Sinh bệnh bởi phòng máy lạnh
Người cao tuổi thường nhiều bệnh nền, sức chịu đựng kém, môi trường điều hòa không phù hợp nên dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Bệnh nhân nam, 70 tuổi, tới Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, do khàn tiếng, đau họng và ho khan. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm họng thanh quản cấp do nhiễm lạnh khi ở phòng có máy điều hòa kèm uống nước quá lạnh.
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị, tiếp nhận trung bình hàng ngày 1.200 bệnh nhân. Số bệnh nhân khám tăng cao trong thời gian nắng nóng tại Hà Nội. Nhiều bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp trên, hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng, thanh quản, viêm xoang…
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đón tiếp 400 bệnh nhân một ngày, tăng gần 50% so với bình thường. Đa số bệnh nhân có sử dụng máy điều hòa.
Bác sĩ Phạm Trung Kiên, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Hữu Nghị, cho biết người già sức chống chọi yếu, khả năng thích ứng kém với môi trường nóng, nhiều bệnh nền kèm theo như cao huyết áp, tai biến mạch máu não, tim mạch, đái tháo đường… Thời tiết nắng nóng hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột thường khiến người già khó thích nghi, dễ mắc bệnh.
Nhu cầu sử dụng máy điều hòa vào mùa hè tăng cao. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo người già ra vào điều hòa thường xuyên, sử dụng máy lạnh không đúng cách, dùng quá nhiều dễ bị viêm phổi, mắc các bệnh đường hô hấp.
Trong khi đó, nhiều người có tâm lý tránh nóng, muốn giảm nhiệt độ nhanh thường uống nước lạnh kết hợp sử dụng điều hòa ở nhiệt độ thấp. Chênh lệch nhiệt độ đột ngột gây phù nề da, bệnh đường hô hấp, nặng hơn có thể sốc nhiệt, đột quỵ.
Video đang HOT
Bác sĩ khám họng cho bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Hữu nghị. Ảnh: Chi Lê.
Để tránh các bệnh đường hô hấp ở người già vào mùa hè do sử dụng điều hòa, bác sĩ Kiên khuyến cáo người cao tuổi thường xuyên súc miệng, sát trùng họng bằng nước muối vào buổi sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ. Tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý để giảm các triệu chứng đau họng và cảm lạnh thông thường.
Phòng máy lạnh sẽ làm cho da, niêm mạc mũi bị khô. Người cao tuổi cần luôn nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước biển sâu để làm ẩm, sạch mũi, tránh hơi lạnh lọt vào đường hô hấp gây viêm họng, viêm phổi.
Người già ở trong môi trường nhiệt độ ổn định, không nên sử dụng điều hòa quá lạnh. Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ điều hòa tốt nhất nên thấp hơn nền nhiệt ngoài trời khoảng 10 độ C, duy trì khoảng 26-28 độ C.
Không nên vào phòng điều hòa ngay sau khi tắm hoặc khi cơ thể nhiều mồ hôi. Cơ thể phải khô ráo trước khi sử dụng hoặc bước vào phòng có điều hòa. Trước khi ra khỏi phòng, phải mở cửa và tắt máy lạnh khoảng 30 phút để nhiệt độ trong phòng và ngoài trời tương đối cân bằng, giúp cơ thể thích nghi với thay đổi nhiệt độ. Sử dụng máy điều hòa đúng cách. Không nên ngày nào cũng bật máy lạnh, chỉ sử dụng trong ngày nắng nóng.
Người già cũng không nên đi tập thể dục khi thời tiết quá nóng, dự báo bức xạ nhiệt cao. Nên thực hiện các bài tập trong nhà hoặc ở phòng có nhiệt độ ổn định để đảm bảo sức khỏe.
Để phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng người lớn tuổi bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế đường. Không nên ăn nhiều trái cây quá ngọt, đồ uống quá lạnh. Uống khoảng 2-3 lít nước một ngày, sáng sớm khi thức giấc nên uống một cốc nước lọc khoảng 250-300 ml.
Virus corona lây truyền qua khí dung, đừng tự ý xông mũi cho con
Khí dung là phương pháp chữa bệnh thường được áp dụng cho trẻ nhỏ. Mới đây, thông tin virus corona lây truyền qua khí dung càng khiến nhiều người lo ngại. Theo các chuyên gia, xông mũi cho con nên biết điều này để tránh hại con.
Cần thận trọng khi cho trẻ dùng khí dung bởi trẻ có cơ địa dị ứng dùng rất dễ sốc, nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa: T.L
Virus lây truyền qua khí dung
Khí dung là phương pháp chữa bệnh thường được áp dụng cho trẻ nhỏ điều trị tại chỗ của bệnh lý đường hô hấp bao gồm tai mũi họng như: Viêm mũi họng, viêm xoang, viêm thanh quản, hen phế quản, viêm phế quản phổi... Tuy nhiên, thông tin virus nCoV có thể lây qua khí dung đã khiến nhiều người lo lắng.
Khi sử dụng phương pháp điều trị khí dung, bệnh nhân được úp mặt nạ lên vùng mũi, miệng. Các dung dịch bốc hơi được đưa trực tiếp vào đường hô hấp của bệnh nhân thông qua một ống dẫn khí nối với máy phát khí dung. Khi bơm khí vào mặt nạ sẽ tác động thẳng đến vùng trong họng bệnh nhân nhưng các giọt bắn có thể văng ra hai bên của mặt nạ nên có thể mang nguy cơ nhiễm các bệnh đường hô hấp.
