyên gia an ninh John Poncy, giám đốc công ty an ninh Densus, cho rằng ga tàu điện ngầm với nhiều lối lên xuống cùng lượng lớn hành khách qua lại ngày càng trở thành mục tiêu hấp dẫn những kẻ khủng bố. Các nước châu Âu cũng đã hứng chịu nhiều vụ đánh bom khủng bố tại nhà ga tàu điện ngầm trong vài năm qua.
Cảnh sát Nga làm việc tại nhà ga tàu điện ngầm. Ảnh: Interfax
“Điều đáng sợ là những kẻ khủng bố giờ đây có thể tự chế tạo thuốc nổ trong căn hộ của mình, rồi mang đến nhà ga tàu điện ngầm để kích nổ mà không cần sự hướng dẫn cụ thể của các chuyên gia chất nổ thuộc những tổ chức khủng bố như al-Qaeda”, Poncy nói.
Poncy cho rằng với nguy cơ khủng bố tại các nhà ga tàu điện ngầm cao như vậy, lực lượng an ninh Nga lẽ ra phải nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của hành khách, đặc biệt là những người đeo ba lô bộc lộ vẻ mặt căng thẳng, để kịp thời ngăn chặn khủng bố.
Anthony Roman, chuyên gia kiểm soát khủng hoảng toàn cầu, chủ tịch tập đoàn Roman & Assoc ở New York, Mỹ, nói rằng các nhân viên của ông, những người từng phục vụ trong quân đội hoặc Bộ Tư pháp Mỹ, nhận thấy sự lỏng lẻo trong hệ thống an ninh giao thông của Nga được thể hiện tại Thế vận hội Sochi.
“An ninh của Nga thấp hơn so với các tiêu chuẩn của Mỹ khá nhiều và tôi nghĩ là hệ thống của họ chưa thực sự tương xứng”, Roman nói.
Roman cho biết tại các nhà ga tàu điện ngầm ở thành phố New York, lực lượng an ninh được tổ chức thành nhiều lớp khác nhau, với sự hiện diện của cảnh sát mang vũ khí, cảnh sát hóa trang, chó nghiệp vụ đánh hơi chất nổ, camera giám sát và các hệ thống dò kim loại. Các mục tiêu có giá trị cao như nhà ga Penn hay Grand Central luôn có sự hiện diện dày đặc của lực lượng cảnh sát tuần tra.
Video đang HOT
Hệ thống an ninh này có thể kịp thời phát hiện những hành khách có biểu hiện bất thường, trong khi chó nghiệp vụ sẽ đánh hơi được những khối thuốc nổ mà nghi phạm mang theo bên người, còn máy dò kim loại có khả năng báo động trước những mảnh kim loại, bi sắt mà kẻ đó nhồi trong khối thuốc nổ.
“Mạng lưới an ninh nhiều lớp này khiến những kẻ khủng bố ngày càng khó khăn trong việc thực hiện các vụ tấn công một cách hiệu quả và thường xuyên. Gần như là không thể”, Roman nhận định.
Xe tăng trước trường mẫu giáo
Trong khi đó, đại tá Vladimir Lutsenko, cựu chỉ huy đơn vị chống khủng bố của lực lượng an ninh Nga KGB, cho rằng cảnh sát và tình báo Nga rất khó để ngăn chặn những vụ tấn công như thế này, dù đã nỗ lực hết sức mình, theo Kommersant.
Theo Lutsenko, có nhiều tổ chức, nhóm phiến quân muốn thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào nước Nga. Đó có thể là những nhóm phiến quân Hồi giáo ở Chechnya, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, thậm chí là các phần tử cực đoan Ukraine, khiến lực lượng an ninh nước này luôn phải căng mình để đối phó.
