Smartphone tầm thấp đua giá cạnh tranh
HTC vừa giảm Explorer, đưa mẫu smartphone gia nhập nhóm dưới 5 triệu. Đây là phân khúc di động đang có sự cạnh tranh quyết liệt từ nhà sản xuất lớn đến hãng nhỏ.
Explorer, mẫu smartphone vừa giảm giá một triệu đồng. Ảnh: Quốc Huy.
HTC là tên tuổi vốn định giá thiết bị của mình cao hơn các đối thủ. Tuy vậy, chiếc Explorer vừa hạ từ 5,7 xuống 4,7 triệu đồng, ngang bằng với các model của LG như Optimus One, bản Net hai sim hay điện thoại Nokia 500. Trước đó, hãng này liên tiếp có những buổi bán hàng giảm giá dành cho những người xếp hàng.
Smartphone dưới 5 triệu đồng bắt đầu xuất hiện hơn một năm trước và nở rộ từ cuối 2011. Lần lượt từ các nhà sản xuất lớn như Nokia, Samsung, LG, Sony Ericsson đến thương hiệu nhỏ như Acer, ZTE và cả hàng nội của Q-mobile, FPT cũng gia nhập cuộc đua. Sự xuất hiện của hệ điều hành Android là nhân tố chính khiến nhóm này sôi động. Ngoại trừ Nokia, phần lớn trong số 30 thiết bị đang bán đều sử dụng nền tảng Google.
Không chỉ HTC, nhiều nhà sản xuất liên tục hạ giá, đưa thiết bị tầm trung xuống nhóm thấp. LG là một trong số các hãng có nhiều sản phẩm nằm trong phân khúc đó (một loạt model như Me, Pro hay Optimus One từng thành công trước đó liên tục được giảm giá).
Video đang HOT
“Ngôi sao” ở nhóm này là Galaxy Y. Bắt đầu bán từ tháng 10/2011, với cấu hình tốt và kiểu dáng gọn, máy bán chạy nhờ chỉ có 3,4 triệu đồng, rẻ nhất trong số các điện thoại Android từ những hãng lớn. Trước Tết, LG hạ Optimus Me xuống 3,2 triệu đồng và Samsung lập tức đưa sản phẩm của mình ngang bằng. Ngoài ra, họ còn có thêm một phiên bản khác với giá cũ, nhưng khuyến mãi nhiều vỏ màu.
Theo ông Ngô Trường Sinh, chủ cửa hàng Nam Thành (quận 11, TP HCM), điện thoại thông minh giá thấp sẽ tiếp tục rẻ và đa dạng hơn trong năm nay. Theo lịch trình, Samsung sẽ mở rộng thêm các model hai sim và đưa mức giá xuống 2 triệu. Trong khi đó, Nokia đã nâng tốc độ lên 1 GHz và đồng loạt giới thiệu smartphone trong thời gian tới.
Ngoài các hãng lớn, ông Sinh cho rằng, nhiều thương hiệu đến từ Trung Quốc như ZTE, Huawei… sẽ tung ra nhiều máy giá tốt, nhưng có cấu hình ngang bằng với sản phẩm cao cấp. Trong khi đó, thương hiệu Việt như Q-mobile, FPT vẫn chưa có lộ trình ra máy tiếp theo.
“Mức giá smartphone tầm thấp sẽ quyết định tới sự thành công của sản phẩm”, Võ Huy Biên, quản lý một cửa hàng di động trên đường Hai Bà Trưng, TP HCM nhận định. Theo anh Biên, Samsung đã bán tốt chiếc Galaxy Y nhờ cạnh tranh hơn các đối thủ. Động thái hạ giá liên tục của Sony Ericsson, LG hay Nokia gần đây cũng cho thấy, các thiết bị tầm này sẽ còn rẻ hơn nữa. “Smartphone chạy Android đầy đủ kết nối sẽ về mức 2 triệu trong năm nay”, anh Biên nói.
Thị trường di động đang bước vào mùa “ngủ đông” sau Tết. Giới kinh doanh điện thoại cho rằng, khủng hoảng kinh tế khiến người dùng thắt chặt hầu bao hơn trong việc mua sắm đồ công nghệ. Các sản phẩm giá rẻ sẽ được ưu tiên hơn, theo đó, di động phổ thông hay smartphone giá thấp sẽ phát triển mạnh.
Theo VNExpress
Điện thoại thương hiệu Việt: Nhiều hãng phải rời cuộc chơi
Nhiều hãng điện thoại thương hiệu Việt dù có giá bán rẻ nhưng có thể sẽ phải ngừng hoạt động do sự cạnh tranh khốc liệt trong năm 2012.
