Singapore lo ‘mất dấu’ nCoV
Mặc dù Singapore đã nỗ lực truy vết tiếp xúc để chặt đứt chuỗi lây nhiễm, ngày càng xuất hiện nhiều ca nCoV mất dấu F0.
Hồi đầu tháng, Singapore chỉ ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm, nhưng con số này giờ đây đã vượt 11.000. Gần 80% số ca nhiễm liên quan đến lao động nhập cư sống trong 43 ký túc xá lớn trên cả nước. Nhưng điều đáng lo ngại không kém là ngoài các ký túc xá này, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn diễn ra, mặc dù Singapore đã phong tỏa hai tuần, đóng cửa trường học và khuyến cáo người dân ở nhà.
Người dân xịt khử trùng tay trước khi rời khỏi chợ ở Singapore ngày 23/4. Ảnh: Reuters.
Một thống kê đặc biệt đáng lo ngại: Singapore chỉ tìm thấy nguồn lây nhiễm của 17 trong số 25 ca nhiễm mới hàng ngày trong số công dân Singapore hoặc thường trú nhân, không phải lao động nước ngoài sống trong ký túc xá. Điều này có nghĩa là khoảng 68% trường hợp lây lan trong cộng đồng được coi là “mất dấu F0″, khiến nhiều người nghi ngờ còn rất nhiều chuỗi lây nhiễm chưa bị phát hiện.
Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 21/4 cảnh báo về khả năng này khi gia hạn các biện pháp “cầu dao” để ngắt mạch dịch cho đến ngày 1/6.
Có hai cách giải thích cho trường hợp mất dấu F0.Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong nói rằng ca F0 có thể có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nên họ không bị phát hiện. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa Anh ngày 2/4 cho thấy 78% trong số 166 ca nhiễm mới không có triệu chứng. Các nhà nghiên cứu Singapore cũng phát hiện người nhiễm có thể lây virus cho người khác trước khi có triệu chứng.
Cách giải thích thứ hai là trong một số trường hợp, các nhà điều tra dịch tễ chưa tìm hiểu đầy đủ lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân, do hạn chế về thời gian hoặc do bệnh nhân không cung cấp đủ thông tin chi tiết. Tình trạng này có thể được khắc phục nếu điều tra kỹ lưỡng hơn.
Hồi tháng hai, chính quyền phải mất 4 tuần để phát hiện ổ dịch tại một nhà thờ có liên quan đến nhóm người đi lễ ở một nhà thờ khác. Các du khách Trung Quốc đã đến một nhà thờ vào ngày 19/1. Một cặp vợ chồng cũng đến nhà thờ này, sau đó tới một buổi liên hoan gia đình vào dịp Tết Nguyên đán ngày 25/1, có sự tham dự của một nhân viên tại nhà thờ khác. Từ ngày 15 đến 21/4, giới chức phát hiện ra nguồn lây nhiễm cho 918 trường hợp mất dấu F0 trước đó.
Video đang HOT
Tuy nhiên, việc truy vết tiếp xúc trở nên khó khăn hơn khi ngày càng có nhiều trường hợp cần theo dõi. “Khi số ca nhiễm mới hàng ngày còn ít, chúng ta có thể điều tra và giám sát sâu hơn nhiều”, Teo Yik Ying, hiệu trưởng trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói.
“Vì số lượng ca mới hàng ngày trong hai tuần qua đã tăng đáng kể, nỗ lực truy vết tiếp xúc trở nên khó khăn hơn. Cơ sở dữ liệu ngày càng mở rộng và mọi trường hợp nhiễm mới đều phải được đối chiếu với nó”, ông nói thêm.
Singapore đã bổ sung nhân lực cho nhiệm vụ này. Ngày 10/2, nhóm phụ trách truy vết tiếp xúc chỉ gồm 70 người làm việc theo ca 7 ngày một tuần, nhưng giờ đây 1.300 quân nhân đã được huy động nhập cuộc. Các nhà điều tra phỏng vấn từng người nhiễm về lịch sử hoạt động và những người họ đã gặp trong 14 ngày trước đó, sau đó gọi cho từng người để tìm hiểu thêm và xác định xem họ có phải là người “tiếp xúc gần” cần cách ly hay không.
Hàn Quốc cũng tập trung vào truy vết tiếp xúc nhưng ít tốn công sức hơn. Họ sử dụng hồ sơ y tế, dữ liệu giao dịch thẻ tín dụng, camera an ninh và dữ liệu định vị điện thoại di động để thực hiện hoạt động này.
Các biện pháp “cầu dao” được chính phủ Singapore triển khai đã giúp giảm lây lan trong cộng đồng. Trong tuần trước khi gói biện pháp này được triển khai ngày 7/4, Singapore ghi nhận trung bình 39 trường hợp mỗi ngày ngoài ký túc xá của lao động nước ngoài. Trong tuần qua, con số này giảm xuống còn 25 ca.
Một tin tốt khác là ca nhiễm mất dấu F0 đang được phát hiện sớm hơn. Theo Bộ Y tế Singapore, những trường hợp này được tìm thấy và cách ly khỏi cộng đồng 3,5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, nhanh hơn mức 11,5 ngày vào đầu tháng hai. “Điều này có nghĩa là chúng tôi đang cách ly ngày càng sớm hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm tiếp trong cộng đồng”, Leong nói.
Teo hy vọng việc kéo dài biện pháp “cầu dao”, bằng cách yêu cầu nhiều người ở nhà hơn, đóng cửa thêm công sở và hạn chế số lượng nhân viên trong các dịch vụ thiết yếu, sẽ giúp chính quyền xác định những chuỗi lây nhiễm còn “ẩn nấp”. Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong ngày 21/4 giải thích nhiều ca lây nhiễm được phát hiện sau khi “cách biệt cộng đồng” liên quan đến nhân viên trong các dịch vụ thiết yếu. Do đó, giới chức phải giảm nhân sự ở các dịch vụ này.
Giới chức cũng hy vọng rằng biện pháp “cầu dao” sẽ giúp giảm cả số ca nhiễm nói chung và các trường hộ mất dấu F0 nói riêng. Việc giảm ca mất dấu F0 sẽ cho thấy nỗ lực truy dấu tiếp xúc và phát hiện ca nhiễm mới có hiệu quả.
“Các chuyên gia nhất trí rằng khả năng nhanh chóng truy vết tiếp xúc và cách ly là yếu tố quyết định một quốc gia có đối phó dịch hiệu quả không”, bình luận viên Kok Xinghui của SCMP viết. “Điều này sẽ giúp Singapore và các quốc gia khác xác định chiến lược nới lỏng phong tỏa và tái mở cửa nền kinh tế”.
Phương Vũ
Thủ tướng Singapore : 'Mỗi chúng ta phải hy sinh'
Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi sự hy sinh của dân Singapore và tuân thủ các biện pháp ngăn chặn nCoV trong phát biểu phát trên Facebook.
"Mỗi người trong chúng ta phải hy sinh, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cắt đứt chuỗi truyền bệnh để ngăn virus lây lan. Tôi hiểu các biện pháp rất bất tiện, chúng cũng mang cái giá phải trả cao cho nền kinh tế. Nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các hạn chế càng nhanh, chúng sẽ càng nhanh có tác dụng và chúng ta càng sớm có thể nới lỏng chúng", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên Facebook của ông hôm nay.
Ông Lý cảnh báo chỉ cần một số người không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, tất cả những "bất tiện, đau đớn và hy sinh" mà Singapore phải trải qua sẽ trở thành vô nghĩa.
Singapore hôm qua thông báo thêm hơn 280 ca nhiễm mới, mức tăng kỷ lục, nâng tổng số lên hơn 1.900 ca. Trong số ca nhiễm mới, hơn 160 ca liên quan đến cụm dịch ký túc xá S11 Dormitory @ Punggol dành cho công nhân người nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên hơn 280. Singapore ghi nhận 6 người chết vì nCoV, không tăng trong 24 giờ trước, 314 người đã hồi phục và được xuất viện, 705 người được chuyển tới một cơ sở cách ly.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong buổi phát biểu chiều 10/4 tại Văn phòng Thủ tướng. Ảnh: PMO.
"Chúng tôi dự đoán được sự gia tăng các ca nhiễm tại địa phương, đặc biệt thêm các ca không có liên hệ (với các ca trước) và chúng tôi không thể truy vết. Chúng tôi cũng quan ngại về nhiều ca nhiễm và cụm dịch tại ký túc xá của công nhân nước ngoài. Thật không may, trong một tuần kể từ đó (ngày 3/4), những điều này đã xảy ra", Lý Hiển Long nói.
Ông Lý nói các cơ quan của Singapore gồm Bộ Y tế, Bộ Nhân lực cùng quân đội và các lực lượng nội vụ Singapore đã phối hợp thành lập nhóm công tác liên ngành đặc biệt để xử lý các cụm dịch tại khu ký túc xá. Trưởng nhóm là Tham mưu trưởng Seet Uei Lim và Phó thủ tướng Trương Chí Hiền, cố vấn cho các bộ trưởng về vấn đề này.
Nhóm công tác đặc biệt đã triển khai các đội hỗ trợ tới tất cả ký túc xá của công nhân nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của họ, thiết lập các cơ sở y tế và phòng khám sàng lọc, mang theo vật tư và thực phẩm, tham gia quản lý hậu cần và duy trình vệ sinh.
"Họ đảm bảo công nhân có thức ăn và nước uống, có WiFi để giữ liên lạc với bạn bè cùng gia đình và giải trí", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Thủ tướng Singapore cảnh báo số ca nhiễm ngoài ký túc xá công nhân đang tăng lên khi những người là nguồn lây có thể vẫn ở ngoài và tiếp tục truyền bệnh cho nhiều người khác. Số ca nhiễm có thể tăng sau khi lệnh hạn chế có hiệu lực bởi hầu hết các ca bị lây bệnh trước thời điểm đó.
"Đây là lý do chúng ta cần lệnh phong tỏa. Nếu chúng ta giảm tiếp xúc với nhau, chúng ta giảm nguy cơ nhiễm hoặc truyền virus. Điều này làm chậm tốc độ nhiễm mới, cả các ca truy được và không truy được nguồn lây. Sau một thời gian, số ca nhiễm mới sẽ giảm", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Ông Lý cho biết đây là kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và New Zealand, các quốc gia áp dụng biện pháp nghiêm ngặt tương tự sau khi gia tăng số ca nhiễm. Thủ tướng Singapore khẳng định sẽ kiên nhẫn và kiên quyết trong thực hiện các biện pháp hạn chế, kêu gọi dân chúng nghiêm túc thực hiện.
Lý Hiển Long nói có lệnh hạn chế đi lại có một số linh hoạt để phù hợp với gia cảnh nhiều người, song khuyến cáo người cao tuổi Singapore ở nhà vì họ dễ nhiễm nCoV và có tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều. "Chúng tôi kêu gọi các bạn ở nhà vì sự an toàn của chính các bạn", ông Lý nói.
"Vài tuần tới sẽ là thời gian khó khăn. Thỉnh thoảng tôi sẽ phát biểu như thế này để các bạn biết tình hình thực tế ra sao, chúng tôi đang nghĩ gì, các bạn có thể mong đợi những gì và làm thế nào để góp phần chống virus này. Tình hình sẽ trở nên tệ hơn trước khi tốt đẹp dần lên, trước khi mặt trời ló rạng và chiếu sáng lần nữa", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Nguyễn Tiến
Thêm biện pháp chống COVID-19, Singapore vẫn có số ca nhiễm mới kỷ lục Singapore có thêm 142 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày thứ 2 áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19 mới và quyết liệt hơn. Đỉnh dịch mới ở Singapore Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 3/4 tuyên bố tăng cường các biện pháp phòng dịch, gọi đây là "cầu dao" ngắt mạch lây lan của đại dịch COVID-19 ở Singapore. Trong vòng 1...