“Từ đầu năm, các lực lượng an ninh của chúng tôi đã ngăn chặn hơn 40 âm mưu khủng bố và hàng trăm nghi phạm khủng bố đã bị bắt giữ. Đây là một cuộc chiến đang diễn ra và chúng tôi là một phần trong nỗ lực chung chống lại thảm họa này. Tuy nhiên, mọi thứ trong cuộc chiến này đều rất phức tạp”, đại tá Lutsneko cho biết.
Theo ông, mỗi khi một kẻ khủng bố thực hiện một vụ tấn công thành công ở đâu đó, những phần tử khác sẽ nhanh chóng bắt chước thủ đoạn và kỹ năng để tiếp tục gieo rắc kinh hoàng trên toàn cầu. Các lực lượng an ninh dù hoạt động hiệu quả đến đâu cũng không phải là đấng toàn năng có thể nắm bắt mọi thứ.
Nghi phạm thực hiện vụ đánh bom thể hiện sự căng thẳng khi nắm chặt tay tại nhà ga tàu điện ngầm. Ảnh: RenTV
“Chúng tôi không thể bố trí xe tăng trước mỗi trường mẫu giáo, cũng không thể biến nước Nga thành một pháo đài. Các lực lượng an ninh Nga đã thực hiện nhiệm vụ khá hiệu quả, bởi chúng tôi không có vụ tấn công khủng bố nào trong một thời gian khá dài, trái ngược với những gì đang xảy ra ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới”, Lutsenko cho biết.
Ông Lutsenko dự đoán rằng trong tương lai gần, cảnh sát Nga sẽ thường xuyên thực hiện các cuộc kiểm tra an ninh trên tàu điện ngầm, tăng cường lực lượng tuần tra tại các nhà ga trọng điểm để ngăn chặn khủng bố. “Toàn bộ lực lượng an ninh sẽ phải làm việc ngày đêm để truy tìm và trừng phạt những kẻ gây ra vụ khủng bố. Nhưng đây là một vấn đề toàn cầu, lực lượng an ninh không thể tự mình giải quyết nó, mà cần đến sự phối hợp của các chính trị gia trên thế giới”, ông nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Ai đứng sau vụ đánh bom tàu điện ngầm Nga?
Chuyên gia nhận định hiện tồn tại hai nhóm có khả năng và mục đích gây ra các cuộc tấn công quy mô kiểu như vụ đánh bom tàu điện ngầm ở St. Petersburg, Nga, hôm qua.
Vụ nổ xảy ra vào 14h40 ngày 3/4 ở đoạn giữa hai ga tàu điện ngầm Sennaya và Viện Công nghệ, thành phố St. Petersburg, làm 11 người chết và 45 người bị thương. Trước câu hỏi ai đứng sau cuộc tấn công, CNN chỉ ra hai nhóm khả nghi.
Những phần tử ly khai Chechnya là đối tượng tình nghi đầu tiên khi mà lực lượng này lâu nay vẫn là chủ mưu gây ra hàng loạt vụ khủng bố tại Nga. Moscow phát động cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai Chechnya từ thế kỷ 19.
Leo Tolstoy, người từng phục vụ trong một trung đoàn pháo binh tại vùng Caucasus, đã viết sách về những kinh nghiệm ông trải qua khi tham chiến tại đây, cho biết các phần tử cực đoan Chechnya "không ai nói đến sự thù hận dành cho người Nga. Đối với họ, từ già đến trẻ, cảm giác ấy còn mạnh hơn cả sự thù hận".
Năm 2002, các chiến binh Chechnya đột kích một nhà hát ở Moscow, bắt giữ hàng trăm con tin, khiến 130 người thiệt mạng. Hai năm sau, những tay súng Chechnya đánh bom một ga tàu điện ngầm tại thủ đô của Nga, cướp đi sinh mạng 39 người.
Cũng vào năm 2004, các tay súng Chechnya bắt giữ hàng trăm học sinh làm con tin tại một ngôi trường ở Beslan, Bắc Ossetia-Alania. Sau nhiều ngày bao vây, Nga phải triển khai cả xe tăng. Vụ việc khiến 300 người thiệt mạng.
