SJC mua vàng, hẹn trả tiền sau… 1 tuần hoặc nộp phí
Nhân viên SJC cho biết từ ngày 13/1 tiếp tục mua vàng miếng một seri nhưng kèm điều kiện: Khách hàng phải chờ 1 tuần mới được nhận tiền…
Nhân viên SJC cho biết từ ngày 13/1 tiếp tục mua vàng miếng một seri nhưng kèm điều kiện: Khách hàng phải chờ 1 tuần mới được nhận tiền, hoặc chịu thiệt 240 ngàn đồng/lượng.
Ngày 13/1/2016, nhóm PV trong vai khách hàng tìm đến chi nhánh của Công ty SJC miền Bắc tại Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) để mong bán được vàng miếng SJC một seri.
Tại đây, nhân viên khu giao dịch vàng miếng của SJC thông tin rằng các chi nhánh của công ty bắt đầu mua lại vàng miếng một seri từ ngày 13/1. Ngoài ra, giá vàng miếng SJC một seri không móp méo, cong vênh vẫn được thu mua như giá hiện tại. Vàng miếng không đạt thì mới trừ tiền.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý theo nhân viên thu mua vàng của SJC là SJC chỉ trả tiền ngay với những giao dịch ít như 1 hoặc 2 lượng. “Nếu nhiều thì phải hẹn một tuần sau mới lấy được tiền vì vàng phải mang về công ty dập lại, bán lại thì mới có tiền. Còn ở đây không có tiền. Nếu khách lẻ bán 1, 2 lượng thì mới giải quyết được”, một nhân viên SJC cho biết.
Như vậy, nếu khách hàng giao dịch vàng miếng số lượng lớn (trên 2 lượng) tại SJC thì sẽ được nhận giấy hẹn 1 tuần sau quay lại lấy tiền. Khi PV hỏi thời gian lấy tiền sớm nhất là một tuần thì nhận được câu trả lời “đúng một tuần nhé, không có sớm nhất gì hết”.
Phản ánh việc thu mua vàng bất hợp lí trên tại chi nhánh của Công ty SJC miền Bắc tại Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) với phòng kinh doanh vàng của Tổng công ty SJC tại TP.HCM, một nữ nhân viên phụ trách Phòng cho biết: “Sẽ tiếp nhận và xác minh thông tin và nửa tiếng sau sẽ phản hồi lại cơ quan báo chí”…
Sáng 14/1, phóng viên Báo Giao thông tiếp tục có cuộc trao đổi về sự việc diễn ra tại Công ty SJC miền Bắc tại Giang Văn Minh ngày 13/1 với bà Lê Thúy Hằng – Giám đốc Công ty SJC miền Bắc, bà Hằng cho biết: SJC miền Bắc thực hiện thu mua vàng theo đúng quy định của Nhà nước, chỉ thu 140.000 đồng/lượng đối với loại vàng một seri không đảm bảo chất lượng, bị móp méo, cong vênh.
Đồng thời, bà Hằng cho rằng do nhân viên bán hàng mới đến làm việc đã không nắm được chính sách của công ty, phát ngôn của nhân viên là không chính xác và đã có hình thức xử lí, yêu cầu các nhân viên trên nghỉ việc, viết tường trình (?).
Mất 1 triệu đồng/lượng
Video đang HOT
Vài ngày gần đây, nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội từ chối mua vàng miếng SJC một seri. Lý do mà các cửa hàng vàng đưa ra là nếu thu mua loại vàng miếng trên thì không biết bán đi đâu vì SJC ngừng mua vào.
Để xác minh thông tin trên, nhóm PV Báo Giao thông đã khảo sát một số cửa hàng vàng trên địa bàn Q. Cầu Giấy (Hà Nội). Tại cửa hàng vàng T.Đ (đường Xuân Thủy), người chủ khẳng định chỉ mua vàng miếng SJC một seri với giá thấp hơn 1 triệu đồng/1 lượng so với giá thị trường.
Lý giải tình trạng không mua vàng SJC, chủ tiệm vàng này cho biết, Công ty SJC chậm hàng, tồn kho nhiều dẫn đến việc ngừng trệ. Về việc thu mua vàng miếng SJC một seri thấp hơn giá thị trường 1 triệu đồng/lượng, chủ tiệm vàng này cho biết bản thân nếu mua sẽ có rủi ro vì phải ôm vàng chờ “chính sách” mới.
“Vàng miếng một seri nếu em bán thì phải trừ tiền. Nếu mà cong vênh thì phải trừ rất là nhiều. Em phải trừ mất 1 triệu đồng/lượng. Chính sách thay đổi khiến người dân bị thiệt”, chủ tiệm vàng T.Đ cho biết.
Vàng SJC
Khi đến liên hệ bán vàng miếng tại của hàng vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, PV cũng nhân được cái lắc đầu từ chối loại một seri.
Ai hưởng lợi từ vàng miếng SJC một seri?
Trở lại thông tin bán vàng miếng SJC một seri tại một số của hàng vàng mà khách hàng chịu thiệt từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ trục lợi từ việc thu mua loại vàng miếng này?
Những cửa hàng vàng không thể không biết thông tin SJC sẽ tiếp tục thu mua vàng miếng từ hôm 13/1. Tuy nhiên, họ vẫn mặc nhiên ép những khách có nhu cầu chịu thiệt.
