Sinh viên múa và cạm bẫy
Vũ trường quán bar là nơi sinh viên múa ưa chuộng… (Ảnh minh họa)
Đặc thù của sinh viên múa làm thêm là dễ bị cám dỗ bởi những người có tiền bạc, địa vị, vì họ là những nữ sinh có sắc vóc hơn người.
Chuộng quán bar, sàn nhảy
Có nhiều địa điểm để sinh viên múa làm thêm như đi diễn sự kiện, hội thảo, hội nghị, dạy thêm múa trong các trường mầm non, tiểu học, đi lưu diễn theo chương trình của các đoàn, v.v… Song, trong vài nằm trở lại đây, các quán bar, sàn nhảy lại là nơi được các sinh viên múa ưa chuộng.
Đang học năm thứ 2 trường, Liên (nhân vật đề nghị được đổi tên) đã bắt đầu đi làm thêm tại những nơi này sau khi được bạn bè giới thiệu.
Mỗi tuần, Liên có 3-4 buổi diễn, trong đó có 2 buổi diễn liền là thứ 7 và chủ nhật. Không diễn cố định tại một sàn nào, Liên (cũng như các bạn nữ sinh khác đi làm thêm) thường “quét” một lúc 2-3 sàn, có thay đổi chéo, để khách không nhàm chán.
Mỗi buổi diễn thường bắt đầu từ 10h đêm, khi các quán bar, vũ trường bắt đầu đông khách và kết thúc lúc 11h-11h30 đêm.
Cát-xê cho mỗi buổi diễn rơi vào khoảng 400-500 ngàn đồng, bao gồm 3 bài múa, mỗi bài kéo dài 3 – 4 phút.
Nếu một đêm, có cả nhóm múa từ 4-5 người thì cát-xê chung khoảng 3 triệu đồng.
“Diễn ở quán bar hay sàn nhảy thì bắt buộc phải ăn mặc sexy và phải chiều chuộng khách bằng những bài múa mới, động tác đẹp, trang phục đẹp, thái độ thân thiện. Tuy cũng có nhiều phức tạp nhưng đổi lại, công việc thường xuyên, đều đặn và thu nhập ổn định”, Liên nói.
Nếu chăm chỉ, mỗi tháng, sinh viên múa cũng có thể có thu nhập tương đối khá (khoảng 5-6 triệu đồng).
So với cát-xê của các bạn diễn hội nghị, hội thảo thì cát-xê diễn của Liên cao hơn.
Nếu diễn hội thảo hội nghị, cát-xê khoảng 200-300 ngàn/người, chưa kể các buổi tập cũng có tiền bồi dưỡng.
Việc làm thêm ở những nơi này ngày càng thu hút sinh viên múa vì những lý do “tế nhị” khác.
Tuy nhiên, sức hút của nó còn nằm ở chỗ, mỗi sinh viên có thể tự duy trì địa chỉ kiếm tiền của mình sau khi ra trường.
Hiện nay, có được một chân trong các nhà hát là điều không đơn giản với một sinh viên múa mới tốt nghiệp. Nếu tiếp tục chọn con đường học lên ĐH để trở thành giảng viên thì đây vẫn là nơi kiếm tiền khá tốt đối với người học múa.
Khi diễn ở bar, sàn nhảy, ranh giới giữa sexy và nude được mô tả là “vô cùng mong manh”. Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, có những người từ diễn bar thông thường đã chuyển sang múa nude ngay tại bar để phục vụ khách.
Video đang HOT
“Chuyện này không phải không có. Nhưng bao nhiêu sinh viên trường múa chấp nhận múa nude để kiếm tiền thì tôi không thể nói được vì không biết hết” – Liên nói.
Song, thường thì những trường hợp múa nude như vậy sau này còn rất ít đi theo con đường múa chuyên nghiệp.
“Bản thân họ khi múa nude cũng không có những kỹ năng tốt – do không chuyên tâm rèn luyện – nên múa hay bị so vai, cổ không thẳng, tay chân cứng, không giải phóng được động tác”, Liên giải thích.
