Siêu dự án sông Hồng và cảnh báo một tư duy nguy hiểm
Bất cứ ý tưởng độc chiếm nào đối với dòng sông này cũng sẽ mang lại những tác động tiêu cực tới tất cả cộng đồng sinh sống cùng dòng sông.
Với tính chất nghiêm trọng và những tác động khó lường của việc can thiệp vào dòng sông Hồng, siêu dự án sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện có thể sẽ không được thông qua cho dù Bộ Kế hoạch đầu tư đã đánh giá là “cần thiết”. Tuy nhiên, ý tưởng sở hữu sông Hồng của một doanh nghiệp như Xuân Thiện cần được nhìn nhận như một thứ tư duy nguy hiểm.
Sông Hồng, với dòng chảy dài hơn 500 km xuyên qua chiều ngang rộng lớn của đất nước là một đại công trình thủy lợi tự nhiên trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Đó là tài sản quốc gia, và bất cứ ý tưởng độc chiếm nào đối với dòng sông này cũng sẽ mang lại những tác động tiêu cực tới tất cả cộng đồng sinh sống cùng dòng sông.
Dự án do Công ty Xuân Thiện đề xuất và đã được Bộ Kế hoạch đầu tư tiếp nhận, đánh giá và trình Thủ tướng phê duyệt với hình thức đầu tư BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành) tức là không có điều kiện chuyển giao. Như vậy, nếu được chấp thuận, Xuân Thiện sẽ vĩnh viễn sở hữu toàn bộ dòng chảy của sông Hồng, không những biến dòng sông này thành tuyến đường thủy độc quyền khai thác của doanh nghiệp mà còn nắm quyền điều tiết toàn bộ dòng sông bằng 6 công trình thủy điện.
Ý tưởng đó trở nên nguy hiểm khi được Bộ Kế hoạch đầu tư tiếp nhận và xác định là một dự án cần thiết của quốc gia khi mà không chỉ chưa hề có những đánh giá tác động cụ thể, mà thậm chí những căn cứ tối thiểu còn chưa được làm rõ.
Dự án này sẽ tác động ra sao đối với mức độ ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, sạt lở, an toàn đê điều…? Tất cả những câu hỏi này đều chưa được trả lời.
Video đang HOT
Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất xây 6 công trình thủy điện trên sông Hồng.
Kỳ lạ hơn, mặc dù đề xuất xây dựng 6 công trình thủy điện, nhưng cho đến thời điểm này thì vị trí đặt các đập thủy điện đó vẫn chưa được xác định. Thậm chí cũng chưa hề có trong quy hoạch ngành của Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Căn cứ để xác định tổng vốn đầu tư với con số 24.510 tỷ đồng cũng chưa hề có. Ý kiến của Bộ Tài chính đối với dự án này, được báo Tuổi trẻ dẫn nguồn, cho biết là “dự án không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn”, các tính toán của doanh nghiệp mới là sơ bộ, chưa thể hiện rõ sử dụng công nghệ nào, phương án giải phóng mặt bằng ra sao, giải quyết lãi vay theo cách nào…
Với những thông tin trên, có thể nhìn thấy, dù chưa hề có những nghiên cứu, phân tích, tính toán cụ thể về những vấn đề liên quan, song Xuân Thiện vẫn tự tin ấn định số tiền đầu tư và trình đề án để sở hữu sông Hồng. Vì sao lại có sự tự tin này? Phải chăng đây là một “kinh nghiệm” của Xuân Thiện, rằng: Chiếm hữu được tài nguyên quốc gia thì kiểu gì cũng thành công!
Xuân Thiện là một doanh nghiệp thuộc tập đoàn Xuân Thành, đi lên từ những dự án xây dựng hạ tầng ở Ninh Bình, sau đó là xi măng. Có lẽ, kinh nghiệm từ việc sở hữu nguồn tài nguyên đá vôi ở Ninh Bình đã làm nên sự tự tin này.
Nếu lý do để Xuân Thiện đề xuất một siêu dự án vô tiền khoáng hậu đối với sông Hồng mà không cần tính toán xuất phát từ tư duy chiếm hữu tài nguyên bằng mọi giá thì đây thực sự là một tư duy nguy hiểm. Và tất cả những ai có trách nhiệm với tương lai đất nước thì không thể dễ dãi cổ vũ cho tư duy này.
Theo Danviet
Xây 6 thủy điện trên sông Hồng: Chắc chắn tác động đến môi trường
Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án xây dựng 6 thủy điện trên sông Hồng của doanh nghiệp Xuân Thiện (Thaigroup) của bầu Thụy
Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT). Dự án trị giá khoảng 24.500 tỷ đồng, lập tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.
Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thuỷ điện cấp II kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm.
Đồng thời, Xuân Thiện sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến: cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). Địa điểm xây dựng thuộc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.
Xuân Thiện cho rằng siêu dự án có sẽ mở ra một tuyến vận tải thuỷ thông suốt giữa miền núi và đồng bằng.
Trả lời về dự án này, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đây mới là dự án sơ khai ban đầu đề xuất và dừng ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án.
"Muốn đầu tư dự án còn phải qua ít nhất hai bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cá nghiên cứu khả thi và cơ quna nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư. Với các nhà đầu tư, chúng ta khuyến khích các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là anh được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP", ông Tự cho hay.
Ông Tự khẳng định: "Chúng tôi nhận thấy dự án chắc chắn có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu... thì phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này".
Theo ông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bước đầu báo cáo Chính phủ. Dự án này kéo dài từ Lào Cai suốt dọc sông như vậy, ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Và đặc biệt cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào... tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ.
"Tất cả những vấn đề như vậy hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu. Những vấn đề môi trường mà nhà báo quan tâm là hoàn toàn chính đáng và chỉ có thể giải quyết được ở giai đoạn sau", ông Tự nói.
Theo_NDH
"Siêu dự án" thủy điện trên sông Hồng sẽ ảnh hưởng tới đê hạ lưu Đó là nhận định của ông Vũ Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) khi chia sẻ với Dân Việt sáng 5.5 về siêu dự án đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đưa ra ý tưởng...