Số ca tử vong vì mắc Covid-19 tại Pháp vượt mốc 20.000
Mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19 nhưng số ca tử vong tại Pháp vẫn tiếp tục tăng.
Trong ngày thứ Hai (20/4), Pháp ghi nhận thêm 547 ca tử vong liên quan dịch Covid-19. Số ca tử vong từ đầu mùa dịch đã là 20.265 ca. Một số tín hiệu tích cực vẫn là xu hướng giảm chậm nhưng giảm đều số lượng bệnh nhân trong bệnh viện và số ca bệnh nặng, trong các phòng hồi sức, cấp cứu.
Tính đến tối ngày 20/4, Pháp ghi nhận 5.683 ca bệnh nặng và 30.584 người phải nhập viện.
Tại Pháp, trong số hơn 20.000 người thiệt mạng vì Covid-19 kể từ ngày 1/3 đến nay, có tới gần 8.000 người cao tuổi hiện đang sinh hoạt trong các trung tâm y tế xã hội và trung tâm chăm sóc người cao tuổi phụ thuộc (Ehpad). (Ảnh: Le Monde).
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20/4, ông Jérôme Salomon, Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế – Bộ Y tế Pháp cho biết: “Nước Pháp đã vượt qua một cột mốc biểu tượng và đặc biệt đau thương, với hơn 20.000 ca tử vong. Bất chấp việc người dân Pháp tuân thủ tốt các biện pháp phong tỏa, giãn cách về con người, giãn cách xã hội và tất cả các biện pháp phòng ngừa, dịch bệnh này vẫn rất chết chóc. Vì vậy, tất cả chúng ta phải giữ cảnh giác, phải nhận thức được rằng các nỗ lực phải lâu dài và chúng ta không được bỏ cuộc”.
Đại diện Bộ Y tế Pháp thừa nhận, dịch Covid-19 là dịch bệnh chết chóc nhất, số ca tử vong vì Covid-19 vượt xa tất cả các dịch cúm từng xảy ra tại Pháp. Ngay cả đợt nắng nóng bất thường năm 2003, vốn gây ra cái chết của 19.000 người, cũng không nguy hiểm bằng dịch bệnh do virus Sars-CoV-2 gây ra.
Tại Pháp, trong số hơn 20.000 người thiệt mạng vì Covid-19 kể từ ngày 1/3 đến nay, có tới gần 8.000 người cao tuổi hiện đang sinh hoạt trong các trung tâm y tế xã hội và trung tâm chăm sóc người cao tuổi phụ thuộc (Ehpad). Đây là một con số đáng báo động.
Video đang HOT
Tại một Trung tâm chăm sóc người cao tuổi phụ thuộc ở tỉnh Meurthe-et-Moselle, phía Đông Bắc nước Pháp, chỉ trong vòng 2 tuần, đã có tới gần một nửa trong số 51 người cao tuổi đang sinh hoạt tại đây, tử vong vì dịch Covid-19. Phần lớn người cao tuổi và khoảng 1/3 đội ngũ nhân viên chăm sóc tại đây dương tính với virus Sars-CoV-2.
Trong khi đó, tại một trung tâm khác ở tỉnh Alpes-Maritimes, phía Đông Nam nước Pháp, sau khi nhiều gia đình có đơn kiện, cơ quan chức năng đang mở một cuộc điều tra về tội danh “vô ý gây chết người” và “không cứu người gặp nguy hiểm” sau khi 37 trong tổng số 109 người cao tuổi ở trung tâm này tử vong. Các cuộc điều tra đang diễn ra nhằm xác định có hay không việc đội ngũ nhân viên chăm sóc ở đây thiếu trách nhiệm, vi phạm các nguyên tắc an toàn dẫn đến cái chết của hàng chục người cao tuổi này.
Đại đa số những người cao tuổi thiệt mạng trong đại dịch Covid-19 tại các trung tâm y tế xã hội của Pháp đều không có cơ hội gặp người thân lần cuối cùng.