Có những người từ diễn bar thông thường đã chuyển sang múa nude ngay tại bar để phục vụ khách… (Ảnh minh họa)
Nhiều thử thách
Phạm Thị Thanh Hiền, sinh viên khoá 8 Trường CĐ Múa, hệ 3 năm, cho biết: “Dù khá hấp dẫn về cả thu nhập lẫn những chuyện khác, nhưng những người chọn làm thêm ở quán bar, vũ trường cũng rất cân nhắc, nếu muốn không ảnh hưởng đến việc học tập”.
Ngoài những rủi ro do những mối quan hệ phức tạp mang lại, việc này còn ảnh hưởng nhiều đến việc học trên lớp.
Lý do là vì người múa thực hiện các động tác trông có vẻ mềm dẻo, nhẹ nhàng nhưng thực chất, phải lấy rất nhiều sức lực từ bên trong, phải tiết chế để tìm cách thể hiện bền bỉ nhất, mượt mà nhất.
“Ham hố đi diễn bar, diễn sàn quá nhiều thì sức khỏe bị ảnh hưởng, tối ngủ muộn. Lên lớp buổi sáng nhìn thần sắc sẽ biết ngay”, Hiền nói.
Những buổi đi làm thêm ban đêm, các cuộc vui muộn, những bữa liên hoan ăn uống với bia và rượu có thể làm cơ bắp nhão ra, thân hình mất đi độ săn chắc, linh hoạt và cân đối.
Giáo viên chỉ cần nhìn vào cơ thể là có thể đoán biết được mức độ giữ gìn hay “ăn chơi” của sinh viên và cũng thường hỏi thẳng sinh viên ngay trên lớp, trước mặt mọi người, về việc đi chơi, đi làm của họ.
Các trường khá khắt khe chuyện đi diễn ở nơi nhạy cảm, nhất là với những người để lại tai tiếng.
“Nhưng việc đó nằm ngoài tầm kiểm soát nên dù không có quy định chính thức nào bằng văn bản, nếu bị phát hiện đi múa ở bar, ở sàn và việc múa đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc học thì nhà trường sẽ có cách để xử lý. Ví dụ như: Thay vì đuổi học vì múa ở sàn, ở bar (mà lại có tai tiếng) thì nhà trường sẽ theo dõi sát sao thái độ, ý thức học…”, một sinh viên Trường CĐ Múa Việt Nam cho biết.
Ngay tại lớp của Hiền, đến cuối khóa, cũng đã có 2 người không trụ lại cũng vì những lý do như trên.
Đối với các sinh viên đi lưu diễn theo đoàn trong thời gian dài (được sự đồng ý của nhà trường), những thử thách lại đến theo cách khác.
Đó là những buổi nhậu nhẹt vui chơi. Thậm chí, người có chức có quyền đã sử dụng vị trí của mình để gây sức ép khi muốn nữ sinh cặp kè với mình.
“Nếu làm mất lòng thì có thể lần sau, mình sẽ không được đi diễn nữa. Có tiêu cực hay không cũng còn tùy từng người, có người chấp nhận, có người không. Nhưng chung quy thì đây là môi trường phức tạp, nếu không vững vàng thì rất dễ sa ngã”, Hiền cho hay.
Theo Vietnamnet
'Nữ quái' tuổi teen cùng những lần đi dạt
Không khóc lóc, không tỏ ra bi lụy và cũng không quá nặng nề về án cải tạo 10 năm tù giam của mình, đó là những điều tôi nhận thấy ở Đinh Thị Quỳnh Dung đang cải tạo tại Trại giam Thanh Phong (Nông Cống -Thanh Hóa).
Cô còn rành rọt kể cho tôi nghe những chuyện trước đây, bằng một cái giọng rất cứng rắn.
Phá bĩnh để đổi đời
Dung năm nay ở tuổi 19, nhưng sắc sảo và với những câu nói hoạt ngôn, người đối diện sẽ nhận ra vẻ lọc lõi của cô. Sự lọc lõi đó là đời dạy cho cô. Khi mới 15 tuổi cô đã bỏ gia đình ấm cúng ở phố Khâm Thiên (Hà Nội), ra ở riêng với khát vọng sống tự lập, tự do. So với những cô gái vị thành niên khác, cô bạo dạn hơn nhiều.
