Siêu oanh tạc cơ toàn cầu, giấc mộng dở dang của phát xít Đức
“Chim bạc” Silbervogel là loại máy bay ném bom siêu thanh toàn cầu mà không quân Đức Quốc xã lên kế hoạch sản xuất để tấn công nước Mỹ, nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng.
Mô hình máy bay ném bom toàn cầu Sibervogel. Đồ họa: Eprogram
Giữa năm 1943, cục diện Thế chiến II đã đảo chiều khi máy bay ném bom B-17 của Mỹ hủy diệt các nhà máy công nghiệp tại nhiều thành phố của Đức, khiến cho nền kinh tế cũng như tiềm lực quốc phòng nước này có khả năng bị kiệt quệ.
Nhiều lãnh đạo phát xít đã bắt đầu lo sợ cho kết cục xấu của chế độ Quốc xã, trong đó có Hermann Goering, tư lệnh không quân Đức.
Goering cho rằng nếu không làm gì đó để tấn công các nhà máy sản xuất máy bay của Mỹ, nước Đức chắc chắn sẽ thất bại. Bởi vậy, ông ta ra lệnh cho một kỹ sư gốc Áo là Eugen Sanger thiết kế một loại máy bay ném bom tầm xa có khả năng tấn công chớp nhoáng nước Mỹ trong thời gian ngắn nhất, theo Air Défense.
Trên thực tế, ý tưởng về loại máy bay siêu thanh dùng tên lửa đẩy đã được kỹ sư tài năng này đề xuất vào tháng 2/1936 nhưng không thu hút được nhiều sự chú ý, bởi các lãnh đạo Quốc xã rất tự tin vào sức mạnh không quân của mình và cho rằng loại máy bay này là không cần thiết.
Khi tình hình trở nên cấp bách, Sanger nhanh chóng được tạo mọi điều kiện để nghiên cứu trong một nhà máy bí mật ở miền bắc nước Đức. Vài tháng sau, Sanger đệ trình lên Goering một bản báo cáo dài 900 trang cùng những bản vẽ của một loại máy bay ném bom với những tính năng hiện đại đến kinh ngạc với biệt danh Silbervogel (Chim bạc).
Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong đó có tên lửa đẩy V-2 thuộc dự án các loại vũ khí răn đe siêu việt của Đức càng làm Goering tin tưởng rằng Silbervogel sẽ nhanh chóng được chế tạo thành công.
Video đang HOT
Bản thiết kế sơ bộ Silbervogel của kỹ sư Eugen Sanger. Ảnh: Panzefux
Silbervogel hoạt động theo nguyên lý giống tàu con thoi hiện nay. Theo dự án của Sanger, Silbervogel sẽ dùng một tên lửa đẩy V-2 và một đường ray có chiều dài khoảng 2,7 km để phóng lên quỹ đạo thấp (khoảng 150 km) với tốc độ hàng nghìn km/h.
Khi máy bay rời khỏi đường ray, một tên lửa đẩy thứ hai bên trong máy bay sẽ làm thay đổi quỹ đạo của nó và đẩy máy bay lên độ cao của quỹ đạo. Trên quỹ đạo, Silbervogel lại hoạt động như một chiếc tàu lượn, trượt trên lớp đệm không khí giống như viên đá lướt trên mặt nước với vận tốc lên đến 22.000 km/h. Với tốc độ này, máy bay sẽ có thể đi được nửa vòng Trái Đất chỉ trong hai giờ.
Với những tính năng này, Silbervogel có khả năng tấn công ở bất kỳ đâu trên thế giới. Dù lúc đó Đức Quốc xã chưa có khả năng chế tạo bom nguyên tử, các lãnh đạo phát xít đã có kế hoạch dùng một loại bom bẩn có khả năng phát tán bụi phóng xạ vào khí quyển.
Goering lúc đó đã lên kế hoạch lắp trên máy bay của Sanger một loại bom chứa 2.300 kg thuốc nổ bọc trong một lớp silicat nhiễm phóng xạ. Quả bom này có thể được thả để nổ trên không ở độ cao 600-900 m. Silicat nhiễm xạ sẽ phát tán bụi phóng xạ và gây ra thảm họa chết chóc trong phạm vi lớn.
“Về lý thuyết, đây thực sự là một loại vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến”, tiến sĩ Daivid Baker, nhà sử học không gian người Mỹ nhận định.
Nhưng Sanger biết rõ rằng thiết kế của mình cần mất nhiều năm để hoàn thành, nhưng trong lúc liều lĩnh tìm kiếm nguồn đầu tư cho dự án, ông đã nói dối Goering về tiến độ thực sự. Thậm chí ông còn thuyết phục các lãnh đạo Đức Quốc xã rằng, máy bay ném bom toàn cầu có thể là công cụ tuyên truyền hữu hiệu cho họ.
Khi Goering nhận ra đó là một ý tưởng quá xa vời, thái độ của viên thống chế không quân này thay đổi hoàn toàn. Nhận thấy Sanger đang làm lãng phí tài nguyên và tiền bạc của mình trong thời chiến, Goering hủy bỏ dự án chế tạo Chim bạc, còn Saenger tìm đường đào thoát sang Pháp.
Sau chiến tranh, phe Đồng minh đã nghiên cứu kỹ bản thiết kế Silbervogel của Sanger, và một số tính năng của nó, ví dụ như hệ thống tái xâm nhập bầu khí quyển Trái Đất, được áp dụng trong các tàu con thoi hiện đại.
