Số ca chết não hiến mô, tạng đạt mức kỷ lục
Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.
Chia sẻ tại chương trình Tập huấn về hiến mô, tạng từ người chết não vào chiều 15/11 do Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tổ chức, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 28 ca chết não hiến mô, tạng, tăng gấp đôi so với năm 2023. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Song so với thế giới, con số này còn quá ít ỏi. Trong khi các nước, hiến tạng từ người cho chết não là chủ yếu, thì ở Việt Nam, nguồn tạng hiến vẫn là từ người cho sống.
Trong 28 ca hiến tạng chết não có 26 ca tại 10 tỉnh, TP ở phía Bắc, 2 ca tại TP Hồ Chí Minh, còn 52 tỉnh trên toàn quốc không có ca nào hiến mô, tạng chết não. Đây là khoảng trống đòi hỏi công tác vận động hiến mô, tạng phải được đẩy mạnh trên toàn quốc, đặc biệt tăng cường các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện tham gia vào công tác vận động.
PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ tại buổi tập huấn.
Video đang HOT
TS.BS Phạm Gia Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, ghép tạng của Việt Nam đi sau thế giới 40 năm, nhưng đến nay kỹ thuật ghép tạng của nước ta đã tiếp cận được với thế giới. Tính từ tháng 6/1992 đến tháng 8/2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.089 ca ghép tạng, trong đó có 8.536 ca ghép từ người cho sống, chiếm 94%; 533 từ người cho chết não, chiếm 6%.
Theo GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, đến nay, Bệnh viện Việt Đức mới có trên 100 ca chết não hiến tạng, chủ yếu là chấn thương sọ não. Trong khi ở nước ngoài, người chết não hiến tạng chủ yếu là mắc các bệnh lý về não như đột quỵ, tai biến mạch máu não…Tại Việt Nam, chủ yếu người hiến tạng chết não là do chấn thương sọ não, các bệnh viện đa khoa chưa tập trung vào các ca đột quỵ chết não hiến tạng.
ThS Phạm Thị Đào, Phụ trách Phòng tư vấn điều phối ghép tạng, Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cho biết, Quảng Ninh nằm trong top 10 tỉnh có người chết não hiến tạng nhiều của cả nước. Đến nay, đã có 4 ca chết não là người Quảng Ninh hiến tạng. Một người chết não hiến tạng, có thể lấy được 20 mô, tạng cứu nhiều người bệnh hiểm nghèo.
Một ca ghép phổi từ người hiến chết não.
Theo đánh giá PGS.TS Đồng Văn Hệ, Quảng Ninh có lực lượng cấp cứu ngoại viện lớn, việc tổ chức lớp đào tạo cho các bác sĩ cấp cứu 115 nói riêng và bác sĩ các bệnh viện trong hệ thống y tế Quảng Ninh nói chung, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh sẽ làm tốt công tác vận động người chết não hiến mô, tạng cứu người.
Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, Sở Y tế đã giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Bãi Cháy thành lập hội đồng đánh giá chết não, cử bác sĩ của các bệnh viện này đi học tập về kỹ thuật ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi học xong, có thể sẽ tiếp tục học tập ở nước ngoài để về triển khai ghép tạng vào năm 2025.
“Quan trọng nhất là nguồn tạng ở đâu? Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chết não hiến mô, tạng. Để làm được điều này, việc quan trọng là phát hiện những người chết não tiềm năng để tổ tư vấn tiếp cận với người thân, gia đình của họ và vận động. Hy vọng sẽ có nhiều người chết não hiến tạng, bởi mỗi bệnh nhân chết não nếu hiến tạng có thể cứu sống từ 8-10 người”, BS Diện cho biết.
Nam công nhân chết não hiến tạng cứu 4 người
Sau 9 ngày anh S. điều trị đột quỵ không cải thiện, gia đình đã quyết định hiến tạng của anh để cứu 4 người bệnh khác.
Ngày 28/10, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây, đơn vị tiếp nhận trường hợp người bệnh L.T.S (SN 1988, nghề nghiệp công nhân lái xe máy xúc) đến viện trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện.
Tại bệnh viện, người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn tích cực. Sau cấp cứu, nhịp tim của người bệnh đập trở lại, tái lập được tuần hoàn tự nhiên nhưng vẫn hôn mê sâu. Người bệnh được chuyển sang Trung tâm Đột quỵ và chụp mạch não, chẩn đoán là hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện do chảy máu dưới nhện lan tỏa mức độ nặng (Hunt Hess V) nghi ngờ do vỡ dị dạng mạch não.
Nam bệnh nhân được can thiệp nút tắc túi phình cấp cứu bằng Coils. Sau can thiệp, người bệnh vẫn hôn mê sâu, sốt cao liên tục, không đáp ứng với điều trị.
Ê kíp bác sĩ thực hiện lấy tạng người hiến chuyển cho người nhận. (Ảnh: BVCC)
Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực hồi sức tích cực nhưng tình trạng người bệnh không cải thiện, hôn mê sâu dần, mất các phản xạ và có nguy cơ chết não.
Qua nhiều cuộc hội chẩn toàn viện, với nhận định người bệnh có nguy cơ cao chết não, bệnh viện giải thích về tiên lượng người bệnh với gia đình, trao đổi với gia đình người bệnh về chương trình hiến mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia.
Gia đình người bệnh thấu hiểu những lời chia sẻ của các y bác sĩ, nhân viên y tế nên đã bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng người thân bị chết não để cứu người, mang lại sự sống cho những người khác.
Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, người bệnh đã được đánh giá chết não theo đúng quy trình nghiêm ngặt của pháp luật. Hội đồng đã họp và đánh giá 3 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ, từng từng dấu hiệu, từng triệu chứng, thông số lâm sàng, cận lâm sàng được hội đồng chẩn đoán chết não đánh giá xem xét hết sức cẩn trọng.
Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế đã phối hợp phẫu thuật lấy tạng để của người bệnh để chuyển cho người nhận.
Trái tim người bệnh được vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để ghép tim cho một người bệnh suy tim, gan được vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 để ghép cho người bệnh suy gan, 2 thận được các bác sĩ triển khai ghép ngay tại Bệnh viện Bạch Mai cho 2 người bệnh suy thận giai đoạn cuối.
BV Việt Đức thông tin về ca ghép đồng thời tim - gan lần đầu tiên tại Việt Nam Đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng. Vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện ca ghép đồng thời tim - gan cho bệnh nhân suy tim...