Sin Suối Hồ mùa hoa dã quỳ
Chúng tôi lên Sin Suối Hồ vào mùa hoa dã quỳ. Màu hoa vàng trên những ngả đường làm cho cảnh làng bản thêm ấm áp bên thềm năm mới.
Những mái nhà gỗ lô nhô trong sương. Những cánh ruộng bậc thang uốn lượn gần xa. Đỉnh Sơn Bạc Mây nhô lên giữa cao xanh. Ở độ cao 1.500 mét, Sin Suối Hồ thật trong trẻo, yên bình khi một ngày mới bắt đầu.
Bản trong mây.
Những năm gần đây, Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng nổi tiếng của Lai Châu, được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Sức hấp dẫn của Sin Suối Hồ không chỉ là phong cảnh đẹp mà còn ở nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của cộng đồng người Mông, là các dịch vụ du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với con người nơi vùng cao biên giới.
Ruộng bậc thang ở Sin Suối Hồ.
Đầu năm 2023, diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế ở thành phố Yogyakarta (Indonesia) đã vinh danh Sin Suối Hồ là một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN năm 2022. Chủ tịch xã Sin Suối Hồ Chẻo Quẩy Hòa và ông Hảng A Xà, mục sư hội thánh Tin lành ở đây đã có mặt trong sự kiện đặc biệt đó.
Đường về bản mùa hoa dã quỳ.
Với gần 150 gia đình, dân số trên 700 người, Sin Suối Hồ đã có gần 20 homestays, có thể phục vụ cùng lúc cả trăm du khách. Các hộ gia đình trong bản điều tham gia hoạt động dịch vụ du lịch dưới các hình thức khác nhau, bên cạnh các hoạt động sản xuất vốn có ở vùng này.
Video đang HOT
Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cho biết, nhờ phát triển du lịch, thu nhập trung bình người dân trong bản đạt khoảng 35 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quân 25 triệu/người của cả xã. Năm qua, dù còn bị ảnh hưởng của thời kỳ sau đại dịch, Sin Suối Hồ đón khoảng 20 ngàn du khách từ nhiều vùng trong cả nước. Khách du lịch từ một số quốc gia trên thế giới đã đến đây. Trong thời gian tới, số du khách dự báo sẽ tăng lên.
Đã có trên 20 homestays ở Sin Suối Hồ.
Để có được những bước phát triển như ngày nay, Sin Suối Hồ đã trải qua một đoạn đường dài. Trong câu chuyện kể với mọi người, mục sư Hảng A Xà và những người có tuổi ở đây nhắc về những năm tháng Sin Suối Hồ khó khăn nhất: Nạn nghiện hút lần tràn, cái đói đeo đuổi các gia đình, những hủ tục lạc hậu kìm hãm con người, cuộc sống trong vòng lẩn quẩn tưởng như không có lối thoát. Khát vọng đổi thay đến từ những năm 90, khi những người lãnh đạo chính quyền, hội thánh Tin lành và người dân cùng chung sức đồng lòng cho những công việc khởi đầu cần thiết nhất như tổ chức cai nghiện cho thanh niên, vận động người dân góp công sức cùng chính quyển làm hệ thống đường bê tông; tổ chức lại sản xuất, đời sống, xây dựng thôn bản.
Sin Suối Hồ có một chương trình phát triển du lịch khá bài bản: Khôi phục các hoạt động văn hóa dân tộc, thiết kế nhiều chương trình tham quan cho khách, xây dựng các homestays, đào tạo nguồn nhân lực làm dịch vụ, xây dựng chợ phiên Sin Suối Hồ mang đậm bản sắc văn hóa Mông… Những cố gắng ấy được thực hiện một cách bền bỉ, qua từng năm, mang lại những đổi thay và tạo sức lan tỏa cho bản nhỏ vùng sâu biên giới này.
Phiên chợ sớm.
Du khách đến Sin Suối Hồ ngày nay được thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, ở trong các homestays đủ tiện nghi, thưởng thức những món ăn dân tộc đặc sắc, dự chợ phiên văn hóa, tham gia các chương trình dân vũ, ca hát cùng người dân ở đây.