Theo nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC, các sản phẩm điện thoại di động thương hiệu Việt khó có khả năng bứt phá về thị phần trong năm 2012. Cơ sở để IDC đưa ra nhận định trên được ông Võ Thanh, chuyên gia phân tích thị trường của IDC lí giải là do các hãng điện thoại nước ngoài như Nokia, Samsung và LG vẫn tiếp tục duy trì sự thống trị trong phân khúc điện thoại cơ bản.
"Việc duy trì sự thống trị trên thị trường điện thoại giá rẻ của các thương hiệu lớn, đặc biệt là Nokia, sẽ không chỉ tạo khó khăn cho các hãng điện thoại thương hiệu Việt, mà còn cả điện thoại thương hiệu Trung Quốc", ông Thanh nói và nhận định, cuộc chơi trên thị trường điện thoại di động ngày càng khó khăn, buộc các hãng điện thoại thương hiệu Việt cần có chiến lược dài hạn trong quảng bá xây dựng thương hiệu, chất lượng và chính sách hậu mãi nếu không muốn sớm bị loại khỏi cuộc đua này.
Các thương hiệu điện thoại Việt vẫn chọn phân khúc điện thoại cơ bản là mảng kinh doanh chủ đạo để cạnh tranh trong năm 2012.
Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Giang Vinh, Giám đốc HiPT Mobile (chủ sở hữu thương hiệu điện thoại di động Hi-Mobile) cho rằng, năm 2012 là năm tương đối khó khăn với các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt, thậm chí khả năng một số hãng điện thoại thương hiệu Việt phải ngừng kinh doanh là rất cao. Nguyên nhân được ông Vinh đưa ra là do, năm 2011, có quá nhiều doanh nghiệp Việt nhảy vào sản xuất điện thoại, vì cho rằng, thị trường này vẫn còn màu mỡ như giai đoạn 2009-2010. "Nửa cuối năm 2012, thị trường sẽ có sự cân đối lại và điện thoại thương hiệu Việt còn trụ lại trên thị trường sẽ chỉ còn dưới 10 thương hiệu", ông Vinh nhận định.
Theo số liệu thống kê của IDC, số lượng điện thoại thương hiệu Việt trong năm 2011 tăng không đáng kể và thị phần bắt đầu sụt giảm, do phải cạnh tranh gay gắt với các hãng điện thoại nước ngoài. Năm 2011, tổng thị phần của các hãng điện thoại thương hiệu Việt chiếm 21%, trong khi con số này của năm 2010 là 24%.
Ngoài việc phải cạnh tranh cạnh tranh khốc liệt với Samsung, Nokia, LG ở phân khúc điện thoại cơ bản, năm 2012, điện thoại thương hiệu Việt cũng khó tạo đột phá ở phân khúc điện thoại thông minh, phân khúc điện thoại được IDC dự báo sẽ tăng trưởng trên 40% do giá ngày càng giảm.
Trong năm 2011, một số hãng điện thoại của Việt Nam như Q-Mobile, FPT đã tung ra nhiều dòng điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android với mức giá dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức giá cạnh tranh với các hãng điện thoại nước ngoài hiện có mặt tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Vinh, trong năm 2012, HiPT sẽ tung ra một số dòng điện thoại thông minh, nhưng phân khúc điện thoại cơ bản vẫn là mảng kinh doanh chủ đạo của Công ty. Lí do được ông Vinh đưa ra là, với cùng một mức tiền, người tiêu dùng vẫn chuộng những dòng điện thoại thông minh thương hiệu ngoại hơn.
Dù vậy, theo nhận định chung, năm 2012, thị trường điện thoại thương hiệu Việt sẽ tạo được dấu ấn lớn khi Viettel tung ra thị trường những dòng điện thoại thương hiệu Việt theo đúng nghĩa là được sản xuất từ "A đến Z" (hiện các dòng điện thoại thương hiệu Việt đều được đặt hàng gia công tại Trung Quốc rồi nhập về bán tại Việt Nam). Trung tâm sản xuất thiết bị đầu cuối của Viettel được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2011 với công suất thiết kế 5 triệu USB 3G/năm, hoặc 3 triệu điện thoại di động/năm, hoặc 900.000 máy tính/năm. Trước đó, Viettel cũng đã đạt được thỏa thuận với Qualcomm trong việc hợp tác từ khâu nghiên cứu đến sản xuất thiết bị đầu cuối dựa trên một số công nghệ và chipset của Qualcomm.
Theo ICTnew
Thương hiệu Việt đua nhau tung ra điện thoại cảm ứng giá rẻ Sau trào lưu hai sim và kiểu dáng giống BlackBerry, các hãng di động Việt Nam rầm rộ giới thiệu các mẫu di động cảm ứng trên dưới một triệu đồng. FPT vừa trình làng loạt di động cảm ứng mới, trong đó, B990 là thiết bị đáng chú ý nhất của họ. Model này có giá dưới 2 triệu, hỗ trợ Wi-Fi,...