Hậu quả của việc dạt nhà sẽ là gì?
Ban đầu, cô xin làm những công việc đơn giản như gội đầu, xếp bóng bida... Như thế cũng đủ cho cô phần nào trang trải cuộc sống tự do và va vấp vào nhiều mối quan hệ khác.
Đời nhiều cạm bẫy, ai cũng biết thế, những người làm cha làm mẹ cũng dạy con cái mình thế. Nhưng cha mẹ Dung chẳng thể ngờ được rằng, từ những công việc đơn giản, cô con gái khá xinh xắn của họ đã bắt quen với nhiều đàn anh đàn chị trong xã hội. Họ vốn lọc lõi trong giang hồ và sẵn sàng "cưu mang" một cô em gái bé bỏng chân yếu tay mềm! Họ đã huấn luyện cho Dung biết buôn bán ma túy để có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Buôn bán ma túy, la cà quán xá và sàn nhảy, rồi trở thành những kẻ dạt nhà. Mối quan hệ xã hội của Dung ngày càng trở nên phức tạp. Dung cũng như hàng nghìn những cô gái dạt nhà khác, trở thành gái nhảy sàn, gái giang hồ, dân buôn hàng cấm và rơi vào vòng tù tội. Điều đó không chỉ làm gia đình đau lòng mà còn khiến xã hội bất ổn. Nguyên nhân là do tính hiếu thắng của tuổi teen, sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình khiến các em sa ngã.
Đinh Thị Quỳnh Dung chỉ là một trong số cả trăm phạm nhân tuổi teen đang thụ án tại các trại giam. Ngồi nói chuyện, tôi thấy Dung thực sự hoạt ngôn và có "lý luận" riêng của một cô gái tuổi teen để bao biện cho những hành động ngỗ ngược, phạm tội của mình.
Cô vô tư nói về những gì mình đã làm ở bên ngoài. Cô đổ hết lỗi cho xã hội, cô bảo chỉ vì cuộc sống thiếu thốn, không đủ trang trải cho cuộc sống (vốn cần nhiều tiền) của cô. Cô coi tất cả những điều đó làm nên tội chứ không phải những hành động phạm pháp của mình.
Dung cười nói: "Em bỏ học từ năm lớp 9, vì muốn đi kiếm tiền, sau đó thấy đồng lương quá ít ỏi, không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày, cho việc thuê nhà. Em đã cố gắng và đã đi theo con đường khác, em đã phải chấp nhận xuống đường đi buôn ma túy".
Tôi hỏi lại em: "Nếu ai cũng như em, thì xã hội sẽ đi đến đâu? Cứ không đủ tiền tiêu thì làm việc phạm pháp thì sẽ làm cho xã hội nhiễu loạn, phải không?". Dung lại đổ lỗi cho người lớn, rằng còn có quá nhiều người tham ô. Người lớn phạm tội được, tại sao người trẻ không(?!) Câu nói của Dung làm tôi giật mình.
Dung tiếp: "Nếu được đối xử công bằng, với việc trả đồng lương xứng đáng thì liệu em có phải vào tù, để anh đến và gọi em lên hỏi chuyện không? Cho nên, em cần phải làm gì đó. Cần phải có chí hướng và hành động của mình. Giống như phá bĩnh những điều rất nhàm chán để đổi thay".
Dung biến thành cô gái chơi bời sau khi trải qua khá nhiều nghề, cô gia nhập vào nhóm anh chị xã hội và giới thiệu cho nhau đi buôn bán ma túy. Cô và nhóm của cô đã có mặt ở hầu hết các sàn nhảy tại Hà Nội để cung cấp thuốc cho dân lắc, dân nhảy. Nhóm của cô gồm 4 người đều đã bị bắt, trong đó có gã đàn ông tên Quang sinh năm 1978, là người yêu của Dung.
