So đũa hương vị thật khó quên
Vị nhân nhẫn của bông, vị ngọt từ tép, hòa quyện với vị chua thanh của tô canh chua bông so đũa để lại cho người thưởng thức hương vị thật khó quên.
So đũa hay điền thanh hoa lớn (Sesbania grandiflora) thuộc chi Sesbania, họ đậu, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Đông Nam Á, được trồng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long. Là giống cây nhỏ, cao 3-5 m, thân có đường kính khoảng 25 cm và có thể sống đến 25 năm, nên so đũa có thể trồng thành bonsai. So đũa rất dẻo dai, có thể chịu lạnh rất tốt (âm 10 độ C). Bông so đũa màu trắng hoặc đỏ, mọc thành từng chùm 2-3 bông, được sử dụng như một loại rau trong ẩm thực của nhiều nước. Quả non và lá so đũa được người Sri Lanka dùng trong các món cà ri trắng.
Trong y học dân tộc Ấn Độ, so đũa với thành phần tăng lực, giàu calcium, sắt, phosphor và beta caroten, được sử dụng trong các bài thuốc trị các bệnh thông thường. Các loại nước sắc từ vỏ cây, lá, nhựa hay hoa đều có tác dụng chống tiêu chảy, làm sạch vết thương và vết loét nhầy nhụa, rối loạn chức năng gan. Gỗ so đũa có khả năng chống côn trùng tốt. Hạt hình quả thận, chứa nhiều a xít béo không bão hòa, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, hai sắc tố là agathin màu đỏ và xanthoagathin màu vàng trong bông so đũa, là những thành phần có tác dụng chống ô xy hóa cao. Ngoài ra, so đũa còn có các thành phần khác như vitamin nhóm B, C, kali, sắt, chất xơ, đường bột.
Video đang HOT
Bông so đũa có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, khi chế biến món ăn sẽ không có vị nhẫn nếu được lặt bỏ nhụy, đài và cuống. Tuy nhiên, vị nhẫn lại là nét đặc trưng của so đũa. Bông phải được hái vào buổi sáng sớm khi các cánh hoa còn tươi mơn mởn. Khi mua nên chọn cách hoa không bị dập. Bông so đũa có thể nấu canh chua với cá, tôm làm rau sống ăn kèm với các món lẩu, mắm trộn gỏi hay muối dưa.
Theo TNO
Ra Lý Sơn ăn cá tà ma
Đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngoài ngắm cảnh đẹp nơi biển đảo với nhiều di tích nổi tiếng, chúng ta còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon mà trong đất liền không dễ tìm thấy. Có thể kể đến một số món như: mực tươi, nhum biển, rau bồng bềnh, ốc, các loại cá - trong đó nổi tiếng ngon nhất là cá tà ma.
Tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy chứ không thể giải thích cặn kẽ được.
Người dân Lý Sơn luôn xem đây là món đặc sản quê hương dùng để mời khách (Ảnh: Tấn Trực)
Ăn cá tà ma tùy theo mùa. Để hợp khẩu vị, mùa đông người dân ở đây thường dùng món nướng. Mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo. Hôm đó, buổi chiều vừa ngấp nghé, trời còn nóng nên chúng tôi chọn dùng món cá tà ma nấu canh chua lá dang. Cá được làm sạch, nạo bỏ hết vảy, cắt thành từng khúc sắp nguyên hình lên đĩa. Lá giang chọn sẵn phần non một đĩa to, một nồi nước đun sôi trên bếp ga mini, có nhiều gia vị đính kèm như thơm (dứa), me, một chén muối ớt...
Khi nước trên bàn đã sôi, thả cá vào nồi đậy nắp lại, đợi khoảng 5 phút nước sôi đều rồi mở nắp, vò lá giang đã chuẩn bị bỏ vào. Mười phút sau, khi cá đã chín, nêm thêm các gia vị đã chuẩn bị sẵn, là đã có một nồi canh chua ngon lành bốc khói.
Canh chua cá tà ma tỏa mùi thơm dịu. Hương cá hòa quyện hương lá dang theo làn gió nồm bay khắp quán làm những khách bàn bên cũng nôn nao dạ dày. Thịt cá chín chuyển từ màu trắng đỏ sang màu trắng, săn chắc, trên nồi nước có những váng mỡ cá liu riu...
Ăn cá tà ma ta cảm nhận được cái dai, ngọt của thịt cá. Đặc biệt phần lườn được xem là chỗ ngon hiếm, ai cũng tranh thủ gắp một ít để thưởng thức vị béo rất riêng. Có thể ăn cá tà ma nóng hôi hổi trên bếp, vừa thổi vừa ăn, vừa húp cũng có thể gắp phần thịt cá để ra riêng một cái đĩa dầm nước mắm cá cơm nguyên chất cho thấm rồi ăn, sẽ đậm đà hơn. Ngoài ra, canh chua cá tà ma có thể ăn kèm với bún tươi thay cơm. Thịt cá tươi thơm ngon nên nước canh chua cũng không kém phần hấp dẫn.
Với du khách, những người được ăn cá tà ma đều xem là một thức ngon, không đụng hàng với bất kỳ loại cá nào trong đất liền. Với người dân Lý Sơn, họ luôn xem đây là món đặc sản quê hương dùng để mời khách, nhất là lâu lâu có dịp bạn bè thân thiết đến đảo.
Theo ihay
Canh chua - quen mà lạ Canh chua - món ăn không lạ mà ai cũng đã từng nếm qua, nhưng cách nấu mỗi vùng mỗi khác. Bạn hãy thử đổi món canh chua thường ăn bằng một món canh chua của miền khác để cảm nhận hương vị "lạ mà quen" này. Người miền Bắc thường nấu canh chua với gia vị lên men tự nhiên như giấm...