SLNA tiết lộ lý do không thể giảm lương cầu thủ lúc này
Dịch Covid-19 kéo dài đang khiến cho nhiều đội bóng tại V-League buộc phải cắt giảm lương cầu thủ để đối phó với những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên cũng có những đội bóng ‘mạnh về tài chính’ như Hà Nội, Viettel đứng ngoài chuyện này.
CLB SLNA không muốn cắt giảm lương cầu thủ trong mùa dịch Covid-19
Dù không phải một CLB giàu có hay có ‘người chống lưng’ song CLB SLNA cũng cho biết không có kế hoạch cắt giảm lương cầu thủ ở thời điểm này. Chia sẻ trên báo Thanh Niên, ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành CLB SLNA đã cho hay: “Đúng là SLNA sẽ không giảm lương, cũng không tính đến chuyện giảm nếu giải hoãn dài. Vì nếu giảm nữa thì cầu thủ sống bằng gì?
Nói thật là lương cầu thủ SLNA rất thấp, bình quân chỉ 8 – 10 triệu đồng/tháng. 2/3 số cầu thủ trong đội hưởng mức thấp. Chỉ số ít được hưởng mức cao, mà gọi là cao so với đội chứ cũng không thấm tháp gì so với các đội khác. Ví dụ như Phan Văn Đức được khoảng 20 triệu đồng/tháng. SLNA là CLB nghèo, tính giảm nữa thì khổ cầu thủ lắm, không đành lòng”.
Có cùng suy nghĩ như trên, ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng cũng khẳng định BLĐ đội bóng sẽ không giảm lương cầu thủ khi mà lương của anh em cầu thủ cũng khá thấp. Chuyện cắt giảm lương sẽ không giúp đội bóng tiết kiệm được bao nhiêu, mà còn tạo ra áp lực cho các cầu thủ.
Bên cạnh các đội bóng trên, lãnh đạo các CLB Becamex Bình Dương, Quảng Ninh hay HAGL cũng khẳng định không giảm lương cầu thủ lúc này. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các cầu thủ có thể ổn định về tinh thần để tiếp tục tập luyện, chờ ngày giải đấu V-League 2020 quay trở lại.
Minh Long
LS V-League 2020: Đá hay dừng cần phải có sự thống nhất
Cái mốc hoãn đến tháng 3 của LS V-League 2020 đã gần chạm nhưng mọi thứ không hề suôn sẻ để bóng tiếp tục lăn.
Khả năng sẽ có hoãn tiếp để chờ, chứ khó có thể đá vào tháng 4 ngay được. Hay nói cách khác, có tính toán, đặt ra phương án cùng những ý tưởng gì đi chăng nữa cho giải đấu vẫn phải "chạy theo dịch" chứ không phải muốn là được.
Một trong những phương án được đưa ra gần đây là LS V-League 2020 sẽ được tổ chức tập trung ở địa điểm cụ thể cùng thời gian nhất định nào đó. Có nghĩa khi tổ chức như thế, sẽ hạn chế việc đi lại, nhất là bằng máy bay, cho các đội. Một cụm sân trong không gian hẹp cho các trận đấu diễn ra thay vì sân nhà - sân khách như bình thường. Lịch thi đấu cũng sẽ căn chỉnh cho phù hợp. Nói vui, giống như bóng đá nước nhà tổ chức 1 kỳ "World Cup" thu nhỏ.
Không phải không có lý khi cơ quan điều hành giải đấu đưa ra ý tưởng như thế. Hạn chế khâu đi lại, bó gọn việc tiếp xúc, đá không khán giả, tiết chế thấp nhất kinh phí ăn ở, tập luyện mà bóng vẫn lăn, cầu thủ được ra sân và giải đấu hoàn thành tiến độ.
Đó là những điều chúng ta đang nghĩ đến, rất muốn thành hiện thực trên cái nhìn được cho là tích cực. Nhưng cái nhìn đó mới chỉ đơn thuần xuất phát từ ý chí chủ quan của VFF hay VPF, trong khi, chủ thể chính làm nên giải đấu lại là các CLB.
Nếu muốn đá nhanh, xong sớm còn lo việc khác, chắc cũng dễ hiểu đối với phương án đó. Ngược lại, nếu nhìn trên góc cạnh từ mỗi CLB, từ nhà tài trợ, đơn vị khai thác hình ảnh, giá trị thương mại hay quyền lợi chính đáng của người xem sẽ lộ ra nhiều bất cập. Khi đó, có thể các đội sẽ đá với tần suất dày lên theo kiểu "dồn toa" chứ không phải mỗi tuần 1 trận như bây giờ.
Sức lực và thể trạng khó mà đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Rồi liệu các đơn vị tài trợ sẽ phản ảnh thế nào khi giá trị thương mại, tiếp thị, khai thác hình ảnh của họ không ở mức được quảng bá cao nhất. Đương nhiên, đá như thế, bóng đá không khán giả, không đến với công chúng rộng rãi và bóng đá cô đơn.
Quan trọng hơn và cũng đáng lo hơn, liệu đá tập trung như thế, ai dám chắc sẽ tránh được dịch bệnh, bởi yếu tố lây lan của dịch bệnh không chỉ nằm ở chỗ, tập trung hay rải rác, xa hay gần, di chuyển hay không di chuyển mà nằm vào khả năng kiểm soát và quản lý. Mà hạn chế tập trung đông người một chỗ lại chính là khuyến cáo của ngành y tế cùng cơ quan chức năng.