Hiện Quang cũng đang cải tạo tại Trại Thanh Phong. Trước khi bị bắt, Quang là người luôn đi mua ma túy từ một số "đầu mối" về để Dung đi bán, cũng là người giới thiệu cho Dung rất nhiều mối quan hệ từ những kẻ đàn chị, đàn anh khác. Dung cảm thấy sung sướng với công việc mình làm, vì nó ra tiền và rất... bõ công. Niềm vui chẳng được bao lâu, nhóm của Dung có 4 người cùng hoạt động đã bị tóm gọn vào năm 2008. Dung bị kết án 10 năm tù giam.
Thời oanh liệt đâu còn
Đời nhiều cạm bẫy, ai cũng biết thế
Những "teen-girl" có trào lưu dạt vòm là những cô cậu có bản lĩnh. Trước hết là phải để cho mình có một con tim thép, không mủi lòng trước nước mắt của mẹ, ngồi sau xe một gã thanh niên rồ ga, không sợ chết. Rồi phải học cách hút thuốc, học cách chơi và phải liều khi đi cướp, đi buôn ma túy. Tức là không sợ đi tù. Còn Dung, không hề giống những phạm nhân khác.
Thường thì trong lao tù, khi được người khác hỏi, họ phải tỏ ra ân hận, hoặc buồn phiền. Đằng này, dường như Dung không biết đến nỗi buồn. Cô vẫn đeo đồng hồ và đồ trang sức. Cô vẫn rất tự tin như một nữ tuổi teen có số có má, dù rằng không còn được tung hoành ở bên ngoài nữa.
Nếu cho Dung trở lại "thiên đường" ở bên ngoài thì cô vẫn chưa biết sẽ làm gì. Cô thổ lộ vậy. Nhưng cô rất nhớ thế giới bên ngoài. Ở đó có những vũ trường tự do đi kiếm tiền, là những nhà nghỉ, những cuộc tình chớp nhoáng và những cuộc hiến dâng hết mình và không có điểm dừng.
Còn cô gái tên Nguyễn Thị Nga, tôi cũng gặp khi hỏi chuyện Dung thổ lộ thế giới bên ngoài thật tuyệt diệu. Với cô, đó là những cuộc chơi bời thâu đêm suốt sáng, những trận đua yêng hùng, những đêm bia rượu say xỉn và ngủ tập thể. Khi ở trong lao tù, các cô rất nhớ "thiên đường" của mình ở bên ngoài. Đó là cuộc sống tự do và dễ dàng có thể phá phách, làm theo ý mình, sống theo cách mà mình thích.
Cả Dung và Nga đều không rơi một giọt nước mắt nào như những người phụ nữ khác tôi gặp trong lao tù. Vào trại Thanh Phong, Dung được tạo điều kiện học nghề thêu và cô được phân vào đội thêu. Cầm mũi kim, cô không thể quên được thế giới bên ngoài, cô ao ước mình sớm được trở về với thế giới đó. Cô mong mình có thể nhanh chóng được trở về. Tôi hỏi Dung: "Ra ngoài em có định yêu lại, làm lại cuộc đời?" Cô lắc đầu: "Em cũng chẳng biết là có thể yêu được ai nữa không. Có khi không yêu được ai nữa. Giờ em chán ghét đàn ông".
Để trở thành một "teen-girl" giang hồ cũng phải học, làm sao cho tinh thần chai sạn, không sợ hãi trước bất cứ điều gì. Một cô gái ở Trại Thanh Phong đã nói như thế. Khi tiếp xúc với những người như Dung, Liên, Hoa... tôi hiểu rằng điều đó là đúng. Điều đó thể hiện rõ nhất ở Dung. Cô luôn là người biết đề phòng trước đàn ông vì kinh qua tình trường. Cô cũng luôn khôn khéo trong giao tiếp vì dày dặn kinh nghiệm trong va vấp xã hội. Dung bị bắt vào tháng 1 năm 2008, khi chưa đầy 18 tuổi.