Chúng tôi đã thăm chợ Sin Suối Hồ và trò chuyện với những người dân. 54 gian hàng tượng trưng cho 54 dân tộc anh em được trưng bày khá đẹp mắt. Những bộ quần áo dân tộc màu sắc rực rỡ là sản phẩm từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ ở đây. Những sản vật như măng khô, thảo quả, sâm đất… được bày bán cùng với những chậu hoa địa lan, một loại cây đặc sắc, đang là nguồn thu khá lớn cho người dân.
Cô Vàng Thị Dứ: Du khách rất thích dự các phiên chợ văn hóa.
Theo lời cô Vàng Thị Dứ, một người bán hàng, du khách đến Sin Suối Hồ rất thích tham dự các phiên chợ. Các gia đình trong bản bán được sản phẩm, có thêm thu nhập nâng cao đời sống. Nét đặc biệt của văn hóa sống tại đây là các gian hàng bày qua đêm, không cần người trông cũng không lo mất mát, thất lạc. Vàng Thị Dứ năm nay hai mươi tuổi, có hai con trai, chồng làm thợ xây dựng. Cô mời chúng tôi những lát sâm đất mát, có vị ngọt nhẹ của Sin Suối Hồ.
Một khu dịch vụ.
Chúng tôi đến thăm homestays Tổ Chim của gia đình anh chị Vàng A Lử và Hảng Thị Nú. Chị Hảng Thị Nú là con gái mục sư Hảng A Xà, người rất có công trong quá trình phát triển, đưa Sin Suối Hồ đi lên như hiện nay. Chị Hảng Thị Nú đưa chúng tôi đi thăm và chia sẻ: Khu homestay có tất cả 6 “tổ chim”. Mỗi “tổ chim” khép kín, đủ tiện nghi, có thể ở được một gia đình nhỏ. Du khách có thể xem đội diễn văn nghệ trong bản diễn tại chỗ. Để xây dựng khu homestay này, vợ chồng chị đã vay 100 triệu đồng từ ngân hàng, số còn lại là do gia đình lo. Do có khách thường xuyên nên thu nhập được bảo đảm. Ngoài ra, gia đình chị vẫn làm vườn, chăn nuôi gia súc. Các gia đình khác trong bản, nếu không mở homestays thì cũng tham gia làm các dịch vụ như mở quán cà phê, kinh doanh nhà hàng hoặc bán hàng lưu niệm… Các homestays ở đây đều là nhà gỗ với mô hình truyền thống của người Mông, có biển hiệu cung cấp thông tin về chủ nhà, các dịch vụ, số điện thoại để du khách tiện liên hệ. Một cách làm du lịch rất bài bản đã hình thành ở Sin Suối Hồ.
Dịch vụ cho du khách.
Những năm tới, Sin Suối Hồ tiếp tục được phát triển theo mô hình điểm du lịch cộng đồng, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, gắn với việc bảo đảm môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp, hướng tới mục tiêu trở thành làng văn hóa đặc trưng, tiêu biểu.
Trong tiếng Mông, Sin Suối Hồ có nghĩa là “Suối có vàng”. Người dân ở đây đã tìm thấy “vàng” ấy trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và trong tinh thần gắn kết cộng đồng, chung tay xây dựng quê hương . Mùa hoa dã quỳ năm nay ở Sin Suối Hồ rất đẹp, báo hiệu một năm mới nhiều may mắn an lành cho bản vùng cao biên giới cực Bắc này.
Che Căn - Bản du lịch cộng đồng
Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km, Che Căn là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn đối với du khách khi đến với xã Mường Phăng (tỉnh Điện Biên).
"Nhà tổ chim" ở Sin Suối Hồ - Điểm nhấn thu hút khách du lịch
Toàn cảnh bản Che Căn (ảnh Việt Linh)
Bản Che Căn dựa lưng vào một phần của dãy núi Pú Đồn, có đỉnh Tó Cọ cao hơn 1.700m so với mực nước biển. Chính trên đỉnh núi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt đài quan sát để theo dõi diễn biến, hình thái chiến trường tại lòng chảo Mường Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi trải nghiệm các hoạt động tại bản Che Căn, du khách sẽ thăm quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng.