Chưa dừng lại, năm 2009, lực lượng ly khai Chechnya, dưới sự chỉ đạo từ Caucasus Emirate, một nhóm cực đoan Hồi giáo, đánh bom tự sát đường ray tàu cao tốc nỗi giữa St. Petersburg và Moscow, khiến 28 người chết. Caucasus Emirate còn nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công sân bay Domodedovo ở Moscow hồi năm 2011, khiến 37 người thiệt mạng.
Một nạn nhân bị thương trong vụ nổ tàu điện ngầm ở St. Petersburg được chuyển khỏi hiện trường. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, theo cây bút Peter Bergen và David Sterman từ CNN, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng có thể đứng sau vụ đánh bom tàu điện ngầm St. Petersburg. Nhóm này đã gây ra hàng loạt vụ khủng bố trên toàn cầu và từng tuyên bố chống lại Nga trong các video tuyên truyền.
IS căm thù Nga vì Moscow ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhóm tiến hành các cuộc tấn công nhắm tới Nga từ năm 2015, thời điểm Moscow mở chiến dịch can thiệp quân sự cuộc nội chiến Syria. Bên cạnh đó, IS còn đang không ngừng lôi kéo các chiến binh Chechnya, vốn mang tư tưởng cực đoan Hồi giáo sâu sắc.
Tháng 6/2015, IS tuyên bố thành lập một "tỉnh" tại vùng Caucasus thuộc Nga, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ khủng bố tiềm tàng tại khu vực. Thực tế, IS đã nhanh chóng mở những chiến dịch ở Caucasus. Tháng 9/2015, nhóm tuyên bố thực hiện cuộc tấn công đầu tiên, nhắm tới một doanh trại quân đội Nga ở miền nam Cộng hòa Dagestan.
Ba tháng sau, một tay súng được cho là phần tử cực đoan IS bắn chết 11 người và làm 11 người bị thương tại thành Derbent, một Di sản Thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận ở Dagestan. Đầu năm 2016, IS tiếp tục tấn công một trạm kiểm soát của cảnh sát, đồng thời hai lần đột kịch nhằm vào các binh sĩ Nga cũng tại Dagestan.
Đáng chú ý hơn cả, ngày 31/10/2015, IS đánh bom một máy bay chở khách Nga đang trong hành trình từ Sinai, Ai Cập, về St. Petersburg, khiến 224 người thiệt mạng. IS ăn mừng vụ tấn công trên cả tạp chí bằng tiếng Anh lẫn tạp chí bằng tiếng Nga của nhóm.
Tháng 8/2016, IS lần đầu tiên tiến hành vụ tấn công tại Nga nhưng bên ngoài vùng Caucasus, nhắm vào một địa điểm giao thông đông đúc gần Moscow. Cảnh sát đã tiêu diệt hai thủ phạm. IS sau đó đăng một video cho thấy những kẻ tấn công thề trung thành với thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi.
Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin ước tính số tay súng đã rời đất nước để đến chiến đấu cho IS tại Iraq và Syria rơi vào khoảng 5.000 đến 7.000 người.
Trong bối cảnh IS đang hứng chịu nhiều thất bại nặng nề trên chiến trường Iraq và Syria, việc các chiến binh thuộc tổ chức này tìm cách trở về Nga để gây ra những vụ tấn công khủng bố đẫm máu cũng là điều dễ hiểu, giới phân tích đánh giá.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nghi phạm vụ nổ tàu điện ngầm St. Petersburg mang quốc tịch Nga Cơ quan điều tra thành phố St. Petersburg xác định nghi phạm cho nổ trên tàu điện ngầm mang quốc tịch Nga và có liên hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế. Kẻ được cho là nghi phạm trong vụ đánh bom. Ảnh: RenTV. Nga hôm nay xác định danh tính nghi phạm trong vụ nổ tàu điện ngầm thành phố...