Dung tâm sự rằng, mình yêu từ ngày còn học lớp 9, nhưng chỉ là tình yêu bọ xít. Đến khi cô bỏ học, bỏ nhà đi ở riêng thì cô lao vào yêu đương quá nhiều, có tư tưởng "sưu tập" đàn ông. Cô buông tuồng, nghĩ thoáng cho và dễ dàng cho - nhận. Cô quan niệm mình nên học theo phong cách Tây, và quan hệ tình dục vào lứa tuổi teen cũng không thuộc phạm trù đạo đức.
Cô thản nhiên: "Thích thì yêu, thích thì cho, chứ không phải nghĩ rằng sau này làm vợ chồng thì mới cho. Em nghĩ, yêu đương thì chỉ là chuyện nhỏ. Không phải cứ yêu là nghĩ rằng phải lấy nhau". Điều gì đã cho một cô gái chưa đầy 19 tuổi ăn nói hoạt ngôn và sắc sảo như vậy. Đem thắc mắc này ra thổ lộ, Dung vô tư nói đó là do những ngày tháng giang hồ dạy cho.
Khi tiếp xúc với những đàn anh đàn chị, Dung được dạy dỗ, chỉ bảo cách cư xử khi va vấp. Nhưng cô là nữ, luôn thể hiện mình có các đàn chị đàn anh đứng sau. Vì thế, khi va vấp với ai, cô sẵn sàng xông vào đấm đá, và nếu chưa giải quyết xong thì sẽ gọi anh chị đến xử theo luật.
Đồng chí Trương Văn Khải - Phó giám thị Trại giam Thanh Phong nói: "Vào trại này, Dung thể hiện cá tính mạnh mẽ, định ra điều làm đàn chị trong phòng chung với những phạm nhân khác, tôi phải làm cho cái ý nghĩ đấy của cô ta xẹp xuống đó".
Tôi từng biết, có một ngôi làng có nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, phạm tội. Những ông bố bà mẹ đã nhờ Công an bắt con bỏ tù, để nhà giam quản và rèn con cái họ. Tại sao họ không quản con cái mình cho tốt, giáo dục con cái bằng trách nhiệm, tình thương của người cha người mẹ đối với con cái? Tôi cũng biết, cha mẹ sinh con, trời sinh tính.
Lứa tuổi thanh thiếu niên vốn tò mò, ưa phá bĩnh, lại thích sống tự do, để quản được chúng, ngăn được chúng khỏi hư hỏng là điều thật không dễ dàng. Chính sự buông lỏng quản lý của gia đình đã làm tăng thêm những cô chiêu cậu ấm bỏ nhà đi bụi và sa ngã, dấn thân vào con đường tội lỗi.
Một cô gái trẻ như Dung, như Nga mà ma túy, thuốc lắc, quán bar, sàn nhảy... thứ gì cũng biết báo hiệu một điều rằng lớp trẻ ngày nay rất dễ sa vào cám dỗ. Những bậc phụ huynh không thể mải mê kiếm tiền, để mặc con cái hư hỏng, rồi giao hết trách nhiệm cho xã hội. Nhà giam là nơi chỉ phần nào rèn giũa, giáo hóa các em, để các em có thể ăn năn hối cải, làm lại cuộc đời mình. Quan trọng nhất là mỗi gia đình hãy có trách nhiệm hơn trong việc dạy dỗ con cái.
Với Dung, một cô gái xinh xắn và thực sự có gan, tôi mong em sẽ hối cải. Em sẽ biết thương cha mẹ, vì em tâm sự cha mẹ em rất bình thường. Dung cũng có một cậu em trai rất kháu khỉnh. Tôi mong em sau này có thể làm lại cuộc đời. Bởi vì nếu em biết ăn năn thì chưa có gì là muộn.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Xuất ngoại làm thuê: Ôm nợ & Sa ngã Nhiều phụ nữ ở Thừa Thiên - Huế xuất ngoại sang Lào làm thuê nhưng cuộc sống vẫn cùng cực. Không ít người sa chân vào các tệ nạn xã hội nơi đất khách quê người... Ôm nợ Đường dẫn vào thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, ngập ngụa trong bụi. Chúng tôi phải nín thở để đi qua đoạn...