Sinh viên đại học chính quy cũng không được hoãn nghĩa vụ quân sự
Đây là điều chỉnh mới nhất trong dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp thứ 34, khai mạc sáng 19-1.
Sau khi nghe đại diện Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội trình bày bản dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) mới nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã tóm lược lại một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong Luật này. Đặc biệt, so với tờ trình dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội mới đây thì bản dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý, sửa đổi khá nhiều.
Lãnh đạo Thành uỷ, HĐND TP Hà Nội động viên tân binh lên đường nhập ngũ.
Cụ thể, dự thảo đã tăng thêm 1 chương, 8 điều so với bản dự thảo trước do Chính phủ trình. Trong đó có những điều chỉnh rất đáng chú ý như quy định thời hạn nhập ngũ trong thời bình là 24 tháng, không giữ lại phương án kéo dài thời gian nhập ngũ lên 27 tháng như bản dự thảo trước. Về độ tuổi nhập ngũ, cho rằng việc quy định 2 độ tuổi nhập ngũ như luật trình là không phù hợp nên sau khi tiếp thu, chỉnh lý, bản dự thảo lần này đề nghị giữ lại độ tuổi nhập ngũ là 18-25 như luật hiện hành.
Đặc biệt, dự thảo quy định không tạm hoãn thời gian làm nghĩa vụ quân sự cho bất cứ đối tượng nào để đảm bảo công bằng, kể cả là các đối tượng sinh viên đã được gọi học, đang học những trường đại học chính quy. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, vì không tạm hoãn thời gian làm nghĩa vụ quân sự cho sinh viên, nên quy định kéo dài độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự đến 27 tuổi là không cần thiết.
Qua thảo luận, rất nhiều ý kiến đại biểu chưa tán thành với quy định này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo lắng, không tạm hoãn cho đối tượng nào thì có những đối tượng vừa trúng tuyển đại học, nhất là đã học hết 1 học kỳ, 1 năm lại bị gọi đi làm nghĩa vụ quân sự. “Vậy họ phải đi như thế nào, việc học sẽ dở dang hay sao, việc này cần quy định rất cụ thể” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Video đang HOT
Tương tự, đại biểu Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, sinh viên đang học đại học trong thời bình thì không nên gọi nhập ngũ vì việc học đòi hỏi phải liên tục, đang học dở dang đi làm nghĩa vụ quân sự 2 năm về thì khó theo nổi việc học nữa.
Đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, học sinh đã được gọi đi học đại học chính quy thì phải tạm hoãn cho họ chứ không thể đang học vẫn gọi họ về đi làm nghĩa vụ quân sự. Hay như quy định nếu sinh viên học chính quy tự trang trải học phí đi học nghĩa vụ quân sự tập trung 3 tháng không phải làm nghĩa vụ quân sự, muốn thực hiện được hiệu quả, công bằng thì cũng phải có chính sách tạm hoãn cho các đối tượng được gọi đi học, mới đỗ đại học, nếu không càng làm gia tăng sự mất công bằng.
Ông Đào Trọng Thi đề nghị, phải hoãn gọi nghĩa vụ quân sự với học sinh đã trúng tuyển đại học chính quy. Còn sau khi sinh viên đã tốt nghiệp đại học, lúc này vẫn gọi đi làm nghĩa vụ quân sự là phù hợp. Mặt khác, cần kéo dài độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự để đối tượng sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học được đảm bảo quyền lợi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Lý do vì với quy định độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự đến 25 tuổi, có nhiều trường hợp sinh viên một số trường y, kiến trúc, âm nhạc… thời gian học dài, thậm chí sinh viên một số trường cố tình học kéo dài, học lại để quá độ tuổi phải gọi đi nghĩa vụ quân sự.
Theo NTD
Sinh viên đại học chính quy có thể được tạm hoãn nhập ngũ
Thường vụ Quốc hội nhất trí tạm hoãn gọi nhập ngũ với sinh viên đang học hệ đại học chính quy và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ với đối tượng này lên 27.
Sáng 19/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi góp ý, đối với sinh viên đang học hệ chính quy không nên gọi nhập ngũ, bởi như vậy là xem nhẹ hiệu quả đào tạo, chỉ coi trọng quân sự chứ không coi trọng những lĩnh vực khác.
