Sinh viên Mỹ chết: Triều Tiên nhận là “nạn nhân lớn nhất”
Triều Tiên cho rằng, ở thời điểm các bác sĩ Mỹ tới đón Otto, sinh viên này vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo, tim và phổi bình thường.
Otto khóc lóc trong phiên tòa xét xử tại Triều Tiên đầu năm 2016.
Ngày 23.6 vừa qua, Triều Tiên đã tự gọi mình là “nạn nhân lớn nhất” sau cái chết của sinh viên Mỹ bị tù khổ sai 17 tháng ở Bình Nhưỡng. Sinh viên Otto Warmbier, 22 tuổi được chẩn đoán mất nhiều mô não và không có khả năng nhận thức khi được máy bay quân sự chở về quê hương.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phủ nhận cáo buộc cho rằng Triều Tiên đối xử tàn bạo hoặc tra tấn Otto. Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đưa tin thiếu chính xác về việc nước này đối xử “phi nhân tính” với tù nhân. Otto bị bắt hồi tháng 1.2016 với cáo buộc ăn cắp một khẩu hiệu tại khách sạn ở thủ đô Bình Nhưỡng.
“Mặc dù chúng tôi không có lí do gì phải thể hiện sự quan tâm và đồng cảm với một kẻ tội phạm từ quốc gia đối đầu như vậy nhưng Triều Tiên vẫn cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế với tinh thần nhân đạo cao nhất cho tới khi anh ta quay về Mỹ”, hãng thông tấn Triều Tiên trích lời một quan chức cấp cao giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao.
Người này nói rằng những phỏng đoán “vô căn cứ” về sự tra tấn và hành hạ sinh viên Mỹ có thể được bác bỏ hoàn toàn vì ở thời điểm các bác sĩ Mỹ tới Triều Tiên, sức khỏe Otto vẫn bình thường. “Các dấu hiệu về mạch, nhiệt độ cơ thể, khả năng hô hấp cho thấy tim và phổi của sinh viên Mỹ là bình thường”, quan chức Triều Tiên nói. Gia đình nạn nhân từ chối mổ tử thi nên nguyên nhân cái chết của Otto không được làm rõ.
Ông này khẳng định việc Otto chết đột ngột trong vòng chưa đầy 1 tuần khi trở về Mỹ “cũng là một bí ẩn với Triều Tiên”. Quan chức Triều Tiên nói: “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất của vụ việc này và đừng nghĩ rằng chúng tôi không biết những gì được và mất sau vụ việc”.
Theo Danviet
Trung Quốc đối diện áp lực chế ngự Triều Tiên sau cái chết của Warmbier
Trung Quốc đang đứng trước sức ép lớn từ Mỹ về việc phải hành động nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier.
Otto Warmbier được máy bay đưa về sân bay Lunken ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, trong tình trạng hôn mê hôm 13/6 và qua đời ít ngày sau đó. Ảnh: Cincinnati Enquirer
Video đang HOT
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên một lần nữa leo thang vì cái chết của sinh viên Mỹ 22 tuổi Otto Warmbier hôm 19/6. Sau 17 tháng bị giam giữ ở Triều Tiên, Warmbier được phóng thích trong tình trạng hôn mê và qua đời tại Mỹ.
Warmbier tới Triều Tiên theo một tour du lịch hồi năm ngoái, bị bắt và kết án 15 năm tù khổ sai với cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền" sau khi anh thừa nhận lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền tại khu vực dành cho nhân viên thuộc một khách sạn ở Bình Nhưỡng.
Cái chết của Warmbier đã khiến Washington gia tăng thúc ép Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, kêu gọi trừng phạt các công ty làm ăn với Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không muốn bị nhìn nhận quy phục trước sức ép từ Mỹ, theo South China Morning Post.
Không muốn đầu hàng trước sức ép
Bất kỳ biện pháp nào mà Bắc Kinh đưa ra để trừng phạt các công ty bị cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên đều cần phải được tính toán kỹ để vừa có thể buộc Bình Nhưỡng dừng các vụ thử hạt nhân nhưng đồng thời cũng tránh khiến Trung Quốc bị xem như đầu hàng trước sức ép của Mỹ, chuyên gia nhận định.
Đến nay, Bắc Kinh vẫn không lay chuyển trước những lời kêu gọi liên tiếp từ phía Washington, yêu cầu Trung Quốc trừng phạt các công ty nước này có quan hệ làm ăn, kinh doanh với Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung ở Washington hôm 21/6, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh Trung Quốc phải có "trách nhiệm ngoại giao" trong việc gây áp lực kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Tuần trước, ông cũng nói Washington trông đợi Bắc Kinh đưa ra biện pháp trừng phạt 10 công ty ở Trung Quốc bị nghi ngờ có giao dịch ngầm với Bình Nhưỡng. Song Triều Tiên cũng công kích Trung Quốc vì nghe lời Mỹ.
"Tôi nghĩ thật không thỏa đáng nếu Mỹ chỉ đưa cho Trung Quốc một danh sách các công ty cần bị trừng phạt", Lu Chao, giám đốc Viện nghiên cứu Biên giới thuộc Học viện Khoa học Xã hội tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, nói. "Nếu Mỹ phát hiện bất kỳ công ty Trung Quốc nào vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc, nước này phải chỉ ra những việc làm sai trái của họ để Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt cần thiết".
Theo ông Lu, Mỹ có thể thất vọng vì Trung Quốc hiện duy trì một khoảng cách lớn so với Mỹ trong nhận thức về những mục tiêu khi áp đặt các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên.