Bản Che Căn có từ trước năm 1954. Nguyên gốc hai từ "Che Căn" là "Che Cẳn", với ý nghĩa che chở cho nhân dân ngăn cản giặc ngoại xâm. Trước đây, cảnh bản làng hoang vắng, dân cư thưa thớt, sinh sống trong những căn nhà sàn nhỏ, đơn sơ giữa núi rừng âm u, đời sống dân cư khó khăn, chủ yếu làm nương, trồng ngô, sắn. Sau năm 1954, người dân trong bản mới có điều kiện làm nhà sàn to hơn, vững chãi hơn, cuộc sống dần phát triển hơn với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, khai hoang diện tích trồng lúa nước, cây ăn quả... Hiện nay, chính quyền địa phương đã xác định và triển khai những mô hình để Che Căn trở thành bản kiểu mẫu về du lịch cộng đồng, điểm dừng chân lý tưởng đối với khách du lịch.
Homestay Phương Đức
Vào độ cuối thu, những cánh đồng lúa trải vàng hai bên con đường bê tông thẳng tắp dẫn lối vào với bản Che Căn. Với gần 100 hộ (100% đồng bào dân tộc Thái) bản Che Căn đang lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái truyền thống độc đáo. Tới đây, du khách có dịp khám phá, tìm hiểu những kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, chế tác nhạc cụ....
Khám phá nghề Dệt
Ở Che Căn, du khách sẽ trải nghiệm ngủ nhà sàn độc đáo của người dân tộc Thái, trong đó tiêu biểu là homestay Phương Đức. Theo anh Lò Văn Đức - chủ homestay, gia đình anh được Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hỗ trợ tư vấn, đã nâng cấp hai ngôi nhà sàn kề nhau, xây dựng thêm các công trình phụ, mua sắm trang thiết bị đủ phục vụ khoảng 50 khách. Nơi đây có dịch vụ xe đạp dành cho du khách khám phá khắp bản làng với không gian bản thoáng đãng, những con ngõ sạch sẽ, muôn hoa đua sắc khắp nơi, đắm mình giữa thiên nhiên đồng lúa trải dài...
Trải nghiệm đi xe trâu
Một trải nghiệm thú vị ở Che Căn đó là ngồi xe trâu ngắm nhìn, khám phá quanh bản với cảm giác lạ lẫm, xen lẫn sự hồi hộp, thích thú. Ngoài ra, trải nghiệm thu hái nông sản theo mùa, dùng nơm úp cá... cũng là những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn và được nhiều du khách yêu thích, lựa chọn khi đến với Mường Phăng.
Tại bản Che Căn, du khách có dịp thưởng thức văn hóa ẩm thực hấp dẫn của đồng bào Thái với các món ngon như: Cá nướng (pa pỉnh tộp), nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, nậm pịa, gà nướng mọi, lợn bản hấp lá chuối, lạp sườn gác bếp, gỏi cá, măng rừng luộc chấm chẳm chéo, xôi tím, xôi ngũ sắc... Xuất phát từ điều kiện địa lý, khí hậu và tập quán sinh hoạt nên những món ăn của cộng đồng dân tộc Thái đen ở Che Căn luôn có hương, vị, sắc màu độc đáo, hấp dẫn. Sau bữa tối, du khách có dịp hòa mình cùng bà con dân bản trong không gian văn hóa văn nghệ đậm chất đồng bào dân tộc Thái, với những điệu xòe, nhảy sạp.
Đỉnh Sơn Bạc Mây - Tọa lạc trên bản "Suối có vàng" Đỉnh Sơn Bạc Mây tọa lạc trên bản Sin Suối Hồ "Suối có vàng", nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), cách trung tâm xã Sin Suối Hồ chưa đầy 4km. Thác Hoa - Phiên bản "thác Bản Giốc thu nhỏ" tại Hạ Lang Đến Sơn Bạc Mây thượng...