Ví dụ, một khách hàng ngày 13/1 bán vàng miếng SJC một seri chịu thiệt 1 triệu đồng/lượng so với giá thực tế. Nếu bán 60 lượng, họ đã mất 60 triệu đồng. Trong khi đó, cửa hàng vàng đưa số vàng này lên SJC bán lại với mức giá thị trường thì sẽ nhanh chóng kiếm lời vài chục triệu trong vòng 1 tuần.
Ngoài ra, SJC chi nhánh miền Bắc thu mua vàng theo kiểu hẹn 1 tuần sau trả tiền với lý do hết tiền (theo lời các nhân viên tại đây). Như vậy, trong vòng một tuần giữ vàng của khách hàng mà chưa giao tiền thì SJC sử dụng số vàng, số tiền này như thế nào?
Theo Báo Giao thông
Chuyển giá: Phát hiện không khó, sao vẫn bó tay?
Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 yêu cầu cơ quan thuế phải tăng cường thanh tra, kiểm tra hành vi chuyển giá, trốn thuế. Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Công chia sẻ với chúng tôi về nội dung này.
Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Công
Cùng với Bình Dương, TP.HCM và Hà Nội, Đồng Nai được coi là trọng tâm trong việc chống chuyển giá. Ông bình luận thế nào trước việc Quốc hội tiếp tục yêu cầu cơ quan thuế đẩy mạnh chống chuyển giá?
Chống chuyển giá được ngành thuế thực hiện từ nhiều năm trước, đặc biệt là từ khi triển khai Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
Có thể nói, kể từ năm 2011 trở lại đây, công tác chống chuyển giá đã đạt được kết quả nhất định, nhưng chưa được như kỳ vọng của Quốc hội.
Trong các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng yêu cầu ngành thuế đẩy mạnh hoạt động chống chuyển giá. Vì vậy, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan thuế phải tăng cường thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận, trốn thuế là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.
Là người có nhiều năm trực tiếp chỉ đạo chống chuyển giá tại Đồng Nai, theo ông, khó khăn nhất trong công tác này là gì?
Nhiều năm trực tiếp chỉ đạo chống chuyển giá, tôi cho rằng, phát hiện ra chuyển giá không khó, nhưng xử lý chuyển giá hết sức phức tạp, mất nhiều thời gian, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.
Để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện thì không chỉ phiền hà, mất nhiều thời gian, công sức, mà môi trường cạnh tranh quốc gia cũng bị ảnh hưởng, vì các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến chuyển giá đều có yếu tố nước ngoài.
Ông nói rằng, phát hiện chuyển giá không khó, vậy phát hiện bằng cách nào?
Chuyển giá nói một cách dễ hiểu là các bên có giao dịch liên kết mua nguyên liệu đầu vào, bán sản phẩm đầu ra không theo giá thông thường trên thị trường. Vì vậy, trước khi xác định doanh nghiệp có chuyển giá hay không, thì phải biết họ có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết hay không.
Có rất nhiều dấu hiệu để chỉ ra các bên có quan hệ liên kết như một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào bên kia; các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của một bên khác; các bên cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào một bên khác.
Khi phát hiện giao dịch liên kết, cơ quan thuế sẽ làm gì?
Chúng tôi thường xuyên rà soát giao dịch của các doanh nghiệp trên địa bàn trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Sau khi phát hiện ra giao dịch liên kết, chúng tôi tiến hành kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế, nếu không thấy có hiện tượng chuyển giá thì bỏ qua. Nếu phát hiện ra hiện tượng giao dịch không theo giá thị trường, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp tự điều chỉnh, nếu họ tự nguyện điều chỉnh thì không bị xử phạt vi phạm hành chính và vẫn được coi là doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách thuế.
Ngược lại, doanh nghiệp nào không điều chỉnh, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dữ liệu và tiến hành thanh tra. Sau thanh tra, nếu phát hiện ra việc giao dịch không theo giá thị trường, có hành vi trốn thuế, ngoài việc bị truy thu số tiền thuế trốn, phạt vi phạm hành chính thuế, doanh nghiệp còn bị xếp vào diện không chấp hành tốt chính sách thuế.
Vậy kết quả của hoạt động chống chuyển giá ở Cục Thuế Đồng Nai thế nào, thưa ông?
Năm 2014, chúng tôi tiến hành thanh tra chống chuyển giá 5 doanh nghiệp, truy thu cho ngân sách 300 tỷ đồng; năm 2015 tiến hành thanh tra 4 doanh nghiệp, bước đầu đã kết luận truy thu một đơn vị 15 tỷ đồng, một đơn vị khác khoảng 30 - 40 tỷ đồng, 2 đơn vị nữa chưa có kết luận.
Nhưng kết quả đạt được lớn hơn là rất nhiều doanh nghiệp đã thấy rằng, nếu không kê khai giá mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, kinh doanh, sẽ bị cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, nên đã tự động kê khai lại, giảm lỗ, tăng lợi nhuận và tăng thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo Mạnh Bôn
baodautu.vn
'Cướp' tôm ngay trong ao Các thương lái thu mua tôm ở Bạc Liêu sử dụng nhiều "ngón nghề" để gian lận cân mua tôm, nếu bị phát hiện họ hung hãn tấn công, giật lấy tôm bỏ chạy. Gần đây chính quyền địa phương nhận được trình báo của người dân ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) về việc...