ThS. BSCKII Nguyễn Hồng Hà - chuyên gia Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cho biết, khi người bị bệnh mà khí dung cho họ có thể làm phát tán virus ra. Còn trẻ không bị nhiễm corona virus thì vẫn có thể thực hiện khí dung bình thường. Tuy vậy, người dân chỉ nên khí dung cho con trẻ khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, không tự ý cho con khí dung. Việc lạm dụng khí dung sẽ gây nhiều hệ lụy sức khỏe cho trẻ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc người bệnh dùng riêng một bầu khí dung thì không ảnh hưởng nhưng hai người dùng chung sẽ dễ bị lây bệnh. Virus còn tồn tại trong bầu khí dung, máy và bề mặt vật dụng quanh người bệnh nên việc tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm. Ngay cả với nhân viên y tế khi làm khí dung cho bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế khẳng định, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là chỉ có 3 con đường cơ bản lây nhiễm của nCoV. Cụ thể là lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp, lây trực tiếp (khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh) và lây truyền qua bề mặt vật trung gian đã nhiễm. Với các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, việc sử dụng khí dung cần hết sức thận trọng để không làm phân tán virus ra môi trường bên ngoài.
Nguy hiểm khi lạm dụng khí dung cho trẻ
Thời tiết âm u, độ ẩm không khí cao của những ngày đầu xuân này là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Cũng chính vì vậy thời điểm này, các trường hợp mắc viêm phổi, viêm đường hô hấp có xu hướng nhiều hơn. Trẻ nhỏ thường bị ho, viêm phổi, nhiều cha mẹ hễ thấy con bị "tắc" mũi là vội vàng sử dụng máy xông cho trẻ ngay. Nhiều người còn nghĩ càng xông nhiều, trẻ càng nhanh khỏi.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cho rằng, khí dung điều trị các bệnh lý đường hô hấp rất tốt. Nhưng không phải dùng tùy tiện vì không phải trẻ nào cũng có thể điều trị bằng xông mũi họng. Thường chỉ định dùng khí dung với những trẻ bị viêm họng, xoang, hen... trẻ có cơ địa dị ứng dùng rất dễ sốc, nguy hiểm tính mạng.
Bởi vậy trước khi dùng cần phải có chỉ định của bác sĩ. Việc pha thuốc kháng sinh để xông tại nhà cho trẻ cũng phải hết sức thận trọng. Dùng không đúng liều, các bậc cha mẹ có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dẫn tới biến chứng điếc, phù nề hoặc giảm sức đề kháng... Đặc biệt, nếu xông thuốc mà không đúng bệnh sẽ rất nguy hiểm, trẻ có thể bị ngộ độc thuốc, dẫn tới suy gan, thận...
Các bậc cha mẹ lưu ý, khi dùng khí dung cho trẻ tại nhà cần phải thường xuyên vệ sinh máy sau mỗi lần sử dụng. Không được để máy bụi bẩn, ẩm vì như vậy dễ đưa thêm mầm bệnh vào đường hô hấp của trẻ.
ThS. BSCKII Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên xem thường những biểu hiện ho, sốt dai dẳng ở trẻ. Khi thấy trẻ có các biểu hiện các bệnh liên quan đến đường hô hấp, sốt cần phải đến bác sĩ để khám, đặc biệt trong giai đoạn này để điều tra xem có yếu tố dịch tễ, có nguy cơ nhiễm virus corona hay không? Nếu không có yếu tố dịch tễ, khả năng nhiễm virus mới là rất ít. Điều quan trọng, bác sĩ phải làm các xét nghiệm để chẩn đoán căn nguyên gây sốt.
Trong thời điểm này, mọi người có thể xét nghiệm xem nhiễm cúm hay không? Hiện đã có bộ xét nghiệm tìm các căn nguyên nhiễm trùng đường hô hấp có thể tìm được rất nhiều các vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp. Đây là xét nghiệm rất cần thiết để chúng ta chẩn đoán nguyên nhân, thăm khám lâm sàng xem tình trạng có suy hô hấp hay không?... Khi biết được nguyên nhân, việc điều trị sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn.
"Ở giai đoạn nhạy cảm này, tốt nhất không nên tự điều trị cho trẻ ở nhà khi ốm mà cần đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu có yếu tố dịch tễ cần phải thông báo ngay cho bác sĩ để lấy mẫu bệnh phẩm, cách ly và điều trị tốt để tránh lây lan cho người khác. Nếu chẳng may bị nhiễm virus corona, tức là có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện lâm sàng thì trước hết cần đeo khẩu trang, tiếp xúc với nhiều người, đến cơ sở y tế gần nhất để cách ly, xét nghiệm chẩn đoán điều trị cho tốt", BS Hà khuyến cáo.
Hà My
Theo giadinh.net
Đừng coi thường cơn ho, sổ mũi kéo dài! Cơn ho ở trẻ nhỏ có thể là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh khác nhau, có khi tưởng nhẹ nhưng hóa nặng, cũng có khi điều trị lạm dụng kháng sinh nên để lại hậu quả về sau Đưa con đi tái khám tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), chị Nguyễn Trần K.C (32 tuổi) cho biết mới...