Số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan có thể tăng gấp đôi sau 3 ngày
Thủ tướng Ba Lan cho biết số ca nhiễm trong ngày 8/10 tại nước này đã cao hơn 30% so với một ngày trước đó và nếu tình hình này tiếp diễn thì cứ sau 3 ngày, số ca nhiễm mới lại tăng gấp đôi.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Từ ngày 9/10 người dân Ba Lan sẽ phải đeo khẩu trang ở mọi không gian công cộng sau khi nước này ghi nhận có thêm 4.280 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong hai 24 giờ qua.
Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Phát biểu với báo giới ngày 8/10, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nêu rõ: “Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đã đến và chúng ta phải đương đầu với nó theo cách mang tính quyết định.”
Ông Morawiecki cho biết số ca nhiễm trong ngày 8/10 đã cao hơn 30% so với một ngày trước đó, và nếu tình hình này tiếp diễn thì có nghĩa là cứ sau 3 ngày, số ca nhiễm mới lại tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ba Lan khẳng định hiện chưa cần áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Từ ngày 9/10, 38 thành phố ở Ba Lan sẽ được coi là vùng đỏ, tức là sẽ triển khai các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với các sự kiện công cộng và các sự kiện gặp mặt trong gia đình.
Video đang HOT
Theo Bộ Y tế Ba Lan, đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 111.599 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.867 ca tử vong.
Cùng ngày, Áo thông báo số ca nhiễm mới trong ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại mặc dù nước này áp dụng các biện pháp phòng chống trong những tuần gần đây nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế Áo, nước này có thêm 1.209 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tháng 3 và 4 vừa qua, Áo đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Các biện pháp phòng chống dịch như bắt buộc đeo khẩu trang, siết chặt các hạn chế tổ chức các sự kiện đông người tại nơi công cộng, vốn đã được nới lỏng trong mùa Hè vừa qua.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bucharest, Romania. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tương tự, Romania cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua, với 3.130 ca nhiễm mới trong khi nước Hungary láng giềng lại có số ca tử vong tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, với 24 ca tử vong.
Tuần trước, Cộng hòa Séc và Slovakia, hai nước láng giềng khác của Áo, đều đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do số ca nhiễm tăng mạnh.
Còn tại Tây Ban Nha, chính quyền khu vực Madrid đã kêu gọi người dân không rời khỏi khu vực này bất chấp một tòa án ở Madrid đã ra phán quyết bác sắc lệnh của chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại đây.
Người đứng đầu chính quyền khu vực Madrid, Isabel Ayuso, nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi người dân không rời Madrid và tuân thủ mọi hướng dẫn y tế, nhất là trong vài ngày tới vì có kỳ nghỉ cuối tuần dài.”
Trước đó, tối 2/10, Chính phủ Tây Ban Nha đã áp đặt các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm người dân rời khỏi thủ đô Madrid và 9 thị trấn bao quanh trong vòng 14 ngày vì đây là những nơi có số ca lây nhiễm rất cao.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/10, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli tuyên bố, ông sẽ tự cách ly sau khi tiếp xúc với một trong những nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2./.
Vì sao Ba Lan ủng hộ phe đối lập Belarus?
Tờ Le Monde của Pháp nhận định, chính quyền Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ phe đối lập Belarus, ủng hộ nền dân chủ, kinh tế thị trường và quan hệ hợp tác giữa Belarus - phương Tây.
Theo Le Monde, mới đây, lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya đã có mặt ở Ba Lan và cuộc gặp này được tổ chức theo nghi thức của một chuyến thăm chính thức. Tình hình cho thấy rõ ràng Ba Lan muốn đứng đầu các quốc gia ủng hộ một "Belarus tự do". Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trong cuộc gặp với bà Tikhanovskaya đã hứa sẽ sớm đưa ra một kế hoạch kinh tế cho thấy châu Âu đang mở cửa cho Belarus.