Dù LS V-League 2020 sắp tới có thi đấu trở lại theo phương thức nào thì cũng cần tới sự nhất trí cao độ giữa VFF, VPF và các đội bóng. Ảnh: Hoàng Linh
Nói vậy để thấy những phương án của chúng ta không chỉ là ý chí chủ quan của 1 bên nào đó, cho dù ý tưởng đó muốn mọi việc được suôn sẻ. Vậy nên, điều cần nhất vào lúc này, các bên nên cùng ngồi lại với nhau, đặt lên bàn để thảo luận xét nét kỹ càng hết mọi câu chuyện, tính toán nát nước hết các phương án. Quan trọng vẫn vẫn là tìm được tiếng nói chung trong sự thống nhất cao độ.
"Tất nhiên việc phải dồn vào một chỗ, đá tập trung cũng là chuyện chẳng đặng đừng trong bối cảnh này", Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ thổ lộ, "bản thân tôi cũng đã có liên hệ với VFF, VPF để cùng nhau trao đổi một số phương án có thể giúp LS V-League 2020 vẫn diễn ra mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hôm qua, tôi có ý kiến nên tập trung các đội V-League về phía Bắc thi đấu 3, 4 ngày 1 trận để kết thúc giải. Và để thực hiện việc phòng chống Covid-19 thì mỗi trận để không quá 100 người trên sân. Tôi nghĩ làm thế vẫn an toàn.
Còn giải hạng Nhất nên tập trung vào miền Nam bởi trong đó có nhiều đội và cũng thi đấu không có khán giả. Tất nhiên, việc đá không khán giả thiệt thòi cho CLB, hạn chế động lực thi đấu.
Nhưng hoàn cảnh thế này phải chia sẻ thôi. Mình không thể làm khác được. Mình cần có sáng kiến để giải đấu vẫn về đích và vẫn đảm bảo được việc chống dịch Covid-19.
Tôi nghĩ không nên hoãn V-League quá lâu. Nên tổ chức thế nào cho hài hòa mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ của giải".
Trong khi đó, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cho biết ông đã cùng một số lãnh đạo đội bóng có chuyện trò cùng nhau về cách thức tổ chức giải. Cơ bản các ý kiến đều xoay quanh chuyện tiếp tục tổ chức với sân không khán giả như đã từng tiến hành trong 2 vòng đầu.
Cũng có đội bóng hiến kế là đá tập trung từng cụm ở một địa điểm như cách thức tổ chức vòng loại U19 QG. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng chỉ đá xác định ngôi vô địch và không có lên xuống hạng.
Dù các bên đã chia sẻ với nhau nhiều điều như thế, nhưng theo ông Bùi Xuân Hòa, phương án nào cũng đối diện với nhiều bất cập. Như với phương án tiếp tục đá không có khán giả, các đội bóng vẫn phải di chuyển bằng máy bay, ăn ở khách sạn là những nơi có khả năng nhiễm Covid-19 cao.
Trong khi đó, tập trung đá một địa điểm lại làm mất đi hình ảnh của giải đấu và cũng không khả thi. Với ý tưởng đá không lên xuống hạng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đội hạng Nhất, mất đi tính cạnh tranh của V-League và có thể dẫn đến tiêu cực.
"Dịch bệnh khống chế được mới tổ chức", Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng khẳng định như thế khi nói về những phương án cho việc tổ chức LS V-League 2020 trong thời gian sắp tới.
Ông Thắng nói: "CLB TP. HCM chưa nhận được văn bản chính thức, nên chưa thể nói trước được điều gì lúc này. Tôi nghĩ, dịch Covid-19 đang căng thẳng, ai dám đứng ra tổ chức, nếu có chuyện gì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
Bây giờ dịch đang diễn biến phức tạp, chưa có vắc xin để chữa trị, ai dám tổ chức hay lo nghĩ đến vấn đề gì ngoài phòng chữa bệnh. Điều quan trọng nhất lúc này để dịch bệnh có thể khống chế được, mọi thứ mới tính tiếp được".
LS V-League 2020 không thể đá 2 vòng rồi bỏ, đá không khán giả, đá tập trung, đá dồn toa rồi đá mà không đội nào phải xuống hạng hay chưa cần vội vàng, cứ chờ khi nào an toàn mới đá. Đấy là tổng thể ý kiến được 3 bên 4 bề đưa ra ra cho số phận của LS V-League 2020. Trong tuần này, VPF sẽ có buổi làm việc với các CLB cho tường tận mọi vấn đề. Hy vọng đến lúc đó, sẽ có quyết định hợp lý nhất trong các quyết định, hay nói cách khác, đó là lựa chọn tối ưu trong sự thống nhất.
Còn không, nếu mọi thứ chưa thể yên ổn, cứ chờ hết dịch rồi hẳn đá, bởi lúc này, suy cho cùng, an toàn là tiên quyết với yêu cầu "Hãy ngồi yên khi Tổ quốc cần".
Trần Tuấn
Con đường quan lộ của 'cậu bé vàng' Văn Quyến: Sau nước mắt là nụ cười! Giám đốc điều hành CLB SLNA Hồ Văn Chiêm thốt lên: 'Làm việc với Văn Quyến vui lắm, thích lắm, không có khi mô mà buồn. Quyến tận tâm với nghề mà tính cách lại hòa đồng nên các buổi tập có Quyến toàn tiếng cười'. 'Cậu bé vàng' Văn Quyến ngày nào đang hết lòng vì bóng đá trẻ xứ Nghệ -...