Theo ông Thi, gọi nghĩa vụ quân sự mà không nới độ tuổi là khó, vì tốt nghiệp THPT là 18 tuổi, học đại học 4 năm nhưng có thể lưu ban, ốm đau, cố tình vượt tuổi. "Chúng ta chỉ tính cơ học, còn thực tế có trường hợp cố kéo dài thời gian học để vượt tuổi gọi nhập ngũ", ông Thi nói.
Ông Thi đề xuất, việc lựa chọn học đại học trước rồi mới đi nghĩa vụ quân sự nên để thanh niên tự quyết. Các em học xong mới gọi nghĩa vụ quân sự là đúng với mục tiêu đáp ứng nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Vì vậy, cần kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 thay vì 25 như hiện nay.
Sinh viên đang học đại học sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Ảnh: Nguyên Anh.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, thanh niên đang học đại học thì không nên gọi đi nghĩa vụ quân sự vì việc học phải liên tục. Nếu đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, khi về học sẽ quên mất kiến thức. "Thời chiến thì khác, còn thời bình thì không nên gọi sinh viên đi nghĩa vụ, chúng ta có thể gọi các em sau khi đã học xong", ông Ksor Phước góp ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, nếu kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 và gọi 100% số này đi nghĩa vụ thì mới có tác dụng hiện đại hoá quân đội. Tuy nhiên, thực tế quân đội mới gọi vài trăm người, nên lại gây bất cập ngay trong tuổi 27.
"Kéo dài tuổi gọi nhập ngũ đến 27 sẽ mở rộng đối tượng nhập ngũ, nhưng gia tăng mất công bằng vì tỷ lệ gọi rất thấp. Đây là bài toán khó", ông Khoa phân tích và thông tin, hiện nay sinh viên tốt nghiệp nhập ngũ tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5% và vẫn chưa sử dụng hiệu quả vì ngành học không phù hợp với quân đội.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh chia sẻ, tâm tư của đại biểu Quốc hội là muốn gọi hết công dân trong độ tuổi vào quân đội để được rèn luyện, nhưng rất khó. Bởi mỗi năm có 7-8 triệu người đến độ tuổi gọi nhập ngũ, trong khi quân đội chỉ tuyển một phần nhỏ.
Các đại biểu đề nghị sinh viên tự đảm bảo kinh phí để học quân sự tập trung trong 3 tháng và được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong thời bình, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng điều này là không nên vì sinh viên rất đông, cả nước có 32 trung tâm quốc phòng an ninh. Số lượng trung tâm này chỉ đảm bảo đào tạo vài trăm nghìn người, nếu đưa hàng triệu sinh viên vào học thì không khả thi. Hơn nữa sẽ không công bằng giữa người có tiền và không có tiền, chất lượng đào tạo cũng hạn chế.
"Về độ tuổi tạm hoãn nghĩa vụ, Chính phủ trình dự thảo sinh viên đang học chính quy thì được tạm hoãn, sau này kết thúc thì gọi sau. Nhưng đại biểu lại cho ý kiến không hoãn. Qua tiếp thu và thảo luận, ban soạn thảo vẫn đề nghị hoãn gọi đối tượng này để ổn định tư tưởng sinh viên, tránh những kẽ hở trong quá trình tuyển quân. Tuổi gọi có thể kéo dài cho đối tượng tạm hoãn này", Bộ trưởng cho hay.
Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tổng hợp các ý kiến đại biểu, theo đó đồng ý tạm hoãn gọi nhập ngũ với sinh viên đang học hệ đại học chính quy và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27. Còn thanh niên bình thường vẫn duy trì độ tuổi gọi nhập ngũ như trước - từ 18 đến 25 tuổi.
Dự Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2015.
Hoàng Thuỳ
Theo VNE
Quảng Nam: Rà soát chế độ đối với cựu thanh niên xung phong Việc rà soát nhằm đảm bảo tính công bằng trong giải quyết chế độ cho lực lượng cựu thanh niên xung phong đã góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm các cựu thanh niên xung phong tại Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người có công tỉnh...