Các chuyên gia vũ trụ hiện đại của Mỹ khẳng định để phóng một vật thể lớn như máy bay ném bom Silbervogel lên quỹ đạo Trái Đất, các kỹ sư phải sử dụng tên lửa đẩy đa tầng gắn bên ngoài. Việc đưa một chiếc máy bay nặng nề lên quỹ đạo chỉ bằng nhiên liệu mà nó mang theo là điều không tưởng.
“Tuy nhiên, những ý tưởng của Sanger đã ảnh hưởng rất lớn tới các nghiên cứu về du hành không gian ở Mỹ sau chiến tranh. Một loạt các khái niệm tàu vũ trụ đã được phát triển dựa trên lý thuyết của ông”, tiến sĩ Baker khẳng định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Những sự thật kinh hoàng về thảm sát Holocaust
Ngày hôm nay 27.1 được Liên Hiệp Quốc lấy làm Ngày Tưởng niệm các nạn nhân của nạn diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến II (1939-1945) - còn được gọi là thảm sát Holocaust.
Hình ảnh trong trại tử thần của Hitler do quân đội Anh chụp - Ảnh: AFP
Sau đây là những sự thật đau lòng về cuộc tàn sát dã man này:
1. Holocaust là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái ở châu Âu, gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em trong thời gian Thế chiến II do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra. Đức Quốc xã gọi đây là "Giải pháp tối hậu cho vấn đề Do Thái".
2. Khoảng 5 triệu người không phải là người Do Thái cũng bị giết hại kinh hoàng trong cuộc thảm sát này, tronng đó có khoảng 220.000 - 500.000 người Gypsy, theo trang Dosomething.org.
3. Trùm phát xít Hitler đã cho xây dựng hơn 20.000 trại tử thần trên khắp châu Âu để hành quyết người Do Thái.
4. Triết lý của Hitler là chủng tộc nào thông minh hơn, khỏe mạnh hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn sẽ là chủng tộc có quyền tồn tại; chủng tộc nào dốt nát, ốm yếu, kém thích nghi với môi trường sẽ bị đào thải.
5. Ban đầu, Đức Quốc xã hành quyết dân Do Thái bằng cách bắn xâu chuỗi theo hàng dọc, sau đó chuyển sang dùng thuốc nổ, súng máy. Tuy nhiên, do dân Do Thái bị bắt vào trại tập trung càng đông nên những cách thức này không còn hiệu quả. Vào tháng 10.1941, phát xít Đức đã nhốt những người Do Thái vào trong những chiếc xe tải lớn và dùng chính khí thải từ động cơ để hành quyết. Một thời gian sau, phương pháp "xử lý phòng kín" được áp dụng triệt để. Hàng trăm người bị nhồi nhét trong phòng kín trước khi khí độc được bơm vào làm họ ngạt đến chết.
Cổng vào một trong hàng nghìn địa ngục thảm sát người Do Thái - Ảnh: AFP
6. Trẻ em trở thành mục tiêu sát hại tàn bạo nhất vì phát xít Đức cho rằng thế hệ trẻ là nguồn gốc đe doạ duy nhất. Nhiều trẻ em đã bị chết ngại khi ngồi trong những chiếc xe chở quá tải. Số trẻ em sống sót sẽ được đưa đến phòng hơi ngạt để hành hình.
7. Dã man hơn, quân phát xít đã dùng tóc và da của các nạn nhân để làm cơ chế nổ bom, dây thừng... Hằng tháng, chỉ huy trại tập trung yêu cầu nhân viên cấp dưới nộp báo cáo về số lượng tóc thu thập được. Khi quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng trại tập trung Birkenau vào ngày 18.1.1945, họ phát hiện gần 7.000 kg tóc người đựng trong các bao giấy, theo trang World War 2 Diaries.
8. Ngoài ra, các thí nghiệm rùng rợn cũng được tiến hành trên cơ thể người Do Thái như bỏ đói nạn nhân, đo thời gian họ sống được mà không có đồ ăn, ngâm mình trong nước lạnh bao lâu thì chết... thậm chí là kiểm tra xem trẻ em không được bú sữa mẹ có thể sống sót được trong bao lâu.
9. Ước tính, 2/3 số lượng người Do Thái ở châu Âu đã bị giết hại trong Thế chiến II, đẩy cuộc thảm sát trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất cho một dân tộc, vốn dĩ tài trí nhưng có số phận bi thương.
Vì trong 3500 năm lịch sử, đến 2000 năm họ đã phải sống lưu vong, chịu đựng biết bao cuộc tấn công, tàn sát và bị bắt làm nô lệ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dân tộc Do Thái luôn có sức sống lâu bền, không bị đồng hóa và họ phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Huỳnh Mai
Theo Thanhnien
Tiết lộ bất ngờ về người tình lâu năm của Hitler Eva Braun là người tình lâu năm của Hitler và đã trở thành vợ của trùm phát xít này trong hơn 40 giờ trước khi tự sát. Eva là người tình lâu năm của Hitler khi gặp trùm phát xít Đức lần đầu năm 1929. Khi đó, Eva Braun 17 tuổi. Bất chấp sự phản đối của bố mẹ, Eva quyết định gắn...