Như vậy, Ba Lan đã khẳng định hình ảnh của mình là "không tốt" trong mắt các nhà chức trách Belarus. Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko liên tục nhấn mạnh các cuộc biểu tình đòi ông từ chức của dân chúng là một âm mưu của nước ngoài, đặc biệt là của người Ba Lan. Theo ông Lukashenko, Ba Lan muốn lấy lại các vùng biên giới của Belarus vốn thuộc về nước này từ năm 1919 đến năm 1939.
Bản thân Ba Lan bác bỏ mọi cáo buộc như vậy, nhưng đồng thời không che giấu các hoạt động ngoại giao theo hướng chống lại Belarus. Do đó, theo sáng kiến của Ba Lan, một cuộc họp bất thường của Hội đồng châu Âu đã được triệu tập, cuộc họp được cho là sẽ đưa ra câu trả lời cho người dân Belarus đối với những thay đổi. Ngoài ra, Ba Lan cũng tuyên bố sẽ tăng cường tài trợ cho các phương tiện truyền thông độc lập và những người dân là "nạn nhân của chế độ Belarus".
"Những hoạt động như vậy không phải là mới đối với Ba Lan. Năm 2006, sau các cuộc bầu cử và biểu tình ở Belarus, Ba Lan đã trao học bổng cho những sinh viên bị trục xuất khỏi các trường đại học Belarus vì lý do chính trị", Le Monde viết.
Biểu tình ở Belarus diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8. (Ảnh: RIA)
Theo các chuyên gia, kể từ năm 1991 Ba Lan đã có một sự đồng thuận chính trị nhất định liên quan đến chính sách hướng Đông. Và ngày nay mặc dù có sự phân cực của dư luận rất cao, nhưng chính quyền Ba Lan vẫn nhất trí ủng hộ phe đối lập Belarus. Kể từ những năm 1950 chính quyền Ba Lan đã ủng hộ nền độc lập của Belarus, Ukraine và Litva.
Trước đây, Ba Lan hứa hẹn với các nước láng giềng phía đông về dân chủ hóa, kinh tế thị trường và quan hệ hợp tác với phương Tây đây là tất cả những gì mà nước này có được sau khi Liên Xô sụp đổ. Ngay sau khi Ba Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), nước này đã trở thành nước ủng hộ việc mở rộng các tổ chức này sang phía đông. Ba Lan cũng đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, chẳng hạn như ở Ukraine.
Đồng thời, theo kinh nghiệm của Kiev, nơi mà sự lựa chọn của châu Âu phải trả giá bằng Crimea và cuộc xung đột ở Donbass, cho Ba Lan thấy rằng trong trường hợp có sự can thiệp của Nga, tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn cho toàn bộ khu vực so với nếu Tổng thống Lukashenko vẫn nắm quyền.
"Tuy nhiên, ngày nay uy tín của chính Ba Lan với tư cách là một nhà truyền giáo của nền dân chủ đã bị suy giảm. Do đó, các nước phương Tây sẽ không đáp lại lời kêu gọi của Ba Lan để có những hành động tích cực hơn đối với vấn đề Belarus", Le Monde nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki kêu gọi Nga ngay lập tức từ bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Belarus với lý do vi phạm luật pháp quốc tế và các vấn đề nhân quyền của người dân Belarus. Ba Lan cũng triệu tập đại sứ Belarus tại nước này để phản đối những cáo buộc vô căn cứ sau khi truyền thông Belarus thông tin Tổng thống Lukashenko đã cáo buộc Warsaw âm mưu chiếm lấy một phần đất nước nếu cuộc khủng hoảng Belarus trở nên tồi tệ đi.
Đồng thời, đài phát thanh Ba Lan dẫn lời Ngoại trưởng Zbigniew Rau khi nói về vai trò của Nga tại Belarus cho rằng, Moscow vừa muốn duy trì ảnh hưởng với Minsk, song cũng muốn cải thiện quan hệ với phương Tây. Đây là nghịch lý và đặt Nga vào tình huống rất khó khăn.
Ngoại trưởng Mỹ gặp Thủ tướng Ba Lan, ký thỏa thuận quốc phòng, bàn về Belarus Ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang ở thăm Warsaw đã thảo luận với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki về một thỏa thuận quốc phòng mới và sự ủng hộ của hai nước đối với người dân Belarus. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (giữa) cùng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak sau khi...