Trước tình trạng này, hôm Chủ Nhật vừa qua, trong số các chính sách quan trọng cho nước Pháp giai đoạn hậu phong tỏa, từ ngày 11/5, Thủ tướng nước này đã cho phép thiết lập lại trở lại quyền thăm nom của người dân Pháp đối với các thành viên gia đình đang được chăm sóc tại các trung tâm y tế xã hội này. Tuy nhiên, việc thăm nom sẽ được quy định chặt chẽ, với đầy đủ các biện pháp phòng ngừa và giãn cách cần thiết./.
Huỳnh Điệp
Hàn Quốc siết chặt quản lý du học sinh đến từ châu Âu
Bộ Giáo dục Hàn Quốc quyết định cho phép du học sinh các nước Nhật Bản, Pháp, Anh... không phải đến trường trong vòng 14 ngày.
Hiện tại, Bộ Giáo dục Hàn Quốc siết chặt quản lý và bảo đảm an toàn cho các em học sinh từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa tính Trung Quốc.
Ảnh minh họa: icd.edu.vn.
Từ ngày hôm qua (13/3), Bộ giáo dục Hàn Quốc đã mở rộng thêm quốc gia phải áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt trong việc thực hiện chính sách quản lý, bảo đảm cho du học sinh.
Trước đó, du học sinh đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ma Cao, Hong Kong (Trung Quốc), Italy, Iran là đối tượng phải làm thủ tục nhập cảnh đặc biệt. Từ ngày 15/3, du học sinh đến từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan...sẽ trở thành đối tượng trên khi nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Đây là biện pháp mạnh của Hàn Quốc khi bệnh dịch đang bùng phát gần như khó kiểm soát tại các nước Châu Âu.
Những du học sinh của các quốc gia trên khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, trong vòng 14 ngày không được đến trường và phải cách ly tại ký túc xá đã được bố trí.
Tất cả các du học sinh phải kiểm tra sức khỏe hàng ngày và thông báo bằng điện thoại đến trường học. Các trường đại học cũng để chuông báo giờ kiểm tra nhiệt độ cơ thể đối với sinh viên. Du học sinh cũng có thể liên lạc với các cơ sở y tế khi cần thiết.
Các du học sinh cũng sẽ phải kiểm tra lịch sử đi lại trước khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, ngay cả khi chưa phát hiện ra bệnh trạng. Bộ Giáo dục sẽ hợp tác với các trường Đại học để hướng dẫn cung cấp thông tin cho các em du học sinh.
Du học sinh thuộc đối tượng nhập cảnh đặc biệt nhiều nhất là Trung Quốc với 8.979 người. Nhiều thứ 2 là Nhật Bản với 4.392 người. Pháp có 1.442 em, Đức 814 em và Anh 295 em...
Trong bối cảnh trên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã thống nhất việc hợp tác nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Mặc dù Hàn Quốc là nơi bùng phát dịch bệnh chỉ sau Trung Quốc, nhưng cho đến nay tình hình dịch bệnh đã được cải thiện đáng kể, do đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ sự khâm phuc đối với thành quả công tác phòng chống dịch của Hàn Quốc và mong muốn Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm.
Tổng thống Moon Jae-in cam kết Hàn Quốc nỗ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm điều trị, nghiên cứu, phát triển vaccine trị virus SARS-CoV-2.
Theo số liệu mới nhất cho đến chiều nay, có 107 người nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm lên 8.086 người. Số người tử vong là 72 trong đó có 5 người mới. Như vậy, trong 3 ngày gần đây, số người nhiễm giảm duy trì ở mức trên 100 người./.
Bùi Hùng (VOV-Tokyo)
Hơn 5.400 người chết vì nCoV trên thế giới 138 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận Covid-19, hơn 145.000 ca nhiễm và hơn 5.400 ca tử vong, WHO tuyên bố châu Âu là tâm dịch. Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới, với 10.759 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 145.336, số người đã hồi phục là 70.921. Các ca...