Hồi tháng 2, Trung Quốc tuyên bố ngừng mua than từ Triều Tiên. Đây là nguồn thu ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc cho rằng động thái trên là một phần trong các nỗ lực của họ nhằm thực hiện những nghị quyết trừng phạt từ Liên Hợp Quốc sau khi Triều Tiên tháng 9 năm ngoái tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5.
"Cần có thời gian để thấy các tác động của biện pháp trừng phạt này. Trung Quốc đang hành động và tôi tin Trung Quốc đang đóng một vai trò lớn trong nỗ lực kiềm chế Triều Tiên theo đuổi tham vọng hạt nhân", ông Lu nhận xét.
Trong khi đó, ngay trước cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter rằng ông dường như nên từ bỏ hy vọng về việc Bắc Kinh có thể gây bất kỳ sức ép thực sự nào lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông viết: "Dù tôi đánh giá cao các nỗ lực giúp đỡ Mỹ của Chủ tịch Tập và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, chúng vẫn không mang lại kết quả. Ít nhất tôi biết Trung Quốc đã cố gắng".
Hạn chế du khách đến Triều Tiên
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung ngày 21/6 tại Washington. Ảnh: Reuters.
Cheng Xiaohe, phó giáo sư ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Mỹ đã có thêm lý do để gây sức ép buộc Trung Quốc phải gia tăng trừng phạt Triều Tiên khi cả thế giới phẫn nộ trước cách mà Bình Nhưỡng đối xử với Warmbier.
Hạn chế du khách Trung Quốc đến thăm Triều Tiên có thể là một phương án được Trung Quốc tính đến. Xiaohe nhận định phương án này nhiều khả năng được Trung Quốc chấp nhận hơn là phương án ngừng xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bởi Bắc Kinh muốn duy trì tình trạng ổn định trên bán đảo.
"Mỹ có thể áp dụng một loạt biện pháp trả đũa mạnh mẽ đối với Triều Tiên và chúng ta không thể loại trừ khả năng Mỹ đơn phương hành động, trừ phi Bình Nhưỡng phóng thích ba công dân Mỹ khác vẫn còn bị giam giữ tại Triều Tiên", Xiaohe bình luận.
Ngưng cung cấp dầu
Trong khi đó, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao thuộc tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation, Mỹ, đánh giá Bắc Kinh có thể cắt nguồn cung dầu để gấp áp lực với Bình Nhưỡng.
Một động thái như vậy không phải là chưa có tiền lệ. Sau một vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi năm 2003, Bắc Kinh đã khóa đường ống cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng trong ba ngày với lý do hư hỏng kỹ thuật.
Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên khoảng 500.000 tấn dầu thô và 200.000 tấn sản phẩm dầu mỏ tinh chế mỗi năm. Dù nhu cầu năng lượng ở Triền Tiên chủ yếu dựa vào nguồn than đá dồi dào trong nước nhưng thiếu dầu, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và vận tải sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thiếu dầu cũng sẽ làm giảm mức độ tự tin của giới lãnh đạo Triều Tiên về khả năng huy động hiệu quả trang thiết bị chuẩn bị cho một cuộc xung đột.
Tuy nhiên, để tạo ra tác động thực sự, Bắc Kinh cần ngừng cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng nhiều tháng, chứ không phải chỉ trong ba ngày.
Thu hẹp giao dịch thương mại
Thị trường Trung Quốc chiếm đến 90% kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên. Do đó, bất kỳ quyết định nào từ phía Bắc Kinh nhằm thu hẹp hoặc ngưng các hoạt động xuất nhập khẩu với Bình Nhưỡng đều sẽ tạo ra tác động lớn.
Trung Quốc chỉ mới chấm dứt nhập khẩu than từ Triều Tiên nhưng không cấm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Triều Tiên như hải sản hay hàng dệt may vì lo ngại động thái này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Triều Tiên.
Thương mại hai chiều Trung - Triều tăng 37,1% trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016, cho thấy Trung Quốc rõ ràng không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Triều Tiên, Derek Grossman nhận xét.
Ngừng ủng hộ ngoại giao
Ngoài khía cạnh kinh tế, Bắc Kinh cũng có thể dừng bảo vệ Bình Nhưỡng trên phương diện ngoại giao tại Liên Hợp Quốc bằng cách không phủ quyết những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên mà các thành viên Hội đồng Bảo an đề xuất.
Nhưng Triều Tiên dường như không quan tâm nhiều đến việc duy trì những hoạt động ngoại giao song phương với Trung Quốc. Điều này thể hiện ở việc không quan chức cấp cao nào của Trung Quốc đến thăm Triều Tiên kể từ năm 2015 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chưa bao giờ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2013. Rút đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên về nước sẽ làm giảm lượng thông tin tình báo về Bình Nhưỡng mà Bắc Kinh nhận được qua các kênh ngoại giao.
Derek Grossman kết luận dù Bắc Kinh thực hiện một hoặc một số phương án trừng phạt trên trong nhiều tháng, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là viễn cảnh xa vời.
Song theo ông, các đòn trừng phạt như vậy ít ra có thể gây đủ sức ép để khiến Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán. Đây cũng chính là mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm đến và nếu Trung Quốc tin rằng những đòn trừng phạt đó sẽ có hiệu quả mà hoàn toàn không gây bất ổn cho Triều Tiên, khả năng Trung Quốc thực hiện chúng sẽ tăng lên.
Hồng Vân
Theo VNE
Bạn Mỹ duy nhất nói Kim Jong-un bị mọi người hiểu lầm Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ nói nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người thân thiện và "mọi người sẽ thấy điểm tốt đẹp" nếu trò chuyện với Kim Jong-un. Dennis Rodman (phải) gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh chụp năm 2013. ABC News mới đây đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với cựu ngôi sao bóng rổ...