Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 7 giảm 22,8%
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ở một số tỉnh và thành phố thực hiện giãn sách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Người dân đến làm thủ tục tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh minh họa: Mạnh Khánh/TTXVN
Trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122.800 tỷ đồng và số lao động đăng ký 71.200 người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 7, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng trước; 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,1%; 3.932 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,9%; 1.442 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 24,9%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555.500 lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Video đang HOT
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.366,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27.600 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, còn có 29.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105.400 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 7 tháng năm nay, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, vừa qua, tại văn bản 5197/VPCP-KTTH ngày 30/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về sự cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, dự báo diễn biến của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay… giúp các doanh nghiệp vượt khó.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, để tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm từ 3 – 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh…
Nỗ lực thực hiện kế hoạch thành lập doanh nghiệp mới
Những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Với những mục tiêu, kế hoạch đặt ra về chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp (DN), các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích thành lập DN mới.
Sản xuất lông mi giả xuất khẩu tại Công ty TNHH BSJ, xã Lương Ngoại (Bá Thước).
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật trong việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký DN và quy định "4 tăng, 2 giảm, 3 không" trong giải quyết thủ tục hành chính. 100% hồ sơ đăng ký DN được cấp đúng và trước thời hạn quy định. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Phòng Đăng ký kinh doanh đã hỗ trợ, khuyến khích người dân, DN sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi đăng ký thành lập DN, qua đó góp phần giải quyết khó khăn cho người dân, DN khi thực hiện thủ tục hành chính. Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực thành lập và hoạt động của DN đạt 82,56%, đứng thứ 11 của cả nước, tăng 32,6% so với cùng kỳ.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập được 1.163 DN mới, tăng 3,7% so với cùng kỳ; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 15.636,4 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn điều lệ đăng ký bình quân/DN đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 1,8 tỷ đồng/DN so với cùng kỳ. Thanh Hóa vẫn duy trì là địa phương có số DN đăng ký thành lập mới luôn đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 7 của cả nước. Cùng với các DN mới đi vào hoạt động năm 2021, đã đưa tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 18.073 DN, tăng 788 DN so với năm 2020, phản ánh khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều địa phương hiện đã đạt và vượt trên 50% chỉ tiêu thành lập DN trong kế hoạch năm.
Năm 2021, huyện Yên Định xây dựng kế hoạch thành lập 70 DN mới. Để thực hiện mục tiêu này, trong công tác chỉ đạo, UBND huyện Yên Định đã ban hành nhiều văn bản, các cơ chế, chính sách phát triển DN. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương và chính sách, pháp luật đề phát triển DN được địa phương quan tâm triển khai qua các kênh thông tin. Qua đó, góp phần giúp các hộ kinh doanh, các đối tượng khởi nghiệp nắm bắt tinh thần và các chủ trương, chính sách trong phát triển DN. Địa phương cũng tích cực hoàn thiện các mặt bằng sản xuất, như: Đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp phía Tây Bắc thị trấn Quán Lào, Cụm công nghiệp làng nghề đá Yên Lâm...; tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các vị trí quy hoạch đất sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ tại các xã, thị trấn nhằm thu hút DN, hộ kinh doanh vào thuê mặt bằng. Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thuê đất sản xuất. 6 tháng đầu năm, huyện Yên Định thành lập được 44 DN mới, đạt 62,9% kế hoạch năm và tăng 76% so với cùng kỳ. Đây là một kết quả khả quan trong bối cảnh hoạt động sản xuất, đầu tư gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Tại huyện Thọ Xuân, đây là địa phương cấp huyện luôn hoàn thành cao kế hoạch và về đích trước mục tiêu phát triển DN hàng năm. Được biết, ngoài các giải pháp triển khai chung như tuyên truyền, vận động, rà soát hộ cá thể phát triển DN, huyện Thọ Xuân còn phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị để phát hiện các nhân tố, nuôi dưỡng thành lập DN. 6 tháng đầu năm, huyện Thọ Xuân thành lập được 97 DN mới, đạt 64,7% kế hoạch và tăng 18,3% so với cùng kỳ. Huyện Thọ Xuân đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp từ huyện tới cơ sở để hoàn thành mục tiêu thành lập 150 DN mới trong năm nay.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác phát triển DN mới trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng như ở thời điểm hiện tại vẫn còn một số hạn chế, như: Quy mô các DN thành lập mới còn nhỏ, tỷ lệ DN mới phát triển bền vững còn thấp, việc thành lập DN chưa cân đối về lĩnh vực ngành nghề, vùng, địa phương. Một số địa phương có tình trạng phát triển DN mới theo phong trào, thành tích khiến hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh của DN chưa cao. Trong 6 tháng đầu năm 2021, vẫn còn nhiều DN tạm ngừng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường, cụ thể như: 846 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,9% so với cùng kỳ; 75 DN giải thể, tăng 50% so với cùng kỳ.
Để tăng cường các hoạt động hỗ trợ, từng bước khắc phục hạn chế, khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu thành lập mới 3.000 DN năm 2021, hiện nay, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đề ra và văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về hỗ trợ, phát triển DN; trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 19-3-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh cho các DN nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa năm 2021. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển DN tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số theo Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26-3-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông; chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN nhỏ và vừa theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 9-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 5060/QĐ-UBND ngày 25-11-2020 của UBND tỉnh, nhằm giúp DN trên địa bàn tỉnh tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục rà soát, đánh giá, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ DN, bảo đảm nhanh gọn và thuận lợi cho nhà đầu tư; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, DN.
Để phát triển DN đạt kết quả cao và bền vững, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN tiếp cận được các nguồn lực về đất đai, tài chính, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi về các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi DN, cần sự vào cuộc, cải thiện đồng bộ của các sở, ngành, địa phương, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng để DN hoạt động có hiệu quả.
2,7 km đường làm 6 năm chơ vơ 3 trụ cầu: TP.HCM chấm dứt hợp đồng dự án BOT Sau 6 năm thi công, dự án dự án xây dựng tuyến đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 2,7km chỉ xong trụ móng. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa chấp thuận đề nghị của Sở GTVT TP.HCM về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh -...