Singapore công bố Chiến lược thu hồi tài sản quốc gia
Singapore vừa công bố Chiến lược thu hồi tài sản quốc gia (NARS), đưa ra cách tiếp cận toàn diện đối với việc thu hồi các khoản tiền và tài sản bất hợp pháp từ tay tội phạm cũng như việc tịch thu các tài sản này hoặc trả lại cho người bị hại.
Tiền đô la Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chiến lược mới của Singapore được Thủ tướng Lawrence Wong công bố ngày 26/6 tại lễ khai mạc phiên họp toàn thể của Lực lượng Đặc trách hành động tài chính (FATF) diễn ra tại Singapore và là một phần trong các nỗ lực của không ngừng của Singapore nhằm tăng cường cơ chế chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CFT).
Chiến lược NARS của Singapore sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính, gồm phát hiện các hoạt động tội phạm và đáng ngờ bằng cách truy dấu các khoản tiền bất hợp pháp; thu hồi số tiền bất chính của tội phạm thông qua việc bắt giữ và tịch thu ngay lập tức; tối đa hóa việc thu hồi tài sản để sung công hoặc trả cho người bị hại và ngăn ngừa việc tội phạm sử dụng Singapore để ẩn náu, di chuyển hoặc hưởng thụ tài sản bất hợp pháp.
Theo thông cáo báo chí do Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), thu hồi tài sản là một trong những trụ cột chính của cơ chế chống rửa tiền của Singapore.
Cơ chế này giúp ngăn chặn dòng tài sản bất hợp pháp chảy qua hệ sinh thái tài chính của Singapore, đồng thời vẫn chào đón các doanh nghiệp hợp pháp. Từ tháng 1/2019 – 6/2024, Singapore đã tịch thu 6 tỷ đôla Singapore (SGD), tương đương 4,4 tỷ USD, liên quan đến các hoạt động tội phạm và rửa tiền, trong đó 416 triệu SGD đã được trả lại cho nạn nhân và 1 tỷ SGD được sung công quỹ nhà nước.
Singapore đánh giá, trên phạm vi toàn cầu, các hoạt động rửa tiền ngày càng phức tạp, liên quan đến sự di chuyển nhanh chóng của những khoản tiền lớn bất hợp pháp qua các khu vực pháp lý khác nhau và ảnh hưởng đến một số lượng đáng kể nạn nhân.
Cụ thể ở Singapore, một tỷ lệ lớn các vụ rửa tiền ở đây có tính chất xuyên quốc gia, liên quan đến tội phạm nguồn gốc nước ngoài và các tập đoàn tội phạm nước ngoài sử dụng các phương pháp tinh vi và phức tạp, bao gồm các thủ đoạn phân lớp và công nghệ kỹ thuật số, để che giấu việc di chuyển các dòng tiền bất hợp pháp xuyên biên giới.
Xử lý vết dầu loang tại đảo Sentosa sẽ mất 3 tháng
Ngày 24/6, Bộ trưởng Môi trường và Bền vững Singapore, bà Grace Fu cho biết sẽ mất 3 tháng để hoàn thành công tác xử lý các vết dầu loang tại các bãi biển Tanjong và Palawan ở khu nghỉ dưỡng Sentosa của nước này.
Công nhân dọn dầu loang trên bãi biển Tanjong ở đảo Sentosa, Singapore ngày 16/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA), các tổ chức nhà nước và tư nhân đã triển khai hơn 700 nhân viên cho hoạt động dọn dẹp các vết dầu loang và đã thu gom được 550 tấn cát cũng như rác thải dính dầu ở các bãi biển bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Grace Fu cho biết hoạt động dọn dẹp trong giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào loại bỏ những vết dầu còn sót lại ở một số khu vực không dễ tiếp cận, như đê chắn sóng và bãi đá. Theo bà, chính phủ cũng đang theo dõi tác động dài hạn tại các khu vực đa dạng sinh học dễ bị tổn thương.
Sự cố tràn dầu xảy ra ngày 14/6 vừa qua sau vụ va chạm giữa tàu nạo vét treo cờ Hà Lan và tàu chở dầu Marine Honor treo cờ Singapore.
Vết dầu loang đến đảo Sentosa, cũng như nhiều bãi biển và công viên khắp Singapore gây ảnh hưởng đến hoạt động giải trí trong khu vực. Sự cố trên còn ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân khi một số người dân tại Sentosa Cove buộc phải rời khỏi nhà trong ngày 15/6 do mùi khó chịu. Các doanh nghiệp du thuyền đã phải chịu tổn thất, trong khi khách du lịch thất vọng vì tình trạng ô nhiễm.
Singapore nỗ lực xử lý sự cố tràn dầu trên biển Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, công tác dọn dẹp, xử lý sự cố tràn dầu tại nhiều bờ biển ở Singapore đang được triển khai khẩn trương trong bối cảnh nhiều bãi biển phải đóng cửa; thiệt hại cho hoạt động du lịch cũng như hệ sinh thái là đáng kể. Dầu loang trên bãi biển Siloso ở đảo Sentosa, Singapore, ngày...